Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Đề án thí điểm đổi mới tuyển chọn chức danh Tổng Biên tập Báo Văn hoá, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch năm 2022

Thứ Sáu 05/08/2022 | 08:00 GMT+7

VHO- Thực hiện Quyết định số 1631/QĐ-BVHTTDL ngày 15.7.2022 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới tuyển chọn chức danh Tổng Biên tập Báo Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2022, từ số báo 3758, ra ngày 5.8.2022 và số báo 3759, ra ngày 8.8.2022, Báo Văn hóa đăng toàn văn Đề án nói trên. Toàn văn Đề án cũng được đăng từ ngày 5.8.2022 trên Báo Văn hóa điện tử: www.baovanhoa.vn.

Thời gian nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển là 20 ngày làm việc, kể từ ngày 5.8.2022.

Địa điểm tiếp nhận hồ sơ: Tòa soạn Báo Văn hóa, số 124 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Số điện thoại: 024.38220036; 024.38224965.

Các thông tin khác xin xem nội dung Đề án.

ĐỀ ÁN THÍ ĐIỂM ĐỔI MỚI TUYỂN CHỌN CHỨC DANH TỔNG BIÊN TẬP BÁO VĂN HÓA, BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH NĂM 2022

 PHẦN I

CƠ SỞ CHÍNH TRỊ, PHÁP LÝ, MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, NGUYÊN TẮC

I. CƠ SỞ CHÍNH TRỊ, PHÁP LÝ

Căn cứ Nghị định số 79/2017/ NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Công văn số 2424/BNV-CCVC ngày 09/5/2017 của Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp Cục, cấp Sở, cấp phòng; các Nghị quyết: số 06-NQ/BCSĐ ngày 04/5/2022, số 10-NQ/BCSĐ ngày 08/7/2022 của Ban Cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc thi tuyển chức danh Tổng biên tập Báo Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Đề án thí điểm đổi mới tuyển chọn chức danh Tổng biên tập Báo Văn hóa như sau:

II. MỤC ĐÍCH

1. Việc tổ chức thực hiện thí điểm đổi mới cách tuyển chọn chức danh viên chức quản lý là cấp trưởng đơn vị sự nghiệp công lập nhằm phát hiện, thu hút, trọng dụng những người có tài, có đức, phát huy được phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động của đơn vị có chức danh tuyển chọn, góp phần hoàn thành ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị của Bộ và ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

2. Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm viên chức quản lý là cấp trưởng đơn vị sự nghiệp công lập; tránh tình trạng cục bộ khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm viên chức quản lý.

III. YÊU CẦU

1. Bảo đảm và giữ vững nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác và quản lý đội ngũ cán bộ.

2. Phát hiện, thu hút và lựa chọn được người có đức, có tài gắn với tiêu chuẩn của chức danh quản lý.

3. Bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách và phát huy vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; tăng cường sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm, quản lý viên chức và của các tổ chức đoàn thể của cơ quan, đơn vị sử dụng chức danh tuyển chọn.

4. Bảo đảm sự ổn định, kế thừa và phát triển của đội ngũ viên chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.

IV. NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Việc tổ chức thi tuyển chức danh Tổng biên tập Báo Văn hóa phải đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và đúng thẩm quyền theo phân cấp công tác tổ chức cán bộ của Bộ; chọn được người giỏi nhất trong số những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện đã dự thi để bổ nhiệm vào chức danh tuyển chọn.

2. Chỉ thực hiện việc thi tuyển chức danh quản lý Tổng Biên tập Báo Văn hóa khi bổ nhiệm lần đầu.

3. Người tham gia dự tuyển phải đảm bảo về năng lực, trình độ chuyên môn và các điều kiện khác theo yêu cầu chức danh tuyển chọn.

4. Khi tổ chức thi tuyển phải có từ 02 người trở lên tham gia dự tuyển vào 01 chức danh tuyển chọn. Trường hợp chỉ có 01 người đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi hoặc không có người đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi thì Ban Cán sự đảng có trách nhiệm đề cử thêm người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia dự tuyển hoặc quyết định không thực hiện việc bổ nhiệm đối với chức danh này cho đến khi có thêm người đăng ký tham gia dự tuyển.

Trường hợp Ban Cán sự đảng đã quyết định danh sách người đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia dự tuyển bảo đảm ít nhất có 02 người dự tuyển vào 01 chức danh tuyển chọn, nhưng đến ngày tổ chức thi chỉ có 01 người dự thi thì Hội đồng thi tuyển vẫn tổ chức thi theo kế hoạch.

PHẦN II

CÁC QUY ĐỊNH CHUNG VỀ KỲ THI TUYỂN

I. VỊ TRÍ, ĐỐI TƯỢNG, ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHUẨN DỰ TUYỂN; QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI THAM GIA DỰ TUYỂN

1. Vị trí dự tuyển

Chức danh Tổng biên tập Báo Văn hóa.

2. Đối tượng dự tuyển

2.1. Đối tượng đăng ký tham gia dự tuyển

a) Công chức, viên chức đang công tác tại Báo Văn hóa có đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, nằm trong quy hoạch chức danh Tổng biên tập Báo Văn hóa. Đối tượng tại tiết a, điểm 2.1, khoản 2 mục I này được quyền không đăng ký tham gia dự tuyển trong các trường hợp sau:

- Đang mắc bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức hoặc bị ốm đau đang điều trị nội trú tại bệnh viện được cơ quan y tế có thẩm quyền từ cấp huyện trở lên xác nhận.

- Đang trong thời gian được cử đi học tập, đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài.

- Công chức, viên chức nữ đang trong thời gian nghỉ chế độ thai sản.

Ngoài các trường hợp được quyền không đăng ký tham gia dự tuyển nêu trên, đối tượng quy định tại tiết a, điểm 2.1, khoản 2 mục I này, nếu không đăng ký tham gia dự tuyển thì hằng năm khi rà soát danh sách quy hoạch sẽ bị xem xét đưa ra khỏi danh sách quy hoạch.

b) Cán bộ, công chức, viên chức không công tác tại đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm, nếu có đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm và nằm trong quy hoạch của chức danh tương đương với chức danh tuyển chọn, đang công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ban, ngành, lĩnh vực, địa phương được quyền đăng ký tham gia dự tuyển.

c) Đối tượng quy định tại tiết a, tiết b của điểm 2.1, khoản 2 mục I này, nếu đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì được dự tuyển ở vị trí lãnh đạo, quản lý cao hơn không quá 02 cấp so với chức vụ hiện giữ. Trường hợp không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì khi dự tuyển phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện về ngạch công chức/hạng chức danh nghề nghiệp viên chức hoặc thời gian công tác trong ngành, lĩnh vực (nếu có) theo quy định về tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh tuyển chọn.

2.2. Đối tượng được đề cử tham gia dự tuyển

a) Cán bộ, công chức, viên chức không nằm trong quy hoạch của chức danh tuyển chọn hoặc chức danh tương đương với chức danh tuyển chọn (bao gồm cả trường hợp không công tác tại đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm chức danh tuyển chọn) được Ban Cán sự đảng đề cử và được Đảng ủy Bộ đồng ý bằng văn bản.

b) Đối tượng được đề cử tham gia dự tuyển quy định tại tiết a, điểm 2.2, khoản 2 mục I này nếu đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì chỉ được dự tuyển ở vị trí lãnh đạo, quản lý cao hơn liền kề so với chức vụ hiện giữ.

3. Điều kiện, tiêu chuẩn dự tuyển

3.1. Đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện dự tuyển theo quy định tại Khoản 1, mục III Công văn số 2424/BNV-CCVC ngày 09/5/2017 của Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp Vụ, cấp Sở, cấp phòng

- Bảo đảm tiêu chuẩn chung của cán bộ quy định tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) và tiêu chuẩn cụ thể của chức danh tuyển chọn.

- Đáp ứng đủ các điều kiện bổ nhiệm theo quy định chung về công tác cán bộ, bao gồm:

+ Có hồ sơ, lý lịch cá nhân đầy đủ, rõ ràng, được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác nhận;

+ Trong độ tuổi bổ nhiệm theo quy định;

+ Có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao;

+ Không thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 82 Luật Cán bộ, công chức; Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 56 Luật Viên chức và các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định của pháp luật.

3.2. Đáp ứng các tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể của chức danh Tổng biên tập Báo Văn hóa (theo Điều 23 Luật Báo chí năm 2016; Điều 6 Quyết định số 75-QĐ/TW ngày 21/8/2007 của Ban Bí thư ban hành Quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí; Quy định tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành theo Quyết định số 1596/QĐ-BVHTTDL ngày 19/5/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

a) Tiêu chuẩn chung:

- Về chính trị tư tưởng:

+ Trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc và nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng về độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng.

+ Có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên quyết đấu tranh bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước.

+ Có tinh thần yêu nước, đặt lợi ích của Đảng, quốc gia - dân tộc, nhân dân, tập thể lên trên lợi ích của cá nhân; chấp hành nghiêm sự phân công của tổ chức và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

- Về đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật:

+ Có phẩm chất đạo đức trong sáng; lối sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, giản dị; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tâm huyết, có trách nhiệm với công việc; có tinh thần đoàn kết, xây dựng, gương mẫu, thương yêu đồng chí, đồng nghiệp.

+ Không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi và tích cực đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, cửa quyền, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, lợi ích nhóm, nói không đi đôi với làm; công bằng, chính trực, trọng dụng người tài, không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi.

+ Tuân thủ, thực hiện nghiêm nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng.

- Về năng lực, uy tín:

+ Có năng lực quản lý thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực hoạt động của đơn vị.

+ Có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược; phương pháp làm việc khoa học; có năng lực tổng hợp phân tích và dự báo.

+ Có khả năng phát hiện những mâu thuẫn, thách thức, thời cơ, thuận lợi, vấn đề mới, khó và những hạn chế, bất cập trong thực tiễn; mạnh dạn đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả để phát huy, thúc đẩy hoặc tháo gỡ.

+ Có năng lực thực tiễn, nắm chắc, hiểu biết cơ bản tình hình thực tế để cụ thể hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở lĩnh vực, địa bàn công tác được phân công.

+ Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

+ Có khả năng lãnh đạo, chỉ đạo; gương mẫu, quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của tập thể, cá nhân; được cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tin tưởng, tín nhiệm.

+ Có khả năng nghiên cứu xây dựng đề án; đề xuất các giải pháp hoạt động về chuyên ngành, lĩnh vực hoạt động của đơn vị.

+ Có năng lực tổ chức, điều hành, đoàn kết nội bộ; phối hợp với các cấp, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

b) Tiêu chuẩn thi tuyển chức danh Tổng biên tập Báo Văn hóa:

- Về trình độ:

+ Tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với vị trí và lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành phụ trách; đã được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ báo chí và chương trình quản lý nhà nước về báo chí.

+ Tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị.

+ Có chứng chỉ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.

+ Có chứng chỉ ngoại ngữ tương đương bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

- Về kinh nghiệm công tác:

+ Có thời gian công tác hoạt động trong lĩnh vực báo chí ít nhất 03 năm trở lên.

+ Có thời gian đảm nhiệm và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ quản lý từ cấp trưởng phòng của đơn vị hoặc tương đương trở lên.

- Có thẻ nhà báo còn hiệu lực.

- Đã được bổ nhiệm ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương.

4. Quyền, nghĩa vụ của người tham gia dự tuyển

4.1. Quyền của người tham gia dự tuyển

a) Được cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi tuyển thông báo về danh sách những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia dự tuyển, thời gian, địa điểm tổ chức thi tuyển, nội dung thi tuyển.

b) Được quyền tiếp cận các tài liệu và thông tin liên quan đến chức danh tuyển chọn (trừ những tài liệu mật) để có tư liệu cho việc tham gia thi viết và thi trình bày Đề án.

c) Được tiến hành quy trình bổ nhiệm có thời hạn theo quy định ngay sau khi đạt kết quả tuyển chọn được Ban Cán sự đảng, Đảng ủy Bộ thông qua.

4.2. Nghĩa vụ của người tham gia dự tuyển

a) Kê khai hồ sơ trung thực và đúng quy định.

b) Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Hội đồng thi tuyển trong quá trình tham gia dự tuyển.

II. MÔN THI, NỘI DUNG, THỜI GIAN, THANG ĐIỂM

1. Phần thi viết

- Nội dung thi viết: Kiến thức chung về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực dự tuyển; hiểu biết về nghiệp vụ quản lý của chuyên ngành, lĩnh vực dự tuyển; về chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của chức danh dự tuyển và các nội dung khác do Hội đồng thi tuyển quy định.

- Thời gian thi: 180 phút.

- Thang điểm: 100.

2. Phần thi trình bày Đề án

Người dự tuyển có kết quả bài thi viết đạt từ 50 điểm trở lên được tham gia phần thi trình bày Đề án. - Nội dung thi trình bày Đề án gồm: Đánh giá thực trạng, phân tích những mặt mạnh, hạn chế của đơn vị sử dụng chức danh tuyển chọn và chỉ ra nguyên nhân; dự báo xu hướng phát triển và đề xuất kế hoạch, giải pháp phát triển đơn vị sử dụng chức danh tuyển chọn; chương trình hành động thực hiện các kế hoạch, giải pháp của người dự tuyển nếu được bổ nhiệm vào chức danh tuyển chọn; kỹ năng trình bày, giao tiếp, ứng xử, giải quyết tình huống quản lý, phong cách lãnh đạo; trả lời các câu hỏi chất vấn của Hội đồng thi tuyển và những người tham dự.

- Thời gian trình bày Đề án tối đa 45 phút. Thời gian trả lời các câu hỏi chất vấn về Đề án từ 60 phút đến 90 phút; thời gian trả lời mỗi câu hỏi chất vấn không quá 5 phút.

- Điểm thi trình bày Đề án được chấm theo thang điểm 100. Cơ cấu điểm gồm 3 phần, cụ thể như sau: (1) Xây dựng đề án: 20 điểm; (2) Bảo vệ đề án: 40 điểm; (3) Trả lời các câu hỏi chất vấn: 40 điểm.

PHẦN III

HỘI ĐỒNG THI TUYỂN, BAN GIÁM SÁT, CÁC BỘ PHẬN GIÚP VIỆC VÀ TỔ GIÚP VIỆC

I. HỘI ĐỒNG THI TUYỂN

1. Thành viên Hội đồng thi tuyển

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định thành lập Hội đồng thi tuyển. Thành phần gồm:

- Chủ tịch Hội đồng thi tuyển: Đồng chí Bộ trưởng, Bí thư Ban Cán sự đảng.

- Các thành viên Hội đồng thi tuyển:

+ Các đồng chí Uỷ viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng;

+ Đồng chí Uỷ viên Ban Cán sự đảng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, kiêm Thư ký Hội đồng thi tuyển;

+ Đại diện Đảng uỷ Bộ;

+ Đại diện Cấp ủy và đại diện lãnh đạo của Báo Văn hóa;

+ Người đứng đầu một số đơn vị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các chuyên gia, nhà khoa học am hiểu về chuyên ngành, lĩnh vực của chức danh tuyển chọn (nếu thấy cần thiết).

2. Không cử làm thành viên Hội đồng thi tuyển đối với những người là cha, mẹ, anh, chị, em ruột của bên vợ hoặc chồng, vợ hoặc chồng của người tham gia dự tuyển và những người đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật. Trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được cơ cấu tham gia trong Hội đồng thi tuyển nhưng thuộc trường hợp không được cử tham gia Hội đồng thi tuyển theo quy định này thì cử cấp phó của người đứng đầu tham gia.

3. Số lượng thành viên Hội đồng thi tuyển

Hội đồng thi tuyển có không quá 17 thành viên. Trong đó, thành phần Hội đồng thi tuyển có đại diện cấp ủy đảng và ít nhất 70% thành viên trong Lãnh đạo Bộ tham gia Hội đồng thi tuyển.

4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thi tuyển

4.1. Thành lập bộ phận giúp việc, gồm: Ban ra đề thi (để xây dựng ngân hàng đề thi viết và thang điểm của từng đề thi viết cho chức danh dự tuyển); Ban coi thi và Ban phách.

4.2. Tổ chức chấm điểm bài thi viết (người chấm được lựa chọn trong thành phần Hội đồng thi tuyển và do Chủ tịch Hội đồng thi tuyển quyết định về số lượng, thành viên cụ thể) và chấm điểm trình bày Đề án của người dự tuyển (toàn bộ thành viên Hội đồng thi tuyển tham gia chấm điểm trình bày Đề án); thông báo kết quả thi đến người dự tuyển.

4.3. Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình tổ chức thi.

5. Hội đồng thi tuyển được sử dụng con dấu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong quá trình tổ chức thi tuyển; tự giải thể sau khi hoàn thành kỳ thi tuyển.

II. BAN GIÁM SÁT

1. Thành phần

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định thành lập Ban giám sát kỳ thi tuyển. Thành phần gồm:

- Trưởng ban: Lãnh đạo Thanh tra Bộ.

- Thành viên: Đại diện Công đoàn Bộ, Thanh tra Bộ; đại diện Ban Thanh tra nhân dân hoặc Công đoàn của Báo Văn hóa.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban giám sát

Ban giám sát kỳ thi tuyển thực hiện giám sát toàn bộ quá trình tổ chức kỳ thi tuyển theo quy định; tự giải thể sau khi hoàn thành kỳ thi tuyển.

III. CÁC BỘ PHẬN GIÚP VIỆC VÀ TỔ GIÚP VIỆC HỘI ĐỒNG THI TUYỂN

1. Các bộ phận giúp việc (Ban đề thi, Ban coi thi, Ban phách) và Tổ giúp việc do Chủ tịch Hội đồng thi tuyển thành lập; không cử làm thành viên của bộ phận giúp việc, Tổ giúp việc Hội đồng thi tuyển đối với những người là cha, mẹ, anh chị em ruột bên vợ hoặc chồng của người tham gia dự tuyển và những người đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của các bộ phận giúp việc, Tổ giúp việc do Chủ tịch Hội đồng thi tuyển phân công; các bộ phận giúp việc, Tổ giúp việc Hội đồng thi tuyển tự giải thể sau khi hoàn thành kỳ thi tuyển.

PHẦN IV

QUY TRÌNH, THỜI GIAN TỔ CHỨC KỲ THI TUYỂN

I. CHUẨN BỊ TỔ CHỨC KỲ THI

1. Thông báo thi tuyển

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông báo công khai toàn văn Đề án này trên các phương tiện thông tin đại chúng, cụ thể: Báo Văn hóa (02 số báo liên tiếp), Cổng thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho đến khi kết thúc kỳ thi tuyển; niêm yết công khai tại trụ sở làm việc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; trụ sở Báo Văn hóa.

2. Hồ sơ đăng ký dự tuyển

2.1. Đơn đăng ký dự tuyển.

2.2. Sơ yếu lý lịch (cán bộ, công thức theo mẫu 2C-BNV/2008; viên chức theo mẫu HS02-VC/BNV được cơ quan nơi người tham gia dự tuyển đang công tác xác nhận tại thời điểm đăng ký dự tuyển, trong đó có ghi nhận xét đánh giá).

2.3. Bản tự nhận xét, đánh giá của cá nhân (có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền).

2.4. Bản nhận xét, đánh giá của tập thể lãnh đạo và cấp ủy nơi người dự tuyển đang công tác. Trường hợp người tham gia dự tuyển (đăng ký tham gia dự tuyển hoặc được đề cử tham gia dự tuyển) từ nơi khác thì phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan nơi người tham gia dự tuyển đang công tác đồng ý cho người đó tham gia dự tuyển và chuyển công tác nếu trúng tuyển.

2.5. Bản nhận xét, đánh giá của cấp ủy nơi cư trú thường xuyên về trách nhiệm công dân của người tham gia dự tuyển và gia đình.

2.6. Văn bản xác nhận trong diện quy hoạch của người dự tuyển (được cấp có thẩm quyền phê duyệt) hoặc bản sao quyết định phê duyệt quy hoạch vào chức danh tuyển chọn hoặc chức danh tương đương của chức danh tuyển chọn (nếu có).

2.7. Bản kê khai tài sản và thu nhập theo quy định của pháp luật tại thời điểm đăng ký dự tuyển.

2.8. Giấy chứng nhận sức khỏe của cơ sở y tế có thẩm quyền cấp (trong thời hạn 30 ngày tính đến ngày nhận hồ sơ đăng ký dự thi).

2.9. Bản sao (có công chứng) các văn bằng, chứng chỉ (trường hợp văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp thì phải gửi kèm “Giấy Công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp” theo quy định); Bản sao Giấy khai sinh; quyết định tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức; quyết định bổ nhiệm chức vụ hiện giữ (nếu có); quyết định lương hiện hưởng.

3. Tiếp nhận, xét duyệt Hồ sơ đăng ký dự thi

3.1. Tiếp nhận hồ sơ

- Thời hạn nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển là 20 ngày làm việc kể từ ngày thông báo.

- Địa điểm tiếp nhận hồ sơ (trong giờ hành chính): Trụ sở Báo Văn hóa, số 124 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Số điện thoại: 024.38220036.

3.2. Xét duyệt hồ sơ

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển, căn cứ số lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển, tập thể lãnh đạo và cấp ủy của Báo Văn hóa trao đổi thống nhất, báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Vụ Tổ chức cán bộ) để tổng hợp, báo cáo Ban Cán sự đảng xem xét, thống nhất và trao đổi với Đảng ủy Bộ quyết định danh sách những người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia dự tuyển, bảo đảm nguyên tắc có số dư (ít nhất có 02 người tham gia dự tuyển vào 01 chức danh tuyển chọn).

- Danh sách những người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia dự tuyển phải được công khai trên trang thông tin điện tử và niêm yết công khai tại trụ sở làm việc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Báo Văn hóa trong thời hạn 15 ngày trước khi tổ chức thi tuyển để cán bộ, công chức, viên chức và các tổ chức đoàn thể kiểm tra, giám sát.

II. TỔ CHỨC THI TUYỂN

1. Tổ chức thi viết

1.1. Chủ tịch Hội đồng thi tuyển quyết định chọn đề thi viết trong ngân hàng đề thi do Ban ra đề thi chuẩn bị, bảo đảm bí mật đề thi theo chế độ tài liệu tối mật trong suốt quá trình xây dựng ngân hàng đề thi cho đến khi công bố đề thi viết được chọn.

1.2. Chủ tịch Hội đồng thi tuyển chỉ đạo Ban coi thi tổ chức thi viết theo quy định.

1.3. Chậm nhất sau 03 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức thi viết:

- Chủ tịch Hội đồng thi tuyển quyết định chọn ít nhất 03 thành viên Hội đồng thi tuyển để thực hiện việc chấm bài thi viết theo đáp án đã được Ban ra đề thi xây dựng.

- Bài thi viết phải được rọc phách theo quy định trước khi chuyển đến các thành viên Hội đồng thi tuyển được chọn để chấm thi.

- Các thành viên Hội đồng thi tuyển chấm bài thi viết độc lập và trong thời hạn 02 ngày làm việc phải gửi kết quả chấm thi cho Thư ký Hội đồng thi tuyển để tổng hợp, báo cáo Hội đồng thi tuyển trước khi thông báo đến người dự tuyển. 1.4. Kết quả bài thi viết là điểm trung bình cộng của các thành viên Hội đồng thi tuyển tham gia chấm thi. Người dự tuyển phải có kết quả bài thi viết đạt từ 50 điểm trở lên mới được tham gia phần thi trình bày Đề án.

Trường hợp người dự tuyển có kết quả bài thi viết đạt từ 50 điểm trở lên, nhưng có 02 thành viên Hội đồng thi tuyển chấm điểm bài thi viết dưới 50 điểm thì Thư ký Hội đồng thi tuyển phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi tuyển xem xét, quyết định việc chấm lại đối với bài thi này.

2. Tổ chức chấm phúc khảo bài thi viết

2.1. Chậm nhất sau 03 ngày làm việc kể từ ngày chấm thi viết xong, Hội đồng thi tuyển phải thông báo kết quả chấm bài thi viết đến người dự tuyển. Người dự tuyển được quyền gửi đơn đề nghị phúc khảo trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo kết quả chấm thi.

2.2. Chậm nhất sau 03 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn nhận đơn phúc khảo, Chủ tịch Hội đồng thi tuyển quyết định chọn ít nhất 03 thành viên khác (không phải những người đã chấm bài thi trước khi phúc khảo) của Hội đồng thi tuyển để thực hiện việc chấm phúc khảo bài thi viết và thông báo kết quả đến người dự tuyển có đơn đề nghị phúc khảo.

Các thành viên Hội đồng thi tuyển chấm phúc khảo bài thi viết độc lập và trong thời hạn 02 ngày làm việc phải gửi kết quả chấm phúc khảo cho Thư ký Hội đồng thi tuyển để tổng hợp, báo cáo Hội đồng thi tuyển trước khi thông báo đến người dự tuyển có đơn đề nghị phúc khảo.

Chậm nhất sau 03 ngày làm việc kể từ ngày chấm phúc khảo xong, Hội đồng thi tuyển thông báo kết quả đến người dự tuyển có đơn đề nghị phúc khảo.

2.3. Chậm nhất sau 05 ngày làm việc kể từ ngày thông báo kết quả chấm thi viết (trường hợp có đơn đề nghị phúc khảo thì chậm nhất sau 05 ngày làm việc kể từ ngày thông báo kết quả chấm phúc khảo), Hội đồng thi tuyển phải có văn bản thông báo để người dự tuyển có kết quả bài thi viết đạt từ 50 điểm trở lên tham gia phần thi trình bày Đề án.

3. Tổ chức thi trình bày Đề án

3.1. Thành phần những người tham dự phần thi trình bày Đề án của người dự tuyển, gồm:

- Toàn bộ Hội đồng thi tuyển.

- Công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt, đại diện của các tổ chức đoàn thể và công chức, viên chức khác của Báo Văn hóa được quyền đăng ký tham dự và chất vấn người dự thi.

3.2. Chủ tịch Hội đồng thi tuyển điều hành và quyết định việc người dự tuyển phải trả lời câu hỏi chất vấn của những người tham dự, bảo đảm đúng yêu cầu của chức danh tuyển chọn và thời gian trả lời chất vấn của người dự tuyển.

3.3. Các thành viên Hội đồng thi tuyển thực hiện chấm điểm thi trình bày Đề án của người dự tuyển theo từng phần và gửi kết quả chấm thi (tổng số điểm của cả 3 phần) cho Thư ký Hội đồng thi tuyển để tổng hợp, báo cáo Hội đồng thi tuyển trước khi công bố.

3.4. Kết quả điểm thi trình bày Đề án của người dự tuyển là điểm trung bình cộng của các thành viên Hội đồng thi tuyển tham gia chấm thi. Trường hợp có thành viên Hội đồng thi tuyển cho tổng số điểm chênh lệch (cao hơn hoặc thấp hơn) từ 20% trở lên so với điểm trung bình cộng của các thành viên Hội đồng thi tuyển tham gia chấm thi thì điểm của thành viên này không được chấp nhận và kết quả điểm thi trình bày Đề án của người dự tuyển được tính theo kết quả cho điểm của các thành viên còn lại của Hội đồng thi tuyển.

3.5. Hội đồng thi tuyển phải công bố công khai kết quả điểm thi trình bày Đề án của người dự tuyển ngay sau khi kết thúc việc tổ chức thi trình bày Đề án. Không thực hiện việc phúc khảo đối với kết quả điểm thi trình bày Đề án.

3.6. Chậm nhất sau 03 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức thi trình bày Đề án xong, Hội đồng thi tuyển phải báo cáo Ban Cán sự đảng và lãnh đạo Bộ về kết quả điểm thi trình bày Đề án của người dự tuyển.

4. Xác định người trúng tuyển

4.1. Trên cơ sở báo cáo của Hội đồng thi tuyển về kết quả điểm thi trình bày Đề án của người dự tuyển, trong thời hạn 03 ngày làm việc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn người có điểm thi trình bày Đề án cao nhất trong số những người đạt trên 50 điểm (trường hợp có nhiều người cùng có kết quả điểm thi trình bày Đề án cao nhất bằng nhau thì đều được đưa ra lấy ý kiến) để lấy ý kiến Ban Cán sự đảng bằng văn bản.

4.2. Chậm nhất sau 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị quy định tại điểm 4.1, khoản 4 này, Ban Cán sự đảng họp, có ý kiến bằng Nghị quyết về đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (không thực hiện bỏ phiếu kín).

Trường hợp người được đưa ra lấy ý kiến mà Ban Cán sự đảng không đồng ý phải nêu rõ lý do; nếu lý do hợp lý (mới phát hiện người dự tuyển không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm) thì Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục chọn người có kết quả điểm thi trình bày Đề án thấp hơn liền kề trong số những người đạt trên 50 điểm để đưa ra lấy ý kiến Ban Cán sự đảng.

4.3. Căn cứ ý kiến của Đảng ủy Bộ và Ban Cán sự đảng trao đổi, nếu không phát hiện có sai phạm trong quá trình tổ chức tuyển chọn, sau khi Ban Cán sự đảng thống nhất và có ý kiến thỏa thuận bổ nhiệm của các cơ quan liên quan (Bộ Thông tin và Truyền thông; Ban Tuyên giáo Trung ương) thì Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quyết định bổ nhiệm người trúng tuyển.

4.4. Kết quả thi tuyển không được bảo lưu cho các kỳ thi tuyển lần sau.

5. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông báo công khai kết quả trúng tuyển vào chức danh Tổng biên tập Báo Văn hóa sau khi kết thúc kỳ thi; thực hiện việc bổ nhiệm người trúng tuyển sau khi hoàn tất các thủ tục theo quy định pháp luật.

6. Giải quyết khiếu nại, tố cáo

Trong quá trình tổ chức thi tuyển, trường hợp có đơn khiếu nại, tố cáo trước khi công bố kết quả thi tuyển, Hội đồng thi tuyển phải xem xét, giải quyết đơn trước khi công bố; trường hợp có đơn khiếu nại, tố cáo sau khi công bố kết quả thi tuyển, Hội đồng thi tuyển phải xem xét, giải quyết đơn trước khi Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng quyết định bổ nhiệm người trúng tuyển.

7. Lưu trữ tài liệu thi tuyển

7.1. Tài liệu kỳ thi tuyển gồm:

- Hồ sơ của người dự thi tuyển;

- Đề án của người dự thi tuyển;

- Quy chế tổ chức thi và chấm thi, bài thi viết, biên bản, phiếu chấm điểm và các tài liệu khác có liên quan đến kỳ thi tuyển.

7.2. Trong vòng 10 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ thi, Hội đồng thi tuyển và Tổ giúp việc có trách nhiệm bàn giao toàn bộ tài liệu của kỳ thi tuyển cho Vụ Tổ chức cán bộ để tổ chức quản lý, lưu trữ theo quy định.

III. THỜI GIAN TỔ CHỨC THI TUYỂN

Thực hiện trong quý III/2022.

IV. KINH PHÍ TỔ CHỨC THI

Kinh phí thực hiện trích từ nguồn ngân sách sự nghiệp văn hóa thông tin năm 2022 của Vụ Tổ chức cán bộ được cấp qua Văn phòng Bộ.

PHẦN V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. VỤ TỔ CHỨC CÁN BỘ

1. Thông báo việc thi tuyển trên các phương tiện thông tin theo quy định.

2. Tiếp nhận, kiểm tra, rà soát, thẩm định hồ sơ người dự tuyển từ Báo Văn hóa báo cáo; tổng hợp, xin ý kiến Đảng ủy Bộ và báo cáo Ban Cán sự đảng xem xét, quyết định thông qua danh sách, hồ sơ của người đủ điều kiện dự tuyển.

3. Thông báo danh sách người đủ điều kiện dự tuyển.

4. Tham mưu trình Bộ trưởng quyết định thành lập Hội đồng thi tuyển, Ban giám sát và các bộ phận giúp việc, Tổ giúp việc Hội đồng thi tuyển.

5. Phối hợp với Tổ giúp việc Hội đồng thi tuyển tổ chức kỳ thi tuyển theo nội dung Đề án này.

6. Hoàn chỉnh hồ sơ (nếu cần) và thực hiện việc lấy ý kiến các cơ quan liên quan, báo cáo Ban Cán sự đảng để xem xét trước khi trình Bộ trưởng ra quyết định bổ nhiệm có thời hạn đối với người trúng tuyển theo quy định.

7. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của lãnh đạo Bộ.

II. VĂN PHÒNG BỘ

1. Chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các thông tin liên quan đến việc tổ chức thi tuyển; có trách nhiệm làm đầu mối trả lời các cơ quan báo chí về những nội dung liên quan đến kỳ thi tuyển.

2. Bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất cho việc tổ chức thi tuyển.

3. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của lãnh đạo Bộ.

III. VỤ KẾ HOẠCH, TÀI CHÍNH

1. Thẩm định dự toán kinh phí và phối hợp báo cáo lãnh đạo Bộ những vấn đề liên quan đến tài chính.

2. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của lãnh đạo Bộ.

IV. BÁO VĂN HÓA (Đơn vị sử dụng chức danh tuyển chọn)

1. Tích cực tuyên truyền, phổ biến, động viên, khuyến khích, thu hút cán bộ, công chức, viên chức tham gia dự tuyển. Đăng toàn văn nội dung Đề án này trên Báo Văn hóa (02 số liên tiếp).

2. Tổ chức tiếp nhận, kiểm tra, rà soát hồ sơ người dự tuyển; căn cứ số lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển, tập thể lãnh đạo và cấp ủy Báo Văn hóa trao đổi thống nhất và báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Vụ Tổ chức cán bộ).

3. Tạo điều kiện để người đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự tuyển tìm hiểu, tiếp cận thông tin liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; vai trò, nghĩa vụ, quyền lợi và các vấn đề khác liên quan đến chức danh tuyển chọn.

V. ĐẢNG ỦY BỘ, CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC BỘ

1. Phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện chủ trương, quy định của Đảng, của Nhà nước và của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về thí điểm đổi mới tuyển chọn chức danh Tổng biên tập Báo Văn hóa.

2. Động viên, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức tham gia dự thi.

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top