Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Văn học làm gì để góp phần chấn hưng văn hóa? (Bài cuối): Đầu tư cho văn học cũng là đầu tư cho văn hóa

Thứ Hai 27/06/2022 | 10:40 GMT+7

VHO- Trao đổi với Văn Hóa, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, để trở thành một thành tố tích cực góp phần chấn hưng văn hóa theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, bản thân văn học phải nỗ lực, đổi mới để phát triển, đồng thời cần một chiến lược đầu tư lâu dài và bền bỉ, bởi đầu tư cho văn học cũng là đầu tư cho văn hóa.

 

 Những tác phẩm văn học cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chống dịch Covid-19

 Đầu tư cho văn học phải là một chiến lược lâu dài và bền bỉ

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19, đời sống văn học thời gian qua vẫn rất sôi động. Trước hết ở lĩnh vực sáng tác, trong quãng thời gian đại dịch, lực lượng nhà văn dù phải “nghỉ dịch” ở nhà nhưng không nghỉ viết. Họ vẫn hăng say viết nhiều tác phẩm liên quan đến công tác chống dịch ở nhiều thể loại như bài báo, ghi chép văn học, thơ và văn xuôi… Hàng loạt tác phẩm văn học đã ra đời trong hoàn cảnh đó. Có thể kể đến tiểu thuyết Những ngày cách ly dày 160 trang được tác giả Nguyễn Quang Thắng viết trong 12 ngày cách ly; Đi qua hai mùa dịch của tác giả trẻ Dy Khoa bày tỏ lòng cảm kích, yêu quý đối với những người thầy thuốc đang ngày đêm bảo vệ sức khỏe người dân; Sự sống và lòng biết ơn, tập trường ca của nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo đầy tính thời sự, chan chứa cảm xúc được viết trong mùa dịch Covid-19; Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái, cuốn nhật ký y tá thời Covid-19; “Cô-Vy” tự sự - Gió và tình yêu vẫn thổi, tuyển tập những nỗi niềm của con người trên mọi miền đất nước trong những ngày dịch bệnh bão tố… Rõ ràng, trong thời khắc nước sôi lửa bỏng, “chống dịch như chống giặc”, văn học nói riêng, văn học nghệ thuật nói chung đã bám sát hơi thở cuộc sống, nhiều văn nghệ sĩ đã dấn thân, trực tiếp xông pha nơi tuyến đầu, bằng lời ca, tiếng hát và cho ra đời nhiều tác phẩm cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chống dịch Covid-19 gắn với phục hồi kinh tế - xã hội của đất nước.

Tiềm năng đặc biệt nhất phải kể đến là sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với văn nghệ sĩ, nhất là nhà văn ngày một cụ thể hơn và mang tính chiến lược. Đời sống dân chủ cũng ngày càng được mở rộng. Tất cả những điều đó sẽ tạo ra những cơ hội tốt nhất và chắp đôi cánh cho sự sáng tạo của nhà văn. Các nhà văn đều đang hiểu rằng chưa bao giờ họ có nhiều cơ hội và điều kiện sáng tạo như bây giờ. Việc cần làm là phải tận dụng được mọi tiềm năng để đưa chất lượng các tác phẩm đi lên.

(Nhà thơ NGUYỄN QUANG THIỀU, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam)

Để văn học tiếp tục phát triển, đạt được nhiều thành tựu mới, không thể không nói đến việc đầu tư. Đầu tư cho văn học cũng là đầu tư cho văn hóa. Việc đầu tư cho văn học phải là một chiến lược lâu dài và bền bỉ. Chính sách của Đảng và Nhà nước cho sự phát triển văn học - nghệ thuật là một chiến lược lớn. Chiến lược đó phải được coi là một chiến lược mang tính sống còn để góp phần phát triển, chấn hưng văn hóa. Các Bộ, ngành liên quan và các địa phương phải thấu hiểu tầm quan trọng của văn học trong sự phát triển văn hóa. Nếu không thấy được điều đó, việc triển khai chiến lược về văn học - nghệ thuật của Đảng và Nhà nước sẽ chỉ mang tính hình thức. Chủ nghĩa hình thức này vẫn đang diễn ra ở một số địa phương. Điều đó không những không thúc đẩy được sự phát triển văn học mà còn trở thành vật cản đường. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra chân lý “Văn hóa soi đường quốc dân đi”. Đầu tư cho văn học nói riêng và cho nghệ thuật nói chung phải như là một sứ mệnh, như là một nhiệm vụ chính trị quan trọng và cấp bách. Đầu tư ở đây phải ở cả hai phía vật chất và tinh thần. Đầu tư cho văn học không phải là đầu tư cụ thể cho một cá nhân hay cho một cuốn sách mà là đầu tư cho chủ nghĩa nhân văn và lòng tự trọng dân tộc.

Chưa bao giờ nhà văn có nhiều cơ hội và điều kiện sáng tạo như bây giờ

Để văn học phát triển, góp phần chấn hưng văn hóa, cũng không thể không nói đến công tác chuyên môn của Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết, trong năm 2021, chúng ta đã có nhiều tác phẩm chất lượng được trao giải thưởng Hội Nhà văn 2021, đây cũng là giải thưởng năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới và giải Tác giả trẻ. “Tôi thực sự vui mừng vì chất lượng của cả hai giải thưởng này có sự cải thiện rõ nét qua từng năm. Nhiều năm qua, Giải thưởng Hội Nhà văn và giải Tác giả trẻ đều nhận được sự đồng thuận cao trong giới, các nhà phê bình và bạn đọc. Giải Tác giả trẻ lần đầu tiên được Hội Nhà văn Việt Nam trao nhưng tạo được dư luận tốt. Các tác phẩm nhận giải của tác giả trẻ Đinh Phương, Lý Hữu Lương, Nguyễn Bình, Phương Đặng được giới nghề đánh giá cao về mặt chuyên môn”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết.

Ngoài ra, Hội Nhà văn Việt Nam còn phát động cuộc vận động văn học viết về thiếu nhi và chiến lược sách miễn phí cho trẻ em miền núi, vùng sâu và vùng xa và nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát động chiến lược sáng tác và in sách cho thiếu nhi. Đặc biệt nhất mới đây, Hội Nhà văn Việt Nam vừa tổ chức thành công Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X tại Đà Nẵng. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đến dự và có cuộc đối thoại với các nhà văn trẻ về những vấn đề của văn hóa, văn học đất nước. Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đến dự và có bài phát biểu rất chân tình, sâu sắc. Từ những gì đã diễn ra cho thấy, văn đàn Việt Nam đã nhận được nhiều sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành liên quan và cũng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

 Quan tâm nhiều hơn đến văn học dân tộc thiểu số

Trong bối cảnh chúng ta đang có những hội nhập mạnh mẽ với thế giới, văn học những năm gần đây góp phần rất nhiều trong việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thông của người Việt, đặc biệt là dòng văn học về dân tộc thiểu số (DTTS). Nhờ văn học DTTS, người Kinh gần gũi, hiểu hơn về người Tày, Nùng, Dao… Văn học DTTS cũng là cách để chúng ta phổ biến văn hóa của cộng đồng DTTS đến bạn đọc trong nước, xa hơn là quốc tế. Do đó, dòng văn học này cần được quan tâm để phát triển, khẳng định vị thế và phát huy tính độc đáo trong nền văn học, văn hóa Việt Nam. Đồng thời, chúng ta cần có thêm chính sách đầu tư, khuyến khích người viết để có thêm những sáng tác hay, đặc sắc về quê hương, dân tộc mình.

(Nhà thơ LÊ THIẾU NHƠN, Ủy viên BCH Hội Nhà văn TP.HCM, Ủy viên Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam)

Văn học là thành tố quan trọng góp phần chấn hưng và phát triển văn hóa. Ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, sứ mệnh của văn học đối với sự phát triển văn hóa là vô cùng quan trọng. Những giải thưởng vừa qua của Hội Nhà văn Việt Nam, đặc biệt là giải cho các nhà văn trẻ cùng những nỗ lực phát triển văn học cho thiếu nhi đã và đang tác động trực tiếp vào công cuộc chấn hưng văn hóa Việt. Các tác phẩm đó đã tạo ra những giá trị mỹ học mới, vẻ đẹp văn hóa, đánh thức lương tri con người, kêu gọi con người hãy yêu thương đồng loại và dâng hiến những vẻ đẹp sáng tạo cho dân tộc. “Tôi lấy ví dụ trường hợp tác giả Nguyễn Bình (20 tuổi) được trao giải Tác giả trẻ cho bản dịch Truyện Kiều của mình cho thấy ý thức, tình yêu của thế hệ trẻ Việt Nam với những di sản văn hóa của dân tộc. Qua quan sát, tôi nhận thấy những tín hiệu rất tốt đẹp cho văn học trong thời gian tới từ thế hệ nhà văn trẻ. Những người mà một, hai chục năm tới sẽ là chủ nhân của nền văn học nước nhà”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.

“Tôi đang nói đến những tiềm năng mà chúng ta đang có để phát triển văn học Việt Nam trong tương lai”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói và cho biết: Tiềm năng đầu tiên và mang tính nền tảng chính là tài năng, tri thức và lương tri của các nhà văn. Chúng ta đang có lực lượng nhà văn luôn hướng đến sáng tạo vì cái đẹp, vì con người và vì dân tộc. Cho dù tác phẩm đề cập đến những vấn đề của sự suy thoái đạo đức con người thì những tác phẩm ấy vẫn luôn luôn thắp lên hy vọng và tin vào con người.

“Bên cạnh đó, tiềm năng đặc biệt nhất phải kể đến là sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với văn nghệ sĩ, nhất là nhà văn ngày một cụ thể hơn và mang tính chiến lược. Đời sống dân chủ cũng ngày càng được mở rộng. Tất cả những điều đó sẽ tạo ra những cơ hội tốt nhất và chắp đôi cánh cho sự sáng tạo của nhà văn. Các nhà văn đều đang hiểu rằng chưa bao giờ họ có nhiều cơ hội và điều kiện sáng tạo như bây giờ. Việc cần làm là phải tận dụng được mọi tiềm năng để đưa chất lượng các tác phẩm đi lên”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh. 

 Những người làm công tác văn hóa cần sát cánh cùng nhà văn, nhà thơ

Văn học và văn hóa luôn đi liền với nhau. Văn chương góp phần bồi đắp, phát triển văn hóa. Ngược lại, văn hóa là chất liệu vô cùng quý giá cho văn chương. Văn hóa muốn được giữ gìn, phát triển thì các tác phẩm văn học phải chất lượng. Muốn làm được điều này, chúng ta cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa những người làm công tác văn hóa và đội ngũ cây viết. Chúng ta đã có sự liên kết giữa những nhà văn hóa và các tác giả nhưng sợi dây ấy cần chặt chẽ, bền bỉ hơn. Có được sự “cộng hưởng”, tôi tin nền văn học Việt Nam sẽ phát triển lên tầm cao mới nhờ có thêm những tác phẩm đem lại cảm xúc, sáng tạo mới cho độc giả. Văn hóa Việt Nam cũng vì thế có thêm những luồng sinh khí mới, phát triển tích cực.

(Nhà thơ ĐOÀN VĂN MẬT, Trưởng ban Thơ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội)

 ĐÌNH TOÁN - SÔNG THAI

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top