Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Thẩm định và phân loại phim:  Cởi mở và đối thoại

Thứ Tư 13/10/2021 | 10:51 GMT+7

VHO-  Xung quanh việc thẩm định và phân loại phim hiện có nhiều góp ý, tranh luận thu hút sự chú ý của dư luận. Trong đó, trên các diễn đàn điện ảnh và báo chí, một số nhà sản xuất, đơn vị phát hành, đạo diễn... đã nêu nhiều vấn đề được cho là “bất cập, cản trở hoạt động sáng tạo, phát triển điện ảnh Việt”, bao gồm vấn đề về Hội đồng duyệt phim mà Báo Văn Hóa đã đề cập ở các số báo trước.

 Cảnh trong phim "Hai Phượng"

Từ khóa “Hội đồng duyệt phim” vốn đã nóng lại càng nóng hơn. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi: Có hay không việc ngay trong Hội đồng cũng không thống nhất quan điểm khi đánh giá một tác phẩm? Kỷ luật phát ngôn trong Hội đồng bị vi phạm sẽ xử lý như thế nào?...

Đừng nhầm lẫn về “quyền lực” của Hội đồng

Từng ngồi ghế Hội đồng, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng, câu chuyện kiểm duyệt phim và quyền lực của Hội đồng thẩm định đang khiến nhiều người lầm tưởng. Hội đồng có vai trò tư vấn chứ không có quyền quyết định, quyền đó thuộc về Cục trưởng Cục Điện ảnh. “Nhiều khi, ý kiến của Hội đồng phải cắt cảnh này, cảnh kia, nhưng kết luận cuối cùng thì do Cục trưởng. Có những lần chúng tôi tranh luận rất căng, mỗi cảnh, mỗi giây để có ý kiến đề nghị cắt, hoặc chỉnh sửa đều cân nhắc kỹ lưỡng...”, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã chia sẻ.

Trong lần trao đổi với Báo Văn Hóa về vai trò của Hội đồng, Cục trưởng Vi Kiến Thành cho biết: “Nhiều trường hợp Hội đồng đề nghị cắt cảnh này, cảnh kia nhưng nếu Cục trưởng không đồng ý thì không qua. Có nhiều trường hợp tôi phải xem lại, đối thoại với tác giả, cân nhắc rất kỹ rồi mới quyết định”, theo ông Thành.

Hội đồng với vai trò tư vấn luôn tuân thủ nguyên tắc làm việc theo quy định tại Luật Điện ảnh và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn. “Ngoài các quy định pháp luật trong hành lang pháp lý, bên trong mỗi người còn có những năng lực tự vệ văn hóa, trách nhiệm với dân tộc. Nếu phim có hình ảnh bẩn thỉu, bôi xấu dân tộc, con người Việt Nam... thì ở cả khía cạnh luật và cả năng lực tự vệ đó đều không chấp nhận”, biên kịch Trịnh Thanh Nhã nói. Góc nhìn này được nhiều chuyên gia điện ảnh chia sẻ. Lâu nay, câu chuyện về những thân phận bế tắc, “chìm dưới đáy” được nhiều nhà làm phim của các nền điện ảnh khai thác. “Thế nhưng, trong khi ở một đất nước tự do gần như tuyệt đối là Mỹ thì khi làm phim về những nhân vật ở dưới đáy, bao giờ các nhà làm phim cũng tìm ra cơ hội cho nhân vật trở lại với cuộc sống. Ở ta thì khi nói đến hiện thực dưới đáy, nhân vật lại thường bị dìm tiếp xuống bùn, không đường thoát. Cách nhìn này rất vô lý bởi tồn tại trong mỗi con người luôn có bản năng sinh tồn, các trường hợp bế tắc, cùng cực đều có cách vươn lên”, bà Nhã cho biết. Nhà biên kịch nói, thời kỳ bà còn ngồi Hội đồng duyệt phim, có phim gần như cả Hội đồng thống nhất không được phổ biến, vì những nội dung xúc phạm dân tộc hoặc chỉ thấy sự bế tắc. Các nhà làm phim có thể khai thác những hiện thực chạm đáy đó nhưng cần cho thấy là bằng bất cứ giá nào, trong hoàn cảnh nào thì con người cũng có thể tỏa sáng và vươn lên.

Nhà biên kịch cũng đề cập chuyện thường được thắc mắc, đó là độ dài hay ngắn của những cảnh khỏa thân. Tuy nhiên, khỏa thân hay không lại không phải là vấn đề, mà khỏa thân ở mức độ nào, cách làm như thế nào mới là vấn đề của Luật. Một điển hình là Chạm của Nguyễn Đức Minh, bộ phim có nhiều cảnh nói đến sự đụng chạm da thịt nhưng không hề bị cắt. Điều đó nghĩa là gì? Vẫn có những cảnh nude đẹp, dù thời lượng không ngắn nhưng Hội đồng không nỡ cắt, và cũng chẳng có luật nào can thiệp được vào cái đẹp. Bà Nhã phân tích, vì thế, nếu quan

 niệm Hội đồng thiếu cởi mở là phiến diện. Hội đồng làm việc theo luật, một cách rõ ràng và không hề cảm tính. Luật Điện ảnh và các văn bản dưới Luật cũng đều xuất phát từ quyền lợi xã hội, tạo dựng tâm thức thẩm mỹ cho xã hội, cho dù theo thời gian và quy luật phát triển thì một số điều đã chưa tiệm cận. Các chuyên gia cho rằng, những bất cập đương nhiên phải sửa, nhưng cần trên tinh thần xây dựng.

Cởi mở và đối thoại

Cục trưởng Vi Kiến Thành khẳng định, xu thế làm Luật của Việt Nam ngày càng cởi mở, tạo điều kiện tối đa cho các nhà làm phim. Về những trường hợp có sự xung đột giữa quan điểm của Hội đồng kiểm duyệt và giới làm phim, đặc biệt là các nhà làm phim độc lập, theo Cục trưởng, Cục Điện ảnh luôn mong muốn và đã có những đối thoại để đôi bên tìm tiếng nói chung. Tuy nhiên, đối thoại chỉ thành công khi cả hai cùng hướng về một mục đích.

Trên thực tế, với các bộ phim có vấn đề thì Cục Điện ảnh cũng đối thoại với các nhà làm phim, thậm chí lãnh đạo Bộ VHTTDL cũng trực tiếp đối thoại.

Bà Trịnh Thanh Nhã cũng nhìn nhận, cái nhìn của Hội đồng duyệt phim ngày càng cởi mở hơn. Bằng chứng là nhiều phim kinh dị, bạo lực (hành động)... được cấp phép phổ biến. “Phim hành động dữ dội như Hai Phượng đã rất thành công khi ra rạp. Vấn đề là cái dữ dội đó nói lên điều gì. Tôi thấy các nhà làm phim nữ rất thận trọng, khéo léo trong việc đáp ứng các điều luật quy định”, nhà biên kịch nói.

Về câu chuyện đối thoại, bà Nhã chia sẻ, Hội đồng đã có nhiều “ca” đối thoại với các nhà làm phim, đặc biệt đối với những phim “có vấn đề”. Thậm chí, có nhà làm phim đưa cả luật sư đến đối thoại và cuối cùng phải chấp nhận ý kiến của Hội đồng.

Chủ tịch Hội đồng duyệt phim, GS.TS Trần Thanh Hiệp cũng đã có đề xuất, trong những buổi duyệt phim, khi cần thiết, cần mời một số cơ quan báo chí cùng xem với Hội đồng. Không phải để họ làm thay công việc của Hội đồng mà chính là để có cái nhìn khách quan trên truyền thông về bộ phim.

Không đồng thuận, hãy rời khỏi Hội đồng

Hội đồng duyệt phim là một tập thể mà ở đó, mỗi người đều có quan điểm cá nhân của riêng mình. Ở đâu cũng vậy, một tập thể được thành lập bởi một quyết định có tính pháp lý thì đương nhiên, mỗi thành viên đều phải tuân thủ những quy tắc hoạt động. Hội đồng duyệt phim quốc gia nhiệm kỳ mới được thành lập chưa lâu, nhưng phần nào đã cho thấy có sự bất ổn khi một trong những nguyên tắc hoạt động là kỷ luật phát ngôn đã bị vi phạm. Vấn đề này đã được Chủ tịch Hội đồng, GS.TS Trần Thanh Hiệp lên tiếng trên Báo Văn Hóa (số báo 3629, ra ngày 8.10.2021): “Theo Quy chế là chỉ Chủ tịch mới có quyền phát ngôn, Hội đồng phải tuân thủ nguyên tắc đó. Thế nhưng ở trường hợp phim Vị, tôi thấy nguyên tắc này đã bị vi phạm khi có thành viên phát ngôn trái ngược với quan điểm, quyết định của Hội đồng. Một vài người đã lợi dụng điều đó để chỉ trích, tạo dư luận tiêu cực”.

Biên kịch Trịnh Thanh Nhã thẳng thắn, một người đã chấp nhận ngồi vào Hội đồng có nghĩa phải chấp nhận các nguyên tắc làm việc, bao gồm nội quy phát ngôn, bày tỏ quan điểm, thiểu số phục tùng đa số. Nếu cá nhân phản đối, không đồng ý cách làm việc của Hội đồng thì có thể rời đi. “Nếu có ý kiến ngược lại nhưng cá nhân đó không thể thuyết phục số đông trong Hội đồng thì phải chấp nhận rằng số đông kia đúng hơn mình. Nếu vẫn bảo lưu quan điểm không đồng ý thì cá nhân có quyền được nói trên báo chí, tuy nhiên anh hãy rời khỏi Hội đồng”, biên kịch Trịnh Thanh Nhã nhấn mạnh.

Đề nghị không có điều cấm trong Luật là không đúng

Trước ý kiến cho rằng một trong những vướng mắc khiến nhà làm phim gặp khó hiện nay chủ yếu nằm ở điều cấm của Luật Điện ảnh, một cách “ngăn cấm mơ hồ”, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành từng trả lời, điều cấm trong dự thảo Luật Điện ảnh dựa trên cơ sở Luật Điện ảnh năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2009. Đề nghị không có điều cấm trong Luật Điện ảnh là không đúng. Luật phải có quy định cấm mới tạo hành lang pháp lý để nhà sản xuất hiểu rõ cái gì không được làm, giới hạn của việc sáng tạo nghệ thuật đến đâu.

Đồng thuận quan điểm này, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nhấn mạnh, đã là Luật thì bao giờ cũng có quy định những điều được làm và không được làm. Luật hiện hành sau gần 15 năm thực thi đã cho thấy nhiều điều bất cập, có điểm mơ hồ, chưa kín kẽ. Dưới Luật có Nghị định, Thông tư để bổ sung cho những điều còn chưa rõ ràng. Nhưng dường như nhiều nhà làm phim chỉ chú ý đến luật mà không chú ý đến các văn bản dưới luật, nên đã có những nhầm lẫn. “Chẳng hạn như với những cảnh nude, nude thế nào, ở mức độ nào để đó không phải là hình ảnh gợi dục, phi thẩm mỹ. Những yếu tố này Luật phải rõ ràng. Hiện nay được quy định trong Thông tư nhưng các nhà làm phim chủ yếu quan tâm Bộ luật thôi...”, bà Nhã nhận định và cho rằng, yêu cầu phải điều chỉnh Luật là đúng, nhưng yêu cầu bỏ những điều bị cấm thì không đúng. Đối chiếu với các Luật Điện ảnh trên thế giới, bao giờ cũng có những điều cấm. Chẳng hạn như ở Mỹ, những quy định về phổ biến phim đúng đối tượng rất ngặt nghèo mà nếu vi phạm, nhà làm phim sẽ bị phạt rất nặng. Một số quốc gia khác cũng dùng phân loại phim để mở rộng biên độ của sáng tạo. “Việc cấm hay không cấm thì Luật của nền điện ảnh nào cũng có, chỉ có điều là cấm như thế nào. Hãy đóng góp để hoàn chỉnh thêm những điều còn bất cập”, bà Nhã lưu ý.

“Lãng mạn” với kiến nghị “luồng xanh...”

Liên quan đến một nội dung khác đang được kiến nghị bổ sung trong Luật Điện ảnh sửa đổi là thiết kế “luồng xanh” cho phim tham dự LHP nước ngoài, giới chuyên gia tiếp tục lưu ý, nếu Hội đồng duyệt phim có quyền đồng ý hoặc không đồng ý đối với một bộ phim nào đó thì cũng không dựa trên cái thích thú riêng mà phải trên luật pháp. Luật pháp đó đúng với cả trong nước lẫn nước ngoài, khi bộ phim đó đứng tên người Việt, quốc tịch Việt. Tiêu chí tuyển chọn phim của Liên hoan phim quốc tế khác nhau và không phải lúc nào cũng trùng với tiêu chí phân loại phim của chúng ta. Kiến nghị có Hội đồng chuyên biệt cho phim dự LHP ở nước ngoài, có thể nhìn nhận như những Hội đồng mang tính chất giám tuyển, cũng phải được luật cho phép. “Nhưng tôi cho rằng đây là kiến nghị hơi “lãng mạn”. Nếu có một Hội đồng riêng dành cho phim tham dự các LHP quốc tế thì song song vẫn phải có sự cho phép của cơ quan chức năng. Trong khi Luật Điện ảnh thì chỉ có một...”, bà Nhã khẳng định.

Về một số phim độc lập được “tung hô” khi đến các LHP quốc tế nhưng lại không thuận lợi ở trong nước, biên kịch Trịnh Thanh Nhã thẳng thắn, sự “tung hô” đó nhiều khi không nói lên giá trị nhân bản của phim. Một số LHP có thể ưa chuộng góc nhìn lạ, nhưng góc lạ đó lại không đảm bảo về mặt chính trị đối với dòng chảy văn hóa trong nước. Mỗi quốc gia đều có những nguyên tắc chính trị mà người làm phim được phép hoặc không được phép. Bởi thế, có phim có thể chiều chuộng được sự thích thú của một vài LHP nhưng lại phạm luật như bôi nhọ hình ảnh phụ nữ Việt Nam, hình ảnh người Việt, hoặc mang lại cảm giác về sự bế tắc, không đường thoát...

PGS.TS Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh VN cũng cho rằng, cần có những đánh giá thận trọng đối với một số phim độc lập được giải thưởng quốc tế nhưng không được ghi nhận ở trong nước. Bởi có những phim không đại diện cho gì cả, chỉ đại diện cho tác giả. Theo PGS Trần Luân Kim, “gu” của một số LHP ở nước ngoài là thích những cái lạ, mới. Bởi vậy, nếu căn cứ các giải thưởng đó để đánh giá thì không đúng, hoặc không đủ.

Cũng liên quan đến vấn đề phim Việt tham dự LHP nước ngoài, một chuyên gia gạo cội (đề nghị không nêu tên) cho biết, phía sau không ít bộ phim được giải tại các LHP quốc tế, thường có những tác động, thậm chí là sự khuyến khích của các quỹ. Đa số các Quỹ nước ngoài khi họ bỏ tiền ra thì họ cũng ra đề bài phải làm phim theo hướng này, hướng kia. Cũng theo chuyên gia này, không ít các quỹ “định hướng” cho các nhà làm phim khai thác các góc tối, góc khuất, thậm chí đi ngược lại lợi ích của quốc gia, dân tộc. Và ở trong nước hiện nay cũng đã xuất hiện một số người nhân danh là đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất để chuyên “săn” các quỹ này về cho các nhà làm phim độc lập, những người không có khả năng thu hút tài chính để làm phim của mình. Sau đó lách luật để được công nhận là phim Việt, tránh kiểm duyệt và gửi đi dự các Liên hoan phim một cách bất hợp pháp khi chưa được cấp giấy phép phổ biến phim tại Việt Nam. Điều này đã mang lại những hậu quả xấu đối với khán giả quốc tế. Trong một số hội thảo gần đây trên mạng, một số giám tuyển liên hoan phim quốc tế mắc sai lầm nghiêm trọng khi cho rằng Ròm Vị mang đậm đà bản sắc truyền thống của Việt Nam (?!). Chúng ta cởi mở, khuyến khích mọi chân trời sáng tạo, nhưng sự sáng tạo đó phải hướng tới chân - thiện - mỹ, kiên quyết nói không với những tác phẩm hạ thấp nhân phẩm, con người Việt Nam; những quan điểm sai trái, đi ngược lại lợi ích dân tộc. 

Phía sau không ít bộ phim được giải tại các LHP quốc tế, thường có những tác động, thậm chí là sự khuyến khích của các quỹ. Đa số các Quỹ nước ngoài khi họ bỏ tiền ra thì họ cũng ra đề bài phải làm phim theo hướng này, hướng kia. Cũng theo chuyên gia này, không ít các quỹ “định hướng” cho các nhà làm phim khai thác các góc tối, góc khuất, thậm chí đi ngược lại lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Và ở trong nước hiện nay cũng đã xuất hiện một số người nhân danh là đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất để chuyên “săn” các quỹ này về cho các nhà làm phim độc lập, những người không có khả năng thu hút tài chính để làm phim của mình. Sau đó lách luật để được công nhận là phim Việt, tránh kiểm duyệt và gửi đi dự các Liên hoan phim một cách bất hợp pháp khi chưa được cấp giấy phép phổ biến phim tại Việt Nam.

Điều này đã mang lại những hậu quả xấu đối với khán giả quốc tế. Trong một số hội thảo gần đây trên mạng, một số giám tuyển liên hoan phim quốc tế mắc sai lầm nghiêm trọng khi cho rằng Ròm Vị mang đậm đà bản sắc truyền thống của Việt Nam (?!). Chúng ta cởi mở, khuyến khích mọi chân trời sáng tạo, nhưng sự sáng tạo đó phải hướng tới chân - thiện - mỹ, kiên quyết nói không với những tác phẩm hạ thấp nhân phẩm, con người Việt Nam; những quan điểm sai trái, đi ngược lại lợi ích dân tộc.

(Một chuyên gia điện ảnh)

 

BẢO ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top