Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Cách tân trang phục truyền thống: Cần thiết, nhưng nên tiết chế

Thứ Hai 13/06/2022 | 09:13 GMT+7

VHO- Sự phát triển của cuộc sống đương đại cùng với nhu cầu về giao lưu văn hóa, kinh tế, xã hội đã khiến trang phục truyền thống của đồng bào DTTS có những thay đổi nhất định. Cách tân trang phục là cách để nét đẹp văn hóa của đồng bào sống mãi với thời gian, tuy nhiên, thay đổi làm sao để vừa hợp xu hướng nhưng lại không làm mất đi giá trị truyền thống đang là bài toán khó với những người trong cuộc.

 Cách tân trang phục truyền thống cần giữ lại những nét đặc trưng văn hóa Ảnh: TỐ OANH

Thay đổi để thích ứng

Trang phục đóng vai trò là dấu chỉ quan trọng của một cộng đồng dân tộc, giúp đặc trưng văn hóa của tộc người đó không bị lẫn với bất kỳ ai khác. Do vậy, bảo tồn trang phục truyền thống luôn là vấn đề được quan tâm. Tuy nhiên, dù rất nỗ lực gìn giữ nhưng hiện trang phục của nhiều dân tộc như Sán Dìu, Mường, Nùng, Thái... đang đứng trước nguy cơ mai một do có một số đặc trưng không còn phù hợp với thời cuộc. Nguyên nhân được chỉ rõ là trang phục của đồng bào khó mặc, mẫu mã không đa dạng, chưa bắt kịp với xu thế thời đại, chất liệu không phù hợp với điều kiện thời tiết... Vì lẽ đó, thay đổi là hướng đi được đa số bà con lựa chọn, giúp những bộ trang phục của mình vừa tiện ích trong cuộc sống lại bảo tồn mãi với thời gian.

Thực tế, đồng bào DTTS rất yêu trang phục của mình, họ đều muốn lưu giữ những nét văn hóa cổ truyền ông cha để lại. Nhưng nếu không thay đổi, trang phục truyền thống sẽ rất khó sử dụng hằng ngày. Chị Sùng Mí Yên, người nhiều năm đảm nhiệm làm Trưởng làng Văn hóa - Du lịch cộng đồng dân tộc tại huyện Mèo Vạc (Hà Giang) chia sẻ: “Chỉ nói riêng trang phục của người Mông đã có nhiều thay đổi so với trước đây, bởi nếu không cách tân mặc sẽ rất nóng và bất tiện do chất liệu vải và thiết kế. Do đó, hầu hết bà con hiện nay đều mặc trang phục cách tân”.

Cũng theo chị Sùng Mí Yên, đồng bào Mông thường lựa chọn các loại vải như lanh, bông, nhung… là những chất liệu mềm, thoáng mát, thấm hút mồ hôi để may trang phục. Không chỉ chất liệu, hoa văn trên trang phục cũng đã có sự kế thừa và sáng tạo để đảm bảo yếu tố đa dạng mẫu mã. Trong thiết kế, cộng đồng người Mông ở một số nơi đã thay đổi để việc mặc được thuận tiện hơn, tránh mất thời gian, chẳng hạn như thay vì sử dụng đai quấn váy ôm sát cơ thể, bà con may sẵn chun vào váy. Nhờ đó, tối giản được thao tác mặc trang phục. “Thay đổi không đồng nghĩa với làm mất đi các giá trị truyền thống mà là để trang phục của đồng bào DTTS thích hợp với sinh hoạt hơn. Khi thay đổi, chúng tôi phải nghiên cứu rất kỹ để người khác nhìn vào vẫn biết đây là trang phục của người Mông. Cùng với đó, thay đổi cũng là giải pháp để trang phục các DTTS có sức lan toả mạnh mẽ hơn đến với cộng đồng. Tôi lấy ví dụ, với khách du lịch, trang phục theo thiết kế cũ bắt buộc phải có người hướng dẫn thì du khách mới mặc được vì rất phức tạp. Còn giờ đây nhờ cải tiến, họ hoàn toàn có thể tự mặc một cách dễ dàng. Trang phục cách tân cũng gần hơn với gu ăn mặc hằng ngày nên được ưa thích hơn so với những mẫu thiết kế cũ”, chị Yên nêu.

 Thiết kế cách tân trang phục dân tộc gây bất bình trong cộng đồng người Thái

Cách tân trong “khuôn khổ”

Thời trang là không có giới hạn, nhưng nếu cách tân trang phục mà không có sự nghiên cứu sâu, người thực hiện cách tân rất dễ làm mất đi bản sắc văn hóa của đồng bào. Thực tế trước đây đã xuất hiện trường hợp thay đổi quá “lố” trang phục người DTTS dẫn đến việc bị cộng đồng phản đối. Cụ thể, một nhà thiết kế từng cho ra mẫu áo cách tân của dân tộc Thái “táo bạo” đến mức chính người Thái còn không nhận ra đây là trang phục truyền thống của mình: Tay áo bên có, bên không; xẻ khoét quá mức nên có phần phản cảm... Thậm chí, do chưa tìm hiểu kỹ, nhà thiết kế này còn dùng luôn loại vải có màu sắc, họa tiết giống với mẫu vải người Thái dùng trong tang lễ. Việc này đã gây bức xúc trong cộng đồng người Thái.

Bà Cầm Trang Thơ, đại diện nhóm người Thái tại Hà Nội cho biết: “Phần tay áo cách tân như vậy là không phù hợp. Chúng tôi cũng không bao giờ nhầm lẫn giữa họa tiết, màu sắc dùng trong trang phục tang ma với trang phục mặc thường ngày. Tôi đồng ý cách tân là cần thiết nhưng phải trong “khuôn khổ” cho phép chứ không thể cứ thích là làm. Chúng ta đang nỗ lực quảng bá văn hóa đồng bào DTTS đến với cộng đồng. Nhưng nếu nhìn những bộ trang phục này mà không có bất kỳ chú thích nào sẽ khiến công chúng hiểu lầm về đặc trưng trang phục của đồng bào DTTS. Điều này là rất nguy hiểm. Vì thế, các nhà thiết kế khi tạo nên một sản phẩm thời trang lấy ý tưởng từ trang phục truyền thống thì cần xét đến nhiều phương diện, không nên phá cách quá đà”.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Cầm Trang Thơ cho rằng, người DTTS không đứng ngoài quá trình giao lưu văn hóa hiện nay. Đặc biệt, nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin, những bạn trẻ người DTTS đã dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các xu hướng thời trang mới để đưa vào trang phục truyền thống. Sáng tạo là điều cần được khuyến khích nhưng cần phải tránh phạm phải những điều cấm kỵ trong văn hóa của đồng bào, gây nên phản cảm. 

ĐÌNH TOÁN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top