Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Tỉ lệ tốt nghiệp THPT gần tuyệt đối: Có nên thay bằng xét tốt nghiệp?

Thứ Hai 08/08/2022 | 10:13 GMT+7

VHO- Ngày 5.8, theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 trên cả nước được duy trì và giữ ổn định so với năm 2021, với tỉ lệ tốt nghiệp là 98,57%, riêng đối với thí sinh hệ THPT đạt 99,16%. Kết quả này một lần nữa lại làm dấy lên ý kiến về việc giao quyền xét tốt nghiệp THPT về cho các tỉnh và giao quyền xét tuyển đại học cho các trường đại học.

 Tỉ lệ tốt nghiệp THPT những năm gần đây rất cao, có nên thay bằng xét tốt nghiệp?

Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cho thấy, có tới 98,57% thí sinh dự thi đã đỗ tốt nghiệp. Nhiều tỉnh, thành phố có tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt trên 99% như Sơn La (99,6%), Ninh Bình (99,49%), Đồng Tháp (99,38%), Điện Biên (99,24%), Hà Nội 99,1%… trong đó, có những đơn vị, trường học có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 100%.

Dư luận xã hội cho rằng, nhiều năm nay, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp đều đạt ở mức rất cao trên 96%, thậm chí là gần 99% như năm nay, trong khi việc chi ngàn tỉ để loại bỏ vài % thí sinh không vượt qua được kỳ thi này là quá lãng phí. Thay vì đó, ngân sách này đủ dư tài trợ cho chương trình đào tạo nghề để học sinh khởi nghiệp.

Chính vì vậy, từ nhiều năm qua các nhà quản lý giáo dục đã đề cập đến việc giao quyền xét tốt nghiệp THPT về cho các tỉnh, thành phố. Các chuyên gia giáo dục cho rằng việc giao cho địa phương tự chủ xét tốt nghiệp THPT có nhiều mặt rất tích cực. Trước hết, địa phương chủ động điều tiết thời gian, chẳng hạn khi có thiên tai, dịch họa... tránh bị ùn ứ, kéo dài gây tâm lý bất an cho xã hội. Tiết kiệm một khoản ngân sách rất lớn cho Nhà nước và dân. Không huy động số lượng lớn nhân sự phục vụ cho một kỳ thi mà kết quả đạt được gần như đã nhìn thấy trước. Bên cạnh đó, mỗi địa phương có đặc thù về điều kiện địa lý, về khung thời gian thực hiện chương trình nên sẽ tự quyết định thời gian xét tốt nghiệp khi học sinh hoàn thành chương trình.

Thử soi chiếu vào việc xét tốt nghiệp THCS nhiều năm qua cho thấy, có nhiều học sinh học hết chương trình THCS và đáp ứng đủ điều kiện đã được xét tốt nghiệp. Và với chứng nhận tốt nghiệp này, nhiều em đã đăng ký học các trường nghề, không nhất thiết phải thi vào lớp 10 các trường công.

Đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, theo số liệu của Bộ GD&ĐT, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 1.001.011 thí sinh, có 103.374 thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT (chiếm 10.33%). Như vậy, có không ít thí sinh chỉ cần công nhận tốt nghiệp THPT. Như vậy, nếu không bắt buộc tất cả học sinh phải tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT mà chỉ xét tuyển, thì có thể thấy, đã giảm được 10% chi phí cho kỳ thi.

Có ý kiến băn khoăn, liệu giao quyền xét tuyển cho các địa phương thì có dẫn đến việc “làm đẹp” con số không? Có thể điều này khó tránh khỏi, như hiện tượng “làm đẹp” học bạ trong năm học vừa qua. Sở dĩ có thể nói có hiện tượng “làm đẹp” học bạ, bởi vì ở một vài địa phương, điểm học bạ so với điểm thi thật của học sinh đã có khoảng cách. Tuy nhiên, tỉ lệ “trượt” tốt nghiệp chỉ là hơn 1% cũng cho thấy, việc tốt nghiệp dù có “sai số” cũng không ảnh hưởng đáng kể.

Chính vì vậy, thay bằng việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT với 100% thí sinh dự thi, thì nên xét tốt nghiệp THPT. Với tấm bằng THPT, nhiều học sinh có thể tiếp tục học nghề hoặc đi làm. Việc tuyển sinh đại học, giao quyền tự chủ cho các trường đại học.

Có ý kiến lo lắng, việc giao quyền cho các trường đại học có dẫn đến những “tiêu cực” không? Thực tế cho thấy, hiện các trường đại học đang theo xu hướng tự chủ nên không dại gì “tự làm hại mình” bằng cách lựa chọn những sinh viên “chất lượng” thấp. Điều đó đã được thể hiện qua kỳ tuyển sinh vừa rồi, rất nhiều trường đã lựa chọn các phương thức tuyển sinh phù hợp với nhu cầu và chất lượng đào tạo của trường. Ngoài việc dành khoảng 10-20% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT với điểm trúng tuyển từ cao đến rất cao, các trường top đầu đều có các phương thức xét tuyển theo cách “lọc” sinh viên chất lượng cao. Ví như năm nay, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM đều tổ chức đến cả chục đợt thi đánh giá năng lực để chọn lọc thí sinh; Đại học Bách khoa Hà Nội thì tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy, kết hợp với phỏng vấn… Đại học Kinh tế quốc dân chỉ xét tuyển học bạ đối với học sinh hệ chuyên của các trường THPT chuyên, THPT trọng điểm quốc gia kết hợp với 2 môn thi tốt nghiệp THPT. Trường này cũng sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội để làm căn cứ xét tuyển. Ngoài ra, đối với một số trường đặc thù như Đại học Sân khấu - Điện ảnh, Đại học Kiến trúc, thí sinh phải thi các môn năng khiếu theo Đề án tuyển sinh của trường.

Việc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy, được coi như một phương thức kiểm định chất lượng đầu vào. Khi kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn là kỳ thi mang tính đại trà, đề thi không có tính phân loại cao thì việc các thí sinh có điểm sàn sàn nhau đứng xếp hàng, sẽ gây khó cho sự lựa chọn của các trường, nếu như không có các phương thức kiểm định chất lượng. Vì vậy, có lẽ, thay bằng việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, nên xét tốt nghiệp và giao quyền tự chủ cho các trường đại học trong vấn đề tuyển sinh. 

 

 HOÀNG HƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top