Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: “Chuyển hóa các trụ cột tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm của văn hóa”

Thứ Bảy 17/12/2022 | 16:15 GMT+7

VHO- Tại Hội thảo Văn hoá năm 2022, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã có bài phát biểu với nhiều nội dung quan trọng về “Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách và huy động nguồn lực cho phát triển văn hoá”. Người đứng đầu Bộ VHTTDL nhấn mạnh, toàn ngành VHTTDL tin tưởng và kỳ vọng rằng, sau Hội thảo sẽ thống nhất nhận thức, từ đó đi đến hành động trong vấn đề xây dựng thể chế, chính sách phát triển văn hoá của đất nước để “khơi thông nguồn lực”, “thúc đẩy sáng tạo” và chuyển hóa các trụ cột tài nguyên văn hóa vốn vô cùng giàu có, phong phú của dân tộc thành sức mạnh mềm của văn hóa.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trình bày tham luận với chủ đề" Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách và huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa" tại Phiên toàn thể

Tạo sức lan toả lớn trong vấn đề phát triển văn hoá

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, được sự nhất trí về chủ trương của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, với trách nhiệm là cơ quan đồng chủ trì Hội thảo, Bộ VHTTDL đã chủ động, tích cực phối hợp với Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh để thực hiện các phần việc được phân công, góp phần đưa Hội thảo đến thành công. Trong trách nhiệm chung, Bộ VHTTDL đã nỗ lực để hoàn thành và chỉ đạo các cơ quan thuộc Bộ chuẩn bị các tham luận gửi đến Hội thảo.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa, Bộ VHTTDL ý thức một cách sâu sắc rằng, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến lĩnh vực văn hoá, thể hiện rõ trong các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc, trong các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương, của Bộ Chính trị đều đã khẳng định Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước.

Gần đây nhất, Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 được tổ chức thành công đã tạo thêm động lực xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Phát biểu Kết luận Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu 6 nhiệm vụ trọng tâm mà cả hệ thống chính trị cần thực hiện trong thời gian tới. Song hành cùng 6 nhiệm vụ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đồng thời chỉ ra 4 giải pháp  thực hiện. Trong đó, giải pháp đầu tiên Tổng Bí thư đề cập là: “Tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hoá… Đối với công tác quản lý nhà nước, cần sớm khắc phục tình trạng chậm thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hóa, xây dựng con người... ”.

Sau gần một năm tổ chức thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Tổng Bí thư về vấn đề xây dựng văn hoá, các ngành, các cấp và Bộ VHTTDL đã tích cực tham mưu, tiến hành nhiều hoạt động, sự kiện văn hoá, các hội thảo khoa học quan trọng. Trong đó, để lại nhiều dấu ấn, thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học và những người thực hành văn hoá là Diễn đàn về “Công nghiệp văn hóa, du lịch và phát triển địa phương” do Bộ VHTTDL phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức; phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo khoa học “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Bộ trưởng khẳng định, những thành công này đã góp phần làm rõ hơn nội hàm, phương thức hoạt động, các thành tố mà tới đây khi được ban hành, triển khai theo hướng dễ hiểu, dễ nhớ, dễ triển khai thực hiện chắc chắn sẽ tạo sức lan toả lớn trong phát triển văn hoá.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng đầu tư cho văn hoá chính là đầu tư cho sự phát triển có tính chất bền vững

Hình thành các nguồn lực cho phát triển văn hoá

Theo Bộ trưởng, Hội thảo Văn hoá năm 2022 “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hoá” có ý nghĩa hết sức quan trọng. Lắng nghe ý kiến các nhà khoa học, các đại biểu và đặc biệt là nghiên cứu sâu các ý kiến định hướng, chỉ đạo, Bộ VHTTDL thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong lĩnh hội, cụ thể  hoá các nội dung này để triển khai trong thời gian tiếp theo.

Nhìn lại quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách huy động nguồn lực phát triển văn hoá, theo Bộ trưởng, kể từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đất nước ta tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, dù còn nhiều khó khăn, song với sự quan tâm của Đảng, chỉ đạo sát sao của Chính phủ và Quốc hội, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách phát triển văn hoá đã đạt được một số kết quả nổi bật bước đầu. Theo đó, quá trình đổi mới thể chế theo hướng hội nhập quốc tế đã từng bước hình thành khung chính sách phát triển văn hoá tương đối toàn diện. Ngành Văn hoá đã được Đảng, Nhà nước giao tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành 05 Luật, trình Chính phủ ban hành 50 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 14 Quyết định; cùng với đó là trên 100 Thông tư, Thông tư liên tịch được  lãnh đạo Bộ ban hành, điều chỉnh trực tiếp.

Với sự ủng hộ của các Bộ chuyên ngành, hệ thống các văn bản pháp luật về thuế, khuyến khích xã hội hóa, thu hút nguồn lực đầu tư cho văn hoá cũng đã được trình Quốc hội ban hành như Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2013…Bên cạnh đó, Nhà nước cũng khuyến khích hình thành các quỹ đào tạo, quỹ khuyến học, phát triển nhân tài, quảng bá văn học nghệ thuật, phát triển điện ảnh, hỗ trợ xuất bản.

Bên cạnh đó, khung chính sách đã tạo môi trường cho phép các ngành công nghiệp văn hóa khai thác, chuyển hóa từ nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế với sự ra đời của Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo thống kê, so với mức đóng góp vào GDP chiếm 2,68% năm 2015, tới năm 2018, tỷ lệ này đạt 3,61% GDP cả nước.

Nhìn chung, trong quá trình xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý trong lĩnh vực văn hoá đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, kho tàng di sản, di tích lịch sử - văn hóa đồ sộ của dân tộc; quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

“Những kết quả bước đầu về công tác hoàn thiện thể chế, chính sách nguồn lực cho văn hoá đã tạo ra sự phát triển cho văn hoá trong thời gian vừa qua”, Bộ trưởng khẳng định.

Các đại biểu dự Hội thảo Văn hóa 2022

Bên cạnh những kết quả bước đầu, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Bộ VHTTDL cũng đang nhận thấy lĩnh vực VHTTDL đang phải đối mặt với những khó khăn, vướng mắc về nguồn lực cho phát triển văn hoá. Thứ nhất, vẫn còn “khoảng trống” trong khung khổ pháp lý để phát triển văn hoá. Đặc biệt, một số lĩnh vực văn hoá chưa có Luật hoặc Pháp lệnh điều chỉnh như: Nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; xây dựng môi trường văn hóa, thiết chế văn hóa, tuyên truyền cổ động chính trị, quyền và nghĩa vụ của văn nghệ sĩ... Một số lĩnh vực thậm chí chưa có văn bản điều chỉnh như lĩnh vực văn học, quản lý hoạt động, trò chơi...

Hai là, các quy định của pháp luật hiện hành về huy động nguồn lực cho thấy văn hóa chưa hoàn toàn là ngành nghề được ưu tiên, khuyến khích, như Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) năm 2020 quy định chỉ có 5 lĩnh vực được áp dụng đầu tư theo phương thức PPP, trong đó không có lĩnh vực văn hóa.

Hoặc Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế là các khoản tài trợ cho giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học, khắc phục hậu quả thiên tai…, không có lĩnh vực văn hoá, nhất là hỗ trợ và đầu tư cho lĩnh vực văn hoá và thể thao.

Ba là, Việc gián đoạn chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Bộ trưởng phát biểu, đầu tư cho văn hóa trong các giai đoạn trước 2016 được thực hiện chủ yếu thông qua Kế hoạch đầu tư công trung hạn ở cấp trung ương và địa phương; đồng thời được bổ sung thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Giai đoạn 2016-2020, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa chỉ đạt 1.920 tỉ đồng vốn đầu tư phát triển và 453 tỉ đồng vốn sự nghiệp. Trong đó, hỗ trợ tu bổ di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia chỉ có 245 tỉ đồng, chia ra bình quân cả nước có  612 triệu/di tích trong suốt 5 năm.

Ngay trong nhiệm kỳ này, theo Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1230/QĐ-TTg, mức đầu tư hỗ trợ từ các chương trình này chỉ mới đáp ứng được một phần nhỏ so với nhu cầu thực tế và cần có sự chung tay của toàn xã hội.

Bốn là, mặc dù Đảng, Nhà nước có quan tâm nhưng đầu tư cho Văn hoá còn đang ở mức khiêm tốn, chưa đạt được mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu là chi đầu tư cho văn hóa đạt 1,8% tổng chi ngân sách Nhà nước (theo Kết luận số 30-KL/TW ngày 20/7/2004 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng). Riêng năm 2021, sau thành công của Hội nghị Văn hoá toàn quốc, Bộ trưởng nhấn mạnh, các địa phương phải thay đổi nhận thức và có sự ưu tiên hơn cho phát triển văn hoá.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng thăm triển lãm trong khuôn khổ Hội thảo

Kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hoá

Nhìn lại kết quả thực hiện các thể chế, chính sách mà Đảng, Nhà nước đã ban hành trong ngành văn hoá, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất một số kiến nghị để tiếp tục hoàn thiện về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hoá.

Bộ trưởng nhấn mạnh, chúng ta đều biết rằng, văn hóa giữ vai trò điều tiết xã hội bằng hệ thống giá trị, chuẩn mực văn hoá của cộng đồng, văn hóa giữ vai trò định hướng sự phát triển của xã hội bằng mục đích nhân văn của mình và cột mốc văn hóa trong tâm trí con người luôn là cột mốc vững chắc nhất. Do vậy, đầu tư cho văn hóa là đầu tư lâu dài để hướng tới tương lai. Đầu tư cho văn hoá chính là đầu tư cho sự phát triển có tính chất bền vững.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu những kiến nghị với Đảng, Nhà nước, theo đó, về thể chế chính sách, quan trọng nhất là từ Hội thảo này, chúng ta phải lan toả thông điệp về vấn đề kiến tạo chính sách để góp phần nâng cao nhận thức, đặc biệt trong lãnh đạo, chỉ đạo. Việc rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật để điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực văn hóa nhằm lấp đầy các “khoảng trống về pháp lý” tạo ra cơ sở, nguồn lực phát triển văn hoá như: đề nghị Quốc hội sớm đưa vào trong Chương trình xây dựng Luật và Pháp lệnh về Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa nhằm thể chế hoá đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng về bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hoá; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và xã hội hoá công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hoá; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hoá và phát triển, để nhằm phát huy nguồn tài nguyên văn hóa vô giá của dân tộc – những báu vật của thiên nhiên ban tặng – những giá trị văn hóa được các thế hệ người Việt Nam dày công vun đắp, dệt nên qua nhiều thế hệ.

Sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo với cách tiếp cận quảng cáo là một ngành công nghiệp văn hoá; nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất xây dựng các Luật chuyên ngành văn hoá ở các lĩnh vực chưa có Luật điều chỉnh như: Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật nhiếp ảnh triển lãm trong tổng thể phát triển và trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước; ban hành Nghị định về Văn học, Nghị định quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật trong nhiệm kỳ này, sau đó tiếp tục nghiên cứu để đưa lên thành Luật

Bộ trưởng cũng kiến nghị việc quan tâm đến yếu tố đặc thù của ngành văn hoá trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật, theo đó, ban hành chính sách về nguồn lực con người làm văn hóa, trong đó cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng ta đã nhiều lần khẳng định, đó là: Văn hoá là một lĩnh vực rộng lớn, phát triển văn hoá phải được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, người dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sĩ trí thức giữ vai trò quan trọng. Chính vì vậy, sớm có chính sách về nguồn lực con người làm văn hoá, trong đó chú ý về tuổi lao động, tiền lương, phụ cấp cho những người hoạt động trong các bộ môn nghệ thuật đặc thù. Đây là những chiến sĩ trên mặt trận văn hoá, nghệ thuật như Bác Hồ đã nói: “Văn hoá nghệ thuật là một mặt trận. Văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận đó”.

Toàn cảnh Hội thảo Văn hóa 2022 

Đối với vấn đề chính sách cho các NNND, NNƯT- những người giữ hồn, giữ lửa trong bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể, Bộ trưởng nêu, tại các địa phương đã có những chính sách riêng của mình như: Bắc Ninh, Hà Nội… Nhưng ở nhiều địa phương thì những chính sách này chưa được quan tâm đúng mức, lực lượng nghệ nhân mai một, để lại khoảng trống trong truyền dạy nghề. Như vậy, những người giữ hồn, giữ lửa để giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá mang bản sắc dân tộc cũng sẽ bị mai một.

Bên cạnh đó, tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi một số Luật chuyên ngành và ban hành một số Nghị định. Trước hết là Luật Đầu tư, Luật PPP, bổ sung lĩnh vực văn hoá vào nhóm ngành nghề ưu đãi đầu tư, vào nhóm lĩnh vực được áp dụng đầu tư theo phương thức này.

Cũng cần bổ sung vào Hệ thống chỉ tiêu quốc gia trong Luật thống kê để xem xét, đánh giá về mức đóng góp của ngành Thể thao và Du lịch trong GDP; thống kê đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa vào GDP để xây dựng Bộ chỉ số quốc gia về phát triển văn hoá và triển khai ứng dụng định kỳ để đo lường, đánh giá và giám sát sự đóng góp và tăng trưởng của lĩnh vực văn hóa trong tổng thể phát triển quốc gia; đồng thời cung cấp các bằng cứ xác thực cho việc xây dựng thể chế, hoạch định chính sách và các chương trình can thiệp. Bộ trưởng nhấn mạnh: "Nếu không có bộ chỉ số này, chúng ta sẽ không biết văn hoá đang ở đâu, tồn tại như thế nào, điều gì cần quan tâm… Thông qua Bộ chỉ số này, chúng ta mới nhận diện được những bài toán khó, mới khắc phục những vấn đề đang đặt ra".

Lãnh đạo Bộ VHTTDL cũng nêu các kiến nghị về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp theo hướng bổ sung các khoản chi tài trợ cho văn hóa, thể thao được khấu trừ khi xác định thu nhập chịu thuế nhằm huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư văn hóa. Có chính sách phù hợp tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, nhằm phát huy, sử dụng có hiệu quả tài sản kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa, tài sản đặc thù của văn hóa.

Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh là vấn đề rất được quan tâm là sớm phục hồi và ban hành Chương trình mới về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Ngày 20.10.2022 vừa qua, tại Kết luận số 42-KL/TW kết luận Hội nghị lần thứ 6 BCHTW khoá XIII về kinh tế xã hội năm 2022- 2023 đã đồng ý chủ trương cho xây dựng và triển khai Chương trình này. Chính phủ cũng đã giao Bộ VHTTDL xây dựng và tham mưu trình cấp có thẩm quyền xem xét. Trong phạm vi của mình, thực hiện sự chỉ đạo từ Quốc hội là phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, Bộ VHTTDL đã hình thành nội dung và lấy ý kiến 9 Bộ ngành, hoàn thiện để báo cáo Chính phủ. Trong đó, phân định Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ tập trung vào 6 dự án thành phần, bao gồm dự án phát triển môi trường văn hoá lành mạnh để nâng cao chất lượng cuộc vận động Toàn dân xây dựng đời sống văn hoá; dự án về phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức và nguồn nhân lực quản trị văn hoá; dự án về bảo tồn, phát huy bền vững văn hoá phi vật thể và vật thể; đầu tư để hoàn thiện các thiết chế văn hoá và tạo không gian văn hoá sáng tạo; dự án về phát triển công nghiệp văn hoá, trong đó chú trọng  các sản phẩm mà Việt Nam đang có lợi thế và sự liên kết với các quốc gia có điều kiện đi trước về lĩnh vực này; thực hiện, phát triển văn hoá đối ngoại.

“Toàn ngành VHTTDL tin tưởng và kỳ vọng sau Hội thảo lần này, tất cả hệ thống chính trị sẽ thống nhất nhận thức, đi đến hành động trong xây dựng thể chế, chính sách phát triển văn hoá của đất nước để “khơi thông nguồn lực”, “thúc đẩy sáng tạo” và chuyển hóa các trụ cột tài nguyên văn hóa vốn vô cùng giàu có, phong phú của dân tộc thành sức mạnh mềm của văn hóa…”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

THU TRANG - THÚY HÀ; ảnh TRẦN HUẤN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top