Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Hoạt động từ thiện và văn hóa ứng xử của nghệ sĩ (Bài 2): Làm sao hoạt động từ thiện của cá nhân được minh bạch?

Thứ Tư 22/09/2021 | 10:52 GMT+7

VHO- Có thể khẳng định, sự tham gia vận động kêu gọi từ thiện của những nghệ sĩ nổi tiếng đã mang lại hiệu quả rõ rệt, không chỉ là giá trị vật chất mà còn lan tỏa tinh thần đùm bọc, yêu thương, hỗ trợ người khó khăn tới mọi người dân.

 Hội Chữ Thập đỏ VN tổ chức cứu trợ vùng ngập lụt

Phân tích về mặt mạnh khi người nổi tiếng, các nghệ sĩ tham gia từ thiện, ông Trần Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thừa nhận, cách kêu gọi của họ thu hút hơn, cảm xúc hơn và hơn nữa họ tận dụng ưu thế về công nghệ, mạng xã hội, thông qua lượng fan lớn và lan tỏa một cách nhanh chóng. Cách cứu trợ của các cá nhân bao giờ cũng nhanh hơn các đơn vị, tổ chức, kể cả đơn vị chuyên nghiệp như Hội Chữ thập đỏ, vì họ được chủ động quyết định, không cần bình xét, không cần kế hoạch...

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nếu các hoạt động từ thiện tự phát không có quy trình, kế hoạch, kỹ năng và thực hiện theo cảm hứng thì sớm hay muộn cũng phát sinh những hệ lụy. Không chỉ một số nghệ sĩ mà báo chí mới đề cập trong thời gian gần đây mà trước đó đã có nghệ sĩ phải đối mặt với sự xì xào của dư luận. Với cách thức kêu gọi và phân bổ từ nguồn lực như trên rất có thể dẫn tới việc không minh bạch, thậm chí vi phạm và có thể là cơ hội cho một số người vô tình, hoặc cố tình lợi dụng để xuyên tạc theo mục đích của họ.

Người dân không bằng lòng một vài nghệ sĩ khi qua bão lũ rồi mới đi cứu trợ, bởi tâm lý của người dân là muốn cứu trợ khẩn cấp tại thời điểm đó. Nhưng thực tế, theo ông Hùng, trong cứu trợ thì có nhiều giai đoạn gồm phòng ngừa (như chằng chống nhà cửa, diễn tập, tập huấn… cho người dân về biến đổi khí hậu, ứng phó, khi có thiên tai thì có kỹ năng an toàn); Giai đoạn cứu trợ khẩn cấp, trong quy trình chuẩn là hỗ trợ các gói hàng thiết yếu với nước uống là quan trọng nhất, sau đó là thực phẩm, chỗ ở an toàn, hỗ trợ y tế. Điều này không phải ai làm từ thiện cũng biết. Sau cứu trợ là giai đoạn phục hồi sinh kế, nhà cửa; tiếp theo tái thiết (điện, đường, trường, trạm…) và giai đoạn thứ năm là giảm nhẹ, diễn tập, chuẩn bị tâm thế cho người dân về các thảm họa có thể xảy ra để thích ứng với cuộc sống. Có chuyện người phát từ thiện lên án và từ chối phát quà từ thiện cho những người sơn móng tay, hoặc béo mập…, nhưng họ không biết rằng, có rất nhiều gia đình trước đó khá giả, chỉ cần một cơn lũ ập đến là họ không còn gì. Do đó, nếu các nghệ sĩ, cá nhân kết hợp với Hội Chữ thập đỏ, có thể sẽ không xảy ra những chuyện ồn ào không đáng có.

Bài toán đặt ra là làm sao giải quyết được hai vấn đề là xã hội hóa và huy động được mọi tầng lớp xã hội tham gia, nhưng phải tránh được hạn chế là cứu trợ không đúng lúc, đúng chỗ dẫn đến lan tràn, chồng chéo, lộn xộn và khó khăn về việc báo cáo, giải trình. Nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cá nhân và cơ quan hoạt động từ thiện chuyên nghiệp chắc chắn sẽ tập trung được nguồn lực và việc cứu trợ sẽ hiệu quả hơn.

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho rằng, theo các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động từ thiện tại Nghị định số 64/2008/NĐ-CP, việc vận động, kêu gọi, cứu trợ tự phát của các cá nhân là không vi phạm pháp luật.

“Tuy nhiên, ngay tại trong Điều 4 của Nghị định này cũng quy định chỉ có 4 tổ chức chính thống được kêu gọi vận động ủng hộ là MTTQ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các quỹ xã hội từ thiện được cấp phép, và thứ 4 là các cơ quan thông tin đại chúng (báo đài). Do đó, có thể hiểu là Nhà nước khuyến khích mọi tổ chức cá nhân tham gia hoạt động từ thiện, tăng nguồn lực, nhưng cũng quy định rõ các đầu mối vận động, tập hợp nguồn lực hỗ trợ. Và các tổ chức, cá nhân khi kêu gọi ủng hộ phải thông qua các tổ chức này để thực hiện điều phối tổ chức hoạt động từ thiện. Với các quy định hiện nay, việc cá nhân thực hiện từ thiện tự phát là không sai. Nếu các cơ quan công an, kiểm toán vào cuộc mà phát hiện có hiện tượng vi phạm pháp luật thì sẽ chịu các khung hình phạt của Bộ luật Hình sự với tội Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản tiền của công dân”, ông Hùng nói.

Hiện Bộ Tài chính được giao chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 64/2008/ NĐ-CP. Hiện các cơ quan đã có những đóng góp ý kiến để xây dựng Dự thảo. Lý giải vì sao không để cho mọi cá nhân, đơn vị, tổ chức được tự do đứng ra kêu gọi, vận động và phân bổ nguồn lực, ông Hùng cho rằng, nếu tư duy như thế sẽ xảy ra tình trạng “trăm hoa đua nở”, không kiểm soát được, không điều phối được, nguồn lực không tập trung thì rất lãng phí, chỗ có chỗ không, chỗ tiện đường thì đến… Hội nào uy tín thì huy động được nhiều, hội nào nhỏ hơn huy động được ít thì thành cạnh tranh lẫn nhau… “Dự thảo Nghị định 64 sửa đổi có đề cập về việc cá nhân được phép vận động, tuy nhiên cần phối hợp với các đơn vị hoặc chính quyền địa phương, làm rõ được vận động cái gì, thời gian bao lâu, cho địa bàn nào… Do đó, trong các hoạt động thiện nguyện thì người nghệ sĩ, cá nhân nên phối hợp với chính quyền địa phương, MTTQ, đặc biệt là Hội Chữ thập đỏ vì đây là những cơ quan chuyên nghiệp, có hệ thống và cung cấp cho các tài liệu, danh sách, được thực hiện theo quy trình, đối tượng bị thiệt hại ra sao, ai ít, ai nhiều”, ông Trần Quốc Hùng nêu.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp, cùng với đó là mùa mưa bão đang đến gần nên Nghị định 64/2008/NĐ-CP cần nhanh chóng được sửa đổi để hoạt động từ thiện mang đúng ý nghĩa. Đồng thời, các cơ quan công an, kiểm toán cũng cần vào cuộc để làm rõ vấn đề dư luận quan tâm, minh oan cho các cá nhân nghệ sĩ nếu không họ không có chứng cứ vi phạm; xây dựng lòng tin cho người dân trong khi gửi gắm, ủng hộ tiền, tài sản qua các cá nhân để chia sẻ khó khăn với người dân. 

 Không nên để lùm xùm kéo dài...

Mỗi cá nhân nghệ sĩ đều có sự ảnh hưởng nhất định đến cộng đồng nên việc họ kêu gọi, vận động từ thiện một cách bột phát hay thật sự đều tốt và khuyến khích trong khi điều kiện của Nhà nước và xã hội còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cần phải tăng cường vai trò quản lý Nhà nước một cách chặt chẽ hơn để không xảy ra những lùm xùm dư luận như vừa qua, làm tổn thương cả người thực hiện từ thiện cũng như người đóng góp.

Cơ quan Nhà nước cũng phải xác định rõ đây là trách nhiệm của mình để quản lý, giám sát, đánh giá, và hỗ trợ họ tham gia thực hiện tốt hơn. Khi nguồn lực của cộng đồng quá lớn dễ dẫn đến sự thay đổi mục tiêu hoặc ý định tốt đẹp ban đầu là hoàn toàn có thể xảy ra và nảy sinh những dư luận không đáng có. Nếu có dư luận thì cơ quan nhà nước cần vào cuộc, giải quyết nhanh, không nên để kéo dài. Nếu phát hiện vi phạm thì cần phải xử lý một cách nghiêm khắc. Người nào lợi dụng, lạm dụng lòng tốt của người khác trong lúc khó khăn là một tội rất lớn, không thể nào tha thứ. Hoặc người nào cố tình vu khống, lợi dụng các diễn đàn để ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người làm từ thiện cũng cần xử lý.

Tôi cũng muốn gửi thông điệp, khi tham gia hoạt động từ thiện, mỗi cá nhân nên gắn với một tổ chức có uy tín, có trách nhiệm vì khi hoạt động cộng đồng cũng không cần phải thể hiện cá nhân mình làm gì. Và chỉ có làm như thế mới có thể kiểm soát được nguồn lực của xã hội.

Ông HOÀNG VĂN TIẾN, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (Bộ LĐ,TB&XH)

 

 Dư luận thời gian qua thì băn khoăn về việc làm từ thiện của một số nghệ sĩ, đó là quyền được yêu cầu công khai minh bạch của những người đã ủng hộ. Tuy nhiên kết quả thế nào thì phải có xác minh, làm rõ của cơ quan chức năng. Về vấn đề này, nội dung dự thảo của Bộ Tài chính theo hướng khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức làm từ thiện. Tuy nhiên dự thảo cũng quy định các điều kiện bắt buộc của tổ chức, cá nhân khi đứng ra vận động, phân bổ phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền; đăng ký mở tài khoản vận động; phối hợp với địa phương để hỗ trợ các đối tượng đảm bảo đúng đối tượng, cân đối giữa các khu vực bị ảnh hưởng; thực hiện đúng thời gian vận động và triển khai hỗ trợ...

(Bà TRƯƠNG THỊ NGỌC ÁNH, Phó Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam)

 

 

Trong các hoạt động thiện nguyện thì người nghệ sĩ, cá nhân nên phối hợp với chính quyền địa phương, MTTQ, đặc biệt là Hội Chữ thập đỏ vì đây là những cơ quan chuyên nghiệp, có hệ thống và cung cấp cho các tài liệu, danh sách, được thực hiện theo quy trình, đối tượng bị thiệt hại ra sao, ai ít, ai nhiều.

(Ông TRẦN QUỐC HÙNG, Phó Chủ tịch TƯ Hội Chữ thập đỏ VN)

 QUỲNH HOA

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top