Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Mùa Vu lan báo hiếu

Thứ Hai 08/08/2022 | 10:21 GMT+7

VHO- Có tiếng gì rung lên suốt cả cuộc đời chúng ta? Đó là tiếng mẹ. Trong bài Chữ mẹ, tác giả Mạc Phương Đình rưng rưng: “Một chữ mẹ sao thân thương quá đỗi/ Ngẫm trong tim nghe đầy ắp ngọt ngào/ Đọc chữ mẹ nghe lòng rung động/ Lòng mẹ hiền như những khúc ca dao/ Tiếng gọi mẹ bỗng òa trong mừng rỡ/ Tiếng đầu tiên bập bẹ vào đời/ Từ cuống rốn con hành đau bụng mẹ/ Tháng năm dài câu hát mẹ à ơi/ Những đêm lạnh mẹ ủ nồng con ngủ/ Nắng trưa hè Mẹ quạt chẳng ngừng tay!”.

 

Thuở hàn vi chưa có điều kiện đền đáp ân sâu nghĩa nặng. Khi con trưởng thành, có điều kiện đền đáp, thì hỡi ôi, cha mẹ không còn nữa. Đau lòng thay, chỉ biết dâng những bông hồng nhỏ nhoi lên bậc sinh thành để đỡ buồn tủi. Chắc chắn rằng dù kiềm chế nhưng tác giả Gia Long cũng không ngăn được những giọt lệ rơi từ khóe mắt: “Vào mùa báo Hiếu Vu lan/ Kính dâng cha mẹ vô vàn hồng hoa/ Cha là công tạo ra ta/ Mẹ là mang nặng sinh ra chúng mình/ Đi cho trọn kiếp chúng sinh/ Chẳng đâu đáp nổi ân tình mẹ cha/ Báo hiếu tốt nhất nên là/ Tu thân tích đức - mẹ cha vui lòng!”.

Nếu Mạc Phương Đình cho chữ “mẹ” là đẹp nhất thì nữ sĩ Thích Nữ Thu Hiền cho chữ “tình” của mẹ là sâu nặng nhất: “Tình đẹp nào hơn tình mẫu thân/ Chăm lo nuôi dưỡng công vô ngần/ Mẹ nào tính toán công nhiều ít/ Cũng chẳng bao giờ đòi trả ân/ Bổn phận làm con phải đáp đền/... Báo hiếu Vu lan hồng đỏ đài/ Khắc ghi tình Mẹ đến tương lai. Đường trần vạn nẻo đời sương gió/ Ân nghĩa mẹ hiền không thể phai”.

Chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau. Con ốm đau sài đẹn, thức suốt đêm bên con, thao thức canh trường. Con lớn đến trường, lo con ăn học hết cấp bé đến cấp lớn rồi vào đại học, đến học cao học, nghiên cứu sinh. Lo đèn sách, lo con có đủ điều kiện tốt nghiệp. Ôi! Bậc cha mẹ trùng trùng nỗi lo. Cầm tấm bằng tốt nghiệp, bậc sinh thành mới nhoẻn được miệng cười. Như con chim đầy lông đủ cánh, con lại đến giai đoạn đi lấy chồng, rời khỏi lòng cha mẹ. Nào cậy nhờ gì được ở con? Biết bao buồn tủi: “Đưa con đến cửa buồng thoi/ Mẹ phải xa con, khổ mấy mươi/ Con ạ! Đêm nay mình mẹ khóc/ Đêm đêm mình mẹ lại đưa thoi! (Nguyễn Bính)”.

Đền đáp công lao đấng sinh thành, dù chỉ là bằng bông hoa nhỏ, đối với ai có điều kiện. Nhưng ngược lại, có không ít trường hợp bậc làm con chưa có điều kiện đền đáp được. Bởi vậy trong hàng trăm bài thơ viết về mùa Vu lan, không ít thi phẩm biểu hiện nỗi niềm khắc khoải, canh cánh bên lòng. Không vô tâm, bỏ mặc, đổ lỗi cho khách quan mà day dứt một nỗi niềm không nguôi; đó cũng là cách biểu hiện chữ “hiếu” của bậc làm con.

Những hình ảnh về người Mẹ anh hùng - người mẹ chung cho toàn dân tộc, không chỉ trong mùa Vu lan mà trong bất cứ mùa nào của hằng năm, chúng ta cũng phải có trách nhiệm báo hiếu, thờ phụng. Đấy là truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, mang đạo lý làm người của con Lạc cháu Hồng chúng ta.

Cảm ơn các thi nhân thay mặt hàng triệu triệu người con trên đất nước này đã có những dòng thơ, những thi phẩm hay đầy cảm động ngợi ca, đề cao những bậc làm cha làm mẹ đã có công lao to lớn đối với con cháu và đối với non sông đất nước ta.

LÊ THẾ Ý

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top