Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Du lịch Việt: Tận dụng mọi cơ hội để phục hồi trong bối cảnh mới

Thứ Hai 20/12/2021 | 09:03 GMT+7

VHO- Mặc dù đang rất quyết tâm để phục hồi và phát triển du lịch trong trong bối cảnh bình thường mới nhưng ngành Du lịch cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thế giới và Việt Nam đều đang chuyển sang trạng thái sống chung với Covid-19. Hơn lúc nào hết, một lộ trình tái khởi động và phục hồi cho ngành Du lịch Việt Nam là vô cùng cần thiết để đảm bảo từng bước đi vững chắc, tạo đà bứt phá trong tương lai khi đại dịch đi qua.

Sau những đoàn khách quốc tế đầu tiên đến Việt Nam bằng hộ chiếu vắc xin, việc đón khách trở lại còn chậm, chưa được như mong muốn. Ảnh VIẾT THUÂN

Gian nan hành trình mở cửa

Hiện nay ở Việt Nam, việc kiểm soát dịch bệnh được nhận định là tương đối tốt, cùng với đó là chiến dịch tiêm chủng toàn quốc đang được triển khai và đạt được tín hiệu khả quan. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn phải lưu ý đến vấn đề nguồn cung vắc xin cũng như sự chênh lệch lớn về độ bao phủ vắc xin giữa các địa phương. Vì chính điều này dẫn đến việc phục hồi và phát triển thiếu đồng đều, cũng như sự không thống nhất về quy trình và quy định kiểm soát an toàn, cách ly giữa các địa phương.

Nhìn rộng ra trên thế giới, tại các nước phát triển với mức độ bao phủ vắc xin rộng lớn đã cho thấy, các làn sóng dịch vẫn có nguy cơ diễn ra khi tiến hành mở cửa ở quy mô rộng và các biện pháp đảm bảo an toàn không được duy trì triệt để, cùng với sự xuất hiện nhiều biến chủng mới của virus được xem là vấn đề đáng quan ngại.

Trước hết, sự phục hồi của ngành Du lịch gắn với sự phục hồi và quay trở lại thị trường của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lưu trú và các dịch vụ liên quan khác. Trải qua liên tiếp các đợt dịch và nhất là đợt dịch thứ 4 kéo dài và nặng nề nháta đã khiến các doanh nghiệp trong khó khăn càng lâm vào tình cảnh kiệt quệ, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Vấn đề đặt ra là làm sao hỗ trợ được cho doanh nghiệp, khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp duy trì và phục hồi khi đại dịch được kiểm soát.

Bên cạnh đó, đại dịch kéo dài gần 2 năm và những hậu quả tiếp sau đã khiến lao động trong ngành Du lịch lâm vào tình cảnh thất nghiệp hoặc chuyển việc. Vì vậy, để chuẩn bị cho sự phục hồi của ngành, việc thu hút lại nguồn nhân lực này sẽ là một trong những vấn đề vô cùng cấp thiết. Tâm lý e ngại những rủi ro trong tương lai, cũng như một bộ phận nguồn nhân lực đã ổn định ở một vị trí việc làm mới sẽ là khó khăn rất lớn để thực hiện được những định hướng và mục tiêu của ngành đề ra trong bối cảnh mới.

Trong tình hình trước mắt, du lịch nội địa vẫn sẽ là ưu tiên trước nhất, tiếp đó, mới tiến tới mở cửa thị trường quốc tế. Kịch bản đại dịch diễn ra như thế nào là điều khó đoán trước, tuy nhiên, đối với ngành Du lịch, cần xác định thị trường quốc tế nào sẽ là mục tiêu tiềm năng khi mở cửa, nhu cầu, thị hiếu, chiến lược, kế hoạch xúc tiến cần chú trọng những nội dung gì để tăng cường quảng bá xúc tiến một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, khi du lịch thế giới phục hồi, Việt Nam sẽ  phải đối mặt với một cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia và điểm đến trên toàn cầu, cần phải làm gì trong xúc tiến quảng bá để tạo ưu thế so với đối thủ mạnh sẽ là bài toán lớn đặt ra đối với Du lịch Việt Nam.

Từ trước tới nay, chất lượng sản phẩm là một trong những vấn đề then chốt để tăng khả năng cạnh tranh của Du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế, đặc biệt là sau đại dịch. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là làm sao để nâng cao chất lượng sản phẩm trong tình hình du lịch hiện tại khi doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, nguồn lao động ngành suy giảm, nhu cầu du lịch của người dân giảm do lo ngại dịch bệnh và việc hạn chế đi lại để phòng chống dịch diễn ra ở nhiều nơi. Trước bối cảnh này, vai trò của Nhà nước, các Hiệp hội, các tổ chức, cơ quan nghiên cứu, cơ quan chuyên môn của các tỉnh, thành, địa phương cần nghiên cứu, vạch rõ kế hoạch, giải pháp thực hiện.

Cần thống nhất các quy định và quy trình kiểm soát, đảm bảo an toàn giữa các tỉnh, thành trong cả nước. Ảnh BẢO CHI

Thống nhất các quy định và quy trình kiểm soát, đảm bảo an toàn

Việc phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới phải được định hướng tiệm cận gần hơn nữa với xu hướng phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, vì môi trường an toàn, xã hội khỏe mạnh, và sự phát triển của thế hệ tương lai.

Không chỉ trên cơ sở dựa vào những tài nguyên, nguồn lực đã có sẵn, vận hành theo cơ chế như trước đại dịch, mà phục hồi và phát triển du lịch phải trên cơ sở khai thác hiệu quả hơn nữa các nguồn lực, tìm kiếm những nguồn lực và ý tưởng sản phẩm mới, thích ứng với xu hướng mới, bối cảnh mới, năng động, sáng tạo trong cách thức tổ chức, vận hành, quản lý và làm chủ tình hình.

Chất lượng nguồn nhân lực chính là chìa khóa để tạo ra sự đổi mới và đột phá, cũng như ưu thế cạnh tranh trên thị trường trong bối cảnh hoàn toàn mới. Nguồn nhân lực cần được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn, kĩ năng cũng như sự năng động, sáng tạo trong làm nghề và trước những biến cố.

Bên cạnh đó, sức khỏe, sự sống còn của doanh nghiệp chính là trụ cột quan trọng để phục hồi du lịch trong bối cảnh mới. Do đó, cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong giai đoạn tiền khởi động và giai đoạn tiếp; các chính sách quản lý rủi ro trong tương lai để đảm bảo thích ứng, duy trì và phục hồi cho các doanh nghiệp này là vô cùng quan trọng.

Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ là xu thế tất yếu trong bối cảnh mới mà bất cứ các bên liên quan nào muốn tồn tại, phục hồi và phát triển phải thích ứng. Ứng dụng công nghệ kĩ thuật số, blockchain, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ không tiếp xúc nhằm gia tăng sự thuận tiện, hiệu quả quản lý, vận hành, nâng cao và đa dạng hóa trải nghiệm cũng như tối ưu hóa việc đảm bảo an toàn trong tình hình dịch bệnh chắc chắn sẽ là một trong những vấn đề cần ưu tiên hàng đầu.

Muốn phục hồi và phát triển du lịch trong tình hình mới, cần tập trung vào việc xây dựng và hoàn thiện các quy định, hướng dẫn về đảm bảo an toàn dịch bệnh của ngành Du lịch; thống nhất các quy định và quy trình kiểm soát, đảm bảo an toàn giữa các tỉnh, thành trong cả nước. Tăng cường phổ biến đến các doanh nghiệp, cộng đồng kinh doanh du lịch, đồng thời tăng cường quản lý và kiểm soát việc thực hiện các quy định này.

Đổi mới chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch tiến hành triển khai kế hoạch, đề án phục hồi, phát triển sản phẩm du lịch mới lạ, đặc sắc nhằm thu hút khách du lịch thời gian tới.

Tạo động lực cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động trong hoàn cảnh khó khăn cũng như cơ hội để phục hồi và phát triển trong tương lai thông qua hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách và các gói, chương trình hỗ trợ như hỗ trợ vay vốn, giảm thuế, gia hạn thời gian nộp thuế trong giai đoạn đầu quá trình phục hồi.

Đẩy mạnh chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, nhất là các du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, du lịch trải nghiệm cộng đồng hướng tới phát triển bền vững, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả vận hành, quản lý, tăng cường sáng tạo các sản phẩm du lịch độc đáo, đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn mới.

Tăng cường hợp tác liên vùng giữa các tỉnh, thành trong cả nước trong việc xây dựng và quảng bá sản phẩm du lịch, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy sự sáng tạo trong sản phẩm và dịch vụ, hỗ trợ nhau cùng phát triển du lịch, đồng thời tăng sức cạnh tranh cho các điểm đến trong nước.

Nghiên cứu, tăng cường hợp tác, kết nối tour, tuyến, phát triển sản phẩm du lịch mới với các nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh trong vùng thông qua xây dựng mô hình “bong bóng du lịch” nhằm tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm du lịch cạnh tranh trong bối cảnh du lịch thế giới phục hồi và cạnh tranh gay gắt.

Sớm rà soát lại tình trạng nguồn nhân lực du lịch trong giai đoạn bình thường mới và chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng khi du lịch hoạt động trở lại. Ảnh NGỌC HÂN

Xây dựng chiến lược hoạch định nguồn nhân lực rõ ràng dựa vào việc rà soát lại tình trạng nguồn nhân lực du lịch trong giai đoạn bình thường mới. Tăng cường chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho giai đoạn phục hồi của ngành thông qua các chương trình đào tạo thực tiễn tại các doanh nghiệp, xây dựng các chương trình đào tạo nguồn nhân lực tương lai mang tính chuyên sâu, tạo đầu ra là nguồn nhân lực chất lượng cao. Chú trọng hơn nữa đến đào tạo nhằm tăng cường năng lực và khả năng thích nghi của nguồn nhân lực với các biến động cũng như môi trường làm việc mới của ngành.

Mở cửa đường bay thẳng quốc tế tới các điểm đến an toàn, các quốc gia đã thành công trong kiểm soát dịch bệnh với bước đầu xác định phân khúc thị trường khách du lịch quốc tế là các thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao, đã đặt phòng tại các khu resort, các khách sạn đảm bảo an toàn như khách du lịch MICE; khách du lịch hướng tới các hoạt động nghỉ dưỡng, sinh thái tại các khu du lịch cao cấp; khách du lịch theo đoàn từ các giải đấu thể thao lớn…

Nghiên cứu, xem xét khả năng áp dụng và duy trì lâu dài các chương trình Hộ chiếu về sức khỏe cho khách du lịch, nhất là khách du lịch quốc tế, nhằm đảm bảo an toàn và hạn chế sự lây lan của các dịch bệnh khác trong tương lai.

Thúc đẩy xu hướng du lịch không tiếp xúc thông qua tăng cường ứng dụng công nghệ kĩ thuật số, trí tuệ nhân tạo trong phục vụ du lịch; xây dựng sản phẩm mới nhằm đảm bảo hạn chế tiếp xúc trực tiếp ở những khâu có thể, tạo điều kiện tăng cường truy vết khi xuất hiện dịch bệnh thông qua các quy định cài đặt ứng dụng trên điện thoại thông minh, vòng tay thông minh, chứng nhận y tế điện tử cung cấp thông tin về sức khỏe khách du lịch, các bốt thông tin điện tử chỉ dẫn tại các điểm du lịch, ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong trải nghiệm du lịch, công nghệ AI trong hỗ trợ du khách, các số điện thoại, trang web, app hỗ trợ trực tuyến khi cần thiết…

Xây dựng và hoàn thiện lộ trình tái khởi động, phục hồi và phát triển ngành Du lịch Việt Nam trong giai đoạn ngắn từ 2022- 2024 và các giai đoạn dài hơi đến năm 2030, 2040.

Không thể phủ nhận rằng, nguy cơ bùng phát lại dịch bệnh là hoàn toàn có thể xảy ra nếu các quy định và điều kiện đảm bảo an toàn chưa được thống nhất và kiểm soát thật tốt. Thêm vào đó, thực tế tình hình dịch bệnh trên thế giới tại nhiều quốc gia đã đạt độ bao phủ vắc xin rộng cũng đang xấu đi bởi sự xuất hiện của nhiều biến chủng mới có khả năng kháng lại các loại vắc xin hiện có. Tuy nhiên, kịch bản lạc quan về một tương lai sống chung với Covid-19 là điều hoàn toàn có thể xảy ra và khi ấy, nhu cầu du lịch của con người chắc chắn sẽ tăng cao chưa từng có. Chính vì thế, du lịch Việt Nam cần nhanh chóng chớp lấy thời cơ, tận dụng mọi cơ hội để phục hồi trong bối cảnh mới, thích ứng an toàn, trở thành điểm đến uy tín và có vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế.

NGUYỄN ANH TUẤN

(Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Tổng cục Du lịch)

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top