Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Xung quanh việc Hiệu trưởng mặc lễ phục, cầm quyền trượng trong lễ trao bằng tốt nghiệp: Soi chiếu dưới góc nhìn văn hóa, truyền thống

Thứ Tư 03/08/2022 | 10:47 GMT+7

VHO- Xung quanh câu chuyện Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) mặc lễ phục, tay cầm quyền trượng, đeo vòng cổ tràng hạt tại lễ trao bằng tốt nghiệp vừa qua, đã gây ra nhiều tranh cãi. Theo nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, vì trường này chưa kết hợp hài hòa giữa giá trị truyền thống và hiện đại, sử dụng lễ phục tốt nghiệp còn quá mới mẻ nên gặp nhiều phản đối.

 Một số hình ảnh lễ phục của Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) đang gây tranh cãi Nguồn ảnh: Fanpage của nhà trường

Nói như TS Nguyễn Sĩ Dũng, nghi lễ trao bằng tốt nghiệp này lẫn trang phục là một vấn đề thuộc về văn hóa chứ không phải là vấn đề pháp lý.

Nên có quy định để tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”

Đầu tiên phải khẳng định, hiện chúng ta chưa có một quy chuẩn hay quy ước chung về trang phục, lễ phục nên thông thường và tạm hiểu rằng trong những dịp lễ quan trọng, nam giới nên mặc đồ vest, nữ giới mặc áo dài truyền thống. Vì thế không nên nghĩ rằng ông hiệu trưởng đó ăn mặc như thế là sai, bởi hiện đã có quy định nào cấm đâu. Ngay cả trang phục trong lễ trao bằng tốt nghiệp thì hiện nay mỗi trường làm một kiểu, không theo quy định nào cả…

Thực tế, một số trường đại học ở nước ngoài họ cũng có cầm quyền trượng để thể hiện quyền uy về học vấn, tri thức… và học trò dường như thấy được sự trang trọng hơn. Ở đây chúng ta phải khẳng định, văn hóa là sự sáng tạo, nhưng sản phẩm sáng tạo phải phù hợp với bối cảnh lịch sử, phù hợp truyền thống, phù hợp với văn hóa thì nó sẽ được gìn giữ, còn không phù hợp thì sẽ bị cộng đồng phản đối… Nhân việc này tôi nghĩ Bộ GD&ĐT nên có quy ước chung về lễ phục trong cơ sở đào tạo. Nếu không sớm quy định thì khó tránh hiện tượng “trăm hoa đua nở”, mỗi trường làm một kiểu thì ra cái gì nữa.

(PGS.TS LÂM NHÂN, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Văn hóa TP.HCM)

“Sử dụng trang phục thái quá so với truyền thống ”

Văn hóa thì không bao giờ bắt buộc điều gì cả, nhưng trên nền hướng dẫn chung của Bộ GD&ĐT thì mỗi trường nên tự xây dựng cho mình quy chuẩn về văn hóa ứng xử, trang phục trong lễ tốt nghiệp của trường mình. Việc xây dựng quy chuẩn này dựa trên cơ sở nghiên cứu, lấy ý kiến của giảng viên, sinh viên… Nếu như trước đây việc nghiên cứu lấy ý kiến như thế cũng là đủ, thế nhưng bây giờ trong bối cảnh mọi thứ đều có thể đưa lên mạng thì câu chuyện này không chỉ còn là chuyện riêng của trường mình, mà nó sẽ có tác động đến xã hội, có sự chi phối của cộng đồng, cho nên cũng phải tính đến ý kiến chung, dư luận của xã hội đánh giá như thế nào để có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Quay trở lại câu chuyện sáng tạo trong văn hóa, hay bất cứ lĩnh vực nào cũng vậy, rất được khuyến khích. Song việc sáng tạo phải dựa trên những nghiên cứu kỹ lưỡng, trên những cơ sở có tính khoa học, có tính đến những giá trị văn hóa, truyền thống văn hóa của dân tộc. Truyền thống văn hóa dân tộc trong trường hợp này nó không thể hiện ở chỗ trang phục cụ thể phải như thế nào là nên hoặc không nên, bởi vì lâu nay đã có truyền thống về trang phục cho lễ tốt nghiệp đâu, tuy nhiên nó thể hiện ở chỗ tính cách của người Việt trọng sự chừng mực, vừa phải, không làm gì thái quá. Đồng thời cần chú ý, bộ trang phục của anh phải là trang phục riêng của ngành giáo dục chứ không thể lẫn trang phục bên giáo hội.

Trong trường hợp cụ thể này thì thấy ông hiệu trưởng đã sử dụng trang phục thái quá so với truyền thống. Tôi tìm hiểu thấy rằng, ngay cả các vị lãnh đạo trường đại học ở nước ngoài khi trao bằng, mặc dù một số người đưa ảnh một số hiệu trưởng họ cầm quyền trượng, nhưng nhìn tổng thể hoàn toàn không phải giáo hoàng, không giống hình ảnh giáo hoàng, vẫn là hình ảnh của hiệu trưởng. Còn ở đây, trong tổng thể, từ màu áo đỏ đến mũ, quyền trượng, tràng dây đeo cổ, tổng hợp lại thì thấy giống hệt... Vì vậy nó mới phản cảm.

(GS.TSKH TRẦN NGỌC THÊM)

“Ngành giáo dục cần phải chuẩn mực”

Đã nói đến văn hóa thì phải có ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc, và ngành giáo dục càng phải chú ý đến điều đó. Tất nhiên khi căn cứ vào quy định thì sự việc trên chưa có những điều khoản cụ thể nên không thể nói vị hiệu trưởng đã làm sai luật hay vi phạm quy định. Nhưng bản thân mỗi nhà giáo phải tự biết làm gì cho phù hợp với văn hóa dân tộc mình. Ngành giáo dục, môi trường giáo dục đòi hỏi tính văn hóa, tính mô phạm và cả tính nghệ thuật hơn những ngành nghề khác, bởi sứ mệnh giáo dục, đào tạo của từng đơn vị trường học, từng tấm gương, tác phong của thầy cô phải thật sự làm tấm gương cho HSSV.

Đặc biệt đối với người lãnh đạo thì càng phải nghiêm khắc hơn, tuân thủ những quy tắc mang tính chuẩn mực này.

(Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT ĐẶNG HUỲNH MAI)

“Nặng về hình thức và không hợp thời”

Lễ trao bằng tốt nghiệp của các trường đại học ở châu Âu, Mỹ… đều có những hình thức tổ chức, tập tục riêng phù hợp với tính chất lịch sử, nét văn hóa của họ, đó là chuyện không có gì đáng bàn cãi. Nhưng cái cách ăn mặc của lãnh đạo Trường Đại học Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) là một vấn đề đáng bàn. Tôi thấy rằng, trong sự kiện này, Đại học Kinh tế đã làm quá, nặng về hình thức và chọn hình thức không hợp thời.

Những năm đầu thập niên 70 thế kỷ trước, nhiều trường đại học ở châu Âu đã bỏ hình thức mũ áo tốt nghiệp, đặc biệt là cách ăn mặc của Hiệu trưởng, Giám đốc các trường cũng đã đổi thay. Họ không còn tổ chức lễ tốt nghiệp phô trương nữa, mà đối với họ, học vấn và giáo dục là chủ yếu chứ không phải bộ áo, đó là tinh thần khoa học. Quay trở lại sự việc “ồn ào” từ cách ăn mặc của Hiệu trưởng Đại học Kinh tế tại lễ trao bằng tốt nghiệp vừa qua, nó không giống hành động của tri thức và sự tiến bộ, không ăn nhập gì với xã hội Việt Nam, càng không liên quan, không phù hợp với tinh thần giáo dục của một trường học chuyên về kinh tế.

Việt Nam hội nhập với thế giới không có nghĩa là chúng ta phải đồng hóa với thế giới. Hội nhập không phải là chúng ta “bắt chước” hết những cái của họ, mà phải hội nhập có chọn lọc, hiểu được cái nào tốt, hay, phù hợp với xã hội Việt Nam, nhất là cho giới trẻ trên phương diện giáo dục. Phản ứng của cộng đồng đối với hành động “bắt chước” nói trên cho thấy rằng không phải tất cả sự “bắt chước” nào cũng đáng noi theo. Mọi sự đổi mới cần phải có suy nghĩ, tham khảo vốn liếng truyền thống của cộng đồng bản địa, cũng như tính cách truyền thống của thế giới.

(GS.TS THÁI KIM LAN)

“Nên nghiên cứu, lựa chọn trang phục phù hợp với truyền thống”

Tổ chức lễ tốt nghiệp như thế nào cho HSSV ra trường để các em có ấn tượng tốt, kỷ niệm đẹp với ngôi trường mình từng gắn bó trong nhiều năm là điều rất nên làm. Tuy nhiên, cần lưu ý một số vấn đề để đảm bảo cho lễ tốt nghiệp tạo được hình ảnh đẹp, hay, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Một vấn đề nổi bật trong lễ tốt nghiệp là trang phục. Cho đến nay, hầu như chúng ta đều dùng các loại lễ phục “nhập khẩu” 100%, khá xa lạ với trang phục truyền thống.

Trang phục truyền thống của người Việt Nam vốn rất phong phú, đẹp và không kém phần trang trọng, lại rất phù hợp với tầm vóc, tính cách con người Việt Nam. Trong thời kỳ quân chủ phong kiến, các triều đại độc lập của nước ta đều đặc biệt chú ý đến chế độ Y Quan (tức trang phục) và Lễ nhạc, xem đó là biểu hiện của trình độ văn minh. Bởi vậy, ta cũng có đủ các loại lễ phục, triều phục, tế phục, tang phục, thường phục... sử dụng trong các hoàn cảnh khác nhau. Với giới trí thức, ngày xưa nếu đỗ Tiến sĩ thì được triều đình ban cho áo mũ cân đai rất trang trọng.

Tôi cho rằng, các trường đại học trong nước nên nghiên cứu để chọn loại trang phục phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc. Gần đây, cố đô Huế đã vận động toàn bộ lãnh đạo tỉnh, các Sở, ngành cùng thầy cô giáo, các em học sinh mặc áo dài truyền thống khi tham gia lễ tôn vinh học sinh danh dự của 367 trường trong toàn tỉnh, tạo nên hình ảnh rất đẹp, trang trọng và giàu bản sắc. Đó là một ví dụ điển hình mà cả nước nên tham khảo.

(TS PHAN THANH HẢI, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế)

  Việt Nam hội nhập với thế giới không có nghĩa là chúng ta phải đồng hóa với thế giới. Hội nhập không phải là chúng ta “bắt chước” hết những cái của họ, mà phải hội nhập có chọn lọc, hiểu được cái nào tốt, hay, phù hợp với xã hội Việt Nam, nhất là cho giới trẻ trên phương diện giáo dục. Phản ứng của cộng đồng đối với hành động “bắt chước” nói trên cho thấy rằng không phải tất cả sự “bắt chước” nào cũng đáng noi theo.

(GS.TS THÁI KIM LAN)

THÙY TRANG - SƠN THÙY (thực hiện)

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top