Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Những con thuyền không thể chia đôi

Thứ Tư 15/06/2022 | 11:07 GMT+7

VHO- Sau nhiều nỗ lực của chính quyền cơ sở nhằm giúp giảm dần thực trạng nhưng bạo lực gia đình vẫn dai dẳng, ngấm ngầm nhiều nơi. Ở miền biển tỉnh Quảng Ngãi, đời sống khó khăn của làng chài, ghe thuyền kéo theo vụn vỡ từ bên trong. Bên những dải cát kéo dài nơi đầu sóng, tình trạng bạo lực gia đình vốn âm ỉ đang dần bùng vỡ.

 30 năm nước mắt vẫn lăn dài trên gương mặt già nua của bà T

Cái chòi tre trên sông Phú Thọ mấp mé nước mát rượi của làng quê không làm cho Phạm Thị Vân và Trần Thị Hồng hạ nhiệt. Tiếng cự cãi, tức tối cứ qua lại trước bao ánh nhìn chung quanh. Hồng ngồi giữa nhóm bạn, người rũ rượi không còn sức sống. Mắt sưng húp, tóc rối, khuôn mặt u uất khiến cô gái chưa đầy 35 tuổi như thiếu phụ già nua.

“30 năm gánh bún riêu… chực khóc”

Nhóm bạn thân ngồi bên cạnh Hồng cố nén tiếng thở dài, buông xuôi trước cảnh đời của bạn. Cha mẹ Hồng là bà Lê Thị T và ông T.M ở thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi đều bước qua ngưỡng lục tuần. 40 năm hôn nhân, ông bà có với nhau bốn mặt con. Làm nghề đánh bắt ven bờ, cứ chiều tối ông M lại hành trang ra biển. Sáng sớm hôm sau ghé bến giao cá cho bà T bán bưng. Say sưa, chè chén kéo dài cuộc cãi vã và kết thúc là những cái đấm, tát tai trực diện vào người đàn bà miền biển. Nỗi ám ảnh đó theo Hồng suốt 30 năm.

Theo chồng vào Vũng Tàu lập nghiệp, Hồng đưa mẹ đi cùng để tránh những trận đòn roi từ người cha của mình. Ôm nỗi buồn đau đáu cố hương, bà T quay về làng chài Nghĩa An sau vài năm ở cùng con gái. Đánh đập, chửi mắng, xua đuổi lại tái diễn. Đôi co, lớn tiếng cho thỏa cơn giận càng làm những vết bầm trên cơ thể bà đậm hơn. Sau nhiều lần bạo hành nghiêm trọng, năm 2010 ông M chịu án 10 tháng tù giam. Mãn hạn tù, ông M chuyển từ bạo lực thân thể sang bạo lực tinh thần. Chửi rủa, xua đuổi bà T ra khỏi nhà là chuyện thường ngày. Chứng kiến nỗi đau của mẹ từ thơ ấu, Hồng quyết định trở về quê để bảo vệ mẹ. Cuộc hôn nhân đầu của Hồng cũng vỡ tan theo giấc mơ.

Gắng gượng bước qua tủi nhục, cay đắng Hồng cùng mẹ dựng lều bên bờ biển bán bún riêu kiếm sống qua ngày. Cái trại lều dựng tạm trên nền đất mượn. Bốn trụ cây cùng bạt che quanh, phía trên lều làm mái tôn cũ. Cứ sau 9 giờ sáng, cả mẹ con Hồng cùng bà T lại đùm túm nhau ra lều bún riêu. Buôn bán cả ngày kiếm được vài trăm nghìn đồng, mẹ con Hồng xoay sở sống tạm. Từ sáng đến tối bám lều là cách vợ con ông M thoát được cảnh đay nghiến lúc say... Nước mắt vẫn lăn dài trên vai “mẹ con gánh bún riêu” 30 năm chưa dứt.

 Mỗi khi ông M trở chứng, chồng con Hồng cùng mẹ ngồi ngoài đường chờ cho đến khi ông M hết sức chửi bới

Buông, giữ niềm đau riêng

Từng nổi danh là làng chài tỷ phú, nơi có nhiều chủ tàu, ngư dân giàu lên từ biển thì nay Nghĩa An im lìm, thưa thớt tiếng nói cười giòn giã ngày nào. Phía sau mỗi cánh cửa nhà, tiếng rấm rứt, thở dài đặc quánh màn đêm.

“Em sắp đi Nhật rồi. Xuất khẩu lao động kiếm ít tiền về làm nhà hai mẹ con ở. Bao năm thợ may cũng không dư nhiều”, Nguyễn Thị Hạnh, xã Nghĩa An thông báo cho tôi sau nửa năm không gặp vì Covid-19. Sau nỗi buồn tan vỡ cuộc hôn nhân xứ người, năm 2015 Hạnh trở về làng chài Nghĩa An. Nghề may đông khách giúp Hạnh có cuộc sống thong thả. Sau nhiều đắn đo, năm 2017, Hạnh đi bước nữa cùng T.V.V ở xã Nghĩa Phú bên kia sông. Người đàn bà có gương mặt xinh xắn, rắn rỏi ánh niềm hy vọng cuộc đời sang trang mới. Nhưng lần nữa, hôn nhân không mỉm cười với Hạnh. Con trai vừa mới chào đời, Hạnh bắt đầu những ngày tháng bị dày vò. Chạy xe thuê vài ngày V lại say xỉn, đánh vợ không nương tay. Sống giữa làng biển đông đúc, Hạnh cô đơn trong nỗi đau. Phụ nữ từng dang dở, định kiến lẫn mặc cảm Hạnh bao lần dày vò chính mình. Bạo lực dồn vai người đàn bà cũ. Không còn sức, Hạnh lầm lũi lên tòa đơn phương chấm dứt cuộc hôn nhân.

“Mày nghĩ sao, bớt nói lại… Lũ chúng mày lấy ai mà không được… Già họng, điếm đàng…”. Những tin nhắn đôi co, cãi nhau và bạo hành tinh thần tiếp tục áp chế khiến Hạnh khủng hoảng lần nữa. “Chị ơi anh ta vừa về đánh em và ôm thằng nhỏ đi rồi. Em phải làm sao đây. Không ai giải quyết cho em hết. Không còn cách nào bảo vệ em sao…”, Hạnh nhắn cho tôi trong tiếng khóc hoảng hốt giữa đêm khuya nửa năm trước. Sau nhiều lần can thiệp của Công an xã, mươi tháng qua mẹ con Hạnh yên thân hơn. “Mấy tháng nay không còn quậy nữa. Em đi xuất khẩu lao động kiếm ít tiền chứ ở đây lẩn quẩn khó khăn bám mãi”, ánh mắt xa xăm, Nguyễn Thị Hạnh tìm kiếm hy vọng cho ngày sau.

Vướng bận con cái, kinh tế lệ thuộc, tài sản ghe cá phải vươn khơi khiến nhiều phụ nữ miền biển không thể trốn chạy cuộc hôn nhân âm ỉ tổn thương. Những người đàn bà thỏa hiệp, trở về căn nhà từng gãy đổ để dựng lại niềm tin cho con trẻ. Nhưng khi nền móng ngôi nhà đã rạn nứt, bi kịch bạo lực gia đình ở miền biển không dừng ở bóng dáng già nua. Những câu chuyện buồn cứ kéo dài. Võ Thị Thanh ở xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi ôm nỗi đau dai dẳng, dù đã trở về nhà. Thanh kể, trong cơn say rượu lẫn tức tối, L.V.T sấn vào tát tai đấm đá Thanh. Trận đánh áp sát tường phía sau nhà, vết thâm tím loang từng mảng trên tay, vai Thanh khiến cơn đau nhức âm ỉ. Đau thể xác không bằng nỗi uất trong lòng.

40 tuổi có ba mặt con, người đàn bà mặt đen sạm phía sau nét duyên ngầm chực như tuổi năm mươi. Lấy nhau từ năm 2001, con trai đầu tròn năm thì bạo hành gắn liền với cuộc sống của Thanh. Làm nghề biển ven bờ, chiều T cùng ghe và lưới ra khơi đến sáng hôm sau. Thanh quẩn quanh nhà, bán cá chăm con. Mỗi năm, chi phí cho gia đình ngót nghét 300 triệu đồng. Tiền ghe thuyền, tổn phí đi biển, sinh hoạt gia đình… đè lên vai vợ chồng Thanh. Quẩn quanh bờ biển, tù túng tiền bạc, mâu thuẫn vợ chồng âm ỉ kéo dài. Điểm cuối là cãi vã và những vết bầm đầy thân thể của đàn bà.

“12 năm mình mới sinh đứa con thứ ba vì vỡ kế hoạch, chứ quanh năm bị đánh, chửi miết ai mà muốn đẻ. Cãi qua cãi lại, mình cũng có lỗi nhưng đánh thì mình chịu trận thôi. Viết giấy mấy lần muốn li dị nhưng vì con cái, vướng bận đủ thứ”, Thanh buông xuôi. Nộp đơn lên TAND thành phố, sau thời gian Thanh xin rút lại đơn và trở về nhà. Suy nghĩ quẩn quanh chưa thoát được nếp sống làng chài bao năm. Sau những tháng ngày đằng đẵng mòn mỏi, ly hôn là con đường cuối cùng của nhiều đôi vợ chồng để thoát khỏi bi kịch. Nhiều phụ nữ miền biển tạo dựng nhà cửa trên đất bên chồng, con cái, ghe xuồng dính chặt không thể chia đôi. Vì thế, không ít phụ nữ chọn lối về không chia rẽ, để rồi có khi bước sang một bi kịch khác. 

(Còn nữa)

NAM MINH

(Tên của các nhân vật đã thay đổi)

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top