Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Trăm khó nghề đạo diễn

Thứ Tư 07/04/2021 | 10:09 GMT+7

VHO-  Chỉ vài chục mét vuông sàn diễn nhưng đòi hỏi phải chuyển tải đầy đủ những hỉ, nộ, ái, ố của cuộc đời, chật chội, gò bó nhưng cũng rộng lớn đến không ngờ. Nhưng rồi, để vở diễn được chỉn chu, hấp dẫn và có “hồn” khiến người xem phải thương, phải nhớ, không thể không nhắc đến vai trò của người chỉ huy tại sân khấu, đó chính là đạo diễn.

 Quốc Thịnh thành công trong vai trò đạo diễn và diễn viên trẻ ở sân khấu kịch

Tuy nhiên, trong thời điểm sân khấu cạnh tranh khốc liệt với các loại hình nghệ thuật, giải trí khác thì việc “kéo” khán giả đến với sàn kịch vẫn đang là bài toán khó đối với người làm nghệ thuật, đặc biệt là đạo diễn. Thiếu điều kiện làm nghề, thiếu kinh phí, thiếu lớp diễn viên có thực lực, thiếu kịch bản mới… tất cả đã tạo nên những trở ngại nhất định.

Khó học, khó làm, khó theo

Trong khi sinh viên lớp diễn viên dễ dàng trau dồi nghề nghiệp bằng cách quan sát các kỹ năng về biểu cảm gương mặt, động tác, lời nói… cộng với năng khiếu, khả năng tiếp thu và rèn luyện để “hô biến” thành kỹ thuật trình diễn cá nhân, thì ngành học đạo diễn lại có rất nhiều gian nan đối với những người “trót” đam mê nó. Những kiến thức nền trong 4 năm học khá nặng, tốn nhiều chi phí, công sức và thời gian nhưng chuyện có làm nghề hay không vẫn chưa thể chắc chắn, nhất là khi các sân khấu xã hội hóa hiện nay rơi vào tình trạng chìm nổi bấp bênh, khó khăn bủa vây tứ bề...

Vì đây là ngành học khó nên đầu vào hằng năm của trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM và trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM chỉ gói gọn vài chục người. Thế nhưng, số lượng sinh viên sẽ “rụng” dần theo thời gian bởi sự “khó nhằn” của nghề. Hầu hết sinh viên tốt nghiệp các khóa đạo diễn khi ra trường chỉ còn khoảng 1/3 so với đầu vào, một con số khiêm tốn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và cứ mỗi thế hệ đạo diễn ra trường, sân khấu lại hy vọng để rồi… thất vọng, bởi không ít đạo diễn trẻ có được vở diễn đầu tay đầy ấn tượng xong… lặn mất tăm. Cơ hội làm nghề vẫn chưa thật sự rộng mở đối với những ai chưa tạo được thương hiệu cho mình, nhất là người trẻ. Thế nhưng, họ vẫn gắng gỏi trên con đường đòi hỏi nghị lực phi thường mang tên “nghề đạo diễn”, vì cũng đã có những tên tuổi thành công hoặc đang thành công từ xuất phát điểm như họ. Trẻ trung, nhiệt huyết là thế nhưng khó khăn vẫn chồng chất phía trước. Ngay cả trên sân khấu TP.HCM được đánh giá là năng động bậc nhất trong cả nước, thì sự đào thải khắc nghiệt của nghề này cũng đã khiến không ít đạo diễn trẻ nản lòng.

Đạo diễn trẻ Ngọc Hùng chia sẻ: “Học đạo diễn là học vai trò của người tổng chỉ huy. Đạo diễn phải nhìn được tổng thể: Kịch bản, thiết kế sân khấu, âm nhạc, đội ngũ diễn viên… để hoàn thành tác phẩm của mình. Tuy nhiên, nghề này lại phụ thuộc phần lớn vào năng khiếu, nên không phải cứ ai học xong là cũng làm được. Theo tôi, tố chất cần có của một đạo diễn là sự nhạy bén và có cái nhìn tổng quan. Thực tế cho thấy, đạo diễn tốt nghiệp ra trường cũng nhiều, nhưng để gắn bó với nghề thì rất ít. Khóa tôi học chỉ có vài người theo đuổi và gắn bó với nghề như Bùi Quốc Thảo, Đỗ Quốc Thịnh, Châu Hùng Lâm, tôi… còn lại, các bạn đều đi làm nghề khác”.

Tự mình cứu lấy mình

Hiện TP.HCM vẫn chưa có một sân khấu thực sự đúng chuẩn như nước ngoài, đa số các sân khấu xã hội hóa đều phải đi thuê mướn mặt bằng tại các hội trường của trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi để làm sân khấu. Cơ sở vật chất chắp vá, tạm bợ, sàn diễn thô sơ, thiếu bối cảnh… Trong khi đó, đạo diễn thì luôn mong chờ các sân khấu có nhiều phương tiện kỹ thuật hơn để họ được vùng vẫy sáng tạo, khán giả được mãn nhãn hơn với sân khấu hiện đại. Cùng với đó là tình trạng khan hiếm những kịch bản mới, nhiều sân khấu vẫn loanh quanh với những đề tài cũ kỹ từ năm này qua năm khác. Còn nhiều lắm những khó khăn đối với đạo diễn nói riêng và sân khấu nói chung, thế nhưng, cũng không thể vin vào đó rồi chán nản thả nổi để những tác phẩm tự trôi.

NSƯT Thành Lộc cho rằng, mọi người đừng cứ mãi đổ lỗi cho hoàn cảnh mà hãy đi tìm chìa khóa phù hợp để mở cửa cho những tác phẩm của mình: “Ngồi than hoài cũng không ai cho mình cái gì, tốt nhất xông vào mà làm. Tôi ra nước ngoài thấy có những sân khấu hoành tráng như Broadway, nhưng cũng có sân khấu chỉ 300 - 400 ghế tương đương kịch Hồng Vân, Hoàng Thái Thanh, thậm chí có nơi chỉ 70 ghế. Tùy vào túi tiền mình đầu tư cho phù hợp, liệu cơm gắp mắm, ráng làm trong khả năng có thể. Phải có tác phẩm hay thì đời sống nghệ thuật mới phát triển được”. Thật vậy, ta cũng cần nhìn nhận thêm về tư duy của người làm nghề đạo diễn trong thời đại mới, vẫn còn thiếu nhiều sức sáng tạo, bứt phá riêng của các đạo diễn trẻ. Tác phẩm sân khấu kịch thời đại mới rất cần sự ngắn gọn, súc tích, năng động, không cần phải dài dòng lê thê theo phong cách cũ.

Để từng bước khắc phục khó khăn, bất cập, trước tiên bản thân người làm nghệ thuật phải tự mình cứu lấy mình, phải tự thay đổi để phù hợp với thời cuộc. Sân khấu có tiếp tục tỏa sáng, tiếp tục trở thành “món ăn” tinh thần được ưa thích của công chúng hay không, trông chờ rất nhiều vào sự đổi mới, năng động, sáng tạo và nhiệt huyết của các thế hệ đạo diễn đang tiếp đuốc, thắp sáng ngọn lửa nghệ thuật. 

HỒNG HẠNH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top