Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Bonsai dừa “độc, lạ” của lão nông Gia Lai

Thứ Hai 09/05/2022 | 11:30 GMT+7

VHO- Từ những trái dừa khô nằm lăn lóc ở góc vườn, lão nông Nguyễn Văn Tấn (68 tuổi) ở xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện (Gia Lai) đã mày mò, kiên nhẫn chế tác để tạo ra những cây bonsai độc, lạ với nhiều hình dáng bắt mắt. Sản phẩm của ông không chỉ thân thiện với môi trường mà còn tạo thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế gia đình.

Ông Nguyễn Văn Tấn và những cây bonsai dừa do ông tạo ra

 Tại gian hàng giới thiệu sản phẩm bên lề Lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui vừa được UBND huyện Phú Thiện (Gia Lai) phối hợp với xã Ayun Hạ và người dân làng Plei Ơi (vùng đất của các Vua Lửa) tổ chức vào dịp 30.4 và 1.5 vừa qua, có một gian hàng thu hút khá đông du khách và người dân đến tham quan, mua sắm. Đó chính là gian hàng cây cảnh làm từ trái dừa khô của ông Nguyễn Văn Tấn.

Anh Nguyễn Văn Hoàng ở TP Pleiku (Gia Lai) thích thú cho biết: “Trước giờ cứ nghĩ trái dừa chỉ để uống nước hoặc dừa khô thì làm bánh, mứt sử dụng trong những ngày Tết… nay là lần đầu tiên tôi thấy cây cảnh được làm từ trái dừa khô rất đẹp. Tôi đã mua cho mình 1 cây với giá 600 nghìn đồng để về trưng bày trong khuôn viên nhà”.

Theo lời giới thiệu, chúng tôi tìm về thôn Dlâm, xã Chư A Thai để trực tiếp “mục sở thị” vườn dừa cảnh độc, lạ của lão nông U70. Trò chuyện với chúng tôi, chủ nhân của những cây bonsai dừa khô cho biết, hiện ông đang sở hữu khoảng 100 chậu dừa cảnh (đang nảy mầm và đủ tuổi xuất bán). Giá của mỗi chậu giao động từ 600.000 - 1.500.000 đồng, tùy vào tuổi thọ, thế, dáng của cây. Ông Tấn bộc bạch: “Gia đình tôi trồng hơn 100 cây dừa trên mảnh đất 3.600m2 từ năm 1998. Trung bình mỗi năm vườn dừa cho ra hàng ngàn trái, tuy nhiên, do không kịp thu hoạch nên tình trạng dừa khô, rụng dưới gốc rất nhiều. “Đôi khi nó rụng quá nhiều đành phải vứt bỏ, khiến tôi rất xót xa”. Trong một lần về quê Bình Định, ông Tấn tình cờ thấy cây dừa cảnh của người cháu mua về với giá rất cao. Từ lúc đó, ông nảy ra suy nghĩ là sẽ tận dụng dừa khô ở vườn mình để sáng tạo ra cây bonsai. Nghĩ là làm, ông dành nhiều tháng trời để tìm hiểu kỹ thuật làm ra cây dừa cảnh trên mạng Internet và từ kinh nghiệm, sáng tạo dáng thế của những người đi trước thông qua hội nhóm.

Sau khi đã cơ bản nắm được kỹ thuật, đầu năm 2020, ông Tấn hái dừa trên cây, nhặt quả khô dưới đất để bắt đầu triển khai thực hiện làm bonsai từ trái dừa. “Hồi mới làm chỉ có vài chục trái nảy mầm, còn lại là hư hết do tôi chưa có kinh nghiệm kiểm soát lượng nước, độ ẩm. Sau này tôi chỉ ủ khoảng chừng 10 quả để tiện chăm sóc, điều chỉnh độ ẩm tốt hơn, làm bao nhiêu ủ bấy nhiêu”, ông Tấn chia sẻ.

 Ngoài việc làm theo yêu cầu của khách đặt hàng, ông Tấn thường xuyên tham gia các gian hàng giới thiệu sản phẩm do địa phương tổ chức

Khi dừa nảy mầm, ông Tấn mang để vào chậu đất để cho nó ra rễ, lá. Sau 8 tháng miệt mài chăm sóc, tạo dáng cho trái dừa, ông Tấn đã có được chậu dừa cảnh tuyệt đẹp, thế độc, lạ. Có được thành quả, ông chụp sản phẩm đầu tay của mình đăng lên mạng xã hội và được nhiều người đặt mua.

Ông Tấn cho biết thêm, để có một chậu dừa cảnh đẹp như ý, ông phải tốn rất nhiều công sức vì có rất nhiều quy trình thực hiện. Đầu tiên cần quả dừa khô không bị thối, mốc. Tiếp đó là công đoạn tách vỏ dừa, lộ phần gáo rồi dùng dao để gọt đi những xơ dừa còn dính sần sùi trên bề mặt. Kế tiếp ông dùng máy cạo gáo dừa cho nó bóng loáng. Để trái dừa ra rễ nhanh, ông Tấn trộn cám dừa với trấu và phân bò để ươm. Khi đã cắm dừa vào đất trong chậu thì cần phải tưới nước thường xuyên, cắt tỉa lá cho phát triển đúng với mong muốn. Sau 8 tháng chăm sóc là có thể xuất bán, chậu dừa cảnh càng để lâu thì càng có giá trị. Để trang trí cho dừa cảnh thêm phần bắt mắt, ông Tấn còn sơn và vẽ chữ theo yêu cầu của khách hàng.

“Khách hàng của tôi chủ yếu là trong tỉnh Gia Lai và một số tỉnh lân cận như Bình Định, Phú Yên. Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vừa qua, vườn cây cảnh của tôi cũng xuất bán được hơn 40 chậu, thu về hàng chục triệu đồng. Nhờ đó, thu nhập của gia đình cũng được cải thiện đáng kể”, ông Tấn vui vẻ cho hay.

Nói về dự định của mình, ông Tấn cho biết, để thu hút được khách hàng nhiều hơn, trong thời gian tới ông sẽ nghiên cứu nhiều dáng thế đẹp mắt, độc, lạ, ví dụ như thiết kế bonsai dừa theo hình con vật hoặc các con giáp theo năm âm lịch… Ông Tấn hy vọng sẽ có nhiều nông dân trồng dừa làm được loại hình nghệ thuật này, vừa có thể tái chế những trái dừa khô tưởng như sẽ vứt đi, vừa có thêm thu nhập, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho bà con nông dân. 

NGỌC HÒA

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top