Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Môn Lịch sử sẽ phải điều chỉnh chương trình?

Thứ Tư 08/06/2022 | 08:30 GMT+7

VHO- Chỉ còn dăm bữa nửa tháng nữa là nhiều địa phương sẽ tổ chức Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Tuy nhiên, nhiều trường THPT vẫn đang rối bời vì chờ “số phận” của môn Lịch sử.

 Học sinh trường THPT Phan Huy Chú (HN) trong một hoạt động theo chủ đề Giáo dục, đây là hướng đổi mới cách dạy học ở cấp THPT hiện nay

Hướng xử lý: Có phần bắt buộc, có phần tự chọn

Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ đầu tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, truyền thống văn hóa lịch sử cũng là một nguồn lực, đầu tư cho giáo dục, văn hóa, lịch sử là đầu tư cho sự phát triển. Các chính sách tác động tới toàn dân, lợi ích chính đáng của người dân thì phải thận trọng, tính toán kỹ lưỡng. Từ quan điểm này, Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT phải tổ chức hội thảo với các đơn vị liên quan và giới khoa học để đánh giá toàn diện chương trình giáo dục môn Lịch sử, qua đó đề xuất phương án phù hợp. Thủ tướng cho rằng, có thể nghiên cứu hướng xử lý để môn Lịch sử có phần bắt buộc và phần tự chọn. Phần bắt buộc cung cấp kiến thức, sự hiểu biết cần thiết đối với tất cả học sinh THPT về Lịch sử. Phần tự chọn vẫn thiết kế theo các chủ đề chuyên sâu, phù hợp với giáo dục phân hóa, định hướng nghề nghiệp…

Trước đó, Bộ GD&ĐT đã nhiều lần giải trình về cấu trúc Chương trình 2018 (chương trình mới). Trong đó, ở giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 4 - 9), môn Lịch sử và Địa lý có 560 tiết; riêng Lịch sử có 280 tiết. Ngoài ra, các chủ đề giáo dục lòng yêu nước, truyền thống văn hoá dân tộc… được dạy trong nhiều môn học khác. Các nhà xây dựng chương trình cho rằng, học sinh ở giai đoạn giáo dục cơ bản đã học đủ kiến thức phổ thông của môn Lịch sử. Còn ở cấp THPT, môn học này không xây dựng theo tiến trình lịch sử dân tộc và thế giới mà thiết kế theo chủ đề, chuyên đề, với tổng thời lượng là 350 tiết.

Nhiều ý kiến trái chiều đề nghị đưa môn Lịch sử trở lại là môn học bắt buộc, không nằm trong nhóm các môn học lựa chọn ở cấp THPT như thiết kế chương trình đã được phê duyệt. Nhưng luồng ý kiến bảo vệ quan điểm xây dựng chương trình cũng rất mạnh mẽ. Gợi ý môn Lịch sử vừa có phần bắt buộc, vừa có phần lựa chọn trước đó cũng được nhiều nhà giáo đặt ra. Nó dung hoà được hai luồng ý kiến trái chiều. Học sinh cấp THPT tiếp tục được bổ sung kiến thức cần thiết về Lịch sử, giải quyết được nỗi lo “học sinh quay lưng với lịch sử” như nhiều người đã đặt ra, nhưng đồng thời vẫn có phần chuyên sâu cho những học sinh yêu thích môn học này hoặc có định hướng nghề nghiệp phù hợp.

Việc khó, càng khó làm trong thời điểm cấp bách

Nhưng việc điều chỉnh chương trình môn Lịch sử cấp THPT - nằm trong chương trình GD phổ thông 2018 - là một việc không dễ. Cụ thể, nội dung chương trình Lịch sử lớp 10 có 6 chủ đề và 3 chuyên đề; lớp 11 có 7 chủ đề, 3 chuyên đề; lớp 12 có 8 chủ đề, 3 chuyên đề. Trong đó có nhiều chủ đề trước đây chỉ dạy ở bậc đại học, nay được chuyển xuống dạy ở THPT.

PGS Vũ Quang Hiển, Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội cho rằng: “Mỗi giai đoạn của chương trình mới có mục tiêu riêng, hướng đến các nhóm HS có tố chất, khả năng khác nhau. Các chủ đề lịch sử ở cấp THPT sẽ chuyên sâu và khó hơn, không thể dạy đại trà. Nếu ép học sinh sẽ gây phản tác dụng và tạo ra hậu quả còn nặng nề hơn giai đoạn trước”.

GS Vũ Minh Giang, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng cho rằng, ở cấp THPT, môn Lịch sử không phải kiến thức cơ bản nữa mà chuyên sâu. Cho dù có tách phần bắt buộc và lựa chọn riêng theo gợi ý trên thì cũng rất khó khi nội dung đã thiết kế theo các chủ đề chặt chẽ nằm trong định hướng phân hoá cao.

Trong giải trình của Bộ GD&ĐT, ở cấp THPT còn có các môn học bắt buộc như GD Quốc phòng an ninh, GD địa phương là các môn tiếp nối giai đoạn GD cơ bản, cung cấp những kiến thức, kỹ năng cần thiết, hướng tới mục tiêu giáo dục lòng yêu nước, ý thức về chủ quyền lãnh thổ dân tộc, trách nhiệm công dân, các giá trị văn hoá truyền thống tại địa phương… “Phần lịch sử để dạy đại trà ở bậc THPT có thể trùng với nhiều nội dung ở các môn học khác, nên nếu có thêm một phần Lịch sử bắt buộc thì cần xem lại chương trình của các môn liên quan để tránh trùng lặp, nặng nề cho học sinh”, một vị hiệu trưởng trường THPT tại Hà Nội có ý kiến.

Theo nguồn tin của Văn Hóa, trong tuần trước, Bộ GD&ĐT cũng đã có các cuộc họp với chuyên gia giáo dục, những người tham gia xây dựng chương trình (cả mới và cũ) để rà soát tổng thể chương trình môn Lịch sử, bàn hướng điều chỉnh. Trong các cuộc họp này, có ý kiến cho rằng, ở thời điểm rất cấp bách, nên cân nhắc tiếp tục triển khai môn Lịch sử theo chương trình cũ để thực hiện đại trà đối với những học sinh không chọn môn Lịch sử theo nhóm lựa chọn của chương trình mới. “Do triển khai cuốn chiếu nên có những thế hệ học sinh không được học chương trình mới từ cấp tiểu học, THCS, chỉ bắt đầu từ cấp THPT. Có những kiến thức các em chưa được học ở cấp học dưới, vì thế cần rà soát lại nội dung môn Lịch sử bị “lọt” trong thời điểm chuyển giao để xây dựng lại, dạy đại trà cho học sinh trong 3 năm học tới. Bộ GD&ĐT tiếp tục rà soát điều chỉnh chương trình môn Lịch sử để có sự kế tiếp, nhất quán giữa các cấp học”, một chuyên gia bày tỏ quan điểm.

Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, Bộ GD&ĐT vẫn chưa quyết định được việc này. Nhiều hiệu trưởng trường THPT tại Hà Nội bày tỏ sự sốt ruột vì nếu điều chỉnh sẽ gây xáo trộn hoàn toàn kế hoạch giáo dục nhà trường. Cụ thể, các tổ hợp môn học để học sinh lựa chọn sẽ phải làm lại, đi kèm với đó là điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất, các kế hoạch tập huấn, thông tin rộng rãi cho học sinh đang dự tuyển vào lớp 10… 

 KỲ THANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top