Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Quy chế tuyển sinh đại học 2022: Điểm ưu tiên không còn “đồng hạng”

Thứ Tư 15/06/2022 | 10:11 GMT+7

VHO- Theo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2022 vừa được Bộ GD&ĐT công bố, một điểm mới gây chú ý và nhận được nhiều ý kiến trái chiều là điều chỉnh mới về cộng điểm ưu tiên.

 Bộ GD&ĐT điều chỉnh việc cộng điểm ưu tiên khu vực nhằm khắc phục tình trạng thí sinh có mức điểm tiệm cận 30 mà vẫn trượt đại học (ảnh minh họa)

Điểm ưu tiên của thí sinh bao gồm: Điểm ưu tiên khu vực (căn cứ vào nơi thí sinh cư trú theo thứ tự vùng núi, hải đảo, vùng nông thôn) và điểm ưu tiên đối tượng (gồm những trường hợp cụ thể quy định trong quy chế). Thí sinh trong diện trên sẽ được cộng mức điểm quy định chung vào điểm thi (tổng điểm 3 môn thi trong tổ hợp xét tuyển) để thành điểm xét tuyển.

Điểm thi càng cao thì điểm cộng ưu tiên càng thấp

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong 3 năm qua, nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên chiếm đến 25% tổng số thí sinh tốt nghiệp và thường là nhóm có tổng điểm 3 môn cao hơn hẳn so với nhóm được cộng điểm ưu tiên ở các mức độ khác nhau. Điều này dẫn tới sự mất công bằng khi thí sinh tiếp cận, ứng tuyển vào các ngành có sự cạnh tranh cao, bởi những ngành này có thể phải loại những thí sinh giỏi để nhận những thí sinh có mức điểm thi thực tế thấp hơn, chỉ vì họ được cộng điểm ưu tiên nên có tổng điểm vượt trội.

“Nhóm thí sinh có điểm thi cao top đầu mà không được cộng điểm ưu tiên lại bị yếu thế và ảnh hưởng quyền lợi rất lớn khi cạnh tranh vào các ngành, các trường hàng đầu. Có thể nói, đây là điều mất công bằng mà xã hội và báo chí, thí sinh, phụ huynh đã phản ứng mạnh mẽ nhiều năm qua”, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ GD Đại học (Bộ GD&ĐT) chia sẻ.

Các năm trước, có tình trạng nhiều ngành “hot” phải xác định điểm tuyển sát nút 30 điểm, thậm chí có ngành 30 điểm không đỗ, gây bức xúc dư luận. Một trong những nguyên nhân dẫn tới việc này là do thí sinh được cộng điểm ưu tiên. Để khắc phục sự bất hợp lý trên và đảm bảo sự công bằng trong toàn hệ thống, Quy chế tuyển sinh vừa ban hành đã quy định: Mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng đối với nhóm thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên (trung bình đạt 7,5 điểm/môn) sẽ giảm tuyến tính (tới 30 điểm thì mức điểm ưu tiên bằng 0), cụ thể theo công thức: Mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 - Tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x Tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường.

Ví dụ, những thí sinh đạt từ 24 điểm/3 môn trở xuống vẫn sẽ được hưởng điểm ưu tiên như hiện nay; nhưng nếu đạt mức 25 điểm sẽ chỉ còn được hưởng 5/6 điểm ưu tiên, 27 điểm sẽ chỉ còn 3/6… Thí sinh 30 điểm thì không còn được điểm ưu tiên.

Để tránh xáo trộn, nên dù Bộ GD&ĐT đã ban hành quy chế, nhưng điểm mới này sẽ thực hiện từ năm 2023 và không chỉ áp dụng với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT mà còn áp dụng với các phương thức xét tuyển khác, sau khi quy đổi ra thang điểm tương đương để xác định mức điểm ưu tiên phù hợp.

Ý kiến trái chiều

Có những ý kiến đồng tình với điểm mới trên nhưng khá nhiều chuyên gia, nhà giáo và phụ huynh lại không đồng ý với điều chỉnh này. “Đã là điểm cộng ưu tiên thì cần quy định mức điểm chung, tương ứng với các khu vực, đối tượng - như đã thực hiện các năm trước đây. Thí sinh cùng nằm trong một khu vực, nhưng người được cộng điểm ưu tiên nhiều, người được cộng ít là không công bằng”, một chuyên gia giáo dục lên tiếng.

Ngay sau khi quy chế ban hành, trên nhiều diễn đàn giáo dục xôn xao: “Quy định kiểu gì mà thí sinh học kém hơn (tổng điểm dưới 22,5) lại được cộng điểm nhiều hơn thí sinh giỏi (tổng điểm trên 22,5), chúng tôi chưa thấy sự vô lý như thế này bao giờ”, các phụ huynh ở Yên Bái bức xúc. Theo một số nhà giáo, thì thay vì điều chỉnh điểm ưu tiên theo hướng giảm mức dần với những thí sinh có tổng điểm cao trên 22,5 (điểm thi tốt nghiệp THPT), Bộ GD&ĐT cần tính toán việc ra đề thi để không sa vào tình trạng “mưa điểm 10”, từ đó dẫn tới việc thí sinh đạt 30 điểm, thậm chí trên 30 điểm - khi cộng thêm điểm ưu tiên - vẫn không đỗ.

Trong các năm gần đây, khi xác định kỳ thi tốt nghiệp THPT chủ yếu nhằm mục đích xét tốt nghiệp THPT và đánh giá chất lượng GD phổ thông, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh để giảm độ khó đề thi, bám sát kiến thức cơ bản của bậc THPT. Cũng vì thế, có những môn thi có nhiều thí sinh đạt điểm giỏi, đạt điểm tối đa. Mặc dù định hướng mục tiêu kỳ thi, nhưng Bộ GD&ĐT vẫn cho phép các trường sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh. Năm nay, Bộ GD&ĐT còn có các điều chỉnh kỹ thuật để tạo thuận lợi cho thí sinh tuyển sinh bằng phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp. Bộ cũng yêu cầu các cơ sở đào tạo dành chỉ tiêu nhiều hơn cho phương thức xét tuyển truyền thống này.

Tại Hội nghị về tuyển sinh đại học năm nay, đại diện nhiều trường đại học cho rằng, nếu Bộ muốn duy trì, thậm chí yêu cầu các trường dành chỉ tiêu tuyển sinh nhiều hơn mức 10-15% để xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp thì Bộ cần thay đổi định hướng xây dựng đề thi, tăng tính phân hoá so với các năm trước. Nhưng thay vì trả lời việc này, Bộ GD&ĐT lại điều chỉnh điểm cộng ưu tiên khu vực. Đây là một trong những nỗ lực của Bộ GD&ĐT nhằm khắc phục tình trạng thí sinh có mức điểm tiệm cận 30 mà vẫn trượt đại học, nhưng không phải tác động lên đề thi. 

 KỲ THANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top