Hành trình di cư lao động đầy nước mắt của phụ nữ Việt

VHO- Dù đã trở về Việt Nam sinh sống, nhưng những ký ức không thể nào quên về những tháng ngày các chị em quê ở Hà Tĩnh di cư lao động ở nước ngoài với nỗi buồn chia ly, cảm giác cô độc, lạc lõng nơi xứ người, sự bất an thường trực trước những khó khăn chồng chất và nỗi nhớ gia đình da diết luôn như thước phim trong cuộc đời.

Hành trình di cư lao động đầy nước mắt của phụ nữ Việt - Anh 1

 Ảnh minh họa trong cuốn sách Hành trình di cư lao động nước ngoài của phụ nữ Việt Nam - Những câu chuyện bây giờ mới kể

N.T.L xa vòng tay bố mẹ, xa quê hương khi mới 18 tuổi, lần đầu tiên được đi máy bay cảm thấy rất lo lắng và căng thẳng, nhưng được các anh chị khác quê động viên nên cũng yên tâm phần nào. Khi sang đến nước bạn, cả đoàn được đẩy lên xe, ngồi chồng lên nhau đưa về khu nhà tập thể. Cảm giác trong L lúc đó rất hoang mang và lo lắng, nhớ bố mẹ, nhớ hai em, nước mắt ứa ra không dám khóc. Xe lăn bánh, thời gian trôi rất chậm, cảm giác dài vô tận. Xe dừng lại, xách hành lý theo môi giới vào trong nhà tập thể, chưa bao giờ em thấy suy sụp tinh thần như lúc đó. 
Trong căn nhà 3 tầng, L quan sát được tầng dưới cùng dành cho anh chị môi giới ở, tầng hai và ba người Việt Nam nằm chen chúc nhau không phân biệt nam nữ. Người môi giới bảo, kiếm chỗ nghỉ đến 3 giờ sáng dậy đi khám sức khỏe. “Nước mắt nuốt vào trong, ôm va ly vào góc phòng như người vô hồn. Đây là đêm kinh hoàng nhất trong cuộc đời em, đến hiện tại đã trải qua 14 năm, nhưng em vẫn không thể nào quên. Sau một ngày mệt mỏi với bộn bề cảm xúc, em thiếp đi lúc nào không hay, nghe nhốn nháo có chị cùng công ty lay em dậy. Đầu đau như búa bổ, lao dậy ôm cái va ly vì sợ mất, răng không đánh, mặt không kịp rửa, tóc không buồn chải, xuống nhà xếp hàng chờ lên xe đưa đi khám sức khỏe. Đang lơ ngơ thì được môi giới phát đồ ăn sáng, có cái bánh và hộp nước hoa quả, mắt sáng lên thấy tia hy vọng mới. Nhưng đang định ăn thì được người môi giới phán một câu như hất nước vào mặt: “Khám sức khỏe xong mới được ăn”. Bụng thì đói, người thì mệt, hành lý thì cồng kềnh, không từ nào có thể diễn tả hết cảm xúc lúc đó”, chị N.T.L chia sẻ. 
Câu chuyện của N.T.L đã được ghi lại và mở đầu cho tập hợp những câu chuyện đa màu về cuộc sống trong cuốn sách Hành trình di cư lao động nước ngoài của phụ nữ Việt Nam - Những câu chuyện bây giờ mới kể do Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) thực hiện. Hơn 70 câu chuyện trong cuốn sách đã tái hiện lại cuộc sống của phụ nữ Việt Nam khi đi lao động xa xứ ở nhiều quốc gia khác nhau, do chính các thành viên của mạng lưới phụ nữ Hà Tĩnh di cư lao động ở nước ngoài kể lại. 
Nhiều chị em ra nước ngoài làm giúp việc gia đình, những khó khăn gặp phải là làm việc tới 20 giờ/ngày, phục vụ nhiều người trong gia đình với những sở thích khác nhau, bị chủ nhà cho nhịn đói, bị nghi ngờ lấy cắp tài sản, bị ông chủ sàm sỡ… Chị T.T.M kể lại, thời gian bị nhịn đói trong thời gian làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc): “Chủ đi làm thì họ khóa cửa em ở trong nhà và một đứa trẻ. Họ giao sữa để em cho đứa trẻ uống, trong nhà không có một cái gì ăn cả, có đói cũng chẳng có gì để ăn. Chỉ có duy nhất mỗi bữa tối được một đọi (bát) cơm, họ đưa tới nhà bà ngoại ăn. Thậm tệ đến mức độ em đói quá, họ lấy cá ra họ ăn xong, em mới trộm bới thêm một muôi cơm nữa. Một ngày em chỉ được ăn một đọi cơm buổi tối, rồi sau đó cũng không hề được ăn. Đói đến mức độ, em nói ra các chị đừng cười, trong nhà chỉ có sữa pha cho cháu, cháu uống thừa thì mang ra chỗ rửa để đánh chùi (rửa), nhưng mà em đói quá, em vẫn mở nắp ra em uống”. Cuộc sống của chị M cứ như vậy cho đến khi được nhà chủ cho nấu ăn, thì mới bớt cảnh chịu đói. 
Mỗi năm có rất nhiều người Việt Nam ra nước ngoài làm việc bất hợp pháp và họ phải đối mặt với các rủi ro và nguy cơ bị bóc lột, bạo lực, thậm chí có thể là nạn nhân của những đường dây mua bán người. Những người di cư lao động không chính thức khi chưa có thỏa thuận hợp tác lao động giữa Việt Nam và quốc gia nơi đến, nhất là phụ nữ, vị thành niên, là các nhóm đặc biệt dễ bị tổn thương. Nhiều người trong số họ do thiếu hiểu biết và mong muốn thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn đã rơi vào bẫy của những kẻ môi giới lao động dẫn đến vay nợ để ra đi, phải chấp nhận những điều kiện làm việc tồi tệ khác xa thỏa thuận ban đầu. Do thiếu thông tin, hạn chế về ngôn ngữ, họ không thể tìm kiếm sự bảo vệ của pháp luật và sự hỗ trợ của các tổ chức bảo vệ người lao động ở nước sở tại. Như trường hợp của chị C.T.A bị bóc lột 5 tháng lao động không được trả lương. 
“Mình sinh sống và làm việc tại Thái Lan được 3 năm. Lúc đầu mình làm cùng với hai người bạn, công việc của bọn mình hằng ngày là làm từ 7 giờ sáng đến 12 giờ trưa mới được nghỉ ăn cơm, chiều 1 giờ vào làm tới 5 giờ và tăng ca đến 2 giờ sáng. Công việc làm ăn theo sản phẩm, nên bọn mình phải cố gắng làm để kiếm thêm thu nhập giúp đỡ cho bố mẹ một phần nào đó. Nhưng số phận trớ trêu quá, mình làm với ông bà chủ này được 5 tháng họ không hề trả lương cho bọn mình, chỉ cho ứng tiền ăn thôi. Làm việc 5 tháng mà không được trả lương, cuối cùng bọn mình không thể chịu được nữa, bọn mình quyết định trốn khỏi nơi đó”, chị C.T.A kể lại. 
TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) cho biết: “Những câu chuyện của người trong cuộc được thể hiện trong tập sách này chỉ là một phần nhỏ của bức tranh rộng lớn, đa màu về cuộc sống của phụ nữ di cư lao động ở nước ngoài. Đó là những trải nghiệm vô giá, không chỉ cho các chị mà cho cả gia đình, cộng đồng và nhất là cho những người đang dự định ra đi, cần tìm hiểu văn hóa, lối sống và con đường đi chính thức cho mình. Đồng thời, chúng tôi mong rằng các câu chuyện sẽ thúc đẩy các nỗ lực để hành trình di cư lao động ở nước ngoài của phụ nữ nói riêng và người lao động nói chung trở nên thực sự an toàn và bình đẳng”, Viện trưởng Viện ISDS bày tỏ. 


 QUỲNH HOA 

Ý kiến bạn đọc