Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh: Khi doanh nghiệp xây dựng thương hiệu bằng sứ mệnh xã hội

Thứ Tư 01/06/2022 | 10:45 GMT+7

VHO- Chạm đến trái tim khách hàng, Xây dựng những thương hiệu được yêu thương…, nhiều “từ khóa” chứa đựng bí quyết chinh phục cộng đồng, thành công bền vững nhờ niềm tin của khách hàng đã được chia sẻ tại tọa đàm “Xây dựng thương hiệu bằng sứ mệnh xã hội”, diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam khu vực Đồng bằng sông Hồng tại Hải Phòng vừa qua.

 Tọa đàm Xây dựng thương hiệu bằng sứ mệnh xã hội

Chuyên gia Lê Quốc Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (VNABC) chia sẻ, khái niệm cốt lõi trong văn hóa doanh nghiệp: Brand Purpose - Mục đích thương hiệu, Ý nghĩa của thương hiệu chính là lý do tồn tại của thương hiệu, vượt lên trên mục đích kiếm tiền.

Sứ mệnh xã hội giúp xây dựng thương hiệu mạnh

“Mục đích thương hiệu không phải là lời hứa thương hiệu. Lời hứa thương hiệu làm cho khách hàng có ý niệm về những gì có thể mong đợi từ sản phẩm hoặc dịch vụ, nhưng mục đích thương hiệu còn vượt xa hơn thế, cho chúng ta hiểu ý nghĩa về lợi ích cho xã hội mà sản phẩm hay dịch vụ sẽ mang lại. Mục đích thương hiệu kết nối với người tiêu dùng ở cấp độ cảm xúc nhiều hơn”, ông Vinh nói.

Cũng theo ông Lê Quốc Vinh, mục đích thương hiệu thực ra là sứ mệnh của mỗi doanh nghiệp đặt ra cho thương hiệu của mình nhằm tạo ra các giá trị cho xã hội, cho cộng đồng. Ở góc nhìn này, sứ mệnh xã hội là mục tiêu bất biến, là những giá trị bền vững mà các doanh nghiệp luôn hướng tới. “Sứ mệnh đó khác với tầm nhìn mà các doanh nghiệp đặt ra, ví như trở thành Công ty hàng đầu Việt Nam trong 10, 15, 20 năm nữa. Sứ mệnh xã hội là cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp mà ở đó có cả sự đam mê, truyền lửa và hết mình vì sứ mệnh đó. Doanh nghiệp từ sứ mệnh xã hội sẽ truyền cảm hứng cho mọi người xung quanh, từ đó, chính họ có thể đạt được vị thế trong tương lai”, Phó Chủ tịch VNABC phân tích.

Chia sẻ câu chuyện từ chính doanh nghiệp của mình- Tokyo Life, ông Lê Quốc Vinh bộc bạch, không chỉ nhằm mục đích kinh doanh, thương hiệu Tokyo Life được hình thành trên tinh thần sứ mệnh trở thành một “hồ câu vui vẻ”, một môi trường tràn ngập tính nhân văn, nơi những người khuyết tật có thể tìm thấy niềm vui trong lao động, tự tin trở thành người hữu ích trong xã hội. Hay tại một doanh nghiệp mang tên Tò he, mục tiêu đặt ra không chỉ là bán các sản phẩm thủ công mà để mỗi khách hàng khi tiếp cận, sử dụng sản phẩm của họ sẽ như tìm lại tuổi thơ, tìm lại sự hồn nhiên của chính mình… “Có rất nhiều ví dụ như thế. Để thấy rằng con đường phát triển một thương hiệu bền vững là trở thành một thương hiệu được yêu thương. Trong Bộ Tiêu chí Văn hóa Kinh doanh Việt Nam có những tiêu chí rất quan trọng về đạo đức kinh doanh, về trách nhiệm xã hội. Doanh nghiệp không thể chỉ tạo thương hiệu từ những sự nhận biết và những mong muốn của mình mà còn phải thể hiện ứng xử có trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Nói cách khác, phải trở thành một phần trong trái tim khách hàng”, chuyên gia Lê Quốc Vinh chia sẻ.

Tâm niệm sự bền vững của một doanh nghiệp không chỉ từ chất lượng sản phẩm mà xuất phát từ chính sứ mệnh xã hội, lấy khách hàng làm trung tâm cho sự phát triển, nhiều doanh nghiệp tiết lộ, sứ mệnh xã hội giúp họ xây dựng nên những thương hiệu mạnh mẽ, từ đó hình thành nên nền tảng vững chắc của văn hóa doanh nghiệp.

Clip Happy Silent New Year, với sự tham gia của những nhân viên bị khuyết tật tại một cửa hàng của Tokyo Life vào mùa Tết 2021, mang đến nhiều cảm xúc về sự yêu thương, sứ mệnh xã hội mà Doanh nghiệp đang thực hiện

Xây dựng những thương hiệu được yêu thương

Mặc định về tính chất khô khan, cứng nhắc trong hoạt động của các doanh nghiệp dường như đã được xóa nhòa khi nhiều doanh nghiệp tại tọa đàm cùng lên tiếng về triết lý xây dựng thương hiệu trong trái tim khách hàng. “Là chủ doanh nghiệp, hay ở vai trò tư vấn doanh nghiệp, chúng tôi đều luôn mong muốn có được những thương hiệu được yêu thương, với tinh thần phụng sự hướng đến cộng đồng”, ông Lê Quốc Vinh bộc bạch.

Ông Nguyễn Đình Vinh, Phó Tổng Giám đốc VietinBank cho biết, nhiều năm qua, VietinBank luôn xác định muc tiêu hoạt động hướng đến cộng đồng, cố gắng mang lại các giá trị cho xã hội nhiều nhất. “Chúng tôi đã giành nhiều ngàn tỉ đồng cho các chính sách an sinh xã hội, hạ lãi suất... để chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng. Mọi người vẫn hỏi, cho đi như vậy thì nhận được những gì? Câu trả lời chính là việc chúng tôi có được sự tin yêu, có được hình ảnh trong lòng xã hội. Những lợi ích có thể đong đếm hoặc không, nhưng sự bền vững, lâu dài cho thương hiệu chắc chắn là điều chúng tôi đã có”, ông Nguyễn Đình Vinh chia sẻ. Ông Nguyễn Văn Thức, Phó TGĐ Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền phong cũng chia sẻ bài học về sức mạnh của tinh thần đoàn kết, điều cốt lõi đã giúp cho các thế hệ cán bộ, công nhân viên ở doanh nghiệp trong 62 năm qua vẫn luôn bền bỉ theo đuổi những giá trị bất biến, đó là xây dựng các sản phẩm chất lượng và hoạt động hướng tới cộng đồng.

Theo ông Lê Quốc Vinh, thương hiệu Tokyo Life được hình thành trên tinh thần hình thành một môi trường tràn ngập tính nhân văn

“Niềm tin của cộng đồng chính là thương hiệu của doanh nghiệp. Từ tháng 10.2017 đến nay, chúng tôi đã thực hiện chương trình “Cầu nối yêu thương”. Mặc dù 2 năm qua do đại dịch Covid-19 tác động nhưng đến nay chương trình đã khởi công đến cây cầu thứ 88, phấn đấu đến hết năm sẽ xây dựng 100 cây cầu dân sinh cho khu vực cho vùng sâu, vùng xa, miền núi, khó khăn đi lại, nhất là tại các điểm trường cho học sinh miền núi thì đây là những cây cầu thực sự kết nối yêu thương…”, ông Thức cho hay. Giám đốc Truyền thông và Thương hiệu Công Ty CP Searefico Phạm Ngọc Duẩn chia sẻ, sứ mệnh xã hội chính là “động cơ đốt trong”, thôi thúc các doanh nghiệp không ngừng cố gắng vì bản sắc riêng của mình, và vì sứ mệnh với cộng đồng. Lợi thế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp giờ đây không chỉ còn là sản phẩm, giải pháp hay dịch vụ mà chính là văn hóa của mỗi doanh nghiệp. “Làm thế nào để tất cả trở thành những mắt xích không thể bẻ gẫy. Những năm qua, mỗi cán bộ nhân viên của chúng tôi đều luôn cố gắng phát huy tinh thần chiến binh, linh hoạt thích nghi để tự hình thành “vắc xin” chống chọi trước mọi bão tố, bên cạnh đó luôn tận tâm trách nhiệm với khách hàng, đối tác. Những điều xuất phát từ trái tim luôn đến được với trái tim. Đó không chỉ là chân lý giữa con người với con người mà còn là chân lý giữa con người với thương hiệu…”, bà Phạm Ngọc Duẩn bộc bạch.

Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh, Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam Dương Thị Liễu chia sẻ câu chuyện cảm động ở một doanh nghiệp dành cho những người tàn tật, nơi các thành viên luôn hỗ trợ nhau may các sản phẩm handmade. 5 năm trước, “đại bản doanh” của họ chỉ là gian nhà của một trong số các thành viên. 5 năm sau, họ đã trở thành một Công ty có Văn phòng lớn, có bộ máy quản trị hiện đại. Người đứng đầu doanh nghiệp vẫn chỉ có câu trả lời cho bí quyết thành công là làm sao cho người khuyết tật luôn tự tin vào mình, có đóng góp cho bản thân, cho gia đình và xã hội. “Vì vậy, đừng nghĩ sứ mệnh xã hội là những gì quá cao siêu, xa vời với các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp mới khởi đầu, còn khó khăn. Khi hết lòng phụng sự và tạo niềm tin nơi khách hàng, người lao động có nghĩa chúng ta đã chạm đến sứ mệnh xã hội rồi…”, bà Liễu nhấn mạnh. 

HÀ PHƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top