Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Về xứ Thanh, gặp "ông Ngôn cổ vật"

Thứ Tư 08/06/2022 | 08:30 GMT+7

VHO- Đam mê thú chơi đồ cổ từ cha, một người đàn ông ở Thanh Hóa đã dành hơn 30 năm để sưu tầm hàng nghìn hiện vật cổ vô giá. Trên chặng đường góp nhặt những cổ vật này ông phải bỏ rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để rong ruổi khắp nơi trên mọi miền của đất nước nhằm tìm kiếm và sở hữu nó.

 Ông Nguyễn Hữu Ngôn (bìa phải) giới thiệu với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc những hiện vật tại gian trưng bày của ông tại Triển lãm 990 năm danh xưng Thanh Hóa, năm 2019

Dưới cái nắng chói chang của tháng 6 mùa hè, tôi ghé thăm nhà sưu tầm Nguyễn Hữu Ngôn (SN 1961) ở thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa mà ở đây hỏi nhà “ông Ngôn cổ vật” ai cũng biết.

Ông Ngôn kể, hơn 30 năm theo đuổi niềm đam mê sưu tầm hiện vật xưa, ông đã sở hữu hàng nghìn hiện vật cổ vô giá như đồng hồ cổ; xe máy, xe đạp cổ; đèn dầu cổ; tem thư qua các thời kỳ. Đặc biệt, chiếm số lượng khá lớn trong kho hiện vật cổ của ông là những nông cụ gắn với cuộc sống dung dị thường ngày của người dân như về nghề nông, về lao động sản xuất, các công cụ đánh bắt, bảo quản và chế biến,… tất cả đều được ông sưu tầm gần như là đầy đủ. Những hiện vật này đã trưng bày ở các cuộc triển lãm lớn trong cả nước, được du khách trong nước và quốc tế đánh giá rất cao về giá trị văn hóa, lịch sử.

Giới thiệu chiếc xe đạp Peugeot mà ông đang trưng bày tại phòng khách của gia đình, được sản xuất năm 1961, ông cho biết, đối với nhiều người, có lẽ chiếc xe đạp này chẳng có giá trị nhưng với ông, nó là báu vật.

Xuất thân từ người nông dân, trước khi sưu tầm đồ cổ, người truyền cảm hứng cho ông chính là người cha của mình. Từ nhỏ ông đã có năng khiếu về văn học, rồi ham đọc sách báo, lớn lên lại được tận hưởng kiến thức từ một người cha có niềm đam mê mãnh liệt với những di sản văn hóa dân tộc, rồi có cơ hội tiếp xúc, làm bạn với những hiện vật để rồi từ tò mò tới yêu thích rồi ngày càng trân trọng chúng. Trong bộ sưu tập đồ sộ mà ông đang sở hữu, ông cũng may mắn được thừa kế lại nhiều hiện vật hiếm có từ bố mình.

Sau này, khi tình yêu với sưu tầm cổ vật đã thấm sâu trong con người ông, ông bắt đầu dấn thân vào con đường tìm hiểu và sưu tầm cổ vật mang nhiều giá trị văn hóa dân tộc. Những cổ vật cứ thế mà đến với ông theo nhiều cách khác nhau. Ông chia sẻ: “Để thỏa mãn đam mê, sở hữu những hiện vật mình yêu thích, tôi phải đi đến từng thôn, xóm ở nhiều làng, xã để tìm kiếm, lượm nhặt, mua lại của người dân trên khắp mọi miền. Nghe ở đâu có vật cổ là tôi lại mũ áo, cưỡi xe máy lên đường. Có những chuyến đi may mắn sở hữu vài cổ vật, nhưng cũng có những lần về tay trắng, không những thế còn phải đối mặt với biết bao nguy khó trên đường. Để có nhiều bộ sưu tập với hàng nghìn cổ vật như bây giờ, tôi không nhớ là mình đã lên đường bao nhiêu lần!”.

 Các nông cụ về nghề nông, lao động sản xuất của các dân tộc của nhà sưu tầm Nguyễn Hữu Ngôn đang được trưng bày tại Nhà truyền thống huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa)

“Có những món, tôi ngỏ ý xin thì người dân cho luôn, nhưng cũng có món tôi phải mất rất nhiều thời gian, có khi phải mất cả nửa tháng đi lại và tiền của để thuyết phục mới sở hữu được. Mỗi lần như thế tôi lại trân trọng và quý món đồ mà mình mua được biết bao nhiêu, bỏ ra công sức như vậy tôi thấy cũng đáng lắm”, ông Ngôn chia sẻ.

Kể lại một cách say mê về kỷ niệm khi ông đi sưu tầm hiện vật, ông nhớ nhất là chiếc quạt thóc ngày xưa, để mua được món đồ này ông phải kiên trì đi lại hơn nửa tháng để thuyết phục người dân, sau đó lại phải chờ các hộ dân họp lại nữa thì mới biết mình có được mua hay không. Chiếc quạt thóc tưởng chừng đơn giản nhưng lại cho thấy những tiến trình phát triển nông cụ của nhân dân ta trong thời kỳ xưa. Để khắc phục nhược điểm khi chỉ dựa vào sức gió, nhân dân sáng tạo nên chiếc quạt thóc có sức chứa lớn hơn, mà ngày nay hay gọi là quạt thùng. Đặc biệt là chi tiết về chiếc khóa có hình con chuột, một trong mười hai con giáp, hay gắn liền với việc ăn thóc. “Mỗi đồ vật cho thấy những sự thú vị trong đời sống. Nhân dân ta không chỉ thông minh trong việc sáng tạo nên công cụ lao động mà còn rất dí dỏm, hài hước trong cuộc sống”, ông Ngôn chia sẻ.

Để những hiện vật của mình góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, nhà sưu tầm Nguyễn Hữu Ngôn đã hiến tặng các hiện vật cho các bảo tàng trên đất nước như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, Nhà truyền thống huyện Hoằng Hóa,.... Với ông, đó là cách để bảo vệ, bảo tồn và phát huy một cách tốt nhất những giá trị văn hóa vật thể mà cha ông ta đã tạo dựng từ nghìn đời nay.

Trao đổi với Văn Hóa, ông Trịnh Đình Dương, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa nhận định, ông Nguyễn Hữu Ngôn là nhà sưu tầm có tình yêu và niềm đam mê mãnh liệt với các hiện vật mang đậm nét giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Hiện vật cổ của ông Ngôn rất đa dạng, phong phú và rất quý, đặc biệt các hiện vật quý của thời kỳ bao cấp rất có giá trị, mà ở các hệ thống bảo tàng hiện nay đang rất thiếu. Trong thời gian qua, ông Ngôn đã có những đóng góp rất quan trọng đối với Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa thông qua việc hiến tặng những hiện vật cổ quý nhằm góp phần bảo tồn, lưu giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. 

NGUYỄN LINH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top