Những định hướng lớn cho một chặng đường xa

VHO- Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu đầy ấn tượng về những vấn đề “đại sự” của quốc gia. Riêng trong lĩnh vực văn hóa, chỉ qua một đoạn phát biểu ngắn, Tổng Bí thư đã “điểm huyệt” những vấn đề căn cốt nhất trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người.

Những định hướng lớn cho một chặng đường xa - Anh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ, ảnh: NHẬT BẮC

Trước hết, nói về tầm quan trọng, vị trí và vai trò của văn hóa, Tổng Bí thư một lần nữa khẳng định: “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội”. Nếu kinh tế là nền tảng vật chất của sự vận động và phát triển của xã hội loài người, thì văn hóa là nền tảng tinh thần của sự vận động và phát triển đó. Văn hóa với những  định chế nằm sâu trong cấu trúc tinh thần của mỗi cộng đồng có khả năng quy định chiều hướng vận động, sự phát triển của xã hội. Văn hóa là cơ sở mà trên đó các nhân tố khác của đời sống xã hội được triển khai trong sự chi phối của nó. Từ đó mà có văn hóa chính trị, văn hóa kinh tế, văn hóa xã hội, văn hóa giáo dục, văn hóa luật pháp, văn hóa tôn giáo… Nói tóm lại, văn hóa vừa là tiền đề, điều kiện, vừa là mục đích, động lực phát triển của con người và xã hội. Tổ chức UNESCO cũng luôn khẳng định: văn hoá phải đứng ở vị trí trung tâm của sự phát  triển, sự phát triển phải được khởi đầu và truyền bá bởi văn hoá, vì văn hoá giữ vai trò định hướng, điều tiết xã hội bằng những mục tiêu nhân văn, bằng hệ thống các giá trị, chuẩn mực  của mình.

Về định hướng lớn cho lĩnh vực văn hóa trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tổng Bí thư chỉ đạo: “Phát triển văn hóa phải đồng bộ, tương xứng với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội”. Điều này thể hiện rất rõ tính chất nhân văn của “định hướng xã hội chủ nghĩa” trong nền kinh tế thị trường ở nước ta và cũng là tiền đề để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội. Chúng ta không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao mới chăm lo phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Chúng ta không thể xem nhẹ văn hóa và "hy sinh" tiến bộ, công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang tích cực thực hiện chủ trương “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” như Nghị quyết số 33 của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI đã đề ra. Trên phương diện khác, văn hóa hiện nay cũng đang dần khẳng định những tiềm năng, thế mạnh của mình trong nền kinh tế, các ngành công nghiệp văn hóa ngày càng phát triển, đóng góp thiết thực vào tăng trưởng GDP, đồng thời đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân.

Những định hướng lớn cho một chặng đường xa - Anh 2

Ảnh minh họa

 Tổng Bí thư cũng tiếp tục xác định mục tiêu tổng quát của sự nghiệp phát triển văn hóa là “xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Tinh thần dân tộc vốn là giá trị hằng xuyên của văn hóa Việt Nam, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt lịch sử đất nước, giúp chúng ta đứng vững và chiến thắng trước bao thế lực ngoại xâm. Nền văn hóa đó luôn thể hiện đậm nét truyền thống văn hiến lâu đời, những đặc trưng văn hóa tốt đẹp, đồng thời cũng là nền văn hóa độc lập, tự chủ, không bị đồng hóa trước văn hóa ngoại lai (“Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu” - Nguyễn Trãi).

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày nay, để nền văn hóa dân tộc không ngừng được làm giàu, bồi bổ, bắt kịp bước tiến của nhân loại và thời đại, việc tăng cường giao lưu, hội nhập với thế giới là rất cần thiết. Cách thức để xây dựng một nền văn hóa vừa tiên tiến, vừa mang đậm bản sắc dân tộc chính là “kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, giàu bản sắc của tất cả các dân tộc trong nước, và tiếp thu những thành tựu, tinh hoa văn hoá nhân loại”. Đây là mối quan hệ mang tính biện chứng sâu sắc: càng đi vào hội nhập quốc tế, chúng ta càng phải củng cố, vun đắp bản sắc văn hóa dân tộc để “hòa nhập mà không hòa tan”, đồng thời có khả năng “dân tộc hóa” những ảnh hưởng tích cực của văn hóa bên ngoài.

Những định hướng lớn cho một chặng đường xa - Anh 3

Chương trình nghệ thuật chào mừng Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam 2021  với chủ đề Văn hóa các dân tộc – Hội tụ và phát triển, ảnh: TRẦN HUẤN

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa văn hóa. Trên mảnh đất hình chữ S hiện có 54 dân tộc anh em cùng chung sống. Mỗi dân tộc có những sắc thái, đặc trưng văn hóa riêng góp phần vào sự đa dạng của bức tranh chung. Tuy nhiên, các nền văn hóa đều hội tụ, đồng thuận ở những giá trị phổ quát, mang tính chung cho quốc gia, tạo nên đặc tính nổi trội của văn hóa Việt Nam là “thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn”.

Tuy vậy, không thể xây dựng một nền văn hóa tốt đẹp nếu không chăm lo xây dựng các chủ thể văn hóa. Bài phát biểu chỉ ra rất rõ “con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển”. Con người chính là nhân tố đầu tiên, then chốt, quyết định trong quá trình phát triển. Xây dựng con người ở đây phải là con người toàn diện về đức - trí - thể - mỹ, “có trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao”. Để xây dựng được những con người như vậy, hai vấn đề phát triển văn hóa và xây dựng con người phải gắn bó mật thiết với nhau. Phát triển văn hóa chính là nhằm hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Tổng Bí thư khẳng định: “Phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới”, và nhiệm vụ của chúng ta là phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người.

Những định hướng lớn cho một chặng đường xa - Anh 4

Ảnh minh họa

Trong công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa, con người, vai trò của các thiết chế văn hóa là rất quan trọng, trong đó có thiết chế gia đình. Gia đình là tế bào của xã hội, tế bào tốt thì xã hội mới tốt. Từ môi trường gia đình tốt mới có những công dân tốt. Vì thế, “xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ làm tế bào lành mạnh, vững chắc của xã hội” là một nhiệm vụ phải được chú trọng. Làm thế nào để gia đình luôn luôn là tổ ẩm, bến đỗ bình yên của mỗi người. Cùng với đó, thực hiện bình đẳng giới, nam nữ bình quyền cũng là một tiêu chí của tiến bộ, văn minh, góp phần xây dựng xã hội công bằng, nhân văn, tốt đẹp. Nhà trường cùng các thiết chế xã hội khác cũng góp phần quan trọng tạo dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trong đó “phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ phải là quốc sách hàng đầu”. Điều đó hoàn toàn xác đáng, bởi “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, đúng như lời Bác Hồ căn dặn.

Muốn đất nước phát triển bền vững, bên cạnh các trụ cột về kinh tế, văn hóa, xã hội, chúng ta không thể không chú trọng đến trụ cột môi trường. Môi trường sinh thái đóng vai trò thiết yếu đảm bảo sự tồn tại sinh học của con người. Văn hóa sinh thái có ý nghĩa quan trọng giúp con người có ý thức bảo vệ hành tinh xanh - ngôi nhà chung của chúng ta để các thế hệ tiếp nối được sống mãi  hạnh phúc trên trái đất này. Do vậy, “bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí để phát triển bền vững” là quan điểm vô cùng đúng đắn.

Những định hướng lớn cho một chặng đường xa - Anh 5

Ảnh minh họa

Đối chiếu với những vấn đề cốt lõi mà Tổng Bí thư đã nêu, có thể khẳng định, những năm gần đây sự nghiệp phát triển văn hóa, xây dựng con người của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Nhận thức về vị trí, vai trò của văn hoá được nâng lên trong toàn xã hội; thể chế, thiết chế văn hóa ngày càng hoàn thiện; sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật ngày càng phong phú; hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hoá đạt nhiều kết quả; vai trò của văn hoá trong kinh tế được chú trọng; đời sống văn hoá ở cơ sở có bước phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu; giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hoá được mở rộng; đội ngũ quản lý, sáng tác, biểu diễn, lý luận phê bình, nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo về văn hóa nghệ thuật ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng.

Những thành tựu trong phát triển văn hoá góp phần thúc đẩy sự hoàn thiện con người Việt Nam. Không khí dân chủ trong xã hội ngày càng tăng, tính năng động, tích cực của công dân được phát huy, sở trường và năng lực cá nhân được khuyến khích. Lòng yêu nước, tinh thần nhân ái, nghĩa tình, đoàn kết vẫn là những giá trị thể hiện sâu sắc tính nhân văn của con người Việt Nam. Cả nước đồng lòng vượt qua đại dịch COVID-19, giúp đỡ đồng bào vùng thiên tai, bão lụt, tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo. Ý thức tự giác của nhân dân trong các hoạt động văn hoá ngày càng tăng, cả xã hội chung tay xây dựng và phát triển văn hóa.

Những định hướng lớn cho một chặng đường xa - Anh 6

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, bên cạnh đó có thể thấy vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém. Khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền, dân tộc, bộ phận dân cư chậm được rút ngắn; đời sống văn hóa  ở nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu; môi trường văn hóa còn những biểu hiện thiếu lành mạnh; tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng; sáng tác văn học, nghệ thuật tuy nhiều về số lượng, nhưng chất lượng không đồng đều, ít tác phẩm đỉnh cao.

Mặc dù đã đạt được những chỉ số đáng ghi nhận về phát triển con người (HDI), công cuộc xây dựng con người Việt Nam về cả đức, trí, thể, mỹ còn nhiều hạn chế; văn hóa học đường, văn hóa gia đình, văn hóa xã hội còn nhiều biểu hiện đáng lo ngại; văn hóa ứng xử còn không ít hiện tượng “lệch chuẩn”, phản văn hóa; tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống chưa được ngăn chặn, đẩy lùi; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý xứng tầm, đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ giỏi, các nhà hoạt động văn hóa, nghệ thuật tài năng đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế còn nhiều hạn chế…

Do vậy, trong thời gian tới, ngành văn hóa cùng các Bộ, Ban, ngành hữu quan sẽ phải vào cuộc tích cực hơn nữa, quyết liệt hơn nữa mới có thể triển khai nhanh chóng và hiệu quả những chủ trương, định hướng, yêu cầu, nhiệm vụ nặng nề mà Tổng Bí thư giao phó.

GS.TS TỪ THỊ LOAN, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

 

Ý kiến bạn đọc