Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi): Tháo gỡ vướng mắc, hoàn thiện chính sách

Thứ Năm 28/07/2022 | 14:07 GMT+7

VHO- Ngày 28.7 tại Hà Nội, Bộ VHTTDL tổ chức Hội thảo góp ý hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương dự và chủ trì Hội nghị. Cùng dự có đại diện các Ban, Bộ, ngành TƯ; lãnh đạo các Tổng Cục, Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ; Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành; các Bảo tàng, BQL di tích,  BQL các Trung tâm Di sản Thế giới; các tổ chức xã hội nghề nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học…

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương chủ trì hội thảo

Lấp nhiều “khoảng trống”

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương khẳng định, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa luôn được Đảng quan tâm, chú trọng, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, lan tỏa các giá trị, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội.

 Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xác định rõ vị trí, vai trò của văn hóa trong sự phát triển kinh tế - xã hội, là cơ hội để các cấp, các ngành xây dựng chiến lược phát triển văn hóa trong thời đại mới, với những nội dung chính: "Quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại. Phát triển "sức mạnh mềm" của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới... và “quán triệt nghiêm túc quan điểm "văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội…".

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, việc thể chế hóa kịp thời các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng thành các quy định pháp luật là cần thiết để giải quyết việc hợp hiến, hợp pháp các quy định pháp luật trên cơ sở kế thừa, khắc phục, xây dựng các chính sách mới phù hợp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tăng cường phân cấp, phát huy nguồn lực xã hội và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ hội nhập, phát triển. “Sau 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và hơn 10 năm sửa đổi, bổ sung, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng đa dạng, hiệu quả hơn, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho cộng đồng nơi có di sản hoặc nắm giữ/thực hành di sản, góp phần thu hút du lịch, tạo thêm “thế và lực” cho sự phát triển kinh tế-xã hội của từng đơn vị, địa phương nói riêng và đất nước nói chung…”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Lê Thị Thu Hiền trình bày hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi

Trước những đòi hỏi cấp bách từ thực tế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa cũng dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho rằng, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là cần thiết để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, điều chỉnh những  vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Lãnh đạo Bộ bày tỏ mong muốn qua Hội thảo sẽ nhận được những ý kiến đóng góp quý báu để tiếp tục hoàn thiện chính sách về di sản văn hoá, tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng yêu cầu của xã hội trong giai đoạn phát triển mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Toàn cảnh hội thảo

Trình bày hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Lê Thị Thu Hiền cho biết, những năm qua, hệ thống pháp luật về di sản văn hóa ngày càng được bổ sung, hoàn thiện: 01 Luật, 01 Luật sửa đổi, bổ sung; 8 Nghị định của Chính phủ; 3 Quyết định và 1 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; 17 Thông tư, 8 Quyết định, 3 Chỉ thị; 2 Thông tư liên tịch.

Đồng thời, Cục trưởng Lê Thị Thu Hiền cũng nêu rõ 3 chính sách đề nghị trong Luật Di sản Văn hóa sửa đổi, gồm: Hoàn thiện các quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Hoàn thiện các quy định về thực hiện phân cấp quản lý nhà nước về di sản văn hóa phù hợp với thực tiễn; Hoàn thiện các quy định về huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

 Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Thị Vân Anh tham luận tại hội thảo

 Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh sự cần thiết của việc hoàn thiện các quy định về bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực di tích, di sản văn hóa phi vật thể; di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia; di sản tư liệu; bảo tàng để tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, người thực hành, cộng đồng chủ thể  di sản; nhằm  phát huy vai trò và thuận lợi trong thực tiễn triển khai các nhiệm vụ bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa. Phó Giám đốc Sở Hà Nội cũng nêu một số đề nghị về chính sách hỗ trợ, đãi ngộ nghệ nhân: “Đề nghị Luật quy định rõ đối tượng và mức hỗ trợ đối với nghệ nhân là người đang hưởng lương hưu, đang công tác hưởng lương ngân sách và người không có lương. Việc xét tặng Nghệ nhân cấp Nhà nước đang thực hiện ở 2 lĩnh vực: Di sản văn hóa phi vật thể  và Nghề thủ công mỹ nghệ. Hai Nghị định này đều căn cứ Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa. Để đảm bảo quyền lợi và chế độ hỗ trợ, đãi ngộ cho các nghệ nhân và CLB đang hoạt động trong hai lĩnh vực Thủ công mỹ nghệ và Di sản văn hóa phi vật thể, đề nghị Luật nghiên cứu, sửa đổi phù hợp...”.

“Hiến kế” hoàn thiện hành lang pháp lý

Với tham luận về di sản đô thị, GS.TS. KTS Hoàng Đạo Kính nêu, Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung năm 2009 chưa đề cập đến khái niệm, thuật ngữ di sản đô thị hoặc di sản kiến trúc nông thôn. Trên thực tế, các quỹ kiến trúc đô thị và nông thôn luôn rơi vào tình thế mâu thuẫn đối kháng, thách thức không thể giải quyết. Đó là mâu thuẫn giữa đòi hỏi bảo tồn và nhu cầu sử dụng, phát triển. Đề xuất khái niệm và thuật ngữ di sản đô thị, di sản nông thôn cần được đưa vào Luật di sản văn hóa sửa đổi, GS. Hoàng Đạo Kính cho rằng, công cụ quản lý bảo tồn di sản đô thị, nông thôn là những bản quy hoạch chi tiết về cải tạo các khu di sản, các quy chế, quy định đối với các công trình, di tích, đường phố cần được bảo tồn ở cấp độ khác nhau. Lấy ví dụ từ trường hợp của phố cổ Hà Nội, làng cổ Đường Lâm…, những địa chỉ luôn đứng trước mâu thuẫn giữa yêu cầu bảo tồn với phát triển, GS Hoàng Đạo Kính nhấn mạnh, hành lang pháp lý rất cần bổ sung các giải pháp hài hòa.

GS.TS. KTS Hoàng Đạo Kính với tham luận về di sản đô thị

TS. Vũ Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) chia sẻ, tại Việt Nam, dù Chương trình Ký ức thế giới được UNESCO khởi xướng vào năm 1992, tuy nhiên thời kỳ đầu, việc tham gia vào Chương trình này còn chưa được quan tâm đúng mức . “Để có thể thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về Di sản tư liệu, Bộ VHTTDL cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật về di sản tư liệu để sớm trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, ban hành…”, bà Hương phát biểu.

PGS.TS Tống Trung Tín nhấn mạnh, từ lâu, giới khảo cổ học đã mong đợi việc sửa đổi, bổ sung Luật Di sản Văn hóa. Xuất phát từ thực tiễn, ông Tín nêu một số bất cập. Việc thực hiện các điều luật bảo vệ di sản văn hóa ở nhiều nơi, nhiều lúc chưa nghiêm. Vấn đề bảo vệ di tích sau khai quật trong Luật vẫn còn thiếu, chưa chặt chẽ.  “Trong khảo cổ học, việc khai quật và di dời khảo cổ học mới chỉ mới là thu thập tư liệu, khoảng 50% nhiệm vụ, còn lại một nửa là chỉnh lý và xây dựng hồ sơ khoa học. Nếu không làm hồ sơ khoa học, phác dựng lại quá khứ một cách chân thực, thì kinh phí và công sức bỏ ra khai quật, di dời là vô ích, lãng phí, thế hệ sau không có tư liệu nghiên cứu lịch sử dân tộc trong khi di tích đã bị phá hủy rồi...”, ông Tín nêu.

PGS.TS Tống Trung Tín

Cũng theo ông Tống Trung Tín, việc xử lý các di tích, di vật sau khai quật, di dời cũng đang là một vấn đề . Ở Việt Nam hiện có 2 cách ứng xử: một là, sau khi đã xây dựng hồ sơ khoa học, các di vật hầu hết đều được chôn lấp (hoặc vứt bỏ), chỉ giữ mẫu hiện vật và các hiện vật được đánh giá quan trọng để trưng bày. Hai là, lưu giữ toàn bộ di vật như Hoàng thành Thăng Long và Thành Nhà Hồ. “Việc giữ lại toàn bộ di tích, di vật đã được di dời là hợp lý, vì trong xử lý, nghiên cứu còn có điểm chưa nhận thức hết được, còn phải nghiên cứu đi, nghiên cứu lại nhiều lần.  Điều này nếu không qui định rõ ràng thì sẽ gây lãng phí di sản và đặc biệt sẽ gặp khó khăn khi đặt vấn đề nghiên cứu lại thì không còn di vật nữa, trong trưng bày cũng không còn di vật để trưng bày. Tuy nhiên, hiện nay cũng không có ở trong bất cứ Luật hoặc các văn bản pháp lý nào của nước ta quy định về các vấn đề trên...”,  vẫn ông Tín nêu.

Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, PGS.TS Đỗ Văn Trụ

Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, PGS.TS Đỗ Văn Trụ nhấn mạnh sự cần thiết phân loại Bảo tàng, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, nghiên cứu khoa học và nhận diện đối với các bảo tàng. Theo ông Trụ, tại Việt Nam, theo quy định tại Luật Di sản văn hoá thì bảo tàng Việt Nam được chia thành bảo tàng công lập và bảo tàng ngoài công lập.  Cách phân loại này tuy gọn nhưng có tính phân biệt giữa nhà nước và ngoài nhà nước,  không căn cứ vào những tiêu chí khoa học. “Tuy các nước có sự phân loại bảo tàng khác nhau, nhưng nhìn chung quan điểm phân loại bảo tàng là theo loại hình, tức là căn cứ vào sưu tập hiện vật, nội dung trưng bày trong mối quan hệ với các ngành khoa học tương ứng, có những dấu hiệu, đặc điểm chung để phân loại...”,  Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam gợi mở.

GS.TS Lê Hồng Lý tham luận về vai trò của các tổ chức xã hội với hoạt động  bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể

Từ những vấn đề đặt ra trong thực tiễn, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Bà Ria- Vũng Tàu Nguyễn Đình Trung tham luận về cơ chế, chính sách huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Ông Trung nêu thực tế, công tác tu bổ di tích hiện nay thực hiện theo quy định tại các văn bản pháp luật về di sản, pháp luật về xây dựng và các văn bản pháp luật liên quan khác. Theo đó, trình tự, thủ tục các bước thẩm định, phê duyệt chủ trương, phê duyệt dự án đều không có quy định riêng về tu bổ di tích đối với nguồn vốn xã hội hóa. Từ đây, Giám đốc Sở Bà Rịa- Vũng Tàu đề nghị có những quy định riêng đối với việc tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích từ nguồn xã hội hóa, đảm bảo nguyên tắc bảo tồn di tích theo quy định chung nhưng vẫn có chính sách thúc đẩy, khuyến khích mọi nguồn lực xã hội đầu tư nhanh chóng, thuận lợi cho công tác này.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả tích cực, trên thực tế, hoạt động bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa những năm qua cũng đã đặt ra nhiều vấn đề cần các giải pháp phù hợp. Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đánh giá cao chất lượng các tham luận và ý kiến tâm huyết của các đại biểu, địa phương. Đồng thời bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục nhận thêm nhiều ý kiến đóng góp hơn nữa để Bộ VHTTDL có thể hoàn thiện Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đảm bảo phù hợp với thực tiễn quản lý, góp phần bảo vệ và phát huy di sản văn hóa Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững.

PHƯƠNG ANH; ảnh: TRẦN HUẤN

Print
Tags: Di sản

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top