Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Dự thảo Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật: “Lạt mềm” giúp nghệ sĩ hướng tới chuẩn mực

Thứ Sáu 15/10/2021 | 10:55 GMT+7

VHO-  Văn Hóa nhận được góp ý của các Sở VHTT, Sở VHTTDL đóng góp ý kiến cho dự thảo Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.

Nên xem xét cấm lên sóng truyền hình, cấm biểu diễn

Việc ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật là rất quan trọng, cần thiết để tránh hành vi lệch chuẩn, trong thời đại phát triển của công nghệ và mạng xã hội thì càng cấp bách hơn. Giới nghệ sĩ là những người có nhiều tác động, định hướng đến hành vi và lối sống của cộng đồng, nhất là giới trẻ hiện nay.

Thời gian qua, không ít nghệ sĩ đã trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng. Nhưng để duy trì được sự quan tâm, mến mộ lâu dài thì các nghệ sĩ không chỉ trau dồi về nghề mà còn có những chuẩn mực trong lối sống, ứng xử. Nhiều nghệ sĩ vốn là “cây đa cây đề” nhưng bởi những hành vi phản cảm, ứng xử thiếu văn hóa mà mất đi danh tiếng, sự nghiệp trong chốc lát. Thế nên, dù là nghệ sĩ lâu năm hay những người trẻ mới bước vào lĩnh vực nghệ thuật thì ứng xử chuẩn mực mới tạo dựng được “thương hiệu” cho mình về lâu dài. Chế tài xử phạt nghệ sĩ vi phạm trong hoạt động biểu diễn hay trong các lĩnh vực khác của đời sống đã được cụ thể hóa tại các quy định của pháp luật và Nghị định của Chính phủ. Song, trên cơ sở nội dung Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, cũng cần xem xét có “chế tài” đủ mạnh. “Chế tài” ở đây chính là sự trừng phạt bằng cách như cấm lên sóng truyền hình, cấm biểu diễn..., tùy vào mức độ vi phạm.

Những nghệ sĩ khi có những hành vi ứng xử lệch chuẩn, gây ảnh hưởng đến các cá nhân, tổ chức, cộng đồng thì các đơn vị quản lý nhà nước cần vào cuộc nhắc nhở, công khai danh tính; ngược lại, nếu nghệ sĩ thực hiện tốt và lan tỏa những hiệu ứng tích cực cho xã hội thì cần được công khai biểu dương. Như vậy, bản thân mỗi nghệ sĩ phải chỉn chu, có hành vi đúng mực để không để mất “thương hiệu”, bởi “chế tài” trừng phạt nặng nhất chính là bị công chúng quay lưng, tẩy chay.

(TS PHAN THANH HẢI, GĐ Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế)

“Lạt mềm” giúp nghệ sĩ hướng tới chuẩn mực

Đối với những người hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật, vấn đề ứng xử với xã hội, nâng cao đạo đức nghề nghiệp cũng như cách phát ngôn, giao tiếp với đồng nghiệp, công chúng cần đặc biệt chú trọng. Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật ra đời rất đúng thời điểm, kịp thời điều chỉnh hành vi của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Dù đây không phải quy định, Bộ luật, nhưng Quy tắc ứng xử lại liên quan đến vấn đề quan trọng đối với những người làm văn hóa, đó là cách ứng xử hành vi, đạo đức.

Quy tắc ứng xử sẽ là “lạt mềm” giúp cho người nghệ sĩ nói chung tự hướng mình đến xây dựng hình ảnh tốt đẹp hơn, sự tốt đẹp được lan tỏa rộng rãi chắc chắn sẽ khiến xã hội hạnh phúc hơn, làm cho con người trở nên nhân hậu hơn. Cá nhân tôi nghĩ rằng việc xây dựng Quy tắc ứng xử không chỉ dành riêng cho những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật mà tất cả mọi người đều nên nhìn vào đó để điều chỉnh hành vi cho đúng với chuẩn mực đời sống xã hội. Trong thời gian qua, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn có nhiều “sạn” khi những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có cả những nghệ sĩ nổi tiếng liên tục gặp phải chỉ trích lớn từ phía công chúng do lỗi phát ngôn, đôi co trên mạng xã hội.

Điều đó khiến khán giả hoang mang về lối sống, tư duy của những người được coi là người của công chúng. Bởi vậy, việc đưa thêm quy định, quy tắc thậm chí là chế tài vào để “uốn nắn” những người nghệ sĩ là việc làm cấp bách và quan trọng để lấy lại lòng tin của khán giả.

(Bà NGUYỄN THỊ HỘI AN, PGĐ Sở VHTT Đà Nẵng)

Một cái sai nhỏ của người nghệ sĩ sẽ ảnh hưởng nhiều người

Nghệ thuật không đơn thuần hướng đến các hoạt động giải trí mà còn phải hướng công chúng đến giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Chính vì vậy, người làm nghệ thuật phải có những hành vi đúng đắn, chuẩn mực, suy nghĩ cẩn trọng, chia sẻ có trách nhiệm trong hoạt động nghệ thuật lẫn tương tác trên mạng xã hội và đời thường, chỉ cần một sơ suất nhỏ là cả cộng đồng sẽ nhìn thấy, chỉ cần cái sai nhỏ sẽ ảnh hưởng rất nhiều người.

Mạng xã hội phát triển đã giúp cho nhiều nghệ sĩ có thể dễ dàng giới thiệu sản phẩm nghệ thuật đến với công chúng, bày tỏ cảm xúc trực tiếp thông qua trang cá nhân đến với khán giả. Nhưng vẫn có một bộ phận nghệ sĩ ứng xử, phát ngôn chưa phù hợp với thuần phong mỹ tục. Quy tắc ứng xử này ra đời là cần thiết nhằm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, nâng cao ý thức trách nhiệm, từng bước hình thành chuẩn mực đạo đức trong hành vi ứng xử của nghệ sĩ đối với hoạt động nghề nghiệp, trên báo chí, truyền thông, mạng xã hội. Việc ra đời của Quy tắc sẽ tiếp tục khẳng định vai trò của văn hóa nghệ thuật trong đời sống, đặc biệt là nghệ sĩ cần có những quy tắc này để soi chiếu. Đó là một trong những biện pháp hữu hiệu, là cơ sở để nghệ sĩ nhìn lại mình, có thái độ đúng mực hơn trong ứng xử. Tự bản thân mỗi nghệ sĩ cũng có thể đánh giá được, dựa trên quy tắc về hành vi ứng xử của mình trong quá trình hoạt động nghệ thuật, họ có thể kiểm định lại trong nhiều cách thể hiện, từ đó có sức lan tỏa đối với các thế hệ tiếp theo.

Quy tắc ứng xử chung của nghệ sĩ đã tập trung xây dựng chi tiết để điều chỉnh những hành vi, lời nói không đúng đắn, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội, bởi nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng đến công chúng. Ngoài quy định nghề nghiệp, Quy tắc ứng xử chung của nghệ sĩ đã đề cập đến một số vấn đề liên quan đến ứng xử trên báo chí, truyền thông, mạng xã hội và các hoạt động cộng đồng. Những quy định này là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Sau khi Quy tắc ứng xử này được ban hành, Sở VHTTDL Nam Định sẽ chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp thuộc Sở và Phòng VH-TT các huyện, thành phố Nam Định triển khai công tác tuyên truyền đến các nghệ sĩ và đông đảo quần chúng nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, đảm bảo phù hợp với tình hình của đơn vị, địa phương.

(Bà NGUYỄN THỊ TÂM, PGĐ Sở VHTTDL tỉnh Nam Định)

Rất mong chờ Quy tắc được ban hành sớm

Việc Bộ VHTTDL xây dựng Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật là việc làm cần thiết để khuyến cáo, giúp nghệ sĩ soi chiếu và điều chỉnh hành vi của mình cho chuẩn mực hơn, đồng thời giúp cơ quan quản lý nhà nước quản lý tốt hơn hoạt động của các nghệ sĩ trong điều kiện các quy phạm pháp luật chưa điều chỉnh hết, nhất là các hành vi thuộc phạm trù đạo đức. Quy tắc ứng xử chung của nghệ sĩ tác động đến nhận thức nghệ sĩ trong hoạt động nghề nghiệp, trên báo chí truyền thông và khi tham gia các hoạt động cộng đồng, mặc dù không có chế tài nhưng Quy tắc đã chỉ ra cái gì nên làm, cái gì không nên làm. Với đặc thù nghề nghiệp, nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng rộng đối với công chúng, đặc biệt với nghệ sĩ nổi tiếng, vì vậy có Quy tắc ứng xử sẽ giúp mỗi người ý thức hơn về trách nhiệm của mình.

Hải Phòng rất mong chờ Quy tắc được ban hành sớm và để Quy tắc đi ngay vào cuộc sống, Sở VHTT Hải Phòng sẽ tổ chức Hội nghị quán triệt các nội dung sau khi Quy tắc được ban hành. Chúng tôi cũng sẽ gắn trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị nghệ thuật biểu diễn, các đơn vị tổ chức sự kiện hoặc quản lý nghệ sĩ. Chắc chắn sẽ xử lý nghiêm những cá nhân nghệ sĩ vi phạm. Đồng thời, việc thực hiện tốt Quy tắc ứng xử cũng sẽ được đưa vào là một trong những tiêu chí quan trọng trong xét thi đua khen thưởng, xét các giải thưởng, danh hiệu.

(Bà TRẦN THỊ HOÀNG MAI, GĐ Sở VHTT TP Hải Phòng)

Nhấn mạnh tiêu chí trung thực, ứng xử đúng mực của người hoạt động nghệ thuật

Cùng với TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và một số thị trường nghệ thuật sôi động trong cả nước, Hà Nội là địa chỉ tập trung nhiều nhà hát, rạp phim, gallery và các không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật. Các nghệ sĩ hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật trên địa bàn Thủ đô ngày càng gia tăng về số lượng, với các loại hình hoạt động đa dạng, giàu năng lượng sáng tạo. Sở VHTT Hà Nội nhất trí với các nội dung trong dự thảo Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật. Theo đó, một số tiêu chí trong dự thảo được Sở VHTT nêu ý kiến cần chú trọng và hoàn thiện như: Đối với khán giả, công chúng, nghệ sĩ cần tôn trọng, tận tâm lao động, sáng tạo nghệ thuật để phục vụ nhân dân, đất nước. Nghệ sĩ cần lắng nghe những ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện bản thân và nâng cao chất lượng tác phẩm, sản phẩm văn hóa nghệ thuật.

Bên cạnh đó, cần chú ý các quy tắc ứng xử: Trung thực, ứng xử đúng mực, lịch sự, thân thiện với khán giả, công chúng. Không lợi dụng sự ảnh hưởng của mình, lấy danh nghĩa người hoạt động nghệ thuật để trục lợi cá nhân. Sở VHTT Hà Nội cũng bày tỏ sự quan tâm đối với nội dung quy tắc ứng xử trên báo chí, mạng xã hội của người hoạt động nghệ thuật, nhấn mạnh: Có trách nhiệm trung thực trong phát ngôn, bày tỏ và chia sẻ quan điểm cá nhân; không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, trái thuần phong mỹ tục khi tham gia các hoạt động báo chí, truyền thông và mạng xã hội.

 Nhiều ý kiến mong muốn Quy tắc ứng xử ít nhất phải được đưa vào các trường đào tạo nghệ thuật. Trong ảnh: Sinh viên các trường văn hóa - nghệ thuật biểu diễn giao lưu

Động thái tươi mới khi các hoạt động nghệ thuật hồi sinh...

Trao đổi với lãnh đạo Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành phía Nam liên quan đến dự thảo Quy tắc ứng xử của người hoạt động nghệ thuật, chúng tôi ghi nhận hầu hết các địa phương đều đồng thuận và nhất trí cao với dự thảo. PGĐ Sở VHTTDL Cà Mau Tiêu Minh Tiên cho hay, ngành văn hóa tỉnh đã nghiên cứu kỹ các nội dung trong dự thảo, bày tỏ thống nhất các nội dung trong Quy tắc. “Cách đây vài tháng, chúng tôi cũng đã gửi ý kiến đến Bộ bày tỏ sự đồng thuận ban hành dự thảo. Chúng tôi cho rằng việc ban hành các quy định đối với lĩnh vực đặc thù sẽ hỗ trợ để thị trường nghệ thuật tỉnh Cà Mau nói riêng cũng như cả nước nói chung đi vào nền nếp hơn, nâng cao ý thức văn nghệ sĩ trong quá trình hoạt động chuyên môn cũng như trong đời thường”, ông Tiên chia sẻ.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở VHTTDL tỉnh Tiền Giang cũng chia sẻ mong muốn Quy tắc sớm được ban hành và triển khai thực hiện, nhất là sau thời kỳ giãn cách vì Covid-19, các hoạt động nghệ thuật hồi sinh, phát triển mạnh mẽ trở lại thì Quy tắc như một động thái tươi mới mang tính quy chuẩn đạo đức, tác phong hành nghề cho đội ngũ nghệ sĩ ngày càng chuyên nghiệp, chuẩn mực hơn.

Theo lãnh đạo nhiều Sở, thị trường nghệ thuật phía Nam khá sôi động trong các hoạt động nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc, sân khấu cải lương, kịch, điện ảnh, mỹ thuật... Lực lượng nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực này ngày càng nhiều, cả trong lĩnh vực biểu diễn, sáng tác, trong đó đối tượng nghệ sĩ trẻ chiếm một tỉ lệ rất cao. Các nghệ sĩ không chỉ hoạt động trong một lĩnh vực cụ thể mà thường đa dạng nhiều lĩnh vực. Thời gian qua, một số ý kiến cho rằng Quy tắc ứng xử sẽ là “rào cản” đối với hoạt động nghệ thuật, trùng lắp với những quy định khác nên không nhất thiết phải ban hành, tuy nhiên nhận định này chỉ mang tính chủ quan, bởi nghệ thuật là lĩnh vực đặc thù, khá phức tạp và phát triển, biến đổi không ngừng. Việc xây dựng Quy tắc ứng xử dành cho những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật một lần nữa khẳng định sự trân trọng, quan tâm của các cơ quan quản lý văn hóa, của xã hội đối với nghệ thuật.

NHÓM PHÓNG VIÊN (thực hiện)

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top