Đại biểu Quốc hội: Văn hóa cần được quan tâm, đầu tư hơn nữa

VHO- Phấn khởi trước kết quả mà ngành VHTTDL đạt được trong thời gian qua, nhiều đại biểu Quốc hội cho biết, trong Báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội do Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, đã dành một “thời lượng” thỏa đáng cho văn hóa.

Trả lời phỏng vấn Văn Hóa bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình cao với Báo cáo của Chính phủ và đánh giá tích cực những kết quả mà toàn ngành đã đạt được trong thời gian qua.

Thể hiện rõ sự quan tâm đặc biệt

Đại biểu Quốc hội: Văn hóa cần được quan tâm, đầu tư hơn nữa - Anh 1

Đại biểu Bùi Hoài Sơn

Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Hà Nội) cho biết, Báo cáo của Chính phủ đã thể hiện rõ sự quan tâm đặc biệt đối với văn hóa bên cạnh sự quan tâm của Quốc hội với lĩnh vực được xem như là hệ điều tiết đối với sự phát triển đất nước hiện nay. Chúng ta đã có thành công nhờ đổi mới chính trị, đổi mới kinh tế, giờ đây là lúc chúng ta thực sự rất cần một cuộc đổi mới trong lĩnh vực văn hóa.

“Ở đó, văn hóa là sức mạnh nội sinh của dân tộc, là hệ điều tiết cho sự phát triển đất nước. Bên cạnh đó, tôi xin lưu ý thêm, những vấn đề nhức nhối về văn hóa nhiều khi lại không hoàn toàn từ chính văn hóa, mà bắt nguồn từ chính trị, kinh tế, xã hội, công nghệ hay hội nhập quốc tế. Vì vậy, giải quyết vấn đề về văn hóa, đạo đức xã hội cần giải pháp tổng thể, cần sự chung tay, chung sức của các cấp, ngành, địa phương, không chỉ để ngành văn hóa “đơn thương, độc mã” trong việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này”, đại biểu Sơn nêu quan điểm. Ông cũng bày tỏ lo ngại trước thực trạng khi các hiện tượng lai căng, lệch chuẩn, sính ngoại, tuỳ tiện trong việc sử dụng ngôn ngữ, làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.

Đại biểu Quốc hội: Văn hóa cần được quan tâm, đầu tư hơn nữa - Anh 2

Đại biểu, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm

Đồng tình với Báo cáo của Chính phủ, đại biểu, Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm đánh giá, trong số 12 giải pháp mà Chính phủ đề ra cho năm 2023 có giải pháp về lĩnh vực văn hóa trong đó nhấn mạnh, chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân: “Tôi đánh giá rất cao nhóm giải pháp này của Chính phủ. Trong thời gian qua, các lĩnh vực VHTTDL đang phát triển tốt. Tuy nhiên, dù được quan tâm đầu tư nhưng để văn hóa thực sự “ phải soi đường cho quốc dân đi” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì văn hóa cần được quan tâm đầu tư hơn nữa”.

Các lĩnh vực của ngành đạt được nhiều kết quả

Đồng tình với đánh giá của Quốc hội, Chính phủ về lĩnh vực văn hóa, đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) nhấn mạnh, thời gian qua Bộ VHTTDL đã thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trên lĩnh vực này như việc tăng cường chỉ đạo, triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội về phát triển văn hóa.

“Điểm nhấn đáng chú ý trong thời gian qua là Bộ đã chú trọng công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, tổ chức nhiều hoạt động xây dựng môi trường văn hóa, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử trong gia đình, trường học, cơ quan, cộng đồng và nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ có ý nghĩa, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân. Đồng thời Bộ đã quan tâm rà soát, đánh giá, đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, bố trí nhân lực và tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Bộ cũng đã tích cực triển khai các nhiệm vụ bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa. Việc kiểm kê, xếp hạng, ghi danh các di sản, di tích, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được quan tâm, đạt nhiều kết quả”, đại biểu Lượng đánh giá.

Đại biểu Quốc hội: Văn hóa cần được quan tâm, đầu tư hơn nữa - Anh 3

Đại biểu Phan Viết Lượng 

Về du lịch, đại biểu Phan Viết Lượng đánh giá cao việc Bộ đã hoàn thành việc ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Luật Du lịch, hướng dẫn áp dụng một số mô hình kinh tế mới trong du lịch; triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người lao động, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động du lịch, triển khai an toàn, hiệu quả việc mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Về thể thao, năm 2022 dù có nhiều khó khăn vì đại dịch nhưng theo đại biểu Lượng, ngành đã có những thích ứng, chuyển đổi trong chỉ đạo, điều hành, hoàn thành được các mục tiêu đề ra, thể thao quần chúng, thể thao học đường có bước phát triển, Đại hội TDTT các cấp sôi nổi, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân để hướng tới Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX. Ngành cũng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho thể thao người khuyết tật tham gia các đấu trường quốc tế và đạt thành tích, phát triển các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian, thể thao thành tích cao đạt nhiều thành tích và nhất là việc đăng cai tổ chức thành công SEA Games 31.

“Dù đã được quan tâm nhưng để văn hóa phát triển tương xứng với vị trí, vai trò, lĩnh vực này cần được đầu tư nhiều hơn nữa. Có ba vấn đề cần quan tâm giúp văn hóa phát triển bền vững, đó là về nhân lực, chúng ta cần đào tạo, đầu tư đội ngũ cán bộ văn hóa, từ cấp cơ sở trở lên có chuyên môn, đủ trình độ, năng lực, đạo đức; khắc phục được tình trạng lực lượng này nhiều nơi thiếu đồng bộ, thiếu trình độ nghiệp vụ như hiện nay. Về hệ thống cơ sở vật chất, các thiết chế văn hóa, thể thao, cần được đầu tư hơn nữa. Thứ ba, nguồn lực đầu tư cho văn hóa, cần được quan tâm hơn. Bên cạnh đó cần quan tâm đến các lĩnh vực như bảo quản, tu bổ, phục hồi các di sản, di tích…”, đại biểu Lượng đề nghị. 

Đại biểu Quốc hội: Văn hóa cần được quan tâm, đầu tư hơn nữa - Anh 4

“Trong bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và trong báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - văn hoá, xã hội năm 2022 do Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày cũng đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của ngành VHTTDL trong thời gian qua. Với những người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực văn hoá như chúng tôi, sự ghi nhận của Quốc hội, Chính phủ cho những nỗ lực của ngành là sự động viên lớn.

Có thể khẳng định, các hoạt động VHTTDL đã có nhiều khởi sắc trong thời gian qua, như đánh giá của Chính phủ, Quốc hội. Đặc biệt nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát huy. Vừa qua Xoè Thái là di sản thứ 14 của Việt Nam được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Điều đó cho thấy những nỗ lực của Việt Nam trong việc giữ gìn, trao truyền, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. Phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở gắn với Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá đã ngày càng lan toả.

Lĩnh vực văn hoá cũng ngày càng nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ. Đặc biệt là sau Hội nghị Văn hoá toàn quốc, đã nâng cao được nhận thức của các cấp, ngành về văn hoá; hầu hết các địa phương đã có sự quan tâm hơn về văn hoá và đã tập trung đầu tư nhiều hơn về văn hoá, tiêu biểu như Hà Nội đã có một Nghị quyết riêng về phát triển công nghiệp văn hoá, tăng nguồn lực đầu tư cho văn hoá, xác định phát huy các nguồn lực văn hoá là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển thành phố sáng tạo... Từ những tín hiệu khả quan đó, tôi tin rằng văn hoá sẽ phát triển xứng tầm trong thời gian tới”. (Đại biểu Dương Minh Ánh , Hà Nội)

Đại biểu Quốc hội: Văn hóa cần được quan tâm, đầu tư hơn nữa - Anh 5

“Có thể nói rằng trong thời gian qua, cùng với cả nước, lĩnh vực VHTTDL đã vượt qua nhiều khó khăn vì đại dịch, những bất ổn chung của tình hình kinh tế - chính trị của thế giới để đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Trong đó ở lĩnh vực du lịch, chúng ta đã sớm mở cửa, thực hiện Chương trình hồi phục và phát triển kinh tế của Chính phủ, du lịch Việt Nam đã nhanh chóng nắm bắt thời cơ và đang phục hồi tốt, du lịch nội địa đã trở thành bệ đỡ cho du lịch quốc tế, lượng khách du lịch nội địa đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đặt ra trong cả năm 2022. Trong lĩnh vực thể thao, điểm nhấn đáng tự hào là vượt qua muôn vàn khó khăn vì đại dịch chúng ta đã đăng cai thành công SEA Games 31, tạo tiếng vang lớn, được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh gía cao. Đặc biệt trong suốt thời gian tổ chức Đại hội, không khí vui tươi, phấn khởi đã tràn ngập khắp các địa phương đăng cai tổ chức, làm xoá tan đi không khí nặng nề do ảnh hưởng của đại dịch và giúp chúng ta có khí thế, động lực mới để phục hồi và phát triển kinh tế; phong trào thể thao quần chúng cũng ngày càng phát triển sâu rộng.

Ở lĩnh vực văn hoá, Hội nghị văn hoá toàn quốc đã thổi luồng sinh khí mới, tạo động lực cho các hoạt động của ngành ngày càng hiệu quả hơn. Chúng ta cũng đang giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, sức mạnh của con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập với quốc tế. Văn hoá cũng đã phát huy được sức mạnh mềm để giúp đất nước ta vượt qua khó khăn vì đại dịch rồi cùng nhau phục hồi và phát triển kinh tế.

Bên cạnh những mặt đã đạt được, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận vào một số mặt tồn tại, hạn chế như tình trạng xâm hại các di tích, sự xuống cấp về văn hoá, đạo đức, lối sống ứng xử có nhiều lệch lạc, hiện tượng lai căng, lệch chuẩn về văn hoá của một bộ phận… Tất cả những vấn đề đó cần sự vào cuộc, chung tay của toàn xã hội, để chúng ta có thể xây dựng nền văn hoá đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tôi cũng mong muốn lĩnh vực văn hoá được đầu tư hơn nữa để tương xứng với vị trí, vai trò là mục tiêu và động lực phát triển đất nước”. (Đại biểu Tạ Văn Hạ , Quảng Nam)

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc