Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Bị yêu cầu gỡ tranh vẽ nữ sĩ Hồ Xuân Hương: Không thể tùy tiện khi vẽ về những nhân vật văn hóa

Thứ Tư 27/07/2022 | 10:32 GMT+7

VHO- Triển lãm tranh Hồ Xuân Hương của hai tác giả Nguyễn Quốc Thắng và Nguyễn Nghiêm Nhan vừa tạo sóng trong dư luận mấy ngày qua khi Hội Mỹ thuật Việt Nam đã yêu cầu Hội đồng nghệ thuật xem xét, họp và gỡ bỏ một số bức tranh dung tục, phản cảm. Do triển lãm chỉ còn vài ngày nữa là khép lại nên hai họa sĩ xin dừng triển lãm sớm.

Một tác phẩm tại triển lãm Hồ Xuân Hương không nằm trong số tranh bị yêu cầu gỡ

 Sự việc đáng tiếc này cho thấy sự cần thiết cẩn trọng khi vẽ về những nhân vật có sức tác động lớn trong đời sống văn hóa, thi ca như nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Hồ Xuân Hương là tên triển lãm của hai họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng và Nguyễn Nghiêm Nhan, giới thiệu 25 bức tranh chất liệu acrylic về nữ sĩ Hồ Xuân Hương, diễn ra tại Nhà Triển lãm 16 Ngô Quyền. Nguyễn Nghiêm Nhan là đạo diễn, được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú. Nguyễn Quốc Thắng là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, trước phản ứng của dư luận về một số tác phẩm vẽ nữ sĩ Hồ Xuân Hương ở triển lãm nói trên, Hội đã yêu cầu Hội đồng nghệ thuật xem xét, họp và gỡ bỏ khỏi triển lãm Hồ Xuân Hương.

Sau khi tranh được triển lãm, một số nhà chuyên môn và dư luận không chấp nhận một số tác phẩm và cho rằng chúng dung tục, phản cảm. Hội đồng nghệ thuật đã họp và yêu cầu gỡ bỏ một số tác phẩm khiến dư luận phản ứng. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, do triển lãm chỉ còn vài ngày nữa khép lại nên hai họa sĩ xin dừng triển lãm sớm. Đây là điều đáng tiếc của Hội đồng nghệ thuật. Triển lãm khai mạc ngày 21.7, dự kiến kéo dài hết 29.7. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cũng chia sẻ, trách nhiệm trước hết thuộc về họa sĩ, Hội đồng nghệ thuật của Nhà Triển lãm. “Tranh vẽ minh họa cho thơ Hồ Xuân Hương khác với tranh chân dung nữ sĩ. Đây là điều đáng tiếc cho Hội đồng vì đã không nhận ra sớm”, ông Lương Xuân Đoàn nói. Chủ tịch Hội cũng cho biết, Hội có trách nhiệm và tiếp thu ngay ý kiến dư luận, đồng thời sẽ cẩn trọng hơn những lần sau.

Triển lãm tranh Hồ Xuân Hương có một số tác phẩm bị chỉ trích

Trước đó, tại khai mạc triển lãm, đạo diễn Nguyễn Nghiêm Nhan cho biết, anh đang diễn tả cõi mơ của nữ sĩ, là nỗi lòng tự sự của nhà thơ, là sự cô đơn rỗng lòng, là ôm ấp hoài niệm bốn mùa đi qua, là cá tính mạnh mẽ. Bởi thế, 200 năm sau ngày bà mất dường như cá tính ấy còn thấp thoáng đâu đây với những nữ sĩ ngày nay... Tranh của Nguyễn Quốc Thắng được giới thiệu lấy cảm hứng từ thơ, cái nhìn về Hồ Xuân Hương, họa sĩ thể hiện hình ảnh nữ sĩ khao khát tình yêu. Tuy nhiên, những ý tưởng và một số tác phẩm cụ thể của hai tác giả về nữ sĩ “Bánh trôi nước” đã không nhận được sự đồng cảm từ công chúng và trong chính giới nghề. Một số ý kiến cho rằng, các tác phẩm không có nhiều điểm mới trong cách vẽ, hình ảnh nữ sĩ được khắc họa thô thiển, phản cảm; có bức nét vẽ như bôi màu, nghuệch ngoạc, không có giá trị thẩm mỹ, làm xấu đi hình ảnh Hồ Xuân Hương.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cũng chia sẻ, thơ Hồ Xuân Hương khi chuyển sang ngôn ngữ tạo hình của hội họa rất khác, cần rất cẩn trọng, bởi ranh giới từ nghệ thuật trở thành dung tục, phản cảm, khó chấp nhận… là rất mong manh. Trước đó, các danh họa Bùi Xuân Phái, Lê Lam đã từng vẽ nữ sĩ Hồ Xuân Hương rất táo bạo nhưng người xem không thấy sự dung tục trong đó. Tranh Bùi Xuân Phái vẽ Hồ Xuân Hương với cách tạo hình bậc thầy đã làm duyên thêm cho Hồ Xuân Hương, tạo nên cảm xúc rất thanh thoát.

Hồ Xuân Hương được mệnh danh “Bà chúa thơ Nôm”. Sáng tác của bà gắn liền phong cách đố tục giảng thanh, mượn những ẩn dụ táo bạo về tình dục để bộc lộ tiếng nói về bình đẳng giới, chống bất công... trong thời đại của bà. Một trong những bài thơ Nôm nổi tiếng nhất của bà là “Bánh trôi nước”. Tháng 11.2021, UNESCO công nhận Hồ Xuân Hương là danh nhân văn hóa thế giới. Năm nay kỷ niệm 250 năm ngày sinh và 200 năm ngày mất của nữ thi sĩ. “Những gì diễn ra tại triển lãm là rất đáng tiếc, đồng thời cho thấy rằng vẽ về một nhân vật văn hóa như bà Hồ Xuân Hương cần đặc biệt cẩn trọng. Việc tạo cảm nhận về sự sỗ sàng, dung tục, phản cảm thì khiến dư luận phản ứng là điều đương nhiên”, theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn. Ông thừa nhận, sự đánh giá của công luận đối với một số bức tranh vẽ nữ sĩ Hồ Xuân Hương “phản cảm” là chính xác. 

 

 Những gì diễn ra tại triển lãm là rất đáng tiếc, đồng thời cho thấy rằng vẽ về một nhân vật văn hóa như bà Hồ Xuân Hương cần đặc biệt cẩn trọng. Việc tạo cảm nhận về sự sỗ sàng, dung tục, phản cảm thì khiến dư luận phản ứng là điều đương nhiên.

(Họa sĩ LƯƠNG XUÂN ĐOÀN, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam)

 BẢO NGÂN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top