Khởi động dự án Đất rừng phương Nam phiên bản điện ảnh: Đứa con mới của màn bạc

VHO- Sau 25 năm lên sóng, bộ phim truyền hình Đất phương Nam sẽ được làm lại. Dự án phim điện ảnh Đất rừng phương Nam chính thức bước vào giai đoạn sản xuất, do Nguyễn Quang Dũng làm đạo diễn. Anh hoàn toàn tự tin sẽ thực hiện được đầy đủ cả hai phần “đất” và “rừng”, bù đắp lại những gì mà phiên bản truyền hình chưa làm được.

Khởi động dự án Đất rừng phương Nam phiên bản điện ảnh: Đứa con mới của màn bạc - Anh 1

 Hai vai diễn “bất hủ” An và Cò trong bản truyền hình năm xưa

 Với nhiều thế hệ, Đất rừng phương Nam là bộ phim để lại ấn tượng không thể nào quên, giống như một “tượng đài hình ảnh” về đất và người Nam Bộ. Còn đối với đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, cho đến thời điểm này, bộ phim được coi là dự án điện ảnh quan trọng nhất trong sự nghiệp của anh.

 P.V: Sự khác biệt ở bản điện ảnh với tựa phim “Đất rừng phương Nam” so với tựa “Đất phương Nam” của bản truyền hình năm 1997 là gì, thưa anh?

- Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Vào thời điểm 25 năm trước, do còn nhiều hạn chế nên đoàn phải “liệu cơm gắp mắm” bỏ đi yếu tố “rừng” trong tác phẩm gốc. Tôi và cộng sự đã nắm bản quyền chuyển thể phim từ 5 năm trước nhưng lúc đó chúng tôi chưa đủ tự tin về kinh phí và kỹ thuật để tiến hành sản xuất. Cho đến hiện tại, khi nền điện ảnh nước nhà phát triển, tôi mới tin rằng mình có thể thực hiện một Đất rừng phương Nam đúng với tinh thần của tiểu thuyết nhất. Do đó, tựa phim của bản điện ảnh được đưa về tựa sách gốc với tham vọng có thể làm được những gì bản truyền hình đã từng tiếc nuối bỏ lỡ.

Vậy là sau 25 năm tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi được chuyển thể thành phim truyền hình “Đất phương Nam” thành công vang dội, lần này sẽ có thêm phiên bản điện ảnh. Bên cạnh anh chắc chắn sẽ là một đội ngũ cộng sự hùng hậu có thương hiệu và uy tín để cùng chung tay xây dựng dự án này?

- Tôi may mắn khi được bắt tay cùng nhà sản xuất Nguyễn Trinh Hoan của HK Film để đưa tiểu thuyết Đất rừng phương Nam lên màn ảnh rộng. Đây chính là đơn vị sản xuất từng tạo ra thành công của nhiều phim Việt như: Bố già, Tiệc trăng máu, Tháng năm rực rỡ… Trong ê kíp còn có đạo diễn hình ảnh Diệp Thế Vinh, Giám đốc âm nhạc Đức Trí và đặc biệt là Cố vấn sản xuất Nguyễn Vinh Sơn - người từng làm nên thành công của bộ phim truyền hình Đất phương Nam.

Liệu cái bóng quá lớn của bản truyền hình sẽ khiến bản điện ảnh khó mà vượt qua? Bài toán khó này anh và ê kíp sẽ có những chiến lược như thế nào?

- Cho đến nay, tôi nhận thấy những vấn đề đặt ra trong phim chưa bao giờ cũ. Sự lọc lừa, giả dối, tham lam, phô trương… đạp lên mọi đạo lý thì thời nào cũng có. Chính vì vậy tôi muốn làm lại nó trong hình hài hiện đại hơn, mới mẻ hơn.

Trong số các dự án chuyển thể điện ảnh, Đất rừng phương Nam là dự án được công chúng kỳ vọng nhiều nhất. Do làm lại từ tác phẩm đã có tiếng vang nên phiên bản mới phải có yếu tố đặc biệt để thu hút khán giả. Đây là bài toán khó bởi phim truyền hình vốn nhiều thời lượng, có thể miêu tả chi tiết từng việc lẫn triển khai tâm lý nhân vật, tình huống. Trong khi đó, phim điện ảnh chỉ gói gọn từ 90 - 120 phút, nên làm sao cho cốt truyện cô đọng lẫn sáng tạo cho mới mẻ là thách thức lớn. Về mặt con người, sự cảm nhận của thế hệ hôm nay, cách thể hiện của lớp đạo diễn và dàn diễn viên trẻ sẽ khác rất nhiều thế hệ tiền bối. Đây cũng là điều mà những người yêu các giá trị kinh điển và giàu hoài niệm luôn băn khoăn, lo lắng. Họ sợ lớp trẻ sẽ phá nát vàng ngọc một thời.

Với “Đất rừng phương Nam”, tư duy làm phim của anh sẽ là doanh thu hay nặng lòng về nghệ thuật, thể loại?

- Tôi không có biên độ nào về nghệ thuật hay thị hiếu, mà có những phần trăm gọi là “cái tôi” của mình trong đó. Mình rất muốn làm những phim, những chi tiết mình thích. Tôi không biết những người làm phim độc lập, tự bỏ tiền túi ra thì sao, riêng tôi giống như người kinh doanh, người làm ra sản phẩm cho nhiều người xem, cái thích của mình vẫn phải làm sao đo được khán giả, mình và khán giả phải gần nhau.

Cho đến thời điểm này, hành trình của bộ phim đã đi đến chặng đường nào?

- Sau Tết âm lịch, đoàn phim đã vận hành bấm máy, nhưng do một vài thay đổi nên công tác chuẩn bị có những phát sinh. Tôi cùng các cộng sự vẫn đang hoàn tất khâu tiền kỳ với tinh thần sẵn sàng bấm máy ngay khi casting xong diễn viên.

Ngoài việc ứng tuyển trực tiếp, các ứng viên có thể quay video tại nhà và gửi cho BTC. Đến đây, không thể không hào hứng khi chính Hùng Thuận - cậu bé An năm nào cũng xuất hiện cùng nghệ sĩ Mạnh Dung vai ông Ba bắt rắn, cha của Cò. Cả hai diễn viên trong những vai diễn bất hủ năm xưa háo hức không biết ai sẽ đóng thay vai của mình, trở thành những An, Cò, ông Ba bắt rắn, Út Trong, Võ Tòng thế hệ mới.

Quả thực, theo dõi sự nghiệp của Quang Dũng thấy dường như anh rất hiểu mình đang làm gì, cần làm gì khi nhiều bộ phim được Việt hóa từ kịch bản nước ngoài với kinh phí “tiết kiệm”, đầu tư rất phù hợp trong mùa dịch vẫn mang lại thành công ngoài mong đợi…

- Tôi có quan niệm, muốn thuyết phục khán giả, đầu tiên phim phải thuyết phục được chính mình. Tôi luôn mong muốn làm ra những phim ăn khách, khán giả xem phim xong lại muốn xem nữa, giới thiệu bạn bè đi xem. Điều mà khán giả luôn mong chờ, cần nhất chính là sự chân thành, đam mê thật sự của người làm phim. Đó cũng chính là điều mà tôi luôn hướng đến. Tôi không phải là người quá tài giỏi nên dĩ nhiên không phải thứ gì mình làm ra cũng hay, nhưng tôi không hối tiếc về những gì mình làm.

Nhiều người đã nhận xét Quang Dũng là đạo diễn tài năng, và ai cũng biết anh là con trai của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Vậy anh có chút ảnh hưởng nào từ ba mình không?

- Có lẽ chính tôi cũng không nghĩ đến ngày mình trở thành đạo diễn của điện ảnh Việt. Còn về ba tôi, tôi luôn ngưỡng mộ ông. Ông thường dạy các con biết tôn trọng sự thật, biết tôn trọng bản thân thì mới tôn trọng người khác. Tôi vẫn đang cố gắng để học theo, dù biết mình còn thua xa. Cũng chính ba và những người bạn “tinh hoa” của ba đã giúp tôi hiểu được, trong cuộc sống, ai cũng có giá trị như nhau, mỗi người đều có quyền hãnh diện với vị thế của mình. Điều quan trọng là làm sao để có thể sống vui và làm được điều mình thích. Điều đó có ý nghĩa hơn tất cả mọi danh hiệu.

 Anh có ý định trở thành một nhà văn bên cạnh sự nghiệp đạo diễn? Tiếp tục phát huy và kế thừa một cách chuyên nghiệp?

- Viết văn là một giấc mơ mà tôi chưa làm được. Bởi tôi tự thấy mình không thể trở thành một người viết chuyên nghiệp tức là sống bằng nghề viết. Nhưng tôi vẫn muốn trong cuộc đời của mình sẽ có một quyển sách. Tôi chọn đạo diễn như một nghề để nuôi sống, khi nào cảm thấy ổn định, có thể bỏ một vài năm không phải lo cơm áo gạo tiền thì tôi sẽ viết. Tôi dự định là tầm 45 - 50 tuổi sẽ thực hiện điều đó.

 Thời gian qua, tưởng chừng nhiều hoạt động giải trí im ắng vì dịch, thì lại mang tới sự thành công và cũng là niềm vui cho anh và đoàn làm phim. Anh nghĩ sao về điều này?

- Đó là sự may mắn và năng lượng tích cực khi chúng ta gặp khó khăn. Tôi thích và quan trọng năng lượng tích cực, chỉ có năng lượng tích cực lan truyền thì chúng ta mới có thể vượt qua sự khó khăn cùng nhau. Cuộc sống hay nghề nghiệp là vậy, có khi này khi kia mới thú vị và đáng cho chúng ta đi đường dài.

Xin cảm ơn anh, chúc anh thành công với kế hoạch của mình!

 LÊ THUÝ HẰNG (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc