Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa và bản Đề cương Văn hóa 1943

Thứ Sáu 10/02/2023 | 10:00 GMT+7

VHO- Những nội dung được thể hiện trong bản Đề cương về Văn hóa năm 1943 có sự tương đồng vô cùng lớn với tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, cho thấy sự thống nhất về tư tưởng chỉ đạo của Đảng nói chung cũng như của Tổng Bí thư Trường Chinh - người học trò xuất sắc của Người.

  Tổng Bí thư Trường Chinh trao đổi với Chủ tịch Hồ Chí Minh về những văn kiện Đại hội lần thứ II của Đảng (Tuyên Quang, tháng 2.1951). Ảnh: BẢO TÀNG HỒ CHÍ MINH

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm đến văn hóa. Tư tưởng của Người về văn hóa luôn dẫn dắt, định hướng trong quá trình xây dựng, phát triển, nâng cao tầm vóc nền văn hóa Việt Nam. Người luôn cho rằng “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Văn hóa là nền tảng, là động lực cho sự phát triển xã hội. Tầm ảnh hưởng của tư tưởng Người về văn hóa không chỉ đối với sự phát triển văn hóa dân tộc, mà còn đối với sự phát triển của nền văn hóa thế giới, văn hóa của tương lai.

Bản Đề cương Văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943 dưới sự chỉ đạo của Đảng mà Tổng Bí thư Trường Chinh là người khởi thảo là văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ. Văn kiện ra đời vào thời điểm tình hình đất nước vô cùng căng thẳng giữa nhiều kẻ địch (phát xít Nhật, thực dân Pháp). Chúng dùng văn hóa làm sợi dây trói buộc tư tưởng, làm nhiều thành phần trí thức Việt bị hoang mang, mất phương hướng. Trong tình hình như vậy, Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng họp từ ngày 25 đến 28.2.1943 đã bàn biện pháp đối phó với tình hình, quyết tâm đẩy mạnh phong trào đấu tranh cách mạng trong cả nước, tiến tới chặn đứng và đập tan âm mưu, thủ đoạn xâm lược của phát xít Nhật và thực dân Pháp. Tại Hội nghị, Đảng ta khẳng định rõ thái độ của mình đối với vấn đề văn hóa thông qua bản Đề cương Văn hóa Việt Nam.

Đề cương văn hóa đã phân tích đúng đắn tình hình đời sống văn hóa dưới ách Pháp - Nhật, vạch ra đường lối văn hóa cách mạng và những nhiệm vụ trước mắt, tiến tới xây dựng nền văn hóa dân tộc, nhân dân, mang tới một sự thay đổi có tính đột phá về tư tưởng, về văn hóa. Các nội dung được thể hiện trong bản Đề cương có một sự tương đồng vô cùng lớn với tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, cho thấy một sự thống nhất về tư tưởng chỉ đạo của Đảng nói chung cũng như của Tổng Bí thư Trường Chinh - người học trò xuất sắc của Người.

Nội dung Đề cương đưa ra cách đặt vấn đề với phạm vi: Văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật; xác định rõ quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị: Nền tảng kinh tế của một xã hội và chế độ kinh tế dựng trên nền tảng ấy quyết định toàn bộ văn hóa của xã hội kia (hạ tầng cơ sở quyết định thượng tầng kiến trúc); thể hiện rõ thái độ của Đảng Cộng sản Đông Dương đối với vấn đề văn hóa, gồm: Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa), ở đó người cộng sản phải hoạt động/ Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa/ Có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả.

Ngay từ đây đã cho thấy rõ sự tương đồng về mặt tư tưởng của hai lãnh tụ: Hồ Chí Minh và Trường Chinh khi xác định văn hóa là một trong ba mặt trận cách mạng: Chính trị, kinh tế và văn hóa. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa đứng ngang hàng với các lĩnh vực hoạt động khác của xã hội: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”. Mối quan hệ giữa văn hóa và các lĩnh vực này được đan xen chặt chẽ với nhau, văn hóa phải ở trong kinh tế và chính trị và ngược lại. Văn hóa là nền tảng tinh thần của đời sống xã hội, là lĩnh vực thuộc về kiến trúc thượng tầng của xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Trình độ văn hóa của nhân dân nâng cao sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ. Nâng cao trình độ văn hóa của nhân dân cũng là một việc cần thiết để xây dựng nước ta thành một nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. “Phải đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ”, phải “xúc tiến công tác văn hóa để đào tạo con người mới và cán bộ mới cho công cuộc kháng chiến kiến quốc”.

Đề cương từ việc nêu lên lịch sử và tính chất văn hóa Việt Nam để chỉ rõ ra nguy cơ văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp. Phân tích rõ để thấy rằng chính sách văn hóa ngu dân của thực dân Pháp áp dụng với đồng bào ta mang tính phản động. Đề cương khẳng định cách mạng nhất định thắng lợi, văn hóa Việt Nam sẽ cởi được xiềng xích, đuổi kịp văn hóa mới, tiến bộ trên thế giới. Muốn vậy, phải làm cách mạng về văn hóa, “cách mạng văn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo”.

Từ đó, Đề cương đưa ra các nguyên tắc trong xây dựng nền văn hóa mới bao gồm: Dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. “Dân tộc hóa” của nền văn hóa mới là chống lại những ảnh hưởng của văn hóa nô dịch và văn hóa thuộc địa khiến cho văn hóa Việt Nam không thể phát triển độc lập. Nó chống lại tất cả các xu hướng văn hóa không vì dân tộc Việt Nam.

“Khoa học hóa” là chống lại tất cả những gì làm cho văn hóa thiếu tính khoa học và phản tiến bộ. “Đại chúng hóa” được giải thích là chống lại những xu hướng tư tưởng, những thứ văn hóa mị dân khiến cho văn hóa Việt Nam phản lại quyền lợi của đông đảo đại chúng, xa lánh đại chúng.

Điều này thể hiện đúng như quan điểm về xây dựng nền văn hóa mà Hồ Chủ tịch đã đưa ra: Với 5 điểm lớn định hướng cho việc xây dựng nền văn hóa dân tộc: “Xây dựng tâm lý: Tinh thần độc lập tự cường. Xây dựng luân lý: Biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng. Xây dựng xã hội: Mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội. Xây dựng chính trị: Dân quyền. Xây dựng kinh tế”.

Từ các nguyên tắc này, Đề cương đã đưa ra các nhiệm vụ cần kíp cần thực hiện để xây dựng một nền văn hóa cách mạng mới. Có thể kể đến như: Phải chống lại văn hóa phát xít, phong kiến, thoái bộ, nô dịch, ngu dân, phỉnh dân; phát huy văn hóa dân chủ thông qua việc tranh đấu bảo vệ học thuyết, tư tưởng, làm cho thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử thắng, tranh đấu về tông phái văn nghệ, chống chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa tượng trưng..., làm cho xu hướng tả thực xã hội chủ nghĩa thắng; tranh đấu về tiếng nói, chữ viết, thống nhất và làm giàu thêm tiếng nói, xác định phong cách văn Việt Nam, cải cách chữ quốc ngữ… Có thể thấy, Đề cương thể hiện rõ nguy cơ của nền văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp và phân tích mối quan hệ giữa cách mạng chính trị và cách mạng văn hóa; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng văn hóa. Đề cương Văn hóa đã vạch ra phương hướng đấu tranh đúng đắn chống thực dân, phát xít, xây dựng đường lối văn hóa mới của Đảng, tập hợp các nhà văn hóa, trí thức để tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Với Hồ Chí Minh, Người cụ thể hóa ba nguyên tắc dân tộc, khoa học, đại chúng của một nền văn hóa mới trên các lĩnh vực cụ thể như giáo dục, văn hóa văn nghệ, xây dựng đời sống mới, đạo đức mới. Ngay khi mới thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, Người đã chú trọng diệt giặc dốt ngang với giặc đói và giặc ngoại xâm. Điều này thể hiện rõ nét nhất tầm quan trọng của văn hóa đối với một dân tộc. Người nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” và do vậy, phải “làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập” . Vì vậy, tập trung xây dựng nền văn hóa mới là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược, lâu dài. Người có nhiều định hướng, quan điểm chỉ đạo cho nền văn hóa, văn nghệ nước nhà, đặc biệt là văn nghệ cách mạng, phải có tác dụng cổ vũ, động viên đối với toàn dân trong công cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước. Người từng nói: Văn hóa, văn nghệ là một mặt trận, người hoạt động văn hóa, nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy, tác phẩm văn nghệ là vũ khí sắc bén trong đấu tranh cách mạng. Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân... Nói tóm tắt là phải đặt lợi ích của kháng chiến, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết”.

Yếu tố đại chúng thể hiện rõ trong tư tưởng Hồ Chí Minh về việc văn hóa phải phục vụ cho nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân, của dân tộc làm cơ sở. Người luôn chú trọng để văn hóa không được xa rời đại chúng mà phải đi vào quần chúng, cổ động, biểu dương sự nghiệp cách mạng của nhân dân, có sự đánh giá, nhìn nhận đúng. Người căn dặn phải dùng những lời lẽ, thí dụ giản đơn, thiết thực và dễ hiểu. Làm thế nào cho ai cũng hiểu… Người cũng luôn nhắc nhở phải chú ý đến nhi đồng, đến phong tục văn hóa của các dân tộc thiểu số…Từ những nội dung cốt lõi đó, Người rất chú trọng đến việc xây dựng một nền văn hóa mới để làm nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế, xã hội, đất nước Việt Nam.

Đề cương Văn hóa Việt Nam đã ra đời 80 năm nhưng những nội dung đề cập trong đó, những giá trị tư tưởng đó vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Đó là sự thể hiện rõ nét tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, để văn hóa tiếp tục “soi đường cho quốc dân đi” trong công cuộc xây dựng và phát triển một nước Việt Nam “hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Chính vì vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh đã được ghi nhận và Người thực sự là “hiện thân cho khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”. 

 Dâng hương nhân kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh

Dâng hương, tưởng nhớ Tổng Bí thư Trường Chinh tại Khu lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh tại huyện Xuân Trường

Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh (9.2.1907 – 9.2.2023), sáng qua 9.2, Đoàn đại biểu Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Nam Định đến dâng hương, tưởng nhớ Tổng Bí thư Trường Chinh tại Tượng đài và Khu lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh tại huyện Xuân Trường.

Tại buổi lễ, các đại biểu đã thành kính dâng hương tưởng nhớ Tổng Bí thư Trường Chinh - người chiến sĩ cộng sản kiên cường, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà văn hóa lớn - người con ưu tú của quê hương Nam Định có nhiều công lao to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng chí Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ngày 9.2.1907 ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) trong một gia đình có truyền thống văn hóa giáo dục. Truyền thống gia đình, quê hương, đất nước đã góp phần hun đúc nên người cộng sản kiên cường, mẫu mực; nhà chính trị tài ba; nhà tư tưởng, lý luận chính trị kiệt xuất; nhà văn hóa lớn; người con ưu tú của quê hương Nam Định.

Với 81 năm tuổi đời, hơn 60 năm hoạt động cách mạng liên tục (từ 1925 - 1988), đồng chí đã được Đảng, Nhà nước phân công giữ nhiều trọng trách như Tổng Bí thư của Đảng; Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, cố vấn BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam… Trên mọi cương vị công tác, đồng chí Trường Chinh luôn thể hiện là người cán bộ lãnh đạo mẫu mực, tận tụy, yêu thương đồng chí, đồng bào; cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. 

 TS CHU ĐỨC TÍNH, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top