Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Ngộ độc rượu chứa methanol: Đừng để “biết rồi, nói mãi”

Thứ Tư 10/08/2022 | 10:23 GMT+7

VHO- Chỉ trong một thời gian ngắn, một bệnh viện tại TP.HCM đã tiếp nhận 13 bệnh nhân trong hai vụ ngộ độc rượu methanol trên địa bàn, trong đó có 2 người tử vong. Dù đã được cảnh báo với mật độ dày đặc và dưới nhiều hình thức, nhưng những vụ ngộ độc này vẫn xảy ra với số bệnh nhân đông.

 Chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân ngộ độc methanol tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai Ảnh: T.DƯƠNG

Vụ việc đầu tiên xảy ra với nhóm 8 nhân viên tại một quan nhậu vào ngày 3.8. Nhóm này đã lấy 5l rượu trong kho để uống, thấy khó uống nên đã trộn với một loại nước ngọt màu đỏ, sau đó nhiều người say gục ngay trên bàn nhậu được bạn bè đưa về nhà. Đến ngày hôm sau mới tỉnh lại và sang ngày 5.8 bắt đầu có dấu hiệu ngộ độc, buồn nôn… được người thân đưa vào Bệnh viện Nhân dân Gia định. Đến nay 2 trong số 8 bệnh nhân đã tử vong, một số bệnh nhân qua cơn nguy kịch.

Sau đó, ngày 6.8 bệnh viện này tiếp tục nhận thêm 5 người bị ngộ độc methanol do trước đó đã pha cồn với rượu để uống. Các bác sĩ cho biết, trong số 11 người còn lại có 5 người hiện vẫn đang trong tình trạng ngộ độc, một người nguy kịch. PGS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ và thực phẩm, Trường đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, methanol là cồn được sản xuất để phục vụ cho công nghiệp nên tuyệt đối không sử dụng trong thực phẩm. Việc pha rượu với nước ngọt không phải là nguyên nhân gây ngộ độc mà do trong rượu có chứa thành phần methanol.

Nói về ngộ độ rượu chứa methanol, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, mặc dù được tuyên truyền rất nhiều nhưng những vụ ngộ độc này vẫn xảy ra. Bệnh nhân thường tập trung vào dịp cuối năm, hoặc lễ, Tết. Dù đã được giải độc và cấp cứu theo phác đồ nhưng đã có nhiều bệnh nhân tử vong, ngoài ra là các bệnh nhân gặp các di chứng với não và mù, một số người được hồi phục. Cũng theo bác sĩ Nguyên, dường như gần đây số lượng bệnh nhân ngộ độc cồn công nghiệp methanol đang tăng lên có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do 2 nguồn: Thứ nhất là tập trung vào các loại rượu trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ, được gọi là rượu giả, được pha trộn cồn công nghiệp methanol. Nguyên nhân thứ 2 là có một số bệnh nhân uống cồn y tế do nghĩ cồn y tế là an toàn nhưng những loại cồn này lại không đảm bảo, vì cũng được sản xuất, đóng chai từ cồn công nghiệp methanol và cũng là nguyên nhân gây ngộ độc.

Đây là vấn đề quản lý hóa chất, quản lý cồn công nghiệp methanol của các cơ quan chuyên môn. “Do công tác quản lý của chúng ta chưa chặt chẽ nên các hóa chất này tuồn vào tay kẻ xấu để đóng chai thành các loại rượu trôi nổi không rõ nguồn gốc để người dân uống phải. Không chỉ có thế, cồn công nghiệp methanol còn được đóng vào chai y hệt như chai cồn sát trùng y tế, người dân cứ nghĩ cồn dùng trong y tế là an toàn nên uống được”, Giám đốc Trung tâm Chống độc nói.

Về nhận diện, methanol rất giống với rượu ethanol thông thường, thậm chí còn ngọt, dễ uống hơn. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu nên dễ bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, khoảng 1-2 ngày sau uống, bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở do nhiễm toan chuyển hóa (do có quá nhiều a xít formic được chuyển thành từ methanol), co giật, hôn mê. Khi đến viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, ở trong tình trạng nguy kịch. Theo Trung tâm chống độc, các loại rượu chứa cồn công nghiệp gây ngộ độc ở Việt Nam hoàn toàn không phải do các loại rượu nấu truyền thống, mà do kẻ xấu, những người kinh doanh rượu phi pháp đã đóng chai cồn công nghiệp methanol để bán hoặc pha trộn với rượu nấu truyền thống thành các loại rượu rởm, trà trộn với các loại rượu truyền thống để thu lợi bất chính và dẫn đến ngộ độc.

Một phần nữa là nhiều công ty cũng nhập các loại cồn chứa methanol về đóng chai và dán nhãn cồn sát trùng hoặc cồn để đốt và bán ở các hiệu thuốc, khiến người dân hiểu nhầm là cồn y tế có thể uống được. Ngoài ra, Trung tâm Chống độc đã và đang phát hiện nhiều sản phẩm cồn sát trùng chứa nồng độ methanol rất cao, thường nồng độ cồn công nghiệp methanol trong chai cồn sát trùng chiếm 70-90% và đều đã báo cáo Bộ Y tế và các cơ quan chức năng.

Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng tránh ngộ độc cồn công nghiệp methanol, người dân hãy lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ đảm bảo, rõ ràng, ví dụ loại chắc chắn được nấu theo cách truyền thống hoặc sản phẩm chính thức được đăng ký của các công ty, đảm bảo từ khâu sản xuất, phân phối, việc mua bán có mã hàng, có hóa đơn, đảm bảo có thể truy xuất người sản xuất, người phân phối để họ sẵn sàng chịu trách nhiệm. Người dân cũng nên hạn chế tối đa việc uống rượu, đặc biệt khi vào thời điểm trước và sau tết âm lịch sắp đến gần. 

VIỆT THANH 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top