Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Cần chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa các hoạt động thể thao

Thứ Hai 15/11/2021 | 09:51 GMT+7

VHO- Sau thời gian bước lên đỉnh cao với chiếc HCV Olympic 2016 và hàng loạt thành tích tại đấu trường Asian Games, SEA Games, thành tích của thể thao Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại, thậm chí là đi xuống.

 Các chuyên gia hiến kế phát triển ngành TDTT Ảnh: QUÝ LƯỢNG

Vậy làm sao để thể thao Việt Nam quay trở lại thời đỉnh cao? Làm sao để thể thao Việt Nam hoàn thành sứ mệnh vì dân cường, quốc thịnh và tiến tới trở thành ngành công nghiệp không khói trong tương lai? Là những câu hỏi đầy trăn trở với các nhà quản lý, giới chuyên môn.

Hàng trăm tiến sĩ đang ở đâu?

Để trả lời câu hỏi ấy, một Hội nghị được xem như Hội nghị Diên Hồng của ngành thể thao đã được tổ chức, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương. Đây là Hội nghị góp ý cho Chiến lược phát triển thể dục thể thao (TDTT) Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Nếu có chiến lược đúng, tầm nhìn đúng, thể thao Việt Nam sẽ có kim chỉ nam để hành động, vừa giúp cho thể thao Việt Nam phát triển bền vững, vừa hướng tới việc trở thành ngành công nghiệp thể thao, đóng góp vào nền kinh tế quốc dân.

Góp ý cho Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao đánh giá rằng, việc thực hiện Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2020 đã giúp cho thể thao Việt Nam có những chuyển biến tích cực như những môn thể thao Olympic có tiến bộ, thể thao quần chúng phát triển tốt. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, muốn phát triển, chúng ta phải đi theo các xu thế, như thương mại hóa, chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa các hoạt động thể thao. Đặc biệt phải chú trọng tới thể thao trường học để tìm kiếm tài năng cho thể thao nước nhà. Cũng theo ông Minh, muốn xây dựng Chiến lược mới, chúng ta cần phải có nhân lực, gồm bộ máy và con người, để đáp ứng các nhiệm vụ. Vì vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ rất quan trọng và đây là một trong những nguyên nhân, hạn chế cần phải thay đổi.

Phát biểu đầy tâm huyết, GS.TS Lê Văn Lẫm, nêu lên một thực tế, ngành thể thao là ngành có nhiều Tiến sĩ nhất trong các ngành trực thuộc Bộ VHTTDL nhưng sức mạnh của đội ngũ này ở đâu? “Ngành ta tự hào có tới 300-400 Tiến sĩ và chục ngàn người là thạc sĩ, nhưng dường như đội ngũ trí thức này đang bị lãng quên, không được sử dụng một cách có hiệu quả, đề tài nghiên cứu xong để đấy, chúng ta chưa lôi kéo được họ vào những công việc như hoạch định chiến lược, kế hoạch. Trong khi ngành TDTT cần nguồn nhân lực chất lượng cao nên phải hết sức quan tâm đến đội ngũ này”, Giáo sư Lẫm nêu lên thực tế đầy trăn trở?

Đồng tình với ý kiến của Giáo sư Lẫm, GS.TS Nguyễn Đại Dương, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học TDTT Bắc Ninh cho rằng, các chỉ tiêu đặt ra trong dự thảo Chiến lược, nhất là chỉ tiêu về TDTT quần chúng phải được tham khảo, tính toán một cách khoa học, kỹ lưỡng, sát thực. Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao Quần chúng Tổng cục TDTT, ông Vũ Trọng Lợi cho biết, ngay từ khi còn đương chức, ông đã rất trăn trở với sự phát triển của thể thao quần chúng vì sức khỏe toàn dân nhưng tiêu chí nào để đánh giá chính xác phong trào? Theo ông Lợi, tiêu chí phải căn cứ trên chất lượng của phong trào chứ không phải căn cứ vào số lượng, phải đi vào thực chất của phong trào, chứ không chỉ dừng ở mức hô hào.

Cần nâng cao nhận thức về thể dục thể thao

Cũng theo GS.TS Lê Văn Lẫm, muốn phát triển thể thao quần chúng làm nền tảng vững chắc cho thể thao thành tích cao thì chúng ta phải chú trọng phát triển thể thao học đường. Phát triển thể thao học đường chính là chăm lo cho sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước trong tương lai. Thế nhưng có một thực tế là môn thể dục giờ vẫn không được coi trọng, giờ học quá ít. Ngay từ trong nhận thức, khá nhiều giáo viên, lãnh đạo nhà trường và các vị phụ huynh cho rằng thể thao là môn phụ nên ít được chú trọng. Giáo sư Lẫm cho rằng ngoài các tiết học thể dục chính khóa, cần tăng cường các tiết học ngoại khóa cho học sinh, trong tương lai phải sắp xếp làm sao để các em học sinh có thể có được ít nhất là 4 buổi tập ngoại khóa/tuần. Việc tăng số lượng và nâng cao chất lượng các giờ dạy thể dục sẽ giúp các em phát triển thể lực và tầm vóc, từ đó góp phần xây dựng nguồn nhân lực cho đất nước.

Cũng nói về vấn đề có lúc, có nơi còn coi nhẹ thể thao, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Nguyễn Danh Hoàng Việt kể câu chuyện, ông về công tác tại một tỉnh, khi đề nghị tỉnh cần có thêm bể bơi cho các em tập luyện, lãnh đạo tỉnh kia nói rằng, tỉnh đã có rất nhiều sông, suối, trẻ em muốn có thể ra đó tập bơi, không cần phải làm bể bơi. Từ đó, ông Việt cho rằng phải nâng cao nhận thức về thể dục thể thao của các cấp, ngành. Cũng nói về vấn đề nâng cao nhận thức về TDTT, ông Vũ Trọng Lợi cho rằng, đại dịch Covid-19 đã giúp chúng ta thấy rõ hơn sự quan trọng của việc rèn luyện TDTT. Vì vậy phải nâng cao chất lượng giáo dục thể chất cho toàn dân, nâng cao nhận thức về TDTT. Bên cạnh đó, tiêu chí rèn luyện thân thể phải thay đổi, đặc biệt là trong việc phát triển thể thao trường học rồi đến sự phát triển của thể thao thành tích cao, phải theo hướng chuyên nghiệp, nhà nghề”, ông Vũ Trọng Lợi nói.

TS Đoàn Ngọc Xuân, Vụ trưởng Vụ Xã hội - Ban Kinh tế trung ương lại đề cập đến vấn đề phát triển kinh tế thể thao, phải xem thể thao là một ngành kinh tế để có những chủ trương, chính sách phù hợp. Muốn làm được như vậy, chúng ta cần thay đổi tư duy, nhận thức về ngành thể thao, đánh giá lại nguồn lực cho việc thực hiện Chiến lược mới… 

 Bối cảnh trong nước và quốc tế giai đoạn tới sẽ có nhiều thay đổi, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành TDTT là hết sức khó khăn, phức tạp. Trên cơ sở tổng kết Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020, Bộ VHTTDL đề xuất xây dựng Chiến lược trong giai đoạn tới, có sự kế thừa những thành tựu của giai đoạn vừa qua. Việc xây dựng chiến lược mới nhằm cụ thể hóa, triển khai hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp liên quan tới phát triển TDTT nêu tại các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Nhà nước.

(Thứ trưởng HOÀNG ĐẠO CƯƠNG)

 THU SÂM

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top