Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Hướng tới đại hội Hội Thư viện Việt Nam nhiệm kỳ IV (2022-2027): Để xây dựng Hội Thư viện Việt Nam ngày càng vững mạnh

Thứ Tư 15/06/2022 | 10:00 GMT+7

VHO-  Phỏng vấn Thạc sĩ Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam

 Ông Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam

P.V: Hội Thư viện Việt Nam đã trải qua 15 năm hình thành và phát triển, xin ông cho biết thành tích tiêu biểu - điểm nhấn rõ nét mà Hội Thư viện Việt Nam đã đạt được trong nhiệm kỳ thứ III (2016-2021)?

- ThS Nguyễn Hữu Giới: Hội Thư viện Việt Nam là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, được thành lập năm 2006 theo Quyết định số 689/QĐ-BNV ngày 20.4.2006 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Trải qua 15 năm hoạt động với 3 kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc, đặc biệt là tiếp nối truyền thống quý báu của Hội Thư viện Việt Nam qua các thời kỳ trước, nhiệm kỳ 2016-2021, tập thể Ban Lãnh đạo, Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Hội Thư viện Việt Nam đã duy trì tốt mối đoàn kết, gắn bó, làm việc với tinh thần trách nhiệm, dân chủ, sáng tạo, không ngừng đổi mới, nhằm tập hợp, đoàn kết rộng rãi đội ngũ trí thức ngành thư viện ở Việt Nam, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, đó là: Tư vấn, phản biện các cơ chế - chính sách ngành thư viện; Thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho nhân dân; Tăng cường các hoạt động chuyên môn - nghiệp vụ thư viện và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, góp phần quan trọng thúc đẩy sự nghiệp Thư viện Việt Nam ngày càng phát triển, hội nhập với thư viện khu vực và thế giới. Theo tôi, nhiệm kỳ 2016-2021, với những cố gắng, nỗ lực của mình, Hội Thư viện Việt Nam đã đạt được những kết quả khá tiêu biểu, đó là:

Thứ nhất, công tác tư vấn, phản biện cơ chế chính sách ngành Thư viện ở Việt Nam. Đây là điểm nhấn quan trọng, rõ nét nhất của Hội Thư viện trong suốt nhiệm kỳ qua. Hội Thư viện Việt Nam đã góp ý, phản biện cho các văn bản pháp quy quan trọng trong lĩnh vực thư viện, đó là: Dự thảo Luật Thư viện; Dự thảo Nghị định của Chính phủ thi hành Luật Thư viện; Dự thảo Quyết định của Chính phủ “Phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” và Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam” v.v... Bên cạnh đó, Hội đã góp ý cho hơn 20 Dự thảo của các Bộ, ngành Trung ương về công tác thư viện với tinh thần và thái độ nghiêm túc, trách nhiệm, khách quan như: “Thư viện phục vụ lưu động và luân chuyển sách báo”; “Quy chế xét Giải thưởng phát triển văn hóa đọc” và “Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thư viện công cộng cấp tỉnh”; Chỉ thị của Bộ Công an “Về công tác thư viện và phát triển văn hóa đọc trong Công an Nhân dân”; Tiêu chuẩn Quốc gia “Thông tin và tư liệu: Nhận dạng bằng tần số radio (RFID) trong thư viện”... Bên cạnh việc Hội tổ chức Hội nghị BCH ở Hà Nội để lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Thư viện, đồng thời một số lãnh đạo Hội Thư viện còn được mời tham gia Tổ phản biện của Ủy ban VH,GD,TN,TN&NĐ Quốc hội (khóa XIV) để góp ý xây dựng Luật Thư viện (với hơn 20 phiên họp). Đây là thành quả, sự cố gắng, nỗ lực rất cao của toàn thể hội viên Hội Thư viện Việt Nam trong công tác tư vấn, phản biện cơ chế, chính sách ngành Thư viện Việt Nam, với ý thức trách nhiệm cao và tâm huyết lớn.

Thứ hai, dù những năm qua, do tình hình dịch bệnh Covid-19 rất phức tạp, song nhiều hoạt động của ngành Thư viện và Hội Thư viện Việt Nam vẫn được duy trì trong điều kiện thích ứng với thực tế đất nước. Trong đó các hoạt động truyền thông và phổ biến kiến thức, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho Nhân dân vẫn được các Chi hội Thư viện cả nước duy trì khá thường xuyên, đều đặn, góp phần đưa chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, truyền bá tri thức trong cộng đồng dân cư; đồng thời lan tỏa văn hóa đọc, phát triển sự nghiệp thư viện. Bằng sự sáng tạo tuyệt vời, các gian trưng bày sách báo - tư liệu của các thư viện ở TƯ và địa phương, các thư viện trường đại học đã thực sự thu hút hàng vạn, hàng triệu độc giả cả nước tham dự và hàng vạn, hàng triệu ấn phẩm sách báo đã có tác dụng tuyên truyền thông tin, quảng bá tri thức đến với mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội.

Thứ ba, nhiệm kỳ 2016-2021 vừa qua, Hội Thư viện đã thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, trong đó có 9 Hội nghị BCH ở các địa phương, để triển khai nhiệm vụ của Hội và hoàn thiện công tác nhân sự Hội. Đồng thời chỉ đạo các Chi hội, Liên chi hội Thư viện ở Việt Nam thường xuyên tổ chức hàng chục hội nghị chuyên đề - hội thảo khoa học - tập huấn về các nội dung như: Thư viện phục vụ CMCN 4.0, chuyển đổi số trong thư viện và xây dựng thư viện điện tử - thư viện số; xây dựng trung tâm tri thức số, Xu hướng mới của ngành Thư viện trong mối liên hệ với CNTT, trí tuệ nhân tạo v.v… cho các hội viên, nhằm nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, bắt nhịp với xu thế mới của hoạt động thư viện và văn hóa đọc của các nước trong khu vực và thế giới. Kết quả đó chứng tỏ rằng nhiệm kỳ qua, Hội Thư viện đã có nhiều đổi mới, năng động và sáng tạo trong tư duy và hành động, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thời cuộc và toàn cầu hóa. Bên cạnh đó, nhiệm kỳ qua, Hội Thư viện đã luôn tích cực tham gia, đồng hành và có nhiều đóng góp quan trọng cho các hoạt động của Bộ VHTTDL và các Bộ, ngành TƯ, của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam và các tổ chức khác. Những hoạt động đó của Hội Thư viện Việt Nam luôn được các cơ quan, tổ chức ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao.

 Hội nghị - Hội thảo "Thư viện Việt Nam hoạt động trong bối cảnh đại dịch Covid-19", ngày 22.4.2021 tại Bà Rịa - Vũng Tàu

Để Hội Thư viện Việt Nam phát triển vững mạnh trong thời gian tới, theo ông, cần chú trọng những vấn đề gì?

- Nhiệm kỳ 5 năm tới (2022-2027) của Hội Thư viện Việt Nam có nhiều thời cơ - thuận lợi cơ bản, song cũng có những khó khăn thách thức không nhỏ: Đó là xu thế hoạt động thông tin - thư viện trong kỷ nguyên số, xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0 đã hiện hữu ở tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội Việt Nam (trong đó có ảnh hưởng tới thư viện và văn hóa đọc). Vì vậy, để có thể thực sự trở thành một tổ chức, một lực lượng xã hội đông đảo và rộng rãi giúp Đảng, Nhà nước huy động các nguồn lực trong toàn xã hội tham gia công tác xây dựng và phát triển thư viện theo đúng tôn chỉ, mục đích đã xác định trong Điều lệ, để Hội Thư viện Việt Nam tiếp tục hoạt động hiệu quả hơn, thiết thực hơn, đạt được nhiều thành tích to lớn hơn nữa, theo tôi cần lưu ý các vấn đề sau:

Một là, tăng cường đoàn kết, tập hợp đội ngũ tri thức của ngành Thư viện Việt Nam tham gia “ngôi nhà chung” là Hội Thư viện Việt Nam. Có thể nói nhiệm kỳ 2016-2021 vừa qua, tuy có những khó khăn về chủ quan và khách quan, song việc vận động trí thức ngành Thư viện tham gia tổ chức Hội vẫn đạt kết quả khá tốt. Tính cả 5 năm, Hội Thư viện đã kết nạp được 24 Chi hội thư viện mới, với tổng số 635 hội viên mới. Như vậy, tổng số hội viên của Hội Thư viện Việt Nam đến hết tháng 12 năm 2021 là 6.291 người. Bên cạnh việc gia tăng số lượng hội viên mới, Hội cần chú trọng nâng cao chất lượng cho hội viên với việc thường xuyên tổ chức hội thảo, tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ - chuyên môn; đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các chi hội và hội viên trong mọi công tác (ví dụ nhiệm kỳ qua, khi một số tỉnh, thành phố có ý định sáp nhập cơ học Thư viện cấp tỉnh vào trung tâm VHTT tỉnh, Hội Thư viện đã có công văn đề nghị dừng lại vấn đề này, đảm bảo khách quan cho thư viện).

Hai là, cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho hội viên về chủ trương, chính sách của Đảng; pháp luật của Nhà nước - nhất là các chủ trương, chính sách có liên quan đến lĩnh vực thư viện. Một mặt, động viên, khích lệ hội viên trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ chuyên môn của mình, mặt khác Hội cũng cần tuyên truyền cho toàn xã hội nhận thức đúng về vai trò, vị trí của thư viện trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, từ đó có sự quan tâm đóng góp vào việc xây dựng và phát triển lâu dài sự nghiệp thư viện ở nước ta.

Ba là, Hội Thư viện Việt Nam luôn luôn/cần xác định nhiệm vụ trọng tâm của mình: Đó là tư vấn, phản biện cơ chế - chính sách ngành Thư viện ở Việt Nam. Đây là chức năng, nhiệm vụ chính của tổ chức xã hội - nghề nghiệp thư viện ở nước ta. Vì thế, nhiệm kỳ 5 năm tới, Hội Thư viện cần chỉ đạo các Chi hội, Liên chi Hội thư viện cả nước tích cực tham gia có hiệu quả vào công tác này, góp phần hoàn thiện cơ chế - chính sách ngành Thư viện Việt Nam. Đồng thời Hội Thư viện cần tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng ở TƯ và địa phương, tiếp tục triển khai Luật Thư viện và các văn bản pháp quy về thư viện và văn hóa đọc đi vào cuộc sống.

Bốn là, Hội Thư viện Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế về thư viện, nhằm tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới, trao đổi, chia sẻ thông tin, học hỏi kinh nghiệm chuyên môn và giao lưu trong bối cảnh toàn cầu hóa. Bên cạnh đó, Hội cần tích cực tham gia có hiệu quả vào các hoạt động, các sự kiện của Bộ VHTTDL và các Bộ/ngành TƯ về thư viện và văn hóa đọc; đồng thời tích cực tham gia vào các hoạt động hội nghị - hội thảo - diễn đàn khoa học của tổ chức Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, đóng góp vào việc xây dựng “ngôi nhà chung” của Liên hiệp Hội Việt Nam ngày càng vững mạnh.

Tóm lại, nhiệm kỳ thứ IV (2022-2027) của Hội Thư viện Việt Nam là nhiệm kỳ rất quan trọng, hướng tới 20 năm thành lập Hội thư viện Việt Nam (2026), vì vậy tập thể lãnh đạo và BCH Hội Thư viện cần phát huy tinh thần “dân chủ - trí tuệ - đổi mới - sáng tạo” để hoàn thành tốt trọng trách và sứ mệnh của mình; góp phần xây dựng ngành Thư viện Việt Nam ngày càng phát triển bền vững; đóng góp vào công cuộc CNH - HĐH đất nước; xây dựng một nước Việt Nam giàu đẹp - phồn vinh - hạnh phúc. 

P.V (thực hiện)

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top