TP Hồ Chí Minh đảm bảo đủ hàng hóa, không để khan hàng, sốt giá trong bão dịch

VHO- Sau khi 3 chợ đầu mối tạm dừng hoạt động, các ngành chức năng của TP Hồ Chí Minh đã kích hoạt nhiều phương án, đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân.

Từ 0h00 ngày 9.7 tới, TP Hồ Chí Minh sẽ bắt đầu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Tất cả các chợ đầu mối tại thành phố phải tạm đóng cửa, nhiều chợ truyền thống, siêu thị cũng phải dừng hoạt động do liên quan đến các ca mắc Covid-19.

Đây là thiệt hại lớn về kinh tế không chỉ TP Hồ Chí Minh mà còn với các tỉnh thành lân cận bởi các chợ đầu mối lưu thông hàng hóa với 22 tỉnh, thành, là nguồn cung lương thực, thực phẩm quan trọng cho thành phố.

Để giảm thiểu thiệt hại và đảm bảo cung cấp đủ hàng hóa cho người dân, ngành chức năng đang nỗ lực giải phóng hàng tồn cho tiểu thương, điều tiết hàng hóa cho thành phố và các tỉnh thành lân cận.

Điều tiết hàng hóa cho TP Hồ Chí Minh khi đóng cửa nhiều chợ, siêu thị

Quyết định tạm dừng hoạt động toàn bộ chợ đầu mối là quyết định khó khăn khi ảnh hưởng đến hàng chục nghìn người lao động, tiểu thương, nhà sản xuất. Không chỉ riêng TP Hồ Chí Minh, mà còn đối với các tỉnh thành lân cận. Tuy nhiên, theo lãnh đạo thành phố, đây là quyết định cần thiết để nhanh chóng dập dịch.

TP Hồ Chí Minh đảm bảo đủ hàng hóa, không để khan hàng, sốt giá trong bão dịch - Ảnh 1.

Hàng từ các tỉnh về TP Hồ Chí Minh sẽ không tập kết trung chuyển ở chợ đầu mối, mà được chia nhỏ, đưa trực tiếp đến các chợ truyền thống. (Ảnh: NLĐ)

Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, phương án điều tiết hàng hóa đã ngay lập tức được triển khai. Hàng từ các tỉnh về TP Hồ Chí Minh sẽ không tập kết trung chuyển ở chợ đầu mối, mà được chia nhỏ, đưa trực tiếp đến các chợ truyền thống.

TP Hồ Chí Minh cũng đã cho hoạt động lại một số chợ dân sinh, siêu thị hiện đại. Chợ dân sinh sẽ chỉ mở lại các quầy hàng thiết yếu, tiểu thương bán hàng có vách che, các siêu thị mở cửa cũng phải đảm bảo nguyên tắc phòng dịch.

Trước mắt, một số hệ thống bán lẻ lớn sẽ đảm nhận việc tiêu thụ hàng tồn của tiểu thương chợ đầu mối, đồng thời tăng cường nguồn hàng thiết yếu.

Để thích ứng với việc các chợ đầu mối tạm dừng các hoạt động tập kết giao hàng trực tiếp, TP Hồ Chí Minh đã thống nhất với tỉnh Tây Ninh, bố trí vùng đệm trung chuyển giữa hai địa phương, chia nhỏ hàng hóa từ các tỉnh vào chợ truyền thống; khuyến khích các đơn vị chuyển sang các hình thức mua bán như qua điện thoại, bán hàng theo đơn đặt hàng… và các hình thức phù hợp khác nhằm giảm tiếp xúc trực tiếp.

Người dân đổ xô đi mua sắm tích trữ

Trước thông tin các chợ đầu mối đóng cửa, có khả năng TP Hồ Chí Minh mở rộng khu vực áp dụng Chỉ thị 16, từ chiều 6.7, nhiều người dân đã tập trung tại các hệ thống siêu thị lớn để mua hàng tích trữ.

Theo phản ánh của người dân, do nhu cầu mua sắm đột biến nên nhiều mặt hàng tươi sống đã hết sạch ngay từ buổi sáng do siêu thị chưa kịp bổ sung nguồn cung ngay lập tức. Tuy nhiên, theo đại diện Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, người dân không nên lo lắng và đổ xô đi mua sắm tích trữ. Chuỗi cung ứng của thành phố hiện vẫn đảm bảo tiếp nhận hàng và lưu thông bình thường.

Hàng hóa dồi dào, nguồn cung về TP Hồ Chí Minh không lo đứt gãy

"Các quận, huyện cũng đã lên danh sách các loại hình phục vụ cho người dân. Các hệ thống siêu thị sẽ mở cửa sớm và đóng muộn, từ 6h - 23h để phục vụ người dân. Hàng hóa sẽ liên tục về TP Hồ Chí Minh vì nguồn cung ứng từ các tỉnh sẽ không bị đứt gãy. Chúng ta chỉ đang khó khăn trong địa điểm giao dịch. Các công ty quản lý chợ cũng đang hỗ trợ tiểu thương. Hệ thống bán online của siêu thị cũng đang tiếp nhận rất nhiều đơn hàng. Bà con vui lòng chờ để được phục vụ, tránh tâm lý lo lắng vì nguồn hàng về TP Hồ Chí Minh rất dồi dào", Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cho hay.

Siêu thị, chợ truyền thống linh hoạt hình thức bán hàng để phòng dịch

Người dân hạn chế tiếp xúc, ra khỏi nhà nên đã lựa chọn hình thức mua hàng online. Nhu cầu online tăng bất ngờ khiến nhiều hệ thống không chỉ các siêu thị lớn, mà cả các cửa hàng nhỏ không đáp ứng được ngay lập tức. Để hạn chế lúng túng trong dịch vụ mua hàng online, một số siêu thị đã linh động hình thức bán hàng, tiểu thương chợ truyền thống cũng tìm cách đưa hàng đến người tiêu dùng một cách an toàn.

Không cần lựa chọn hàng hóa, mà chỉ cần lên danh sách hàng, ngồi yên một chỗ đợi, nhân viên siêu thị sẽ "đi chợ hộ". Khách hàng có thể thanh toán nhận hàng ngay tại chỗ hoặc về nhà trước giao hàng sau.

TP Hồ Chí Minh đảm bảo đủ hàng hóa, không để khan hàng, sốt giá trong bão dịch - Ảnh 2.

Theo đại diện Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, người dân không nên lo lắng và đổ xô đi mua sắm tích trữ. (Ảnh: PLO)

Phương thức mua sắm mới có tên "Pick & Ship" được Co.opmart kỳ vọng giúp hạn chế gần như tuyệt đối việc tụ tập đông người tại các quầy thu ngân, qua đó giảm từ 80 - 90% nguy cơ tiếp xúc, lây nhiễm.

Trong khi siêu thị linh động cách bán, tiểu thương chợ truyền thống cũng học cách đưa hàng lên bán online, tập làm quen với việc bán hàng qua mạng xã hội, trên các ứng dụng giao hàng, đi chợ hộ.

Trước diễn biến dịch phức tạp, Sở Công Thuơng thành phố cho biết sẽ triển khai cho các địa phương bán hàng đăng ký trước hoặc bán hàng đồng giá.

Ngoài ra, Sở cũng đang phối hợp với các hiệp hội ngành nghề, tổ chức phân phối hàng hóa đến tận tay người dân các vùng cách ly, vùng phong tỏa, đảm bảo cung ứng kịp thời, đủ thực phẩm cho người dân thành phố.

Bộ Công Thương họp khẩn: Đảm bảo hàng hóa cho TP Hồ Chí Minh trong mọi tình huống

Cũng ngay trong chiều 7.7, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã triệu tập cuộc họp khẩn với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, yêu cầu ung cấp đủ nguồn hàng thiết yếu cho các tỉnh phía Nam, không để thiếu hàng hóa, thiếu điện trong bất cứ tình huống nào.

Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải làm trưởng ban, cùng với các thành viên là 8 Vụ, Cục như: thị trường trong nước, kế hoạch, thương mại điện tử và kinh tế số, quản lý thị trường, công thương địa phương và Cục Điều tiết Điện lực.

Ban Chỉ đạo thực hiện 6 nhiệm vụ cấp bách như: kết nối giữa các nhà cung cấp, các nguồn hàng giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có dịch để sẵn sàng đáp ứng hàng hóa trong mọi tình huống; hỗ trợ để phát triển các phương thức mua bán hàng hóa theo hình thức trực tuyến; xem xét, mở chợ truyền thống nhưng phải tổ chức phát phiếu mua hàng theo quy định; đề nghị sự phối hợp của các bộ, ngành, đặc biệt là giao thông để đảm bảo việc lưu thông hàng hóa; đồng thời chống hiện tượng găm hàng, lừa đảo, tăng giá; đảm bảo nhu cầu sinh hoạt, điều trị cho người dân, nhất là người dân trong khu cách ly, đảm bảo TP Hồ Chí Minh và các nơi có dịch không được thiếu điện.

VTV.VN

Ý kiến bạn đọc