Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Đưa đầm An Khê thuộc di tích quốc gia vào quy hoạch làm dự án điện mặt trời: Không thể vừa làm điện vừa bảo tồn nguyên trạng

Thứ Tư 11/05/2022 | 11:04 GMT+7

VHO- Sau một thời gian tạm dừng, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục kiến nghị Bộ Công thương đưa đầm An Khê (nằm trong khu vực bảo vệ di tích quốc gia Khu khảo cổ học Sa Huỳnh) vào quy hoạch làm dự án điện mặt trời.

 Loại hình kinh tế phù hợp trên vùng đầm An Khê là kinh tế du lịch, du lịch cộng đồng, các mô hình trải nghiệm…

Tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản 1762/UBND-KTN ngày 19.4.2022 gửi Bộ Công thương đề nghị xem xét đưa các dự án nguồn điện tại tỉnh Quảng Ngãi vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong danh mục đề xuất, đầm An Khê nằm trong quần thể các di tích khảo cổ học văn hóa Sa Huỳnh sẽ được quy hoạch làm dự án điện mặt trời với công suất 200MW/MWp, giai đoạn đầu tư 2025-2030. Theo kiến nghị của tỉnh Quảng Ngãi, các dự án điện nhằm tạo tính đột phá, động lực phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng điện khí và kinh tế - xã hội địa phương; hai dự án sử dụng khoảng 658.000m2 mặt nước, chiếm hơm 19% diện tích mặt đầm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây là lần thứ hai đầm An Khê được tái đề nghị làm dự án điện mặt trời. Trước đó, năm 2017, đầm An Khê được đề nghị “gánh” hai dự án là Nhà máy điện mặt trời đầm An Khê trên diện tích 52 ha mặt nước và 2 ha đất ven đầm; công suất thiết kế 50MWp, tổng mức đầu tư 1.254 tỉ đồng, do Công ty TNHH Phát triển công nghệ hệ thống đầu tư và dự án Nhà máy điện mặt trời đầm Nước Mặn (An Khê 2) quy mô 52 ha và công suất thiết kế 50MWp, tổng mức đầu tư gần 1.240 tỉ đồng, do Công ty CP Systech Đà Nẵng đầu tư.

Đầm An Khê dài 3,5 km, rộng 1 km với gần 350 ha mặt nước, nằm tiếp giáp cửa biển Sa Huỳnh (thuộc xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ). Năm 1909, các nhà khảo cổ học khảo sát các khu vực quanh đầm như Long Thạnh, Phú Khương, Thạnh Đức đã phát hiện các Di chỉ văn hóa Sa Huỳnh - một trong ba nền văn minh cổ đại của Việt Nam. Nhiều di vật khảo cổ học thuộc Văn hóa Sa Huỳnh như Gò Ma Vương, Phú Khương, Thạnh Đức… đã khai quật và còn nhiều di tích nằm trong lòng đất; các di tích Chămpa cổ như bia kỷ, tháp, hệ thống giếng, đường đá, đình thờ Nữ thần Thiên Yana được tìm thấy. Xung quanh khu vực đầm An Khê, người dân vẫn giữ phương thức canh tác truyền thống, phong tục tập quán mang đậm dấu ấn văn hóa dân gian của người Việt như hát Bài chòi, hát Sắc bùa, hát Hổ… trong không gian môi trường sinh thái nhân văn Văn hóa Sa Huỳnh.

Năm 2014, Bộ VHTTDL chỉ định xây dựng di tích quốc gia Khu khảo cổ học Sa Huỳnh thành di tích quốc gia đặc biệt nhằm bảo tồn, gìn giữ nguyên trạng quần thể di sản nền văn hóa Sa Huỳnh. Theo các chuyên gia của Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, Sa Huỳnh gần như là nơi duy nhất còn giữ lại được không gian sinh tồn của người cổ Sa Huỳnh, môi trường sinh thái, địa lý nhân văn, địa chất địa mạo, cùng với cánh rừng, với đầm nước ngọt An Khê rộng lớn, là nơi cung cấp nguồn sống cho người Sa Huỳnh cổ xưa.

TS Đoàn Ngọc Khôi, Sở VHTTDL Quảng Ngãi cho biết, năm 2015 ngành chức năng hoàn thiện các hồ sơ, giá trị pháp lý để kiến nghị công nhận di tích quốc gia Khu khảo cổ học Sa Huỳnh là di tích quốc gia đặc biệt. Tuy nhiên, do vướng một số dự án kinh tế của các nhà đầu tư nên đến nay vẫn chưa thực hiện. “Lúc đó chúng tôi làm hồ sơ khu quần thể Sa Huỳnh thì vướng dự án Phim trường Vina, sau đó là các dự án điện mặt trời vào năm 2017 tại khu vực đầm An Khê. Hội đồng di sản quốc gia vào khảo sát và xem xét không gian đầm An Khê, yêu cầu tỉnh bảo tồn đưa vào quần thể di tích Sa Huỳnh để được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt, nhưng cho đến nay vẫn chưa hoàn thành”, TS Đoàn Ngọc Khôi cho biết.

 Đầm nước ngọt An Khê là nơi cung cấp nguồn sống cho người Sa Huỳnh cổ xưa

Theo nhận định của các thành viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia dựa trên kết quả đi khảo sát đầm An Khê và khu vực xung quanh, nơi đây là không gian sinh tồn, sinh thái nhân văn của cư dân cổ Sa Huỳnh, tiếp nối là cư dân Chămpa và sau này là Đại Việt, đã để lại rất nhiều di vật trong và trên mặt đất tại khu vực này. Đây là không gian lịch sử, sinh thái văn hóa nhân văn quý hiếm, rất có giá trị, xứng đáng được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, và trong tương lai có thể trình UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới. “Hội đồng đề nghị không lắp đặt các tấm panel thu năng lượng mặt trời trên mặt nước và xây dựng các công trình vận hành, quản lý dự án đất bờ đầm An Khê; cũng không thể thu hẹp một phần đầm An Khê được vì sẽ vi phạm khu vực bảo vệ của di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, vi phạm “tính xác thực”, “tính toàn vẹn” của di sản tại Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới 1972”, Báo cáo của Hội đồng di sản văn hóa quốc gia nêu rõ.

Như vậy, để bảo tồn không gian, cảnh quan Di tích Quốc gia Khu khảo cổ học Sa Huỳnh phải được giữ nguyên trạng, tổng thể chứ không thể vừa làm điện mặt trời trên mặt đầm An Khê vừa bảo tồn các di sản của nền văn hóa Sa Huỳnh. “Bảo tồn văn hóa vẫn có thể phát triển kinh tế, mang lại nguồn thu ngân sách cho tỉnh, nâng cao đời sống người dân. Đó là các loại hình kinh tế phù hợp như kinh tế du lịch, du lịch cộng đồng, các mô hình trải nghiệm trên vùng sông đầm An Khê, cửa biển Sa Huỳnh…”, đại diện công ty du lịch cho biết. 

 Đầm An Khê và khu vực xung quanh là không gian sinh tồn, sinh thái nhân văn của cư dân cổ Sa Huỳnh, tiếp nối là cư dân Chămpa và sau này là Đại Việt, đã để lại rất nhiều di vật trong và trên mặt đất tại khu vực này. Đây là không gian lịch sử, sinh thái văn hóa nhân văn quý hiếm, rất có giá trị, xứng đáng được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và trong tương lai có thể trình UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới.

 Trong báo cáo gửi cấp có thẩm quyền, GS.TS KH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia nhấn mạnh: “Nếu thấy cần thiết, lãnh đạo tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện dự án pin mặt trời ở khu vực khác phù hợp hơn. Kinh nghiệm ở Quần thể di tích Cố đô Huế, chỉ chặt cây để thu hoạch loại cây đã trồng nhiều năm trên ngọn đồi gần lăng Minh Mạng để trồng cây khác, đã bị UNESCO khuyến nghị. Sau khi trồng lại cây, tạo được không gian xanh trên đồi, hơn 5 năm sau, UNESCO mới đưa ra khỏi danh sách di sản bị kiến nghị...”.

NAM MINH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top