Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Nước mắt người trồng dưa

Thứ Sáu 01/04/2022 | 10:08 GMT+7

VHO- Huyện Krông Pa (Gia Lai) là vùng đất chuyên trồng dưa hấu xuất khẩu. Vào vụ hằng năm, người dân từ khắp nơi đổ về đây thuê đất trồng dưa hấu với bao kỳ vọng, hoài bão. Tuy nhiên, khác với niềm hân hoan như những vụ trước, năm nay các hộ trồng dưa sống trong thấp thỏm, lo âu bởi mặt hàng này đang rớt giá thảm hại, thậm chí bán 10 ký dưa không mua nổi… 1 tô bún.

Hàng trăm nông dân chịu cảnh thua lỗ khi giá dưa hấu xuất khẩu xuống thấp chưa từng có, chỉ từ 1,5-3 nghìn đồng/kg

 Dầm sương, dãi nắng

Gia đình ông Cù Bình từ thị xã An Nhơn (Bình Định) lên cánh đồng buôn Ia Rnho, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa thuê 6 ha đất để trồng dưa hấu. Trò chuyện với phóng viên, ông Bình kể, cách đây 4 tháng, vợ chồng ông cùng 2 người con lên đây thuê đất trồng dưa với bao dự tính và ước vọng. Dưa trồng ở Krông Pa đạt năng suất cao, chất lượng thơm ngon nên giá thuê đất lên đến gần 20 triệu đồng/ha. “Từ đó đến nay, chúng tôi ở hẳn trên này, ngay cả Tết Nguyên đán cũng không về quê. Mọi sinh hoạt đều diễn ra trong mấy túp lều bạt dựng tạm ở các góc vườn. Thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng vô cùng nhưng mọi người động viên nhau cố gắng chịu đựng để có thêm thu nhập”, ông Bình nói.

Tương tự, gia đình bà Trần Thị Minh ở thị xã An Nhơn (Bình Định) cũng lên khu vực gần kè sông Ba (giáp ranh giữa thị xã Ayun Pa và huyện Krông Pa) thuê đất trồng dưa. Bà Minh cho biết, “khí hậu ở đây khắc nghiệt nhưng đã nhiều năm lên Gia Lai, chúng tôi quen rồi. Có hôm gặp lốc xoáy, lều và đồ đạc bị cuốn bay mất, phải loay hoay dựng lại để ở. Nhưng tính ra thì ở dưới này còn sướng gấp bội trên vùng Ia Lâu, Ia Mơr của huyện Chư Prông. Trên đó khu vực biên giới, việc đi chợ mua thức ăn cũng khó, đường sá thì lầy lội, bụi bặm”.

Trao đổi cùng chúng tôi, ông Đinh Xuân Duyên, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Krông Pa thông tin: Vụ Đông Xuân 2021-2022, toàn huyện trồng khoảng 1.000 ha dưa hấu, chủ yếu là giống Hắc mỹ nhân. Người trồng dưa phần nhiều ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên lên; cùng với đó là đội quân “phu gánh dưa” đông đảo với hành trang mang theo là chiếc xe máy, đôi quang gánh cùng mấy bộ quần áo. Nơi này làm xong thì họ di chuyển về nơi khác tiếp tục gánh thuê. Xong vụ, họ hồi hương với một khoản thu nhập kha khá.

Anh Nguyễn Văn Khánh, một “phu gánh dưa” ở tỉnh Phú Yên tâm sự: Chúng tôi mới từ Ayun Pa xuống đây làm, đa phần là người gánh dưa có thâm niên. Nói về độ cơ cực thì nghề này thuộc top đầu. Bạ đâu mắc võng ở đó, dầm sương, dãi nắng. Ở đây ban ngày nóng 38-390C, chúng tôi thường đi làm từ lúc 4 giờ chiều hôm trước đến 1-2 giờ sáng hôm sau cho đỡ cực. Gánh xong dưa thì cùng kiếm chỗ ăn uống, ngủ nghỉ, cũng là bảo vệ nhau nếu lỡ bị đe dọa, trộm cắp. Còn cơm nước thì tranh thủ nấu buổi trưa rồi đùm theo. “Những năm được mùa, chủ vườn thường mua cơm hộp cho, mất mùa thì tự túc. Muốn sạc điện thoại, đèn pin thì nhờ nhà dân hoặc vào quán cà phê, còn tắm rửa ở hồ, suối. Vất vả thế nhưng nghề này lại cho thu nhập từ 500-700 ngàn đồng/ngày. Chịu cực một chút nhưng có tiền mang về trang trải cuộc sống gia đình cũng là quá tốt rồi”, anh Khánh bộc bạch.

Khóc ròng vì được mùa nhưng… mất giá

Với vườn dưa 6 ha của gia đình, dự kiến ông Bình sẽ thu hoạch khoảng 240 tấn quả. Thời điểm thu hoạch đã đến nhưng tâm trạng ông Bình như nằm trên đống lửa. “Vụ này tôi lỗ tầm 300 triệu đồng. Tiền thuê đất, thuê máy cày, thuê nhân công chăm sóc rồi đầu tư hệ thống tưới và phân bón hết mấy trăm triệu, trong khi giá dưa bán tại ruộng chỉ 1,5 ngàn đồng/kg. Nông sản xuất sang Trung Quốc bị mắc kẹt ngoài cửa khẩu, ít thương lái thu mua, giá dưa rớt thảm hại. Đầu mùa, thấy giá thấp quá, nhà tôi gắng chờ đến nay nhưng không khả quan nên đành bán tống bán tháo. Vợ tôi xót của phát ốm luôn. Biết làm sao bây giờ, năm được năm mất, với nông dân cũng là thường tình. Giờ lại đành trông chờ vụ sau”, ông Bình xót xa.

Chị Trương Thị Nhung (con dâu ông Bình) buông tiếng thở dài: “Bỏ con bỏ cái ở nhà lên đây làm lụng vất vả, hóa ra trắng tay. Mấy năm trước thấy năm được, năm mất, nhà tôi quyết định không trồng nữa mà đi gánh dưa thuê. Nhưng năm ngoái trúng quá, giá 8 ngàn đồng/kg, chúng tôi quyết định trồng, ai ngờ lại thất bát. Kiểu này thì từ giờ tôi đi làm phu dưa chứ không trồng nữa đâu”.

Cùng chung cảnh ngộ, ông Võ Văn Lành (thị xã An Nhơn) buồn bã cho biết, gia đình ông cũng vừa bán ruộng dưa hấu 3,5 ha, lỗ gần 300 triệu đồng. “Đa phần mọi người đều phải bán với giá 1,5 ngàn đồng/kg. Giờ phải cố cày cuốc để trả nợ thôi”, ông Lành ngậm ngùi.

Chị Nguyễn Thị Thu, một thương lái đến từ Quảng Ngãi cho biết, chúng tôi chỉ dám mua với giá đó thôi. Lỡ ra đó (cửa khẩu phía Bắc - P.V) không xuất bán được thì thiệt hại kinh tế thấp hơn. Ngoài ra, có quá nhiều chi phí phải lo khi vận chuyển dưa bán sang Trung Quốc, chúng tôi không dám mạo hiểm mua số lượng nhiều hoặc nâng giá”.

Ông Đinh Xuân Duyên, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Krông Pa cho biết thêm: Vụ dưa năm nay sản lượng toàn huyện dự kiến đạt hơn 40.000 tấn. Tuy nhiên, giá dưa xuống thấp chưa từng có, chỉ 1,5-3 ngàn đồng/kg, đa phần người trồng chịu cảnh thua lỗ. “Để nâng cao giá trị sản phẩm dưa hấu trồng trên địa bàn huyện và tăng thu nhập cho người dân, Phòng NN&PTNT sẽ tham mưu UBND huyện cấp mã số vùng trồng, hướng đến xuất khẩu chính ngạch”, ông Duyên cho hay. 

 DIÊN BÌNH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top