Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Khám phá Langbiang - Khu dự trữ sinh quyển đầu tiên tại Tây Nguyên

Thứ Tư 29/09/2021 | 11:01 GMT+7

VHO- Với diện tích 275.439ha, Langbiang nằm ở phía bắc tỉnh Lâm Đồng, bao gồm một vùng rừng nguyên sinh rộng lớn với vùng lõi là Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà.

Kham pha Langbiang - Khu du tru sinh quyen dau tien tai Tay Nguyen hinh anh 1

Loài vượn đặc hữu ở Khu dự trữ sinh quyển Langbiang. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

Là khu dự trữ sinh quyển thứ 9 được UNESCO công nhận tại Việt Nam, khu dự trữ sinh quyển Langbiang thực sự là điểm đến hấp dẫn, đặc biệt với những ai yêu thích thiên nhiên.

Đa dạng sinh học

Ngày 9.6.2015, tại Kỳ họp lần thứ 27 Hội đồng Điều phối quốc tế chương trình Con người và Sinh quyển của UNESCO, Langbiang được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, trở thành khu dự trữ sinh quyển đầu tiên ở Tây Nguyên, Việt Nam.

Với diện tích 275.439ha, Langbiang nằm ở phía bắc tỉnh Lâm Đồng, bao gồm một vùng rừng nguyên sinh rộng lớn với vùng lõi là Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà, được đánh giá là một trong bốn trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam.

Với đặc trưng là sự phong phú về thảm thực vật, trong độ cao từ 650m-2.300m, Langbiang có hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, bao gồm các hệ sinh thái trên cạn và hệ sinh thái thủy sinh. Các sinh cảnh rừng tại đây vẫn còn có cấu trúc 3 tầng rừng, chứa đựng đầy đủ các sinh cảnh rừng tự nhiên, là nơi cư trú, kiếm ăn của động vật hoang dã.

Ngoài ra, sự đa dạng về sinh cảnh tự nhiên với các loại rừng hỗn giao gỗ-lồ ô, rừng cây bụi, trảng cỏ đã góp phần tạo nên sự phong phú các loài bò sát, ếch nhái, côn trùng và các loài thực vật. Các sinh cảnh đất ngập nước như hồ, sông, suối xen kẽ với rừng vừa tạo cảnh quan đẹp, tạo sự chuyển tiếp các hệ sinh thái, đồng thời là nơi phân bố của các loài cá và các sinh vật thủy sinh khác.

Nhờ hệ sinh thái phong phú, Khu dự trữ sinh quyển Langbiang là nơi cư trú của 1.940 loài thực vật. Những loài đặc biệt quý hiếm có thể kể đến là thông hai lá dẹt (duy nhất trên thế giới chỉ có ở Bidoup-Núi Bà), pơmu, thông đỏ, thông 5 lá Ðà Lạt.

Riêng họ lan có 297 loài, biến Langbiang trở thành thủ phủ hoa lan của Việt Nam. Về động vật, tổng cộng có 89 loài thú, 247 loài chim, 46 loài bò sát, 46 loài lưỡng cư, 30 loài cá và 335 loài côn trùng được ghi nhận tại Khu dự trữ sinh quyển Langbiang.

Các giá trị đa dạng sinh học nổi bật tại đây rất quan trọng và mang tính toàn cầu. Các nhà khoa học đã ghi nhận khu vực này có 153 loài động thực vật nằm trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) và 154 loài có tên trong Danh lục Đỏ IUCN (2010).

Trong số đó có 5 loài có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu như hổ Đông Dương, voọc đen, vượn đen má vàng, bò rừng bizon Ấn Độ và khỉ lá vàng Đông Dương. Cơ quan bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF) cũng đã xác định nơi đây là khu vực ưu tiên bảo tồn số 1 (Khu vực SA3) trong Chương trình bảo tồn các dãy núi chính Nam Trường Sơn của Việt Nam.

Khu dự trữ sinh quyển Langbiang cũng là nơi nuôi dưỡng Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, đã được đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể của UNESCO.

Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng và chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là cư dân các dân tộc Tây Nguyên như Bana, Xêđăng, Mnông, K’ho, Rơmăm, Êđê, Giarai...

Nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững

Theo tỉnh Lâm Đồng, việc UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang vừa là cơ hội nhưng cũng vừa là thách thức đối với tỉnh nói riêng và chính phủ Việt Nam nói chung trong việc duy trì các chức năng của một khu dự trữ sinh quyển mang tầm thế giới.

Kham pha Langbiang - Khu du tru sinh quyen dau tien tai Tay Nguyen hinh anh 2

Khu dự trữ sinh quyển Langbiang. (Nguồn: baolamdong.vn)

Các cơ quan chức năng có trách nhiệm phải thực hiện nghiêm túc cam kết quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học, phải có giải pháp đồng bộ hơn, khoa học hơn và triệt để hơn nhằm tìm giải pháp thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Mặt khác, cũng cần có giải pháp chiến lược và khoa học hơn trong phát triển bền vững trên cơ sở 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường. Ở Khu dự trữ sinh quyển Langbiang, mật độ dân cư và hoạt động sản xuất nông nghiệp cao hơn trung bình của tỉnh, do đó cách ứng xử của mỗi người dân qua mọi hoạt động sản xuất và đời sống có tác động trực tiếp đến tài nguyên thiên nhiên nơi đây

Để quản lý và bảo vệ tốt hệ sinh thái đa dạng của Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên tại miền đất Tây Nguyên, tỉnh Lâm Đồng đã thành lập Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang; tăng cường các hoạt động truyền thông, triển khai nghiên cứu khoa học và bảo tồn đa dạng sinh học; tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý và bảo tồn.

Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang ưu tiên đảm bảo hài hòa giữa con người và sinh quyển, cảnh quan thiên nhiên; chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của những tộc người bản địa còn sinh sống bên trong khu bảo tồn; đảm bảo sự phát triển của con người, xã hội cùng với việc bảo tồn sự đa dạng sinh học.

TTXVN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top