Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Giải thưởng Sách quốc gia: Sự kiện văn hoá có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng

Thứ Sáu 28/10/2022 | 15:03 GMT+7

VHO – Sáng 28.10 tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo trung ương, Bộ TT&TT, Hội Xuất bản tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện đề án Giải thưởng Sách quốc gia. Qua 5 mùa giải, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid- 19 nhưng Giải thưởng Sách quốc gia vẫn được tổ chức liên tục, không gián đoạn với 139 cuốn sách xuất sắc được trao giải.

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện đề án Giải thưởng Sách quốc gia

Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện đề án Giải thưởng Sách quốc gia, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết, Qua từng năm, Giải thưởng sách quốc gia đã bao quát được các mảng của xuất bản Việt Nam, đáp ứng được tính đa dạng trong các lĩnh vực; sách dự giải ngày có chất lượng ngày một tốt, đóng góp của các tác giả ngày một lớn. Những cuốn sách được trao giải đều có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mĩ; có tác động mạnh mẽ đến cộng đồng hoặc đóng góp sâu rộng về chuyên môn và được công chúng đón nhận hoặc giới chuyên môn đánh giá cao ở các lĩnh vực.

Trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, Giải thưởng sách quốc gia đã trao thưởng cho nhiều bộ sách, công trình nghiên cứu đồ sộ như: Động vật chí Việt Nam (từ tập 26 đến tập 31) và Thực vật chí Việt Nam (từ tập 12 đến tập 21) là công trình quy mô lớn với sự tham gia của 24 chuyên gia, nhà khoa học, nghiên cứu trong nhiều năm về hệ động, thực vật Việt Nam; bộ sách Vùng đất Nam Bộ - Quá trình hình thành và phát triển (gồm 2 tập tổng quan và 10 tập chuyên khảo sâu) do GS Phan Huy Lê tổng chủ biên với sự tham gia của nhiều nhà sử học uy tín hàng đầu cả hai miền Nam Bắc biên soạn...; những công trình văn hóa khảo cứu công phu như: Bộ Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam kỳ (2 tập); Chuyện Đông, chuyện Tây (4 tập); Lược khảo văn học và Lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam (2 tập) hoặc những công trình có giá trị cao trong ứng dụng vào đời sống, như: Những vấn đề tim mạch thiết yếu - Tiếp cận từ các câu hỏi lâm sàng với cập nhật khuyến cáo của GS.TS Huỳnh Văn Minh và PGS.TS Hoàng Anh Tiến (đồng chủ biên); Biến động môi trường lớp phủ và giải pháp phát triển bền vững tại các đảo san hô khu vực quần đảo Trường Sa của tác giả Đỗ Huy Cường, Sa Huỳnh - Lâm Ấp - Chămpa thế kỷ 5 trước Công nguyên đến thế kỷ 5 sau Công nguyên (Một số vấn đề khảo cổ học) của Lâm Thị Mỹ Dung, Kiểm soát quyền lực ở nước ta qua công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng của tập thể tác giả, Mai Trực... cùng nhiều công trình, tác phẩm có giá trị trên thế giới được dịch và chuyển ngữ sang tiếng Việt như cuốn Historiai (Lịch sử) của Nhà sử học cổ đại Herodotus được coi là tác phẩm mở đầu cho sử học hiện đại phương Tây; Súng, vi trùng và thép của tác giả Jared Diamond; dịch giả: Trần Tiễn Cao Đăng giải thích; Vì sao nền văn minh Á - Âu lại tồn tại được và đã chinh phục các nền văn minh khác trên thế giới, Chiến lược đại dương xanh của W.Chan Kim và Renee Mauborgne, người dịch Phương Thúy, Gen - Lịch sử và tương lai của nhân loại của Siddhartha Mukherjee, người dịch Bùi Thanh Châu...

Trong mảng sách văn hoá, văn học nghệ thuật, Giải thưởng sách quốc gia đã trao cho nhiều cuốn sách, bộ sách có nội dung là các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị được nhiều thế hệ bạn đọc yêu thích như: Tinh hoa văn hóa xứ Thanh của Hoàng Tuấn Phổ, Hùng binh của Đặng Ngọc Hưng, Đoàn binh Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng; Bài thơ của một người yêu nước mình của Nhà thơ Trần Vàng Sao; tác phẩm Người Công giáo Cộng sản của tác giả Trần Việt Trung...

Trong mảng sách Thiếu nhi, Hội đồng Giải thưởng đã vinh danh nhiều cuốn sách có giá trị cao, giàu tính giáo dục về nhân cách, trí tuệ, thể chất được thể hiện sinh động, hấp dẫn, khuyến khích khả năng tìm tòi, sáng tạo của các em thiếu nhi, tiêu biểu như: Chang hoang dã - Gấu của hai tác giả trẻ Trang Nguyễn và Jeet Zdung; Chuyện của anh em nhà Mem và Kya của tác giả Nguyễn Quang Thiều, Kim Duẩn (vẽ, minh họa); Lướt cùng Tí Địa lí của tác giả Xuân Đài, Uyên Trương… Những cuốn sách này đều được đông đảo bạn đọc nhỏ tuổi yêu thích. Một số cuốn sau khi được trao giải đã được các nhà xuất bản nước ngoài quan tâm mua bản quyền và dịch ra nhiều thứ tiếng phát hành rộng rãi trên thị trường quốc tế.

Có thể khẳng định, Giải thưởng sách quốc gia đã trở thành một sự kiện văn hoá nổi bật thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận xã hội, có sức lan tỏa mạnh mẽ, được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đánh giá cao, góp phần quan trọng đưa sách đến được với bạn đọc, lan tỏa và nhân lên những giá trị tri thức, những giá trị văn hóa trong đời sống xã hội, nâng tầm giá trị cho mỗi cuốn sách đoạt giải tương xứng với sự kỳ vọng của đông đảo bạn đọc; trở thành tài sản tinh thần quý giá trong mỗi gia đình và đất nước.

Bên cạnh những thành công đã đạt được của Giải thưởng sách Quốc gia, nhiều ý kiến cũng chỉ ra rằng, cần phải đầu tư nhiều hơn nữa nhằm lan tỏa giá trị của những tác phẩm được xét và trao giải.

PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, để Giải thưởng Sách quốc gia thực sự có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội, qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển của sự nghiệp xuất bản và văn hóa đọc nói chung, cần phải tìm cách tái bản các bộ sách quý đến với người đọc một cách dễ dàng.

Tại hội nghị, TS Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc NXB Văn học cũng nêu câu hỏi: Phải chăng sách đoạt giải chưa được lan tỏa mạnh, chưa tạo được tác động mạnh đến với độc giả bởi phần lớn các cuốn sách, công trình được trao giải đều là những công trình hàn lâm, chuyên sâu? Chưa có nhiều sách đáp ứng nhu cầu thị hiếu của đông đảo độc giả?

Làm thế nào để lan tỏa những cuốn sách, bộ sách được giải thưởng Sách quốc gia, bà Đinh Thị Thanh Thủy, Giám đốc- Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Tổng hợp TP. HCM cũng cho rằng, cần tăng cường phối hợp giữa Ban Tổ chức Giải thưởng với các đơn vị xuất bản, các cơ quan truyền thông trong việc quảng bá sâu rộng các tác phẩm đoạt giải (ví dụ tổ chức trưng bày những cuốn sách đoạt giải; Nhà nước hỗ trợ kinh phí thực hiện audiobook để giới thiệu kỹ hơn tác phẩm trên các website, phương tiện truyền thông về nội dung và tác giả của những cuốn sách đoạt giải)…

THANH NGỌC

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top