Những vấn đề cấp bách trong xây dựng môi trường văn hóa...

VHO- Xây dựng môi trường văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm của ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công tác xây dựng môi trường văn hóa cần căn cứ vào các đặc điểm riêng của từng địa phương. Những đặc điểm này đòi hỏi phải có chính sách, nguồn lực và phương thức phù hợp.

Những vấn đề cấp bách trong xây dựng môi trường văn hóa... - Anh 1

 Nét đẹp sinh hoạt văn hóa ở vùng cao

Trong bài viết này, tôi xin nêu 3 vấn đề mang tính cấp bách trong xây dựng môi trường văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay.

Đổi mới cơ chế đầu tư, phân bổ kinh phí cho miền núi, vùng cao

Kinh phí của ngân sách nhà nước cấp cho ngành văn hóa - thể thao có hai loại là đầu tư xây dựng cơ bản và ngân sách chi thường xuyên. Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản không nhiều như các ngành khác, chủ yếu là đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa như nhà văn hóa, sân luyện tập thể thao.

Hoặc ở mỗi tỉnh, trong một nhiệm kỳ cũng chỉ có một loại dự án về bảo tồn các làng bản tiêu biểu... Nhưng nguồn chi hoạt động văn hóa, thể thao ở các tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số chính là nguồn chi thường xuyên. Ở miền núi, chưa hình thành thị trường dịch vụ văn hóa, các hoạt động văn hóa như biểu diễn văn nghệ, chiếu phim, đọc sách, tổ chức thi đấu thể thao... đều là các hoạt động phục vụ miễn phí. Do đó, nguồn chi thường xuyên là nguồn lực chủ yếu (thậm chí ở nhiều địa phương thì đây là nguồn duy nhất) để nuôi sống các hoạt động văn hóa. Không có nguồn kinh phí này thì cũng khó có thể xây dựng nếp sống mới, chuẩn mực, giá trị cũng như các thiết chế văn hóa, sản phẩm văn hóa.

Do điều kiện dân cư không tập trung, địa hình cư trú của đồng bào các dân tộc thiểu số phức tạp nên chi phí cho các hoạt động văn hóa rất cao. So sánh chi phí cho hoạt động văn hóa ở Lào Cai, Lai Châu thì đều cao gấp từ 3 đến 8 lần so với các tỉnh vùng đồng bằng như Thái Bình, Nam Định. Một đội tuyên truyền lưu động ở Thái Bình có thể đi khắp cả tỉnh trong một ngày, nhưng ở Lào Cai thì đội tuyên truyền lưu động chỉ hoạt động ở 1 xã, thậm chí 1 thôn bản. Ngân sách chi cho hoạt động văn hóa cấp xã ở tỉnh đồng bằng xấp xỉ từ 80- 100 triệu đồng, nhưng ở các xã miền núi chỉ khoảng 15-25 triệu đồng.

Ngân sách cấp huyện vùng đồng bằng bao giờ cũng cao hơn so với huyện miền núi từ 2-3 lần. Tại sao ở đồng bằng, mọi điều kiện về hoạt động văn hóa đều thuận lợi hơn ở miền núi nhưng ngân sách cấp cho mọi hoạt động văn hóa vẫn được ưu tiên hơn? Nguyên nhân chủ yếu là do tiêu chí phân bổ ngân sách cho các địa phương dựa vào dân số. Dân số ở các tỉnh đồng bằng đông hơn miền núi thì kinh phí chi thường xuyên cũng nhiều hơn.

Nhằm giảm bớt tình trạng bất hợp lý này, Chính phủ đã xây dựng định mức chi thường xuyên cho sự nghiệp văn hóa - thông tin ở vùng đặc biệt khó khăn (toàn bộ dân số ở khu vực III - vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) là 79.700 đồng/người dân/năm so với định mức chi ở các vùng khác (các xã ở đồng bằng) là 40.900 đồng/người dân/năm. Định mức này ở vùng đặc biệt khó khăn cao gần gấp 2 lần so với vùng khác. Nhưng trong thực tiễn, vùng đặc biệt khó khăn phải chi phí cho các hoạt động văn hóa cao gấp 3-5 lần so với vùng khác. Do đó, tiêu chí dựa vào dân số để phân bổ ngân sách chi cho sự nghiệp văn hóa vẫn còn những bất cập, không công bằng giữa vùng đặc biệt khó khăn (vùng dân tộc thiểu số miền núi) với vùng khác (đồng bằng).

Mặt khác, vấn đề đầu tư kinh phí cho hoạt động văn hóa - thông tin ở các tỉnh miền núi, vùng dân tộc thiểu số còn rất thấp. Hội nghị lần thứ X của BCH Trung ương Đảng khóa IX đã ban hành kết luận 30-KL/TW về đầu tư cho văn hóa: “Tăng đầu tư cho văn hóa, phấn đấu đến năm 2010 ít nhất đạt 1,8% tổng chi ngân sách văn hóa nhà nước”. Nhưng đến nay, chưa một tỉnh nào đạt mức đầu tư cho văn hóa 1,8% tổng chi ngân sách. Hầu hết các tỉnh chỉ đạt xấp xỉ 1% tổng chi ngân sách. Vì thế, vấn đề cấp bách hiện nay phải là tăng đầu tư ngân sách cho văn hóa chiếm 1,8% như định mức đề ra từ năm 2010. Mặt khác, cần xây dựng lại định mức chi kinh phí cho người dân/năm về hoạt động văn hóa - thông tin. Theo đó, định mức kinh phí cho các tỉnh đặc biệt khó khăn phải gấp từ 3-5 lần định mức ở các vùng khác.

Phát huy thể chế truyền thống trong xây dựng môi trường văn hóa

Xây dựng môi trường văn hóa là xây dựng cả giá trị, chuẩn mực, đạo đức, lối sống ở các môi trường như gia đình, dòng họ, làng bản… Trong xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn song trùng hai loại hình thể chế quản lý môi trường sinh sống, đó là thể chế chính thức (luật lệ, quy tắc quy định do nhà nước ban hành) và loại thể chế phi chính thức như hương ước, tục lệ, chuẩn mực, hành vi…

Trong đó, thể chế truyền thống, phi chính thức đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên hiện nay, trong công tác quản lý, ít chú trọng vai trò thể chế phi chính thức. Vấn đề quản lý xã hội là vấn đề quan trọng và cấp bách ở khu vực nông thôn nhưng chế tài quản lý hiệu quả trong xã hội truyền thống là hương ước của các thôn bản lại chưa được chú trọng hoặc biên soạn thực hiện mang tính chất hình thức. Trong xã hội truyền thống, các hương ước đóng vai trò như một nguyên tắc định hướng chung của cả cộng đồng. Đây cũng là văn bản thể hiện chuẩn mực, chế tài thực hiện mà cộng đồng thôn bản, buôn làng phải tuân theo. Các hương ước này đã định hướng những nội dung cần phải thực hiện của thôn bản, buôn làng. Trong xã hội cổ truyền, hương ước thường ngắn gọn, đề cập đến những vấn đề thiết thân của thôn bản, buôn làng như giải quyết các tranh chấp lợi ích của các hộ gia đình trong thôn, vấn đề bảo vệ an ninh trật tự, vấn đề bảo vệ rừng... Các nội dung này đều được hội nghị chủ hộ gia đình chủ động đưa ra bàn bạc…

Những vấn đề cấp bách trong xây dựng môi trường văn hóa... - Anh 2

 Biểu diễn văn nghệ trong Ngày hội văn hóa người Mông ở Lào Cai Ảnh: NGỌC BẰNG

Hiện nay, vấn đề xây dựng hương ước theo tiêu chuẩn danh hiệu làng văn hóa có biến đổi và nảy sinh nhiều điều bất cập. Trước hết, bản hương ước đều do cán bộ Tư pháp xã soạn thảo theo các nội dung chung chung, vận dụng vào thôn bản, buôn làng nào cũng được. Nội dung của hương ước gồm rất nhiều điều. Khảo sát ở huyện Sìn Hồ (Lai Châu) và huyện Bắc Hà (Lào Cai), các bản hương ước có từ 28 - 35 điều khác nhau. Người soạn hương ước chọn lựa tất cả những yêu cầu của chính quyền đối với người dân để đưa vào hương ước. Hầu hết các bản hương ước đều nhắc lại các văn bản luật một cách không cần thiết. Bản hương ước thông qua hội nghị dân thôn bản, buôn làng một cách hình thức. Sau khi dân thôn bản, buôn làng đồng ý cho đúng thủ tục, bản hương ước được Ban Tư pháp xã trình lên UBND huyện có quyết định phê chuẩn. Bản hương ước của thôn Giàng Lân, xã Tả Phìn, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu có nhiều điều mang thuật ngữ “phát triển bền vững”, “bình đẳng giới” mà chúng tôi phỏng vấn trưởng thôn cũng không hiểu nghĩa của thuật ngữ đó là gì.

Hương ước trở thành hình thức, na ná giống nhau, không đề cập những vấn đề cơ bản của thôn bản, buôn làng dẫn đến tình trạng cộng đồng coi thường hương ước. Thậm chí, khảo sát ở xã Y Tý, huyện Bát Xát (Lào Cai) và xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình); xã Tả Ngảo và xã Tả Phìn của huyện Sìn Hồ (Lai Châu) thì hầu hết các gia đình không nhớ hương ước đề cập đến vấn đề gì. Các tiêu chí xây dựng danh hiệu làng văn hóa được vận dụng vào nội dung hương ước cũng bị xem nhẹ. Có tình trạng như Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà (Lào Cai) năm 2009 không phê duyệt hương ước vì nội dung quá chung chung, không phù hợp với người Mông. Như vậy, ở nhiều địa phương, chuẩn mực nếp sống văn hóa của thôn bản, buôn làng không được cộng đồng thực hiện nghiêm túc mà chủ yếu là thực hiện lấy lệ.

Vấn đề thực hiện tiêu chí “làng văn hóa” trong công cuộc xây dựng nông thôn mới ở miền núi do cách làm thiếu khoa học nên trở thành hình thức. Trong xã hội cổ truyền, dư luận thôn bản, buôn làng đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện nếp sống của thôn bản, buôn làng. Sức mạnh của hương ước muốn cố kết mạnh mẽ các thành viên, chỉ đạo kiểm soát được mọi thành viên phải thông qua dư luận thôn bản, buôn làng. Dư luận thôn bản, buôn làng là tiếng nói chính thức của cộng đồng nhằm bảo vệ tập quán và hương ước. Nhất là các thôn bản, buôn làng miền núi có trình độ dân trí thấp, môi trường giao tiếp bị khuôn chặt trong các mối quan hệ giữa người trong thôn bản, buôn làng với nhau thì dư luận của thôn bản, buôn làng càng đóng vai trò quan trọng. Nó là sợi dây vô hình “trói chặt” mọi thành viên vào cơ chế vận hành của thôn bản, buôn làng. Sức mạnh của dư luận thôn bản, buôn làng càng trở nên mạnh mẽ khi hương ước trở thành mệnh lệnh thiêng, khi người tạo nguồn dư luận lại là những người có uy tín trong thôn bản, buôn làng. Nhưng rất tiếc trong những năm gần đây, do bệnh hình thức, do cách làm thiếu khoa học của ngành Tư pháp cũng như sự coi nhẹ của chính quyền cơ sở nên hương ước chưa trở thành một cương lĩnh chung, chưa tạo thành một tuyên ngôn của thôn bản, buôn làng để tạo cơ sở xây dựng dư luận thôn bản, buôn làng.

Vì vậy, muốn xây dựng môi trường văn hóa đòi hỏi phải đổi mới cả về nhận thức và biện pháp chỉ đạo, điều hành tăng cường các thể chế phi chính thức truyền thống.

Sử dụng và quản lý mạng xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa

Xây dựng môi trường văn hóa là xây dựng các giá trị, chuẩn mực, quy tắc ứng xử của cộng đồng. Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần chú trọng nội dung phát huy giá trị truyền thống xây dựng gia đình, dòng họ, làng bản trở thành môi trường văn hóa bền vững.

Môi trường văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số bên cạnh vấn đề phát huy truyền thống, còn có vấn đề tiếp thu văn hóa của các tộc người khác, tiếp thu các giá trị của nhân loại. Trong xã hội tương đối khép kín như trước đây, sự giao lưu tiếp biến còn diễn ra ở phạm vi hẹp thì nay, với công nghệ thông tin và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, sự tiếp biến văn hóa càng diễn ra mang tính chất xuyên tộc người, xuyên biên giới. Do đó, mạng xã hội trở thành cầu nối, điểm trung tâm tác động đến nhận thức, góp phần hình thành các chuẩn mực xã hội. Vì vậy cần nghiên cứu vai trò mạng xã hội với xây dựng môi trường văn hóa.

Chỉ một thời gian ngắn, khoảng từ năm 2010 - 2012 đến nay, mạng xã hội đã phát triển mạnh mẽ ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc. Trước hết là cơ sở hạ tầng của mạng xã hội trong những năm qua đã bùng nổ, hệ thống phủ sóng Internet phát triển mạnh mẽ ở khắp các tỉnh, cả ở khu vực đô thị cũng như ở nông thôn. Ở các tỉnh miền núi phía Bắc, mạng Internet đã phủ kín từ 80% - 98% số thôn bản. Điển hình như tỉnh Lào Cai năm 2019 đã có hơn 98% số thôn có hạ tầng đảm bảo kết nối internet băng rộng di động tại trung tâm, khu vực tập trung dân cư của thôn.

Mạng xã hội chỉ xuất hiện ở vùng dân tộc thiểu số chưa đến một thập kỷ, nhưng nó có tác động mạnh mẽ đến quan hệ xã hội của tộc người. Trước hết là hình thành ý thức cố kết cộng đồng tộc người cao, mang tính chất xuyên biên giới, phạm vi toàn cầu.

Mạng xã hội còn hình thành nhiều trang, nhóm tuyên truyền, quảng bá về phong tục tập quán, ẩm thực, lễ hội, di sản văn hóa, văn nghệ các tộc người. Trong cộng đồng người Dao ở Lào Cai đã xuất hiện những YouTuber nổi tiếng như Đặng Văn Giáo, Hoàng Quốc Vinh… Họ vừa mở các trang giới thiệu, quảng bá về văn nghệ người Dao, vừa đưa lên YouTube các phong tục tập quán, lễ hội độc đáo của người Dao. Ẩm thực Thái đã được các nhóm cộng đồng người Thái Mường Lò, Mường La thường xuyên giới thiệu trên mạng xã hội. Đặc biệt, trên YouTube xuất hiện nhiều kênh do các bạn trẻ người Thái yêu ca hát lập nên với hàng trăm nghìn lượt theo dõi và hàng triệu lượt xem.

Nhờ có mạng xã hội, một số tộc người đã tham gia hoặc đứng ra tổ chức các sự kiện văn hóa có quy mô quốc gia, quốc tế. Nhờ mạng xã hội đã kết nối cộng đồng người Thái, Mông chung tay tổ chức các hoạt động văn hóa có quy mô lớn, sự liên kết tộc người qua các sự kiện văn hóa ngày càng có xu hướng phát triển… Mạng xã hội phát triển, biến đổi không ngừng, do vậy cần nghiên cứu mạng xã hội, biến nó trở thành một thiết chế văn hóa trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với mục tiêu phát triển chung của đất nước. Theo đó, ngành văn hóa - thông tin cần phải có giải pháp quản lý mạng xã hội, vừa phải có giải pháp phát huy tính tích cực của mạng xã hội trong xây dựng môi trường văn hóa. 

  Vấn đề cấp bách hiện nay phải là tăng đầu tư ngân sách cho văn hóa chiếm 1,8% như định mức đề ra từ năm 2010. Mặt khác, cần xây dựng lại định mức chi kinh phí cho người dân/năm về hoạt động văn hóa - thông tin. Theo đó, định mức kinh phí cho các tỉnh đặc biệt khó khăn phải gấp từ 3-5 lần định mức ở các vùng khác.

Hương ước trở thành hình thức, na ná giống nhau, không đề cập những vấn đề cơ bản của thôn bản, buôn làng dẫn đến tình trạng cộng đồng coi thường hương ước. Thậm chí, khảo sát ở xã Y Tý, huyện Bát Xát (Lào Cai) và xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình); xã Tả Ngảo và xã Tả Phìn của huyện Sìn Hồ (Lai Châu) thì hầu hết các gia đình không nhớ hương ước đề cập đến vấn đề gì. Các tiêu chí xây dựng danh hiệu làng văn hóa được vận dụng vào nội dung hương ước cũng bị xem nhẹ.

 TS TRẦN HỮU SƠN

Ý kiến bạn đọc