Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Quản lý dịch vụ karaoke: Các địa phương cần tăng cường trách nhiệm

Thứ Hai 08/08/2022 | 10:32 GMT+7

VHO- Vụ việc đau lòng khiến 3 chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy hy sinh vừa qua một lần nữa báo động về công tác quản lý, đảm bảo an toàn tại các địa chỉ kinh doanh loại hình dịch vụ có điều kiện này. Những bài học chưa bao giờ cũ, thế nhưng vẫn luôn để lại câu hỏi “vì sao?”, đầy nhức nhối.

 

 Vụ cháy đau lòng khiến 3 chiến sĩ cảnh sát hy sinh ở phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy) vừa qua là bài học đắt giá cho công tác phòng cháy, chữa cháy các địa điểm kinh doanh karaoke Ảnh: ĐÌNH HIẾU

 Kinh doanh dịch vụ karaoke cần đáp ứng các điều kiện trang thiết bị, cơ sở vật chất, và đặc biệt là hệ thống phòng cháy chữa cháy phải đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, dường như ở nhiều địa chỉ, những điều kiện thiết yếu này vẫn chưa thực sự được quản lý, kiểm tra thường xuyên. Câu chuyện về trách nhiệm của các địa phương khiến dư luận tiếp tục đặt ra những dấu hỏi…

Siết chặt điều kiện kinh doanh

Hoạt động karaoke thuộc loại hình kinh doanh có điều kiện, hợp pháp được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, chịu sự quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa, phòng cháy chữa cháy, quy hoạch đô thị... Hiện nay, nhiều tỉnh, thành đã có quy hoạch về hoạt động karaoke, vũ trường như: Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Thanh Hóa, An Giang, Bình Thuận… Phần lớn các Quyết định thực hiện quy hoạch đều nhằm thiết lập trật tự kỷ cương, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với loại hình hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa nói chung và hoạt động karaoke, vũ trường nói riêng, định hướng hoạt động lành mạnh, thiết thực, phù hợp với thực tiễn, tình hình địa phương.

Tuy nhiên, trên địa bàn Hà Nội - một trong số những tỉnh, thành có nhiều địa chỉ kinh doanh karaoke mật độ dầy thì câu chuyện quy hoạch karaoke dường như vẫn còn bỏ ngỏ. Thực tế, Hà Nội từng triển khai quy hoạch karaoke. Lãnh đạo UBND TP Hà Nội từng giao Sở VHTT Hà Nội lập và trình quy hoạch karaoke. Tuy nhiên khi đang thực hiện, Luật Quy hoạch được ban hành (năm 2017) không cho phép có thêm các quy hoạch chuyên ngành nên công việc này dừng lại. Theo ông Trương Minh Tiến, nguyên Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO Hà Nội, mặc dù dừng lại song sau đó Hà Nội đều thường xuyên có các văn bản chỉ đạo quản lý nhà nước các hoạt động kinh doanh karaoke, bar, vũ trường.

Trao đổi với báo chí về vấn đề đầu tư quy hoạch đối với dịch vụ karaoke, TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ, người dân đều có tâm lý, thói quen là sử dụng các dịch vụ văn hóa, giải trí ở gần nơi sinh sống, làm việc. Do vậy, vấn đề quy hoạch dịch vụ karaoke vào một địa điểm là bất cập.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Viết Chức cũng cho rằng, trong tương lai, Hà Nội cần có quy hoạch đối với dịch vụ karaoke, vũ trường để làm rõ cơ sở kinh doanh karaoke cần cách khu dân cư bao nhiêu, đặc biệt là yêu cầu về kỹ thuật, xây dựng, an toàn cháy nổ, trật tự xã hội… Cụ thể, TS Nguyễn Viết Chức chỉ ra, trong quy hoạch đô thị hiện đại, các quận huyện cần quy định rõ, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke là không được sử dụng nhà ở bình thường, đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật và đặc biệt là yếu tố an toàn.

Trên thực tế, quy hoạch karaoke khác với quy hoạch các loại hình kinh doanh dịch vụ khác khi nhu cầu của người dân thường chỉ hướng đến một số tuyến phố trung tâm, theo thói quen, thuận tiện, có sức thu hút; vì vậy không thể tập trung vào những tuyến phố gây khó cho việc đầu tư.

Nhìn ở góc độ khác, dù đóng vai trò quan trọng nhưng thực tế, quy hoạch không phải là vấn đề mấu chốt trong công tác quản lý, đảm bảo an toàn đối với loại hình kinh doanh dịch vụ này. Nhiều quy hoạch đã có nhưng cũng không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý. Những vụ việc đau lòng xảy ra trong thời gian qua cũng đều không hẳn do Hà Nội chưa có được một quy hoạch để quản lý với loại hình kinh doanh dịch vụ karaoke. Ở đây, câu chuyện đảm bảo an toàn đối với loại hình kinh doanh karaoke được nhìn nhận là vấn đề then chốt. Đó cũng không phải là vấn đề chỉ đặt ra đối với Hà Nội mà còn đối với nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Theo các nhà quản lý, cái gốc của vấn đề là công tác quản lý phòng chống cháy nổ, đảm bảo an toàn đang liên tiếp gióng lên hồi chuông báo động. Trang thiết bị phòng cháy chữa cháy tại các địa chỉ kinh doanh dịch vụ này theo hầu hết các báo cáo đều đầy đủ, nhưng khi xảy ra những sự cố lớn thì dường như lại không đủ để đảm bảo sự an toàn, người bên trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ này cũng không được trang bị cách thức để sử dụng những thiết bị phòng cháy chữa cháy để tự cứu chính mình.

Tăng cường trách nhiệm của các địa phương

Nghị định số 54/2019/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường; với các quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh và trách nhiệm của doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường; Trình tự, thủ tục cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke hoặc dịch vụ vũ trường. Đặc biệt, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Nghị định quy định cụ thể các trường hợp yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh và thu hồi Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh.

Nghị định 54 cũng quy định đầy đủ, chặt chẽ trách nhiệm của các Bộ, ngành và đặc biệt là trách nhiệm của các địa phương. Theo đó, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh được quy định: Cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường theo quy định. Chỉ đạo Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Sở, ban, ngành; UBND các cấp ở địa phương thực hiện quản lý nhà nước về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường trên địa bàn. Đặc biệt, thực hiện kiểm tra, thanh tra, và xử lý vi phạm trong kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường trên địa bàn.

Trong bối cảnh đời sống hiện nay, nhu cầu của người dân và khách du lịch đối với dịch vụ karaoke là rất lớn. Vì vậy, càng cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương. Theo đánh giá, trong thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra đã được chú trọng và tiến hành thường xuyên tại các tỉnh, thành phố. Các địa phương cũng đã tổ chức các đội kiểm tra liên ngành tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kịp thời phát hiện, nhắc nhở và xử lý những biểu hiện tiêu cực, các sai phạm trong hoạt động karaoke, vũ trường trên địa bàn. Lực lượng kiểm tra đã có biện pháp chấn chỉnh, nhắc nhở, xử lý vi phạm tại chỗ đối với các biểu hiện vi phạm trong hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường…

Tuy nhiên, trở lại câu chuyện đảm bảo an toàn, nhìn lại các vụ cháy quán karaoke ở Hà Nội vài năm gần đây, rõ ràng nguyên nhân chính bắt nguồn từ sự bất cẩn của con người, do việc sửa chữa gây ra hậu quả đáng tiếc. Nguyên Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trương Minh Tiến cho rằng, có lẽ tới đây, chúng ta phải tính tới sửa đổi lại các quy định quản lý karaoke, đặc biệt là quy định liên quan tới sửa chữa địa điểm kinh doanh karaoke buộc phải có sự giám sát của cơ quan phòng cháy chữa cháy. Karaoke là công trình dịch vụ vui chơi giải trí, là một phần nằm trong các công trình công cộng phục vụ đô thị. Do vậy nó phải đảm bảo các quy chuẩn về quy hoạch đô thị, quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy, quy chuẩn về an toàn sinh mạng và sức khỏe, tiêu chuẩn thiết kế công trình công cộng.

Các chuyên gia nhấn mạnh, thời gian tới, không chỉ Hà Nội mà các tỉnh, thành đều cần siết chặt hơn nữa, tăng cường trách nhiệm quản lý đối với loại hình kinh doanh dịch vụ karaoke. Những quy định chặt chẽ này cần đặc biệt tập trung vào các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy; xây dựng, âm thanh, trật tự đô thị… Bên cạnh đó, các địa phương được phân cấp quản lý cần sát sao, thường xuyên kiểm tra, tăng cường trách nhiệm. Chính quyền địa phương, cơ sở kinh doanh vi phạm các quy định kể trên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, thậm chí chịu trách nhiệm hình sự khi để những điều không mong muốn xảy ra như vừa qua ở phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy). 

 Trong tương lai, Hà Nội cần có quy hoạch đối với dịch vụ karaoke, vũ trường để làm rõ cơ sở kinh doanh karaoke cần cách khu dân cư bao nhiêu, đặc biệt là yêu cầu về kỹ thuật, xây dựng, an toàn cháy nổ, trật tự xã hội… Trong quy hoạch đô thị hiện đại, các quận huyện cần quy định rõ, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke là không được sử dụng nhà ở bình thường, đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật và đặc biệt là yếu tố an toàn.

(TS NGUYỄN VIẾT CHỨC, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội)

 

 Có lẽ tới đây, chúng ta phải tính tới sửa đổi lại các quy định quản lý karaoke, đặc biệt là quy định liên quan tới sửa chữa địa điểm kinh doanh karaoke buộc phải có sự giám sát của cơ quan phòng cháy chữa cháy. Karaoke là công trình dịch vụ vui chơi giải trí, là một phần nằm trong các công trình công cộng phục vụ đô thị. Do vậy nó phải đảm bảo các quy chuẩn về quy hoạch đô thị, quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy, quy chuẩn về an toàn sinh mạng và sức khỏe, tiêu chuẩn thiết kế công trình công cộng.

(Nguyên Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội TRƯƠNG MINH TIẾN)

 

 

 PHƯƠNG ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top