Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Nhiều quận, huyện ở Hà Nội mở phố đi bộ: Đừng trở thành những phố ... chợ

Thứ Hai 25/04/2022 | 10:08 GMT+7

VHO- Thiếu dấu ấn bản sắc là điều lo lắng của người Hà Nội khi đang có nhiều quận, huyện ồ ạt đề xuất hình thành các không gian phố đi bộ mới. Số lượng có song hành cùng chất lượng? Câu hỏi được đặt ra khi đã có những con phố nhanh chóng trở nên nhạt nhẽo và rời khỏi tâm trí người dân, du khách chẳng bao lâu sau thời điểm khai trương.

 Để mỗi tuyến phố đi bộ trở thành một điểm nhấn thú vị cần có sự đa dạng, mang bản sắc riêng

 Người Hà Nội vốn dĩ khao khát có những không gian đi bộ đúng nghĩa, nhằm thỏa mãn nhu cầu thư giãn giải trí, hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần. Nhưng thực tế, những không gian đi bộ này lại chưa đáp ứng được nhu cầu đó, thậm chí còn trở nên quá xô bồ.

Liệu có “bội thực”?

Dịp lễ 30.4, 1.5 tới đây, không gian phố đi bộ thành cổ Sơn Tây sẽ chính thức đi vào hoạt động. Tuyến phố này là không gian đi bộ thứ tư của Hà Nội, sau không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, không gian đi bộ khu Phố cổ Hà Nội, không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn. Chưa kể, không gian đi bộ tại khu đô thị Bắc An Khánh - Splendora cũng vừa ra mắt dịp Tết Nguyên đán 2022, trong kế hoạch thực hiện sáng kiến gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO đến năm 2025 do Hà Nội ban hành. Đồng loạt nhiều quận, huyện cùng liên tiếp đề xuất mở các không gian đi bộ. Cùng với không gian phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, các không gian được đề xuất có: Phố đi bộ quanh hồ Thiền Quang (quận Hai Bà Trưng); hồ Ngọc Khánh, hồ Trúc Bạch (quận Ba Đình); Phố đi bộ Khu đô thị mới Nam đường Vành đai 3 (quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì)...

Trong cảm thức của nhiều người về Hà Nội đương đại, nhắc đến phố đi bộ họ thường chỉ nhớ đến không gian xung quanh Hồ Hoàn Kiếm. Không phủ nhận sự xuất hiện của tuyến phố đi bộ này đã bổ sung vào bản đồ du lịch Hà Nội một điểm đến thú vị, dần dần trở thành một thương hiệu. Thế nhưng, thành công bước đầu của phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, nhìn nhận một cách khách quan thì mới chỉ dừng lại như một cách… điền vào chỗ trống, khi người Hà Nội đang thiếu thốn những điểm dừng chân phóng khoáng. Sự cuốn hút cần phải có của một không gian đi bộ đúng nghĩa, như một không gian văn hóa thì đến thời điểm này, phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm vẫn chưa phải đã hoàn thiện. Hai không gian đi bộ hình thành kế tiếp là tại khu Phố cổ Hà Nội, không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn cũng đều nhàn nhạt dấu ấn. Thậm chí, không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn còn bị đánh giá là một sự “thua cuộc” khi bản sắc lãng mạn như con phố mang tên người nhạc sĩ tài hoa đã không thể thành hình. Phố đi bộ Trịnh Công Sơn nhanh chóng trở thành một địa chỉ nhộm nhoạm, hàng quán xô bồ.

Vậy nên, những ồ ạt đề xuất để Hà Nội cho mở thêm nhiều không gian đi bộ mới đã mang đến một cảm giác “bội thực”. Đương nhiên, có không ít hoài nghi về hiệu quả mang lại của những tuyến phố này đối với đời sống của người dân Hà Nội, cũng như với đông đảo du khách. Nhiều chuyên gia khuyến cáo, nếu chỉ tạo ra các phố đi bộ một cách tràn lan mà thiếu tính toán về mặt nội hàm, hình thành bản sắc riêng, không lặp lại những không gian có trước, thì chắc chắn, những địa chỉ ra đời sau sẽ không phát huy hiệu quả, thậm chí rơi vào cảnh “sớm nở tối tàn”.

KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội chia sẻ, các phố trung tâm Hà Nội cũ vốn được thiết kế thân thiện cho người đi bộ. Các thôn xóm ngoại ô Hà Nội cũng vốn là không gian đi bộ thú vị… Sau này, Hà Nội thực sự không còn chỗ đi bộ là do phần lớn đường dành cho đi bộ bị chiếm dụng bán hàng, để ô tô, xe máy; lòng đường lại có nhiều phương tiện cơ giới di chuyển với tốc độ cao. Người Hà Nội mất dần không gian đi bộ, nhưng thực tế nhu cầu về những không gian này lại rất lớn. “Chúng tôi đã vận động các cơ quan của thành phố chú ý đến nhu cầu đi bộ cho cư dân Hà Nội, đặc biệt dành cho trẻ em, phụ nữ, người già, người khuyết tật… Nên thấy rằng mở càng nhiều phố đi bộ càng tốt. Tuy nhiên, đừng lấy danh nghĩa phố đi bộ để rồi thành phố đi chợ, chỉ chú ý đến việc tăng không gian dịch vụ mua bán mà không quan tâm đến không gian đi bộ, rèn luyện, vận động, giải trí hấp dẫn, thú vị an toàn. Từ ý nghĩa vì con người trở thành chỉ vì tiền rất không nên…”, KTS Trần Huy Ánh nhận định.

 Không gian đi bộ tại phố Trịnh Công Sơn trong ngày đầu khai trương, về sau trở nên nhộm nhoạm

Cần những không gian có bản sắc đặc thù

Ông Ánh cũng cho rằng, người Hà Nội vốn đã mệt mỏi vì những lộn xộn, xô bồ, bởi thế, không cần thêm bất cứ sáng kiến vị lợi nào. Việc đề xuất mở nhiều không gian đi bộ đang diễn ra tại Hà Nội, ông Ánh nêu quan điểm: “Không vấn đề gì. Ủng hộ các quận, huyện, phường, xã làm những không gian này. Qua việc làm sẽ bộc lộ những điểm mạnh, yếu để điều chỉnh. Các cấp lãnh đạo địa phương đã vẽ ra rất hay rồi làm kém thì cũng bộc lộ năng lực quản trị của địa phương. Cạnh tranh chất lượng dịch vụ của các phố đi bộ cũng là cạnh tranh năng lực thực sự của người đứng đầu chính quyền địa phương có phố đi bộ. Người dân, báo chí là những kênh đánh giá tốt, công bằng…”.

Cũng phải nhắc lại rằng, việc nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội mong muốn mở không gian đi bộ đều xuất phát từ nhu cầu thực tế. Những không gian đi bộ chất lượng cũng đồng thời sẽ tạo điều kiện cho phát triển kinh tế địa phương và các hộ kinh doanh. Nhưng, thế nào là những không gian đi bộ thực sự chất lượng, mang bản sắc đặc thù lại là vấn đề khiến chính quyền các địa phương không khỏi lúng túng. Các chuyên gia quy hoạch đô thị, các nhà văn hóa đều chung nhận định, không thể ồ ạt mở cửa các phố đi bộ theo cách nhân bản đơn thuần. Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm phải khác phố đi bộ Trịnh Công Sơn, càng phải khác với không gian thả bộ ở xứ Đoài. Sự đa dạng và khác biệt, đương nhiên là bài toán khó để quyết định thành, bại của những không gian này. Còn nhớ, phố đi bộ Trịnh Công Sơn những ngày đầu mở cửa đã tạo được một vài điểm nhấn gắn với tên tuổi nhạc sĩ, trong đó có không gian hát nhạc Trịnh. Nhưng rồi, việc phát triển, quảng bá những hạt nhân tạo bản sắc này chưa được chú trọng, để ấn tượng đọng lại về tuyến phố chỉ còn là một không gian nhạt nhẽo...

“Các đường phố trung tâm Hà Nội cứ trả lại lòng đường cho xe cộ, vỉa hè cho người đi bộ như trước đây thì đã tốt lắm rồi . Giống như Hồ Gươm vậy, chả cần làm gì cũng thành phố đi bộ thu hút hàng vạn người. Đừng giống như phố đi bộ trên Tây Hồ (không gian đi bộ Trịnh Công Sơn - P.V), vốn người ta đang đi bộ thì lại bày ra cả loạt ki ốt cho thuê, thành cái chợ làng rởm rít. Thế là thất bại thảm hại ngay”, KTS Trần Huy Ánh cảm thán. Giải pháp nào để những không gian đi bộ được mở cửa thực sự là những không gian văn hóa thư thái, cuốn hút người dân? Ngoài nội hàm tạo nên tính chất và bản sắc đặc thù của tuyến phố, các yếu tố phụ trợ cũng quan trọng không kém. “Phố đi bộ mà ăn uống nhồm nhoàm, nói tục, nói to, hát như một cách đàn áp âm thanh thì khách chạy sạch. Mùi xào nấu khói mù cũng cần phải dẹp. Trẻ con cần có chỗ chạy nhảy, người lớn cần có nơi đi, nơi đứng, nơi xem thú vị an toàn, riêng tư… Những yếu tố đơn giản này lại thể hiện năng lực quản trị của nhà quản lý địa phương. Rất tiếc là những thứ như vậy còn đang rất yếu kém. Quận Hoàn Kiếm là nơi đang tổ chức tốt, lãnh đạo sâu sát, nhưng cũng còn nhiều bất cập. Còn những nơi khác thì quả thật chưa làm đã thấy ít khả năng thành công…”, ông Ánh nói.

Nhiều chuyên gia quy hoạch không gian đô thị cũng cho rằng, trước khi mở cửa các không gian đi bộ khác, cần tập trung hoàn thiện những không gian đã có. Chẳng hạn như ở Hồ Hoàn Kiếm, lợi thế sẵn có là vị trí đắc địa, điều cần được tạo thêm là các hoạt động văn hóa nghệ thuật, các ý tưởng sáng tạo, vui chơi, giao lưu cộng đồng. Việc đúc rút kinh nghiệm, hoàn thiện sẽ có ích để phát triển chất lượng các không gian chứ không phải chỉ nhất loạt mở phố đi bộ theo phong trào. Suy đến cùng, sự thành công của không gian công cộng xuất phát từ việc đáp ứng nhu cầu của người dân, tạo chất lượng kết nối không gian và hình thành giá trị của các tuyến phố đó. Nhưng, để thật sự trở thành điểm đến hấp dẫn thì còn là một câu chuyện dài, đòi hỏi tư duy tổ chức, duy trì các hoạt động, tiện ích để phục vụ người dân và du khách. 

 Ủng hộ các quận, huyện, phường, xã làm những không gian này. Qua việc làm sẽ bộc lộ những điểm mạnh, yếu để điều chỉnh. Các cấp lãnh đạo địa phương đã vẽ ra rất hay rồi làm kém thì cũng bộc lộ năng lực quản trị của địa phương. Cạnh tranh chất lượng dịch vụ của các phố đi bộ cũng là cạnh tranh năng lực thực sự của người đứng đầu chính quyền địa phương có phố đi bộ. Người dân, báo chí là những kênh đánh giá tốt, công bằng…

(KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội)

HÀ PHƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top