Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Di dời nhà trên kênh ở TP.HCM: Xây dựng hình ảnh thành phố nghĩa tình

Thứ Hai 02/05/2022 | 17:17 GMT+7

VHO- Xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình là mục tiêu và khẩu hiệu hành động của TP.HCM. Mục tiêu đó bao gồm rất nhiều nội dung về văn hóa vật chất và tinh thần. Du khách đến TP.HCM được chiêm ngưỡng nhiều cảnh quan tươi đẹp, nhưng họ cũng sẽ thấy những hình ảnh trái ngược.

 Những  ngôi nhà tạm trên kênh rạch ở quận 4 - Ảnh: THIÊN BẢO

Đó là những dãy nhà trên kênh với mái tôn han rỉ và những hàng cọc bám đầy rêu xanh giữa dòng nước đen, nằm ngay dưới chân những khối chung cư cao tầng khang trang, hiện đại. Người thành phố sẽ tự hỏi hình ảnh ấy có làm tổn hại đến danh hiệu “Thành phố nghĩa tình” ?

Những khu nhà ở ven và trên các con kênh rạch ở TP.HCM đã hình thành rất sớm. Đó là những xóm thợ bến cảng ở quận 4, những xóm nghèo ở quận 8 và hầu như ở đâu có kênh rạch nhỏ và dân nghèo thì ở đó có nhà trên kênh. Sau khi giải phóng TP.HCM và trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, xã hội, TP đã vận động một số gia đình rời khỏi những căn nhà trên kênh để đi xây dựng kinh tế mới nhưng không giảm được đáng kể. Thậm chí một số người đã trở lại những căn nhà trên kênh vì ở vùng sâu, vùng xa thiếu điện hoặc xa nguồn nước.

Khi TP bước vào thời kỳ mở cửa và kinh tế thị trường, bộ mặt kiến trúc ở TP thay đổi hàng ngày. Chung cư cao tầng mọc lên khắp nơi, nhưng các dãy nhà đóng cọc trên kênh vẫn tồn tại hàng chục ngàn căn... Đến nhiệm kỳ 2016-2020, TP đã có chương trình di dời 20.000 căn nhà trên kênh, sau đó điều chỉnh chỉ tiêu xuống còn 10.000 căn, nhưng đến cuối nhiệm kỳ chỉ di dời được 2.479 căn, bằng 12,4% kế hoạch. Tỷ lệ rất thấp ấy nói lên tính chất khó khăn, phức tạp đến từ nhiều hướng. Những ngôi nhà ở trên kênh rất mỏng manh dễ phá dỡ, nhưng muốn “di dời” lại rất khó khăn vì nó liên quan đến rất nhiều mối quan hệ chằng chịt giữa tập quán đời sống của người dân, kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường và năng lực thực hiện.

Chung cư cao tầng và nhà trên kênh ở TP.HCM

Trước hết là năng lực lập kế hoạch - thể hiện qua sự chênh lệch quá lớn giữa kế hoạch và kết quả thực hiện (20.000/2.479), chứng tỏ chưa tính toán cụ thể năng lực thực hiện và nguồn tài chính. Chỉ muốn đưa “số liệu hoành tráng” phải chăng đó là “bệnh thành tích”? Con số kết quả thực hiện 12,4% kế hoạch, có thể coi là sự thất bại của một chương trình kinh tế xã hội. Nhưng nguyên nhân và trách nhiệm không rõ ràng. Mặt khác, không thu hút được các nhà thầu vì dự án không có lời. Vấn đề khó khăn phức tạp là hầu hết các căn nhà trên kênh đều không có giấy phép xây dựng nên không có chứng từ về diện tích xây dựng để tính giá đền bù, giải tỏa. Bên cạnh đó là tập quán cư trú và mưu sinh của cư dân có nhà trên kênh không dễ thay đổi và quan trọng hơn là nỗi lo nếu đến nơi khác thì cuộc sống có khá hơn không? Đó là ký ức của một số người đã từng phải bỏ vùng kinh tế mới vì nhiều khó khăn hơn.

Đến nhiệm kỳ 2021-2025, TP đã đề ra chương trình “chỉnh trang đô thị”. Xác định 4 nhiệm vụ đột phá, trong đó “di dời và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sinh sống ven và trên kênh rạch” là chương trình có tính cấp thiết ngày càng cao, đồng thời có thể đạt được nhiều mục tiêu hơn. Theo Sở Xây dựng TP, thời gian qua TP đã tổ chức lại cho 36.000 hộ gia đình sống trên kênh rạch. Đến nay vẫn còn khoảng hơn 20.000 hộ. Dự kiến từ 2021 đến 2025 sẽ thực hiện 25 dự án để di dời 6.500 căn với kinh phí hơn 19 ngàn tỉ đồng. Chương trình này đặt ra nhiều kỳ vọng như cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường mặt nước của TP, sẽ không còn dòng nước đen; cải thiện cảnh quan đô thị, hành lang ven kênh sẽ trở thành những thảm cây xanh và vỉa hè cho người đi bộ. Như những đoạn kênh Nhiêu Lộc đã đẹp hơn trước rất nhiều, con kênh sẽ trở thành các tuyến giao thông đường thủy, giảm tải cho đường bộ.

Riêng nhiệm vụ nâng cao đời sống cho nhiều hộ ở diện nghèo và cận nghèo đã từng ở nhà trên kênh là mục tiêu có ý nghĩa kinh tế, xã hội và văn hóa rất lớn vì nó cụ thể hóa mục tiêu lớn nhất là xây dựng TP “văn minh, hiện đại nghĩa tình” cả về đời sống và cảnh quan đô thị, đồng thời cũng tăng thêm sức hút cho du lịch.Không chỉ những người đang sinh sống trong những căn nhà trên những dòng kênh nước đen đang mong chờ mà tất cả người dân TP đều kỳ vọng chương trình di dời nhà ở trên kênh sẽ thành công tốt đẹp trong tương lai gần. 

 TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top