Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Những lát cắt khốc liệt và đầy hy vọng

Thứ Hai 04/10/2021 | 09:58 GMT+7

VHO- Dòng phim tài liệu vốn được cho là khô khan, kén người xem thế nhưng những bộ phim tài liệu trong mùa dịch bệnh này thì lại khác. Khi các thước phim xúc động về đội quân áo trắng, áo xanh, về những hoàn cảnh, số phận con người nơi tâm dịch… được phơi bày đã chạm đến cảm xúc của nhiều người xem.

 Những hình ảnh xúc động trong loạt phim “HTV từ tâm dịch”

 Vừa qua, VTV1 đã ra mắt bộ phim tài liệu Ranh giới kể về những khoảnh khắc giành giật sự sống cho các thai phụ ở Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM). Có lẽ, đây là lần đầu tiên người xem được chứng kiến công tác điều trị cho người mắc Covid-19, đặc biệt hơn khi những bệnh nhân đó là thai phụ - người mang trong mình 2 mạng sống. Ranh giới đã lột tả bức tranh trần trụi nhất ở lằn ranh giữa sự sống và cái chết. Những thước phim đẩy người xem đến tận cùng của cảm xúc, khi một sản phụ không thể bấm và nhớ nổi số điện thoại của người thân. Trước khi đặt nội khí quản được bác sĩ đưa điện thoại để nói chuyện với chồng mình, chị chỉ biết nói: “Em sợ lắm!… Em run lắm anh ơi!… Cho em được gặp con!…”, những câu nói không đầu không cuối đầy ám ảnh đã khiến người xem rơi nước mắt. Cảm giác sợ hãi chưa bao giờ thật đến thế, tưởng như có thể sờ nắm được, để rồi chúng ta thấy mình thật may mắn khi vẫn còn ở đây để ngồi xem những thước phim này.

Hay câu chuyện từ Bệnh viện dã chiến số 6 được kể ở loạt phim tài liệu HTV từ tâm dịch. Giữa tháng 7.2021, hơn 300 nhân viên y tế, hậu cần và tình nguyện viên tại TP.HCM chạy đua với thời gian để kịp thời cải tạo một chung cư bỏ hoang nhiều năm thành bệnh viện dã chiến. Lịch sử ngành y TP.HCM đã ghi nhận sáng kiến đặc biệt: Bác sĩ ứng dụng “dụng cụ thở oxy của cá” để cấp cứu kịp thời cho hàng trăm bệnh nhân cùng lúc; bệnh nhân 82 tuổi liệt người, phải chạy thận, đặt stent… nhưng vẫn chiến thắng Covid-19 và hàng ngàn bệnh nhân khác đã được điều trị khỏi bệnh, đó là câu chuyện của tập 1 mang tên Dã chiến.

May mắn thay, bộ phim Ranh giới không chỉ có những căng thẳng và nỗi đau tột cùng liên tiếp, mà ở đó còn có rất nhiều khoảnh khắc yêu thương ngọt ngào và những niềm vui, niềm hy vọng... Hình ảnh cặp song sinh chào đời trong hoàn cảnh đầy khắc nghiệt cũng chính là thông điệp của bộ phim. Giữa “trận chiến” hủy diệt và hồi sinh, các bác sĩ, thai phụ và cả em bé đều là những anh hùng. Cuối phim, con số thống kê cũng khiến người xem nhẹ lòng hơn: Từ 30.5 đến 1.9, Bệnh viện Hùng Vương tiếp nhận 861 sản phụ bị F0, trong đó 804 ca mẹ tròn con vuông và 5 ca thiếu may mắn đã tử vong.

Sau bộ phim tài liệu Ranh giới gây tiếng vang, phần tiếp theo của phim Ngày con chào đời một lần nữa đưa người xem đến rất gần với sự tàn khốc của dịch bệnh, một lần nữa đưa khán giả đến thật gần, thật rõ sự tàn khốc của Covid-19, thế nhưng vẫn lóe lên tia sáng của tình yêu thương để nuôi dưỡng những mầm hy vọng. Đó là hình ảnh những em bé được “mẹ bỉm” tại trung tâm H.O.P.E chăm sóc chu đáo, hay cuộc sống của những gia đình đón niềm vui trọn vẹn sau khi trở về từ bệnh viện và hứa hẹn sau khi hết dịch các con sẽ cùng được đưa đi chơi.

Hay ở tập Ngày về trong loạt phim tài liệu HTV từ tâm dịch, những lát cắt đời sống dần mở ra và nhiều tia hy vọng đã được thắp lên. Ngay tâm dịch dã chiến, nhiều gia đình gần như thất lạc nhau, thế nhưng bằng sợi dây tình cảm thiêng liêng, cặp vợ chồng gần 70 tuổi (quận 4) đã tìm thấy nhau nhờ sự giúp đỡ, kết nối của đội ngũ tuyến đầu. Hay câu chuyện nữ bệnh nhân 68 tuổi vượt qua Covid-19 và chọn ở lại làm tình nguyện viên để góp sức mình vào công cuộc chiến đấu với “giặc” Covid-19. Cụ bà được nhận làm việc có lương với những công việc phù hợp như: Giúp bệnh nhân cao tuổi ăn uống, quét dọn vệ sinh sân bệnh viện, nhắc nhở mọi người giữ gìn vệ sinh chung…

Những bộ phim tài liệu về cuộc chiến chống dịch bệnh phát sóng vừa qua không chỉ cho thấy diễn biến khó lường của dịch bệnh, những hậu quả thật sự nặng nề mà nó để lại, mà qua đó người xem còn cảm nhận được tình người trong gian khó, để rồi lạc quan hơn, yêu đời hơn và hướng tới một ngày mai tươi sáng. Chính vì lẽ đó mà dòng phim xưa nay vốn kén khán giả, thì trong thời dịch bệnh này lại lấy đi nhiều nước mắt của người xem nhưng vẫn chứa đựng sự ấm áp, nhân văn. 

HỒNG HẠNH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top