Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao: “Thiếu cả thầy lẫn thợ”

Thứ Sáu 09/12/2022 | 10:53 GMT+7

VHO- Ngành du lịch cả nước đang dần phục hồi mạnh mẽ, thế nhưng toàn ngành đang đối mặt với sự thiếu hụt trầm trọng nguồn lao động, nhất là nhân lực chất lượng cao. Vì thế, việc giải bài toán nguồn nhân lực đang là vấn đề cấp thiết, và là “chìa khóa” để đẩy nhanh tốc độ phục hồi, đưa du lịch bứt tốc trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

 Toàn cảnh hội thảo

 Đây là ý kiến được nhiều đại biểu nhấn mạnh tại Hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao” do Báo điện tử Tổ Quốc (Bộ VHTTDL) tổ chức ngày 8.12 tại TP.HCM.

Chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp

Theo tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch - Bộ VHTTDL), cả nước hiện có khoảng 200 cơ sở đào tạo du lịch, trong đó có 62 trường đại học có khoa du lịch, 55 trường cao đẳng, 71 trường trung cấp và 4 trung tâm dạy nghề du lịch. Thế nhưng, chất lượng nguồn nhân lực cung ứng ra thị trường chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Tiến sĩ Tuấn cho biết, các doanh nghiệp du lịch hiện đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng người lao động có trình độ chuyên môn, nhất là các cơ sở du lịch cao cấp. Bởi có một thực tế là mức thu nhập trong lĩnh vực hiện thấp hơn nhiều ngành kinh tế khác, nên khi du lịch phục hồi, người lao động làm du lịch trước đây dịch chuyển sang các ngành nghề khác thì nay không muốn quay trở lại với nghề. Dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trên thị trường.

Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, là địa phương chiếm 50% du khách quốc tế đến Việt Nam, thế nhưng Thành phố đang chịu tổn thất rất lớn về nguồn lao động, nhất là nhân lực chất lượng cao. Hệ thống nhà hàng, khách sạn cao cấp của Thành phố hiện chưa thể phục hồi hoàn toàn do thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực. Vì thế, TP.HCM đưa vấn đề đào tạo nhân lực trở thành một trong những trụ cột trong chiến lược phát triển du lịch của TP.HCM định hướng đến 2030.

Nói về thực trạng công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch hiện nay, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo nguồn nhân lực ASEAN - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết, mỗi năm ngành du lịch cần khoảng 40.000 lao động, nhưng thực tế các đơn vị đào tạo chỉ cung ứng được khoảng 50% nhu cầu nói trên. Đáng ngại hơn, trình độ chuyên môn của đa số người lao động hiện chưa cao, lao động phổ thông chiếm tỷ lệ phần nhiều. Điều này cho thấy ngành du lịch đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực, nhất là người có chuyên môn cao. Trong khi đó, cán cân thị trường lao động du lịch đang tồn tại hiện tượng “thừa thầy, thiếu thợ”, năng lực đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp.

Còn dễ dãi trong đào tạo

Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, thực tế không những “thừa thầy, thiếu thợ”, công tác đào tạo nhân lực du lịch còn đang “thiếu cả thầy lẫn thợ”. Cùng quan điểm này, tiến sĩ Thân Trọng Thụy, Trưởng Bộ môn Quản trị Khách sạn - Nhà hàng, Khoa Du lịch và Ẩm thực (Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM) cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực du lịch đào tạo ra doanh nghiệp không sử dụng được đó là người dạy thiếu cả chuyên môn và thực tế trải nghiệm, thế nhưng các cơ sở đào tạo không dám nhìn nhận thực trạng này, còn dễ dãi trong đào tạo…

Bà Nguyễn Thị Phương Tâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đại Thành Công chia sẻ, doanh nghiệp rất sợ tuyển dụng nguồn nhân sự “lý thuyết”, bởi hầu hết người lao động được doanh nghiệp tuyển dụng vào đều phải qua đào tạo lại mới đảm nhận được công việc phân công. Theo đó, doanh nghiệp mong muốn được liên kết đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn thực tế cho người lao động để tránh lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp phải đào tạo lại cho người lao động.

Nói về vai trò của công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu phục hồi và phát triển bền vững của ngành công nghiệp không khói, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Tổng biên tập Báo điện tử Tổ Quốc nhấn mạnh, việc tạo dựng nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đang là một trong những yêu cầu cấp thiết nhằm triển khai hiệu quả Chương trình hành động phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ VHTTDL, hướng đến thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Điều này đòi hỏi các đơn vị đào tạo phải nhanh chóng đổi mới phương thức đào tạo để cung ứng nguồn nhân lực chất lượng trong tình hình mới.

Theo tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, các cơ sở đào tạo cũng cần đẩy mạnh liên kết với các địa phương, doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu thực tiễn và thiết kế chương trình đào tạo phù hợp với thực tế. Đồng thời, cần có hướng đi khác biệt để tạo lợi thế cạnh tranh, nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần đưa du lịch Việt Nam cất cánh và phát triển bền vững. 

 HOÀNG HẢI

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top