Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Di tích, danh thắng mở cửa trở lại: Nhiều ý tưởng hút khách

Thứ Tư 30/03/2022 | 10:55 GMT+7

VHO- Một tháng kể từ khi Hà Nội cho phép các di tích, danh thắng mở cửa trở lại, đặc biệt kể từ dấu mốc 15.3, khi cánh cửa dành cho du lịch đã hoàn toàn rộng mở, con số du khách đến các Bảo tàng, di tích, danh thắng bắt đầu được cập nhật theo từng ngày.

Nhiều gia đình đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám tham quan

 Trên địa bàn Hà Nội, tại các điểm đến, nhiều hoạt động rục rịch quay trở lại, báo hiệu bầu không khí sôi động sau một thời gian dài đóng băng tại các bảo tàng, di tích, danh thắng...

Các ý tưởng mới “trình làng”

Nhiều ý tưởng được “ém” lại sau chuỗi ngày dài dịch bệnh, nay sẵn dịp “trình làng”. Sôi động nhất trong những ngày qua là sản phẩm du lịch lần đầu tiên được ra mắt tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia: Bác Cổ - Mùa hoa gạo. Ngay trong những ngày đầu tiên được giới thiệu, tour du lịch đã thu hút đông đảo du khách hào hứng tham gia. Nhiều hoạt động trải nghiệm độc đáo, lãng mạn và hoài cổ dẫn dắt bước chân du khách theo dòng xúc cảm nhẹ nhàng của hoa gạo tháng Ba, của những sắp đặt tiểu cảnh mang vóc dáng làng quê Việt và những phong cách kiến trúc độc đáo…

Bộ phận truyền thông của Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, tour du lịch Bác Cổ - Mùa hoa gạo được khai trương ngay sau sự kiện du lịch mở cửa từ ngày 15.3 đã bổ sung trên bản đồ du lịch Thủ đô một sản phẩm ấn tượng. Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam và Công ty lữ hành Hanoitourist xây dựng sản phẩm này nhằm tạo thêm trải nghiệm mới cho du khách khi tham quan Bảo tàng. Ước tính, trong các ngày từ 15 - 24.3, đã có gần 2.000 lượt khách tham gia tour Bác Cổ - Mùa hoa gạo. Riêng trong hai ngày cuối tuần, lượng khách đã đạt 1.000 lượt. Đây là tín hiệu đáng mừng, mang đến bầu không khí sôi động tại Bảo tàng sau một thời gian dài trầm lắng.

Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, bà Nguyễn Thị Thu Hoan cho biết, sản phẩm du lịch mới được xây dựng với mục đích để người dân và du khách hiểu thêm nét đẹp làng quê Việt, từ đó thêm yêu mến với những giá trị văn hóa truyền thống. Phó Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái cũng cho rằng, sản phẩm du lịch mới hướng tới trải nghiệm cá nhân, không chỉ giúp du khách thỏa mãn sở thích check-in mà còn có những hoạt động cụ thể, khám phá và tìm hiểu những bảo vật, hiện vật lịch sử vô giá, những giá trị văn hóa truyền thống thông qua quá trình trải nghiệm tại Bảo tàng. Đây cũng là xu hướng của du lịch trong bối cảnh mới, khi mà nhu cầu, thị hiếu của du khách đã thay đổi sau tác động của dịch Covid-19.

Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, sau quãng thời gian đầu tiên tái khởi động, các hoạt động triển lãm, đón khách tham quan dần trở về guồng. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng phòng Truyền thông - Đối ngoại thông tin, lượng khách tham quan Bảo tàng kể từ ngày 15.3 đến hết ngày 23.3 thống kê được gần 1.600 lượt. Nhiều hoạt động triển lãm được tổ chức, thu hút đông đảo công chúng yêu mỹ thuật. “Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng đã sẵn sàng các phương án đón du khách quốc tế, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Chúng tôi cũng đang tích cực chuẩn bị để sớm triển khai các ý tưởng mới phục vụ khách tham quan, dự kiến sẽ trình làng trong thời gian tới”, bà Hương cho biết.

Trong những ngày qua, tại các điểm đến trung tâm trên địa bàn thành phố như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, di tích Hỏa Lò, đền Ngọc Sơn… lượng khách tham quan cũng ngày càng một đông trở lại. Đặc biệt vào dịp cuối tuần, lượng khách đến vui chơi, tìm hiểu văn hóa, lịch sử tăng lên đáng kể.

 

Tour “Bác Cổ - Mùa hoa gạo”

Sẵn sàng đón khách quốc tế

Điểm khác biệt so với trước đây là du khách tại các điểm Bảo tàng, di tích, danh thắng thường đi theo nhóm nhỏ từ 2-3 người hoặc theo quy mô gia đình. Bối cảnh đại dịch Covid-19 đã khiến họ thay đổi thói quen, đặc biệt là các bạn trẻ. Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, lượng khách đến tham quan trong những ngày qua phần lớn là du khách đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, trong đó có nhiều bạn trẻ, học sinh, sinh viên. Theo Giám đốc Trung tâm VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám, TS Lê Xuân Kiêu, khách đến di tích chưa đông như thời điểm trước đại dịch, tuy nhiên đã có những khởi sắc ban đầu cho thấy sự phục hồi trở lại. “Thống kê lượng khách trung bình đến di tích mỗi ngày là vài ba trăm lượt, cuối tuần con số có đông hơn, khoảng 600 - 700. Chúng tôi chưa kỳ vọng lượng khách sẽ tăng đột biến, tuy nhiên các ý tưởng mới để tạo sức hút cho khu di tích trong thời gian tới như chương trình đêm, 3D... vẫn đang tích cực được triển khai và hoàn thiện. Cứ được mở cửa đón khách là đã vui rồi!”, TS Lê Xuân Kiêu chia sẻ.

Theo đại diện BQL di tích Nhà tù Hỏa Lò, một tháng từ khi được mở cửa đón khách, số lượng người đến với di tích ngày càng tăng. Tuy không thể so sánh với thời điểm trước khi có dịch, song đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy sự phục hồi của các hoạt động của di tích Hỏa Lò nói riêng và danh thắng trên địa bàn Thủ đô nói chung.

Đại diện Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò cũng cho biết, được mở cửa đón khách quốc tế từ ngày 15.3 mang đến nhiều cảm xúc cho đội ngũ cán bộ, nhân viên di tích, bởi đây là điều vốn được mong chờ từ lâu. Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò đã có kênh thuyết minh tự động với 7 ngôn ngữ. Khi du khách tham quan sẽ được cấp chiếc máy thuyết minh kèm theo bản chỉ dẫn các di tích, hiện vật trên từng mã số. Du khách muốn tìm hiểu lịch sử về hiện vật hay di tích nào thì bấm vào mã số, máy sẽ tự động thuyết minh. Thiết bị này được nối vào tai nghe tạo thuận lợi cho việc tìm hiểu về giá trị lịch sử, văn hóa, con người, mảnh đất, hiện vật… và những câu chuyện liên quan.

Trong thời gian đóng cửa vì đại dịch, di tích Hỏa Lò vẫn không ngừng tương tác với du khách trên các không gian trực tuyến. Những câu chuyện cuốn hút, những ký ức không thể nào quên nơi “địa ngục trần gian” vẫn được đều đặn kể lại cho các thế hệ hôm nay, cho những du khách trong và ngoài nước qua những kênh truyền thông đặc biệt. Trước đó, Di tích Nhà tù Hỏa Lò cũng đã tạo nhiều ấn tượng với các chương trình tham quan, tour đêm nhiều cảm xúc. Chính vì vậy, khi biết di tích được mở cửa trở lại, nhiều người đã đến tham quan và đặt vé cho gia đình, bạn bè cùng tham gia trải nghiệm.

Còn tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, địa chỉ hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế khi đến Hà Nội, trong những ngày này vẫn tiếp tục các hoạt động nhằm hút khách trở lại. Theo Phòng Hướng dẫn - Thuyết minh (Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội), vào dịp cuối tuần, Trung tâm đón vài trăm khách tham quan. Trung tâm triển khai chương trình Check in tặng quà, khuyến khích du khách chụp ảnh, quét mã QR để nhận quà tặng của khu di sản. Các phương án để thu hút khách quốc tế trong thời gian tới cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng. 

 BẢO ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top