Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Dữ liệu cá nhân trong dịch vụ công trực tuyến: Những “lỗ hổng” trong chính sách về bảo vệ

Thứ Tư 29/06/2022 | 09:30 GMT+7

VHO-Nhận thức và quan tâm đối với bản chính sách về quyền riêng tư còn hạn chế; chưa tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về bảo vệ dữ liệu của công dân; chưa nâng cao nhận thức của người dân trong vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân trên các nền tảng số,... là những yếu tố tạo ra “lỗ hổng” trong chính sách về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong dịch vụ công trực tuyến.

 Các diễn giả tại cuộc tọa đàm

 Đó là thông tin được chia sẻ tại cuộc tọa đàm chuyên đề “Đánh giá việc bảo vệ dữ liệu cá nhân trên các nền tảng tương tác với người dân của chính quyền địa phương” do Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam và Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) phối hợp tổ chức vào sáng 28.6 tại Hà Nội.

Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông được cung cấp tại buổi tọa đàm, có tới 59/63 cổng thông tin điện tử và 60/63 cổng dịch vụ công trực tuyến chưa công bố chính sách về quyền riêng tư, trong khi đó chính sách này là một văn bản thỏa thuận điện tử thiết lập trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trước chủ thể dữ liệu là người dân và là căn cứ để người dân bảo vệ các quyền đối với dữ liệu của họ khi có sự cố hay tranh chấp xảy ra.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, chỉ có 17 trong số 50 ứng dụng thông minh hỗ trợ tương tác chính quyền và người dân có công khai đầu mối liên hệ về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó có 1/63 cổng dịch vụ công trực tuyến, và 3/63 cổng thông tin điện tử cấp tỉnh công bố thông tin này. Một trong những vấn đề tạo ra lỗ hổng trong việc bảo mật đó chính là không có sự phân định rạch ròi giữa cơ quan chủ quản, cơ quan, đơn vị vận hành và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xây dựng nền tảng.

Cụ thể, quản lý dữ liệu cá nhân của công dân trên các cổng dịch vụ công trực tuyến, cổng thông tin điện tử cấp tỉnh phải là UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đơn vị vận hành có thể là Sở TT&TT, còn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xây dựng nền tảng không phải là một bên trong mối quan hệ giữa công dân và chính quyền. Thế nhưng, thực tế khảo sát cho thấy, đang có việc hiểu sai, và phân định sai trách nhiệm pháp lý của các chủ thể quản lý dữ liệu. Việc không phân định đúng vai trò, chức năng sẽ khiến quy trình bảo vệ dữ liệu thiếu hiệu quả. Hơn thế nữa, khi có vấn đề, sự cố xảy ra, sẽ không có căn cứ để xác định chủ thể chịu trách nhiệm.

Khảo sát cũng cho thấy, các quy định pháp luật về bảo vệ dữ liệu của công dân chưa được tuân thủ đầy đủ. Dựa trên kết quả khảo sát 39 bản chính sách về quyền riêng tư, cho thấy thông tin liên hệ của đầu mối bảo vệ dữ liệu cá nhân được 39 tỉnh, thành phố cung cấp, thì chỉ có 4 tỉnh, thành sử dụng email công vụ, 3 tỉnh, thành sử dụng email của các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng nền tảng; còn lại đều sử dụng email cá nhân. Điều này có thể dẫn đến hậu quả là sau khi xây dựng nền tảng xong, các doanh nghiệp hoặc cá nhân có thể lợi dụng “chiếm đoạt” dữ liệu cá nhân và sử dụng vào mục đích thương mại, gây lộ, lọt thông tin cá nhân của công dân.

Một vấn đề đáng quan ngại khác là sự tương tác giữa chính quyền và người dân rất thấp. Nhóm nghiên cứu thực hiện kiểm tra bằng cách yêu cầu cập nhật thông tin tài khoản và tiếp cận các phương thức bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được chính quyền địa phương phát triển, (dùng “tạm” đầu mối liên hệ hiển thị trên trang chủ các cổng dịch vụ công trực tuyến và cổng thông tin điện tử), trong số 130 thư điện tử được gửi, chỉ có 9 thư nhận được thông tin phản hồi, và chỉ có 1 thư phản hồi đầy đủ và hướng dẫn cụ thể. Điều này cũng cho thấy, người dân sẽ gặp khó khăn khi đăng ký, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là lúng túng trong việc xác định quyền được bảo mật thông tin

Tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) cho rằng, còn thiếu cơ sở pháp lý về quyền riêng tư, thiếu nội hàm để làm rõ thế nào là bí mật cá nhân, dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư. Theo bà Thoa, nền kinh tế số, Chính phủ số rất thuận tiện cho người dân, nhưng làm thế nào để bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dân. Điều đó đòi hỏi cần có hành lang pháp lý, cơ sở pháp lý để cơ quan nhà nước hoạt động và người dân yên tâm.

Ông Nguyễn Dương Anh, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, hiện nay chúng ta đã có hệ thống các quy định pháp luật để bảo vệ dữ liệu cá nhân của công dân. Dữ liệu công dân tại các cổng dịch vụ công trực tuyến là dữ liệu công vụ, và nhà nước có biện pháp bảo đảm. Lấy ví dụ từ tỉnh Thừa Thiên Huế, dữ liệu cá nhân được quản lý rất chặt chẽ, một khi công dân có phản ánh về việc dữ liệu cá nhân bị lọt ra ngoài, đơn vị quản lý, cụ thể là Sở TT&TT sẽ kiểm tra được ngay là ai đã truy cập vào tài khoản cá nhân của công dân, việc tải dữ liệu được thực hiện vào thời điểm nào. Vấn đề trước mắt là cần hệ thống lại các quy định pháp luật về bảo mật cơ sở dữ liệu cá nhân để việc thực hiện được dễ dàng. Nhưng điều quan trọng, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân. Ông Anh cũng cho rằng, việc lộ, lọt thông tin cá nhân không chỉ trong khu vực công mà khu vực tư việc lộ lọt rất nhiều. Người dân khi tải các ứng dụng thương mại điện tử hầu hết không quan tâm đến chính sách bảo mật, thậm chí không hề đọc bản thoả thuận với nhà cung cấp dịch vụ, sẵn sàng tích vào ô đồng ý trong vòng vài giây, mà không biết rằng có rất nhiều bản thoả thuận có điều khoản là đồng ý chia sẻ thông tin cá nhân hoặc bên “A” được sử dụng thông tin cá nhân của bên “B”. 

HOÀNG HƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top