Họp báo Chính phủ: Giải đáp nhiều nội dung dư luận quan tâm
VHO - Chiều 3.8, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, cung cấp thông tin cho báo chí về tình hình phát triển kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm. Tại cuộc họp báo, nhiều vấn đề dư luận xã hội và báo chí quan tâm đã được đại diện lãnh đạo các bộ, ngành giải đáp, làm rõ.
Thiết kế thế nào để môn lịch sử vừa bắt buộc, vừa lựa chọn?
Trả lời câu hỏi của báo chí về Nghị quyết 63 của Quốc hội có yêu cầu Bộ GD&ĐT nghiên cứu thiết kế môn Lịch sử bậc THPT gồm phần bắt buộc và lựa chọn sao cho hợp lý, khoa học để đạt được hiệu quả cao nhất, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, ngay sau khi Nghị quyết 63 ban hành, Bộ GD&ĐT đã tổ chức xây dựng chương trình môn Lịch sử theo đúng tinh thần Nghị quyết. Hôm nay, ngày 3.8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký Thông tư 13 về sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ giải đáp về vấn đề thiết kế môn Lịch sử
Thông tư này điều chỉnh một số nội dung trong Chương trình tổng thể và Chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử bảo đảm yêu cầu “thiết kế môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục cấp Trung học phổ thông bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh”. Việc sửa đổi, bổ sung trên cơ sở đảm bảo giữ ổn định về quan điểm, mục tiêu, cấu trúc, lộ trình triển khai thực hiện của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Môn học Lịch sử (từ môn học lựa chọn thuộc nhóm môn Khoa học xã hội) trở thành môn học bắt buộc.
Đối với Chương trình môn Lịch sử cấp Trung học phổ thông: Môn Lịch sử là môn học bắt buộc đối với tất cả học sinh, có thời lượng là 52 tiết/năm (được điều chỉnh từ thời lượng 70 tiết/năm). Chuyên đề học tập lựa chọn Lịch sử gồm 35 tiết/năm (Theo Thông tư 32/2018).
Việc điều chỉnh theo các nguyên tắc cơ bản sau: Tuân thủ mục tiêu, quan điểm xây dựng chương trình của Chương trình tổng thể và đặc điểm môn học Lịch sử; Không thay đổi cấu trúc chương trình đã ban hành, củng cố kiến thức phổ thông ở giai đoạn Giáo dục cơ bản, giúp học sinh hiểu sâu hơn kiến thức cốt lõi qua các chủ đề nhằm phát triển phẩm chất, năng lực người học; Bảo đảm dung lượng kiến thức phải phù hợp nhận thức của tất cả các đối tượng học sinh; Bảo đảm tính cơ bản, hệ thống; đồng thời giáo dục định hướng nghề nghiệp cho học sinh cấp trung học phổ thông; Các chủ đề, nội dung lựa chọn phải phù hợp với đặc điểm tâm lí lứa tuổi, học sinh cấp trung học phổ thông; Coi trọng kiến thức Lịch sử dân tộc nhằm nâng cao giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, tinh thần tự hào dân tộc, truyền thống lịch sử và văn hoá dân tộc.
Phần Lịch sử bắt buộc phải bảo đảm tính khả thi, bảo đảm sự phù hợp, vừa sức đối với tất cả học sinh; Chú ý đến sự hài hoà, tính logic, sự kết nối giữa nội dung các chủ đề phần Lịch sử bắt buộc (cơ bản, cốt lõi) với các chuyên đề theo định hướng nghề nghiệp có tính chuyên sâu.
Thông tư này có hiệu lực ngay sau khi ký (3/8) và trong tháng 9 sẽ tổ chức tập huấn cho các giáo viên sử cả nước để triển khai.
Có thể bổ sung thêm mục nơi sinh trong phần nhân thân của hộ chiếu mới
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, có thể bổ sung thêm mục nơi sinh trong phần nhân thân của hộ chiếu mới
Về hộ chiếu mới của Việt Nam đang bị một vài quốc gia tạm thời chưa công nhận, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an khẳng định, hộ chiếu mới của Việt Nam tuân thủ đúng các nội dung trong Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019. Hộ chiếu này thỏa mãn các điều kiện, tiêu chuẩn của Cơ quan Hàng không dân dụng Quốc tế. Rất nhiều quốc gia trên thế giới cũng không ghi mục nơi sinh trong Hộ chiếu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Mông Cổ, Saudi Arabia.
Hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện nay đều công nhận hộ chiếu mới của Việt Nam. Hiện chỉ có một số nước là Đức, Tây Ban Nha, Czech tạm thời chưa công nhận hộ chiếu mới của Việt Nam do vướng một số yếu tố mang tính chất kỹ thuật.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam đi ra nước ngoài học tập, du lịch, lao động, làm việc, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao đang phối hợp với nhau và các đối tác để xử lý các vấn đề mang tính kỹ thuật. Trong thời gian rất sớm chúng ta sẽ giải quyết được nhưng trước mắt để tạo điều kiện thuận lợi, Bộ Công an quyết định sẽ ghi ở phần bổ sung ghi chú trong hộ chiếu nơi sinh của công dân nếu cần thiết. Các công dân có thể đến Cục Xuất nhập cảnh, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài bổ sung vào mục ghi chú về nơi sinh. Đấy là biện pháp giải quyết trước mắt.
Bộ Công an sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan nghiên cứu các điều luật, các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề hộ chiếu để có thể bổ sung thêm mục nơi sinh trong phần nhân thân của hộ chiếu mới.
Làm gì để bình ổn giá các dịch vụ hàng hóa thiết yếu?
Liên quan đến vấn đề giá xăng dầu giảm, giá dịch vụ vận tải tăng cao, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết, một trong những yếu tố cấu thành giá cước vận tải là giá nhiên liệu. Giá nhiên liệu tăng làm cho giá cước vận tải tăng để bù đắp chi phí là điều dễ hiểu.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho rằng sẽ có độ trễ nhất định để giá cước vận tải giảm
Trong thời gian vừa qua, khi giá nhiên liệu tăng thì giá cước vận tải ở một số lĩnh vực của ngành giao thông tăng. Ví dụ, về đường bộ, theo thống kê của chúng tôi có đến 80-90% số doanh nghiệp vận tải hành khách theo tuyến cố định đã kê khai điều chỉnh tăng từ 10-15%, vận tải hàng hóa tăng từ 7-10% nhằm bù đắp cho chi phí về xăng dầu. Còn đối với vận tải hành khách công cộng ở đô thị do có trợ giá nên giá không tăng.
Về đường sắt, mặc dù tỉ lệ chi phí nhiên liệu trong cơ cấu giá thành vận tải chiếm đến 21-29% nhưng thời gian vừa qua, do vận tải hành khách bằng đường sắt đang trong chương trình cạnh tranh nên giá không tăng. Chỉ có giá vận tải hàng hóa bằng đường sắt tăng từ 3-5%. Đường thủy nội địa tăng khoảng 10%. Riêng về hàng hải do trước đây giá tăng cao, hiện nay giá giảm 20-25% so với thời điểm cao nhất. Và thời gian qua, mặc dù giá xăng dầu tăng, hàng hải là ngành có tỉ lệ cấu thành giá từ xăng dầu lớn, nhưng các hãng tàu cũng không có thông báo tăng giá. Như vậy chỉ có một số loại cước vận tải trong đó có đường bộ, đường thủy tăng.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang, khi giá xăng dầu tăng thì giá vận tải tăng nhưng thường khi giá xăng dầu giảm sẽ có độ trễ nhất định để giá cước vận tải giảm. Thời gian đầu giá xăng dầu giảm nhưng giảm không nhiều nên các hãng vận tải chưa kê khai điều chỉnh giảm. Trong thời gian qua, trước tình hình như vậy, Bộ GTVT đã có một loạt chỉ đạo các đơn vị để khẩn trương triển khai các công việc như rà soát để kê khai giảm giá.
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cũng cho biết, ngày 31.7, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Công điện 679 về việc tăng cường các biện pháp quản lý điều hành giá. Ngay sau đó, Bộ GTVT đã tiếp tục có văn bản chỉ đạo các cơ quan rà soát khẩn trương, triển khai thực hiện các nhiệm vụ Bộ đã giao từ trước và đặc biệt triển khai nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trong Công điện. Bộ cũng đã yêu cầu các tổng cục, cục phối hợp chặt chẽ với các Sở GTVT địa phương để làm việc với các đơn vị. Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các cục cũng đã triển khai tăng cường công tác kiểm tra hướng dẫn các Sở GTVT để triển khai các quy định về kê khai niêm yết và Công điện 679 của Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi kỳ vọng thời gian tới khi giá xăng dầu giảm ổn định thì giá vận tải cũng sẽ giảm theo giá xăng dầu.
HOÀNG HƯƠNG; ảnh: VGP/Nhật Bắc