Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Khi di tích không còn thụ động, nằm chờ...

Thứ Sáu 10/06/2022 | 10:54 GMT+7

VHO- Nhanh chóng vượt qua nhiều trở ngại khi đón khách quay lại sau một thời gian dài gián đoạn vì đại dịch, các điểm di tích trọng điểm trên địa bàn Hà Nội đã cố gắng xây dựng hình ảnh mới, với những sản phẩm hấp dẫn để thu hút du khách.

 Hoàng thành Thăng Long về đêm

Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò... đồng loạt xây dựng và triển khai các giải pháp kích cầu như xây dựng sản phẩm mới, tặng quà lưu niệm, chỉnh trang, bài trí không gian di tích.

Những “tour đêm” chạm vào quá khứ

Tại Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long -Hà Nội đã triển khai chương trình “Check in ngay nhận quà hay” với hàng nghìn phần quà để tặng khách đến tham quan khu di sản. Sức hấp dẫn của điểm đến này sau thời gian Covid-19 còn nhân lên gấp nhiều lần với sự tái khởi động tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”.

Tour đêm “ Giải mã Hoàng thành Thăng Long” ra đời là hướng tìm tòi sáng tạo để xây dựng sản phẩm du lịch mới, dựa trên những di tích, di vật tưởng chừng như đã rất quen thuộc với du khách. Theo bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng Hướng dẫn - Thuyết minh, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long, thời gian qua, Trung tâm đã xây dựng nhiều hoạt động, chương trình kích cầu và ra mắt các sản phẩm mới. Đồng thời, đơn vị đã liên kết với một số công ty lữ hành để tăng cường quảng bá, đưa khách du lịch đến với Hoàng thành Thăng Long nhiều hơn. Hiệu ứng thu được của chương trình khá tốt, dịp cuối tuần rất đông các đoàn khách trong nước và quốc tế đến Hoàng thành trải nghiệm tour đêm.

Với mong muốn tạo một sản phẩm mới, độc đáo cho du lịch Thủ đô, tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” hướng đến những giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt của di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long, đem đến cho du khách những trải nghiệm khác biệt và hấp dẫn, làm nổi bật những di tích, di vật độc đáo quý giá của khu di sản. Cùng với trải nghiệm không gian Hoàng thành xưa, du khách còn có cơ hội thưởng thức các chương trình biểu diễn đặc biệt; chiêm ngưỡng những hiện vật, cổ vật quý giá được tìm thấy tại Hoàng thành Thăng Long trong nhà trưng bày với chủ đề “Thăng Long Hà Nội - Lịch sử nghìn năm từ lòng đất”.

Tham quan Hoàng thành vào ban ngày không lạ lẫm với nhiều du khách, nhưng trải nghiệm Hoàng thành về đêm với nhiều người lại là một cảm giác mới mẻ. Vì vậy, trong dịp tái khởi động, chương trình tour đêm đã thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Chị Phạm Thị Vân Anh (Khu đô thị Mandarin Garden, Hà Nội) chia sẻ, lần đầu tiên trải nghiệm hành trình tour đêm mang đến cảm giác thật đặc biệt; như được chạm vào quá khứ, lạc vào không gian hoàng cung, giao lưu với cung nữ, lính canh trong trang phục xưa, thưởng thức trà sen, mứt sen cung đình. “Đây là một sản phẩm du lịch rất cuốn hút, với câu chuyện văn hóa nhẹ nhàng, khiến cho du khách hứng thú khi có được những trải nghiệm mới...”, chị Vân Anh bộc bạch. Trong thời gian tới, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với Công ty lữ hành Hà Nội Tourist và các đơn vị liên quan hoàn thiện sản phẩm, đồng thời nghiên cứu bổ sung các dịch vụ, trải nghiệm mới để chương trình tour ngày càng hấp dẫn, thu hút du khách hơn.

 Một hoạt cảnh trong chương trình “Đêm thiêng liêng – Sáng ngời tinh thần Việt” tại di tích Nhà tù Hỏa Lò

Sau thành công thuyết phục của các chương trình trải nghiệm di sản “Đêm thiêng liêng - Sáng ngời tinh thần Việt”, “Đêm thiêng liêng 2 - Sống như những đóa hoa”, BQL di tích Nhà tù Hỏa Lò tiếp tục ấp ủ, cho ra đời sản phẩm tham quan mới với chủ đề “Đêm thiêng liêng 3 - Lửa thanh xuân”, khai thác những câu chuyện xúc động về các anh hùng, liệt sĩ trẻ tuổi, đã hy sinh tại Nhà tù Hỏa Lò. Phòng Truyền thông, di tích Nhà tù Hỏa Lò cho biết, với mục tiêu làm sống lại những câu chuyện qua cách kể chuyện mới, “Đêm thiêng liêng 3 - Lửa thanh xuân” dự kiến ra mắt công chúng vào tháng 7 năm nay, có nhiều cải tiến hơn so với các chương trình trải nghiệm hiện có như tăng hoạt cảnh; thêm trải nghiệm thông qua các hoạt động giải mã hành trình, trò chơi tương tác, thể hiện kiến thức, hiểu biết về khu di sản…

Những điểm đến không thể bỏ qua

Phát huy giá trị di sản, biến các di tích thành địa điểm hấp dẫn thu hút khách du lịch đang là định hướng triển khai ở nhiều điểm di tích. Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, Văn Miếu - Quốc Tử Giám thường là điểm đến không thể bỏ qua khi du khách đến Hà Nội. Trung tâm đang gấp rút hoàn thiện trưng bày chuyên đề về Quốc Tử Giám, truyền tải lịch sử hình thành và phát triển trường đại học đầu tiên của đất nước, thông qua những hình ảnh đồ họa và hiện vật.

Theo ông Kiêu, trưng bày với 2 không gian trong nhà và ngoài trời, thể hiện qua các pano giới thiệu, hình vẽ minh họa sinh động, ấn tượng, kết hợp với công nghệ trình chiếu ánh sáng, hình ảnh, âm thanh và các hoạt động trải nghiệm, nhằm diễn giải thông tin một cách đầy đủ và hấp dẫn tới khách tham quan. Trưng bày đã được thẩm định, góp ý để nhanh chóng hoàn thiện, ra mắt vào tháng 6 tới. Tăng sức hấp dẫn cho điểm đến di sản, cùng với di tích Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhiều bảo tàng, di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng đang khẩn trương hình thành những chương trình trải nghiệm mới. “Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam những ngày này luôn có rất đông các đoàn khách tham quan, trong nước có, ngoài nước có. Chúng tôi đang tích cực nghiên cứu, tổ chức các chương trình, hoạt động và triển lãm đặc biệt để thu hút du khách”, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng phòng Truyền thông- Đối ngoại, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm tái hiện lễ hội chùa cổ, xây dựng chuỗi trải nghiệm di sản “Thành cổ - Văn Miếu - Đền Và - Đường Lâm”; Bảo tàng Lịch sử quốc gia có tour tham quan, trải nghiệm “Về thời Hồng Bàng”; Bảo tàng Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ thi công trưng bày, góp phần sớm đưa câu chuyện văn hóa, lịch sử của Hà Nội đến với công chúng... 

 Có những con số biết nói để chứng minh rằng, nếu chúng ta biết kết hợp bảo tồn di sản văn hóa và lồng ghép vào các chương trình phát triển chung của các địa phương, nhất là bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch thì hoàn toàn có khả năng biến di sản văn hóa thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có sự tăng trưởng kinh tế và tạo sinh kế cho cư dân tại các điểm - khu du lịch...

(PGS.TS ĐẶNG VĂN BÀI

 

 ... Di sản văn hóa là tài sản quý giá mà nếu biết bảo tồn và khai thác thì không những giữ được các giá trị vô giá mà tiền nhân để lại cho con cháu như giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, giá trị tinh thần mà còn là một ngành kinh tế mũi nhọn, “một dạng công nghiệp không khói” đóng góp cho ngân sách một khoản không nhỏ.

Cần phát huy giá trị di sản, biến các di tích thành địa điểm thu hút khách du lịch hấp dẫn. Chỉ có vậy thì di sản mới tồn tại và có kinh phí đủ để bảo tồn và bảo vệ di sản...

(GS.TS TRỊNH SINH)

 NGÂN ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top