Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Phim truyền hình Việt: Vai phụ tỏa sáng

Thứ Hai 27/09/2021 | 11:20 GMT+7

VHO- Năm 2021 tiếp tục là một năm thành công của các bộ phim truyền hình Việt, khi ngày càng có nhiều tác phẩm “làm mưa làm gió” trên màn ảnh nhỏ cũng như tạo được sức nóng trên mạng xã hội. Bên cạnh các nhân vật chính được yêu mến, có không ít nhân vật phụ trong phim cũng chiếm spotlight, mang tới màu sắc thú vị cho câu chuyện phim và được khán giả mong chờ mỗi khi họ xuất hiện.

Được yêu như vai chính

Đi gần nửa đoạn đường, câu chuyện của những bạn trẻ sống tại khu nhà trọ trong bộ phim 11 tháng 5 ngày của đạo diễn Lê Đỗ Ngọc Linh và Nguyễn Đức Hiếu đang được khán giả quan tâm, yêu thích, bởi tính giải trí và những thông điệp đầy ý nghĩa dành cho lớp trẻ thế hệ mới. Dù không là diễn viên chính trong phim, thế nhưng nhờ diễn xuất của mình, nhân vật Long “đần” do Trung Ruồi thủ vai, nhanh chóng chinh phục người xem, đưa khán giả trải qua nhiều cung bậc cảm xúc thú vị.

 Vai Long đần trong phim “11 tháng 5 ngày” được đánh giá là một cú lột xác của diễn viên Trung Ruồi.

Từng góp vai nhỏ trong các bộ phim Những người nhiều chuyện, Những nhân viên gương mẫu…, Trung Ruồi ghi dấu ấn bởi nét diễn duyên dáng, hài hước trong từng khung hình. Theo dõi 11 tháng 5 ngày, khán giả nhận ra một Trung Ruồi tuy thân quen nhưng có nhiều mới lạ. Suốt chặng đường đã qua của bộ phim, nhân vật Long “đần” luôn ăm ắp sự thật thà, giản dị, ngô ngố đã làm nên “thương hiệu” của Trung Ruồi. Tuy nhiên, nếu so sánh với những vai mà nam diễn viên sinh năm 1993 từng thể hiện, thì lần này nhân vật của anh đã được chau chuốt về đời sống nội tâm. Không chỉ dừng lại ở mức độ là nhân vật phụ gây cười hay giữ vai trò “thêm mắm, thêm muối” cho phim, với 11 tháng 5 ngày Trung Ruồi có lối diễn xuất rõ ràng, rành mạch và lôi cuốn hơn hẳn. Điều này thể hiện rõ nét nhất là từ phân đoạn tỏ tình với Thục Anh không thành...

Có ý kiến cho rằng, vai Long “đần” giống như một cú “lột xác” của Trung Ruồi. Bởi nếu như trước đây, anh để lại ấn tượng qua những video hài hước trên mạng xã hội thì tới giờ anh chàng lại lấy đi nước mắt của khán giả ở những phân cảnh xúc động, sâu sắc. Tuy nhiên, để có những cảnh quay giàu cảm xúc trên phim, Trung Ruồi đã phải trải qua không ít khó khăn, thậm chí dở khóc dở cười. Nói về vai diễn của mình, nam diễn viên chia sẻ: “Để thay đổi và tìm được tiếng nói chung giữa Trung Ruồi và Long “đần” tôi đã phải cố gắng không ngừng nghỉ cũng như tiếp thu rất nhiều sự chỉ bảo, giúp đỡ của đạo diễn và cả ê kíp. So với các diễn viên khác trong đoàn, tôi thường mất nhiều thời gian hơn để nhập tâm vào những phân đoạn mô tả tâm lý nhân vật. Nhưng tôi tin rằng qua kinh nghiệm từ bộ phim này thì những phân đoạn như vậy sẽ không làm khó mình nhiều nữa. Thật may mắn khi được giao vai diễn như Long “đần” để tôi có thể tự tìm được chìa khóa cho bản thân”.

Tín hiệu đáng mừng

Bên cạnh câu chuyện của Trung Ruồi, thời gian gần đây dàn diễn viên phụ trong những bộ phim giờ vàng của VTV cũng đang tạo được sức hút riêng. Trên diễn đàn các trang mạng xã hội, độ hot của những diễn viên này không hề kém cạnh so với các vai chính. Có thể kể đến Duy Nam khi hóa thân vào chàng shipper vui tính, láu táu nhưng lại có tài cưa gái cực hài trong Ngày mai bình yên; Phước do Hoàng Phi thủ vai trong Cây táo nở hoa luôn mang lại tiếng cười thoải mái cho khán giả; bà Bích, một người phụ nữ là trung tâm của mọi bức xúc, khó chịu và tưng tửng trong Hương vị tình thân do nghệ sĩ Tú Oanh đảm nhận, cũng không thể vắng mặt trong danh sách này... Dù chỉ là vai phụ, thế nhưng họ đã dồn tất cả tâm huyết để chăm chút cho nhân vật của mình trở nên sống động, có chỗ đứng riêng và góp phần quan trọng làm nên sự thành công của bộ phim.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: “Tôi nghĩ thực ra khái niệm nhân vật phụ đang được nhìn nhận đúng đắn hơn trong góc nhìn của các nhà làm phim. Nhân vật phụ không còn ở trạng thái “có cũng được, không có cũng không sao” nữa rồi”.

Đây rõ ràng là một tín hiệu lạc quan, nhiều tích cực, bởi điều này cho thấy câu chuyện diễn viên phụ là những người “nổi hình chưa một lần nổi tiếng” đang dần lui về quá khứ. Hay cách xây dựng nhân vật theo quan điểm "điển hình hóa" cũng đang được thay đổi. Người xem đã "tìm thấy mình" trong những hình tượng nhân vật dung dị, gần gũi đời thườngở chính những nhân vật phụ trong phim. Cách làm này khiến câu chuyện phim dễ tin hơn, thuyết phục hơn. Đồng tình với quan điểm này, Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng: “Tôi nghĩ thực ra khái niệm nhân vật phụ đang được nhìn nhận đúng đắn hơn trong góc nhìn của các nhà làm phim. Nhân vật phụ không còn ở trạng thái “có cũng được, không có cũng không sao” nữa rồi”.

Có một thời kỳ, trong vài trường hợp… các tác giả phim (mà trước hết là các biên kịch) coi nhân vật phụ chỉ cần làm nền cho cụm nhân vật chính hoạt động cho “có vẻ tự nhiên” là đủ. Nhưng trong nguyên tắc nghiệp vụ xây dựng hệ thống nhân vật, khái niệm “nhân vật phụ” không đồng nghĩa với “nền”, mà có nội hàm sâu rộng hơn nhiều. Nhân vật phụ hiện diện có nhiệm vụ chính là để “gây chuyện” khiến các nhân vật chính phải đối phó nhiều chiều. Trong một số trường hợp, khái niệm “nhân vật phụ” đã bị lẫn lộn với khái niệm “nhân vật chạy cờ” của sân khấu. Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã bày tỏ: “Ngày nay, do xu thế hoà nhập với thế giới, trong đó giới làm phim đang thực hiện các bộ phim “làm lại” từ các bộ kịch bản đã có tiếng vang của các nước khác, thì các biên kịch cũng đã dần đi vào quỹ đạo chung của nguyên tắc xây dựng hệ thống nhân vật mang tính chuẩn mực này. Với những nhiệm vụ cụ thể mà từng nhân vật lãnh nhiệm trong quá trình đi đến đích cuối cùng của thông điệp phim, các nhân vật phụ trở nên mạch lạc hơn, có khí sắc hơn, và được khắc hoạ cẩn trọng bình đẳng với các nhân vật chính. Nói cách khác, khi tính chủ quan và hời hợt của các bộ kịch bản được khắc phục, thì các diễn biến tâm lý và hành động kịch của nhân vật phụ cũng được khắc hoạ sắc nét và quan tâm xứng đáng hơn”.

Nói như vậy không có nghĩa là những bộ phim truyền hình dài tập trước đây (khoảng từ 2010 trở lại) không có những phim có hệ thống nhân vật hoàn hảo. Nhưng thành tựu này quá ít nên cái nhạt nhoà trùm lấp lên, khiến khán giả có ấn tượng về những câu chuyện phim nhạt nhẽo, có phần giả tạo, lên gân. Trong thực tế, nhân vật dù chính hay phụ có khí sắc hay không trước hết phụ thuộc vào nghệ thuật xây dựng hệ thống nhân vật của kịch bản. Khi một diễn viên được đặt vào vai của một nhân vật có khí sắc, và hiểu rõ nhân vật ấy thì họ nhất định sẽ có diễn xuất tốt cũng như để lại ấn tượng mạnh trong khán giả. Nói cách khác có một kịch bản tốt với hệ thống nhân vật hoàn hảo, có một đạo diễn thấu hiểu kịch bản và chọn diễn viên đúng cho từng vai diễn thì bộ phim chắc chắn thành công.

 THANH VÂN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top