Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Nghệ sĩ Việt Nam có những trách nhiệm xã hội nặng nề

Thứ Tư 08/06/2022 | 08:55 GMT+7

VHO- "Nghệ sĩ Việt Nam có những trách nhiệm xã hội nặng nề, việc tuyên dương, trao thưởng là cách chúng ta khuyến khích nghệ sĩ truyền cảm hứng tốt đẹp, tích cực nhiều hơn cho xã hội, phụng sự nhiều hơn cho đất nước".

Sắp tới Quốc hội sẽ thông qua Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi). Luật được ban hành, khi phù hợp với thực tiễn, sẽ có tác dụng rất lớn đến phong trào thi đua toàn quốc, để thi đua là trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển cá nhân, trở thành một cách yêu nước thiết thực và tích cực. Tuy nhiên, ngược lại, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển xã hội, đặc biệt là tạo thành thói háo danh, loạn danh hiệu, giả dối, vốn đang bị xã hội ta lên án mạnh mẽ.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 Khoá XII đã chỉ rõ, một trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, Đảng viên là: "Mắc bệnh thành tích, háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, đánh bóng tên tuổi, thích được đề cao, ca ngợi, chạy thành tích, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu. Và "Không háo danh, không kiêu ngạo cũng được nhắc đến ngày ở trang đầu tiên trong tác phẩm Đường cách mệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh".

Chúng ta thường biết đến một nguyên tắc trong thi đua khen thưởng là thành tích đến đâu khen thưởng đến đó. Chỉ có những ai không hiểu gì về nghệ thuật, hoặc cố tình không muốn hiểu về nghệ thuật mới không biết nghệ thuật có hai loại: sáng tác và biểu diễn. Đối với biểu diễn, chúng ta có danh hiệu NSND, NSƯT cho tài năng biểu diễn của nghệ sĩ. Còn đối với sáng tác, đó là giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng nhà nước cho thành tựu sáng tạo của tác giả.

Nghệ sĩ là một danh hiệu danh giá. Xã hội tôn vinh nghệ sĩ bằng nhiều hình thức. Không ai mong muốn nghệ sĩ tìm mọi cách để chạy chọt kiếm cái danh cho chính mình. Làm cách đó chính là hạ thấp hình ảnh, vị trí của người nghệ sĩ trong lòng công chúng. Tuy nhiên, bất kỳ ai làm việc trong ngành văn hóa đều hiểu rõ, mỗi đợt đến dịp xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT là một đợt cao trào của kiện tụng. Nhiều hội thi, hội diễn chủ yếu phục vụ mục đích “mưa” huy chương tạo điều kiện phong tặng nghệ sĩ.

Trong hồi ký Đi tìm một vì sao của ông Phạm Quang Nghị, Nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trang 476 có đưa ra những trăn trở : “Qua các lần bình xét, trao giải, trong đội ngũ văn nghệ sĩ luôn có những ồn ào, so bì, thắc mắc? Có một điều chắc chắn, việc bình xét, dù là có các cấp hội đồng, nhưng kết quả không bao giờ cũng là khách quan, kịp thời, đúng đắn. Tốt hơn nên để cho công chúng và thời gian đánh giá, tôn vinh những giá trị trường tồn, đích thực của các tác giả và tác phẩm. Những người thực tài sẽ có thực danh”.

Nhiều nghệ sĩ nói với tôi rằng, họ rất ngạc nhiên khi các nghệ sĩ sáng tác lại mong muốn danh hiệu NSND, NSƯT cho mình. Nếu nghệ sĩ biểu diễn cần có tài năng, thời gian để kết tinh thì nghệ sĩ sáng tác được đánh giá qua công trình, tác phẩm và như thế tài năng không đợi tuổi. Một bức ảnh đẹp, một cuốn chuyện, một công trình kiến trúc đẹp hay không ai xét người chụp ảnh hay tác giả có bao nhiêu năm cống hiến trong nghề!

Nhiều nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu nhưng công chúng không biết họ là ai và có đóng góp gì cho xã hội liệu việc vinh danh có hợp lý không? Vì thế, chúng ta cần có những đánh giá tác động xã hội với việc phong tặng NSND, NSƯT cho các lĩnh vực mới này.

Tôi nghĩ rằng, hầu hết nghệ sĩ trong lĩnh vực sáng tác nói chung, nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học không phải là những người đề cao danh hiệu. Với họ, những công trình, tác phẩm có ý nghĩa, giá trị, được xã hội và công chúng đánh giá cao, khiến họ tự hào, có ý nghĩa hơn rất nhiều so với danh hiệu này hay danh hiệu khác.

Đúng là, trong quá trình xét giải thưởng những năm vừa qua, có thể có những trường hợp không đúng, nhưng đó không phải là lý do để thay đổi bản chất của sự việc. Tôi tán thành việc trao danh hiệu cho nghệ sĩ vì khác với nhiều quốc gia khác, nghệ sĩ Việt Nam có những trách nhiệm xã hội nặng nề. Việc tuyên dương, trao thưởng là cách chúng ta khuyến khích nghệ sĩ truyền cảm hứng tốt đẹp, tích cực nhiều hơn cho xã hội, phụng sự nhiều hơn cho đất nước. Tuy nhiên, việc trao giải cần đúng người, đúng việc, xứng đáng với tài năng thì danh hiệu sẽ giúp cho xã hội hình thành nên những tấm gương tốt, tạo điều kiện phát triển văn hóa, đạo đức cho con người.

PGS.TS BÙI HOÀI SƠN - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top