Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Từ sai phạm ra đề, giật mình về quy trình...

Thứ Hai 13/06/2022 | 09:13 GMT+7

VHO- Sau gần một năm xảy ra vụ đề thi môn Sinh học trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 giống 80 - 90% bài tổng ôn của một giáo viên ở Hà Tĩnh, Bộ Công an mới khởi tố vụ án và khởi tố bị can những đối tượng liên quan.

 Bê bối lộ đề thi môn Sinh học cho thấy điều này hoàn toàn có thể không phải một mà đã nhiều lần xảy ra trường hợp tương tự (ảnh minh họa)

 Sai phạm ở khâu trọng yếu

Cụ thể, đề thi chính thức môn Sinh học giống gần như tuyệt đối với bài tổng ôn của thầy giáo Phan Khắc Nghệ (Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Tĩnh) đã được thầy giáo Đinh Đức Hiền (Hệ thống Giáo dục HOMMAI) phản ánh ngay sau khi kỳ thi diễn ra. Thầy Hiền đã tổng hợp các phần tương đồng giữa đề thi chính thức và tài liệu ôn tập của thầy Nghệ (gồm cả video buổi tổng ôn), đặt cạnh nhau để so sánh công khai thì ngay cả người không có chuyên môn cũng dễ dàng nhận ra những nội dung giống nhau… một cách “kỳ lạ”.

Trước sự việc này, thầy Phan Khắc Nghệ khẳng định mình không làm gì sai, mong cơ quan điều tra minh oan. Nhưng rất nhiều giáo viên, chuyên gia thì cho rằng, khi ngân hàng câu hỏi thi đủ lớn để đảm bảo an toàn thì không thể có chuyện rút ngẫu nhiên câu hỏi (để xây dựng đề thi) lại trùng lặp đến 80-90% so với bài ôn tập bên ngoài. Đây thực sự là việc bất thường!

Tuy nhiên, mọi việc sẽ chỉ là phỏng đoán nếu như không có bằng chứng rõ ràng. Cuối tháng 12.2021, lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định có yếu tố bất thường và phối hợp với Cơ quan an ninh (Bộ Công an) thành lập Tổ công tác liên ngành để lần lại quy trình làm ngân hàng câu hỏi thi và đề thi chính thức. Trong tổ công tác này có các chuyên gia có chuyên môn về Sinh học. Biên bản làm việc của Tổ công tác liên ngành dựa trên việc kiểm tra tư liệu là các đề thô xuất từ máy tính của Hội đồng ra đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021, kết quả có 4 đề duyệt chốt bởi Hội đồng ra đề thi (bản PDF đề Vip40) được thầy Phan Khắc Nghệ dạy cho học sinh; 3 video live và các tệp được thầy Phan Khắc Nghệ gửi cho bà Phạm Thị My (Tổ trưởng Tổ ra đề môn Sinh học) và ông Bùi Văn Sâm (thành viên Tổ thẩm định), cùng với đó là các tệp bà Phạm Thị My gửi thầy Phan Khắc Nghệ qua email từ năm 2015-2018 và 2021…

Theo đánh giá, 4 đề thô được chọn, duyệt, chốt trùng lặp nhiều nội dung với bài tổng ôn của thầy Nghệ. Cụ thể, trong 40 câu hỏi của các mã đề đã duyệt, chốt có 37 câu trùng với bài tổng ôn (92,5%). Các khâu “trọng yếu” nhưng lại lỏng lẻo có thể là kẽ hở cho việc gian lận, cụ thể là khâu lựa chọn câu hỏi, xây dựng đề thô - cơ sở để xây dựng đề thi chính thức.

Kẽ hở nghiêm trọng trong quản lý

Tính bảo mật của ngân hàng câu hỏi cũng là vấn đề khiến nhiều chuyên gia lo lắng. TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM nhận định, nếu không có quy chế bảo mật và giám sát chặt chẽ những người tham gia soạn và phản biện đề thi thì bất cứ giáo viên nào từng có mặt trong quá trình này đều có thể nắm được các câu hỏi của ngân hàng đề thi.

Từ năm 2020, Danh mục bí mật Nhà nước thuộc lĩnh vực Giáo dục và đào tạo không còn bao gồm “các tài liệu liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT”. Theo đó, ngân hàng câu hỏi phục vụ việc ra đề thi không nằm trong Danh mục bí mật Nhà nước. Có thể nói, đây là kẽ hở nghiêm trọng trong quản lý. Cùng với đó, việc chọn người tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và người vào Ban đề thi của Bộ GD&ĐT thiếu chặt chẽ. Năm 2021, người tham gia xây dựng câu hỏi thi lại cũng là thành viên Ban ra đề thi. Các quy định để quy trách nhiệm trong quy trình xây dựng câu hỏi thi, đề thi chưa rõ ràng. Năm 2021, ở khâu rút câu hỏi, xây dựng đề thô có sự bất thường. Việc bất thường này do thiếu trách nhiệm hay cố tình, có hay không lợi ích của những người liên quan để thực hiện hành vi gian lận (nếu có) là những vấn đề cơ quan công an phải tiếp tục điều tra.

Từ năm 2017, ngoại trừ Ngữ Văn là môn thi duy nhất ra đề dưới hình thức tự luận, tất cả bài thi khác đều dùng hình thức trắc nghiệm. Quy trình ra đề thi trắc nghiệm, theo quy chế thi tốt nghiệp THPT 2021, gồm các bước: Ở khâu soạn thảo, Thư ký Hội đồng ra đề sử dụng phần mềm rút ngẫu nhiên các câu trắc nghiệm từ ngân hàng câu hỏi, chuyển cho các tổ trưởng ra đề thi làm nguồn tham khảo. Từ các đề thô được xây dựng (tập hợp câu hỏi theo các mức độ phù hợp với ma trận đề thi), Ban ra đề thi xây dựng đề thi chính thức. Đến khâu phản biện, người phản biện có trách nhiệm đọc, giải đề, đánh giá đề thi và nêu phương án chỉnh lý, sửa chữa nếu cần thiết. Cuối cùng, sau khi được Chủ tịch Hội đồng ra đề phê duyệt, Thư ký trộn đề thi thành nhiều mã đề khác nhau và chuyển cho Tổ ra đề thi; tất cả thành viên của tổ này cùng rà soát từng mã đề, đáp án; trình Chủ tịch Hội đồng duyệt để tổ chức in, sao.

Như vậy, bên cạnh những người có thể vi phạm pháp luật (cố tình cấu kết với bên ngoài để gian lận) thì những người làm nhiệm vụ phản biện, rà soát đề thi cũng không thể đứng ngoài bê bối này. Những bằng chứng về trao đổi email giữa thầy Nghệ với Tổ trưởng Tổ ra đề thi môn Sinh và thành viên tổ Thẩm định đề thi môn Sinh từ năm 2016-2018 và 2021 cũng cho thấy, họ có sự liên kết ngoài thực tế. Điều này hoàn toàn có thể không phải một mà nhiều lần đã xảy ra trường hợp tương tự.

Khác với các kiểu lộ, lọt đề đã xảy ra nhiều, thậm chí còn xảy ra ngay trong năm 2021 với đề thi Toán (lọt ra ngoài trong thời gian đang thi), sự việc về đề Sinh là sai ngay từ quy trình khiến cho đề thi được xây dựng giống bài ôn thi đến… ngỡ ngàng.

Bộ GD&ĐT từng nói nhiều về quy trình chuẩn hoá trong xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và luôn khẳng định sự đảm bảo an toàn... Nhưng với những gì đã xảy ra thì không chỉ xử lý hình sự một vài cá nhân là xong mà Bộ này cần điều chỉnh về quy trình, tiêu chuẩn chọn người làm câu hỏi cho ngân hàng câu hỏi thi (phải tập trung người tuyển chọn câu hỏi hằng năm), chọn người vào Ban đề thi và quan trọng là quy trách nhiệm rõ ràng đối với từng cá nhân tham gia. 

 KỲ THANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top