Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Xung quanh đề xuất xây dựng tuyến đường đi qua vùng lõi Khu Bảo tồn (KBT) Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai: Sẽ tổ chức khảo sát trực tiếp để thống nhất phương án

Thứ Hai 25/04/2022 | 10:16 GMT+7

VHO- Liên quan đến đề xuất của UBND tỉnh Bình Phước về việc xây dựng tuyến đường đi qua vùng lõi Khu Bảo tồn (KBT) Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai (Văn Hóa có bài Lo ngại tác động nghiêm trọng đến nhiều mặt, số ra 3713, ra ngày 22.4), Bộ GTVT vừa chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan để thống nhất phương án.

Theo thông tin Văn Hóa có được, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT) và các đơn vị liên quan đã nghiên cứu, đưa ra nhiều phương án đầu tư tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước với Đồng Nai. Trong đó có phương án 1: Tuyến qua cầu Mã Đà và đi xuyên qua vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai. Tuy nhiên, đại diện Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) thông tin, Luật Đa dạng sinh học nghiêm cấm xây dựng trong vùng lõi khu bảo tồn, trừ công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh. Đại diện Tổng cục Môi trường dẫn chứng, trước đây dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A dự kiến xây dựng trong Vườn quốc gia Cát Tiên, nhưng theo quy định của pháp luật liên quan và dư luận, dự án này đã không được thực hiện.

Đối với tuyến đường đề xuất đi qua KBT Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, theo Luật Bảo vệ môi trường thì đây là dự án đầu tư có tác động xấu đến môi trường nên phải đánh giá tác động môi trường của dự án nhóm I nguy cơ cao. Do đó, phải nghiên cứu kỹ về luật pháp của Việt Nam và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia để làm rõ phương án mở đường quốc lộ 13C đoạn đi qua vùng lõi KBT Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai. Theo ông Dương Thanh An, Cục trưởng Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học, tại Hội nghị COP-26, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã cam kết phục hồi rừng tự nhiên. Thêm nữa, UNESCO cũng đã có hướng dẫn rất cụ thể về quản lý, bảo vệ khu dự trữ sinh quyển trong đó Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai hiện đang là mô hình điểm, điển hình cho các khu dự trữ sinh quyển trên cả nước thực hiện bảo tồn và phát huy các giá trị của khu dự trữ sinh quyển. Vì thế nên nghiên cứu và chọn hướng thay thế không đi qua vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai.

Theo Bộ Ngoại giao, danh hiệu khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận là để phát triển bền vững cho các quốc gia. Khi vi phạm các cam kết sẽ bị rút danh hiệu. Hiện trên thế giới đã có 45 khu khu dự trữ sinh quyển thế giới tự nguyện xin rút hoặc bị rút danh hiệu. UNESCO luôn ưu tiên bảo tồn thiên nhiên nên phải tính toán kỹ lưỡng để chọn được phương án tối ưu. Bởi vậy, phải ghi nhận nỗ lực của tỉnh Đồng Nai trong công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và các giá trị văn hóa lịch sử của khu dự trữ sinh quyển thế giới. Cũng tại cuộc họp, đại diện của Bộ VHTTDL nêu rõ, Điều 13 của Luật Di sản văn hóa đã nghiêm cấm thì cần nghiên cứu kỹ. Bộ chưa bao giờ xem việc xây dựng quốc lộ là tôn tạo di tích. Nghị định 98 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa cũng đã nói rõ. Nếu theo phương án 1 thì dự án đi qua vùng lõi khu bảo tồn, các di tích cấp quốc gia và theo quy định phải được thông qua Quốc hội và UNESCO. Đại diện Bộ VHTTDL đề nghị không nên đề xuất những gì trái quy định của pháp luật và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Đại diện Bộ KH&ĐT cho rằng, theo phương án 1 thì vướng quá nhiều các quy định của pháp luật và sẽ rất khó khăn vì phải báo cáo với Quốc hội.

Trên cơ sở ý kiến của các bên liên quan, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn giao Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải tiếp thu các ý kiến, tính toán, cập nhật đầy đủ các quy định của pháp luật và dư luận xã hội để hoàn thiện các phương án đề xuất. Các bên cũng thống nhất sẽ tổ chức khảo sát thực tế để thống nhất về hướng tuyến, nguồn vốn đầu tư, hình thức đầu tư. Trước đó, UBND tỉnh Bình Phước đề xuất sau khi xây dựng cầu Mã Đà, tuyến đường ĐT.753 sẽ kết nối với đường ĐT.761, sau đó nâng cấp thành quốc lộ 13C đi qua vùng lõi KBT Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai đến quốc lộ 1A (huyện Trảng Bom, Đồng Nai). Đặc biệt, để xây dựng tuyến đường quốc lộ 13C thì phải chuyển mục đích sử dụng 44 ha đất rừng đặc dụng (rừng tự nhiên) sang mục đích xây dựng đường giao thông.

Đề xuất trên gây ra nhiều lo ngại sâu sắc từ phía chuyên gia, nhà nghiên cứu vì sẽ tác động nghiêm trọng đến đa dạng sinh học, các giá trị di sản văn hóa - lịch sử, việc công nhận các danh hiệu và nhiều vấn đề khác liên quan. 

 HOÀNG HẢI

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top