Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Cần sự lan tỏa từ những "đấu trường" nhan sắc: Câu chuyện trách nhiệm của các địa phương

Thứ Hai 13/06/2022 | 09:16 GMT+7

VHO- Sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đã quay trở lại với nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, bên cạnh bứt phá mạnh mẽ, còn có một số bất cập nảy sinh. Tranh cãi bản quyền tên gọi cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam trong những ngày qua là một ví dụ.

H'Hen Niê là một trong số các Hoa hậu có sức lan tỏa và trách nhiệm cộng đồng sau khi đoạt vương miện Ảnh: T.L

Cũng từ đây, vấn đề trách nhiệm của các địa phương trong cấp phép, nâng cao chất lượng các cuộc thi được đặt ra một cách gắt gao. Làm thế nào để những “đấu trường” nhan sắc thực sự mang lại lợi ích thiết thực, đóng góp cho sự phát triển văn hóa xã hội của chính địa phương tổ chức cuộc thi đang được đặt ra cần kíp hơn bao giờ hết.

Đề cao trách nhiệm của cơ quan quản lý, đơn vị tổ chức

Từ đầu năm 2022, đã có tới gần 20 cuộc thi nhan sắc được cấp phép. Rộn ràng các cuộc thi, đời sống nghệ thuật đón nhận luồng sinh khí mới sau thời gian dài u ám vì đại dịch. Nhưng cũng từ đây, các nhà tổ chức phải đối diện với bài toán không đơn giản, liên quan đến điều tiết, nâng cao chất lượng các cuộc thi.

Trước đây, thi người đẹp có quy mô toàn quốc, hay từng vùng do Bộ VHTTDL hoặc Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép. Nay chỉ cần thông qua UBND cấp tỉnh, nơi tổ chức cuộc thi. Bởi thế, đã có nhiều lo ngại về gia tăng số lượng cuộc thi cấp quốc gia mỗi năm. Dư luận, báo chí cho rằng, thực tế này là điều dễ hiểu sau khi Nghị định 144/2020/ NĐ - CP về hoạt động biểu diễn nghệ thuật đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần đổ lỗi cho tinh thần “cởi trói” của Nghị định 144, liệu có phù hợp với logic phát triển và bối cảnh đời sống đương đại? Khi các cuộc thi nhan sắc đã được “mở cửa” để hoạt động theo cơ chế thị trường thì vấn đề là công tác quản lý, cấp phép cho các cuộc thi càng cần phải chặt chẽ hơn.

Thực trạng phát triển mạnh mẽ cũng được nhìn nhận không chỉ trong hoạt động thi người đẹp mà trong nghệ thuật biểu diễn nói chung, với một số hệ lụy phức tạp phát sinh từ bối cảnh mới, ảnh hưởng tiêu cực từ mặt trái kinh tế thị trường, quá trình hội nhập quốc tế với những lối sống, trào lưu nghệ thuật xa lạ… Sự việc chưa có tiền lệ về tranh cãi bản quyền tên gọi cuộc thi Hoa hậu hòa bình Việt Nam giữa Sen Vàng (đơn vị tổ chức Miss Grand Vietnam 2022) và Minh Khang (đơn vị tổ chức Miss Peace Việt Nam) cho thấy cần nâng cao hơn nữa những hiểu biết pháp luật về sở hữu trí tuệ, không chỉ đối với đơn vị tổ chức thi mà với cả các cơ quan quản lý, cấp phép tại các địa phương.

Trong câu chuyện tranh cãi tên gọi nói trên, dẫu bộ nhận diện, tên gọi tiếng Anh và kịch bản hai cuộc thi khác nhau nhưng vẫn khiến công chúng rối trí khi tên gọi tiếng Việt trùng nhau. Trên truyền thông, cả hai bên đều trưng ra các giấy tờ pháp lý liên quan tới sở hữu trí tuệ, đăng ký bản quyền và cho biết đang chờ làm sáng tỏ về khía cạnh pháp lý.

Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) cho biết, theo luật định, về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến cuộc thi người đẹp, người mẫu, đơn vị tổ chức cuộc thi phải có trách nhiệm tuân thủ quy định tại điểm d khoản 2 Điều 4 Nghị định số 144/2020/NĐ- CP và quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Trong trường hợp phát sinh tranh chấp, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu trách nhiệm bồi thường cho bên bị thiệt hại.

Trong thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ, tên tác phẩm không phải là một trong các loại hình được bảo hộ quyền tác giả. Cục Bản quyền tác giả với chức năng quản lý nhà nước về quyền tác giả và quyền liên quan, đã cấp giấy đăng ký chứng nhận tác quyền với kịch bản chương trình cuộc thi của cả hai đơn vị theo hồ sơ hợp lệ. Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp (quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu…). Trong trường hợp này, dư luận đang trông chờ tiếng nói phân xử liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Theo đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, Cục đã nhận được văn bản của Sở VHTT Đà Nẵng đề nghị cung cấp thông tin và hướng dẫn xử lý vụ việc tranh chấp cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam. Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã nhận được đơn thư của một bên liên quan đến vụ việc và đang trong quá trình xem xét để có ý kiến chuyên môn về vấn đề này.

Những bất cập nảy sinh cũng là điều đã được dự báo trước. Vấn đề cần được nhìn nhận ở đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý, các địa phương nắm quyền cấp phép cho các cuộc thi. Nguyên Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSND Lê Ngọc Cường từng cho rằng: “Các đơn vị tổ chức, nắm bản quyền phải tự khắt khe với mình hơn, nếu muốn cạnh tranh sòng phẳng để tồn tại. Cơ quan quản lý ở địa phương cũng không thể buông lỏng quản lý, phó thác, để các đơn vị tự biên tự diễn…”. Với kinh nghiệm quản lý lâu năm, NSND Lê Ngọc Cường cũng từng kỳ vọng, khi các cuộc thi nhan sắc được “cởi trói” cũng là lúc trách nhiệm của cơ quan quản lý ở địa phương và đơn vị tổ chức phải được đề cao hơn.

 Dư luận đang trông chờ tiếng nói phân xử của Cục Sở hữu trí tuệ về hai cuộc thi có cùng một tên gọi tiếng Việt: Hoa hậu Hòa bình Việt Nam

 Ảnh: NGÔ TÙNG

Các cuộc thi nhan sắc đóng góp những gì?

Trên thực tế, nhiều cuộc thi hiện nay đang được tổ chức bởi một số doanh nghiệp, với mục tiêu lợi nhuận, kinh tế nhiều hơn là những giá trị văn hóa, sức lan tỏa và đóng góp cho cộng đồng. Đơn cử, chỉ trong một thời gian ngắn, một loạt cuộc thi dành cho đối tượng doanh nhân ra đời, với những cái tên như: Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam, Hoa hậu Doanh nhân toàn cầu, Hoa hậu Doanh nhân Thái Bình Dương, Hoa hậu Doanh nhân hoàn vũ, Hoa hậu Doanh nhân tài sắc, Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam qua ảnh, Hoa hậu Quý bà Doanh nhân…

Câu hỏi đặt ra là, những người đẹp đội vương miện bước ra khỏi mỗi cuộc thi đã đóng góp gì cho cộng đồng, xã hội và cho chính địa phương, nơi diễn ra cuộc thi đó? Ngoại trừ sức lan tỏa từ những cuộc thi lâu năm như Hoa hậu Việt Nam, còn lại, ở hầu hết những cuộc thi nhan sắc khác, “hậu” hoa hậu chỉ đơn thuần là những vương miện, những danh hiệu được trao từ các nhà tài trợ - đa phần là các doanh nghiệp muốn quảng bá thương hiệu. Điều đáng tiếc là công chúng ít thấy được sự tỏa sáng của những chiếc vương miện trong đời sống văn hóa, xã hội của đất nước, trừ một số ít hoạt động từ thiện. Và cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, không ít hoạt động từ thiện đó đánh bóng, PR bản thân nhiều hơn là đóng góp cho cộng đồng. Thực tế này cũng đặt ra vấn đề cần sự chủ động vào cuộc, sát sao của chính quyền, cơ quan chức năng của các địa phương để cùng với các đơn vị tổ chức tạo sức lan tỏa, phát huy thế mạnh và sứ mệnh, trách nhiệm cộng đồng của những người đẹp đeo vương miện. Chẳng hạn như ở cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, những người dự thi hoa hậu đã phải ký vào bản cam kết nếu đăng quang thì phải thực hiện những trách nhiệm và nghĩa vụ mà BTC yêu cầu. Ngoài thực hiện nhiều hoạt động từ thiện, Hoa hậu cũng sẽ phải chịu trách nhiệm về những hành vi ứng xử của mình. Nếu sai phạm, BTC sẽ tước vương miện.

So với Nghị định 79/2012/NĐ-CP quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu trước đây, Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn hiện nay đã giảm bớt thủ tục, phiền hà và phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho địa phương. Đặc biệt là phân cấp cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ở địa phương – hoạt động tổ chức ở địa phương nào thì thực hiện thủ tục hành chính với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ở địa phương đó.

Tuy nhiên qua thực tế cho thấy, rất nhiều địa phương mới chỉ dùng một nửa quyền của mình. Tức là quyền “ban”, quyền “phát” cho các cuộc thi nhan sắc khiến cho các cuộc thi này đang có chiều hướng nở rộ, loạn danh nhưng sự giám sát cũng như chất lượng các cuộc thi; trách nhiệm xã hội, sự đóng góp của cuộc thi đối với chính địa phương đó cũng như sự lan toả của cuộc thi, góp phần quảng bá hình ảnh và con người Việt Nam như thế nào thì đang là những câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Đã đến lúc phải thẳng thắn với nhau rằng: Các địa phương đã có quyền quyết định thì nên phát huy hết quyền của mình không chỉ trong vấn đề cấp phép mà quan trọng hơn, điều tiết số lượng, nâng cao chất lượng và định hướng nội dung để các cuộc thi mang lại những lợi ích thiết thực trước hết cho sự phát triển văn hoá – xã hội của chính địa phương mình. Muốn vậy, chính quyền và các cơ quan chức năng phải cùng đồng hành với doanh nghiệp, đơn vị đứng ra tổ chức các cuộc thi nhan sắc ngay từ những ngày đầu chứ không thể để thả nổi như hiện nay. Cần có những định hướng chuẩn xác, cộng đồng trách nhiệm của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương cùng với các đơn vị tổ chức để đưa các cuộc thi đi đúng quỹ đạo, đóng góp lợi ích thiết thực cho sự phát triển văn hóa, xã hội của mỗi địa phương, góp phần lan toả hình ảnh đất nước.

Thời gian sẽ sàng lọc các cuộc thi nhan sắc, bởi vậy không nên tổ chức theo kiểu “ăn xổi ở thì”. Thị trường, khán giả mới quyết định sự tồn tại các cuộc thi. Chỉ có những cuộc thi uy tín, danh hiệu xứng đáng mới tồn tại lâu dài. Nghị định 144 cũng được ra đời trên tinh thần cởi mở và thông thoáng như thế. Có điều, việc vận dụng “cây gậy pháp lý” như thế nào để tránh hệ lụy tiêu cực, gạt bỏ những lợi ích kinh tế đơn thuần để hướng đến mục tiêu chung là những sản phẩm, cuộc thi, danh hiệu thực sự cần thiết, uy tín và tin cậy lại là câu chuyện trách nhiệm của các địa phương. 

 Đã đến lúc phải thẳng thắn với nhau rằng: Các địa phương đã có quyền quyết định thì nên phát huy hết quyền của mình không chỉ trong vấn đề cấp phép mà quan trọng hơn, điều tiết số lượng, nâng cao chất lượng và định hướng nội dung để các cuộc thi mang lại những lợi ích thiết thực trước hết cho sự phát triển văn hoá - xã hội của chính địa phương mình, góp phần lan toả hình ảnh đất nước.

 

Trong một động thái kịp thời và cần thiết, Bộ VHTTDL đã có văn bản chấn chỉnh công tác thi hành quy định của pháp luật về hoạt động tổ chức sự kiện văn hóa, nghệ thuật tại các địa phương. Theo Bộ VHTTDL, sự trở lại của các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong cả nước sau thời gian gián đoạn vì Covid-19 đã góp phần quan trọng trong nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả trong việc phục hồi kinh tế - xã hội đất nước, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn có những hiện tượng vi phạm quy định pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân cần chấn chỉnh để xây dựng một môi trường thưởng thức văn hóa lành mạnh, đúng định hướng, chủ trương của Đảng và pháp luật Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa.

Chính vì vậy, Bộ VHTTDL đề nghị các Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, quyền tác giả, quyền liên quan. Rà soát các văn bản chấp thuận, giấy phép trong hoạt động văn hóa bảo đảm tính thống nhất giữa tên gọi với nội dung, danh hiệu, giải thưởng và theo đúng đề án đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, giám sát nội dung việc thực hiện các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đã được chấp thuận; thanh kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm. Việc tiếp nhận có chọn lọc thông tin dư luận và cơ quan báo chí, truyền thông cũng là nội dung cần thiết để kịp thời xử lý, chấn chỉnh công tác thi hành quy định pháp luật về hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giải trí, cuộc thi người đẹp, người mẫu tại địa phương.

Các địa phương cũng cần chú trọng việc bảo đảm các hoạt động khai thác, sử dụng các đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phải tuân thủ và thực hiện theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các quy định của pháp luật Việt Nam. Đặc biệt, thực hiện nghiêm việc tiếp nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, đúng quy định của pháp luật; khi chấp thuận tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật cần được chọn lọc để phù hợp với tình hình thực tiễn văn hóa - xã hội tại địa phương.

 HÀ PHƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top