Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Bàn giải pháp thúc đẩy du lịch phục hồi và phát triển trong tình hình mới

Thứ Bảy 03/04/2021 | 16:30 GMT+7

VHO- Tọa đàm Du lịch Việt Nam 2021-2023: Những cơ hội trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ đã diễn ra ngày 3.4 tại khu nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn, Thanh Hóa. Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện dự và phát biểu khai mạc chương trình.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng thương hiệu “quốc gia an toàn” tôn thêm giá trị hình ảnh điểm đến Việt Nam an toàn, thân thiện, hấp dẫn

Tọa đàm do Tổng cục Du lịch, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ và Báo điện tử VnExpress phối hợp tổ chức. Tham dự sự kiện còn có Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh; Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc; Phó Cục trưởng Cục Hàng không Võ Huy Cường; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi; Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết; lãnh đạo nhiều tỉnh, thành; các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, hàng không và đại diện cơ quan truyền thông báo chí.

Trong phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá cao sáng kiến tổ chức Toạ đàm Du lịch Việt Nam 2021-2023: Những cơ hội trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ, nhất là trong bối cảnh Du lịch Việt Nam đang nỗ lực triển khai các chương trình kích cầu du lịch nội địa và cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch để mở cửa đón khách du lịch quốc tế.

Từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, các hoạt động đi lại, vận chuyển hàng không trên thế giới ngưng trệ đã biến Du lịch từ vị trí ngành công nghiệp tăng trưởng nhanh và ổn định hàng đầu thế giới trở nên “đóng băng”. Nhiều lĩnh vực, ngành nghề gián tiếp liên quan đến hoạt động du lịch cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tọa đàm Du lịch Việt Nam 2021-2023: Những cơ hội trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ diễn ra trong bối cảnh các chương trình kích cầu du lịch nội địa đang tiếp tục và chờ đón mùa du lịch hè sắp tới

Tuy nhiên, theo Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO), đại dịch Covid-19 tuy gây ra tổn thất nặng nề nhưng cũng là cơ hội để toàn ngành du lịch thế giới cùng đánh giá và lựa chọn lại các ưu tiên, từ đó tự hoàn thiện, chuẩn bị cho một “kỉ nguyên phục hồi” sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Ở Việt Nam, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, nỗ lực, quyết tâm của các bộ, ban, ngành và địa phương, dịch sau nhiều lần bùng phát đều đã được khống chế và được thế giới khen ngợi trong công tác phòng chống dịch. “Đây chính là tiền đề để thương hiệu quốc gia của Việt Nam tăng 29%. Việt Nam trở thành quốc gia có giá trị thương hiệu tăng mạnh nhất thế giới trong năm 2020, đi ngược xu hướng sụt giảm trên toàn cầu do đại dịch Covid-19. Thương hiệu “quốc gia an toàn” tôn thêm giá trị hình ảnh điểm đến Việt Nam an toàn, thân thiện, hấp dẫn mà nhiều năm nay du lịch Việt Nam đã xác lập trong lòng du khách quốc tế. Đây sẽ là thế mạnh, đòn bẩy cho du lịch Việt Nam khi chúng ta mở cửa đón khách quốc tế trở lại”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói.

Mặc dù năm 2020 dịch bệnh Covid-19 hoành hành, tàn phá nhiều nơi trên thế giới nhưng Du lịch Việt Nam vẫn được vinh danh bởi nhiều tổ chức uy tín quốc tế với các giải thưởng danh giá: Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới, Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á, Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á. Trong điều kiện rất khó khăn Du lịch Việt Nam vẫn khẳng định được sức hút của mình với bạn bè quốc tế.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết sẽ lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các địa phương, doanh nghiệp để cùng chung tay phát triển du lịch

Để khôi phục hoạt động du lịch, kích cầu du lịch nội địa khi du lịch quốc tế chưa ở lại, năm 2020, sau khi các đợt dịch được kiểm soát, Bộ VHTTDL đã phát động 2 đợt kích cầu Người Việt Nam du lịch Việt NamDu lịch Việt Nam - an toàn, hấp dẫn. Những chương trình này đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia mạnh mẽ của các địa phương, doanh nghiệp, cơ quan truyền thông trong cả nước. Nhờ đó, lượng khách nội địa năm 2020 đạt 56 triệu lượt, mang lại nguồn thu khoảng 312.200 tỉ đồng; góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực do dịch Covid-19 tới ngành Du lịch.

Trong giai đoạn phục hồi 2021 - 2023, Việt Nam vẫn sẽ lấy du lịch nội địa làm trọng tâm khai thác. Bên cạnh đó, sẽ làm mới sản phẩm cũ, phát triển sản phẩm du lịch mới để chuẩn bị từng bước mở cửa, tiến tới phục hồi hoàn toàn du lịch quốc tế trong bối cảnh bình thường mới. Báo cáo mới nhất của UNWTO cho thấy, nếu dịch bệnh được kiểm soát và toàn thế giới nới lỏng hạn chế đi lại vào giữa năm 2021, thì cũng sẽ mất 2,5 - 4 năm để du lịch quốc tế hồi phục bằng với mức của năm 2019. Vì vậy, cơ cấu lại thị trường mục tiêu, chuyển hướng tập trung vào thị trường gần và thị trường nội địa là kế hoạch phổ biến của nhiều quốc gia trên thế giới trong nỗ lực phục hồi ngành du lịch.

Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cho biết sẽ tiếp tục tổ chức các lễ hội hoa lớn nhất cả nước để thu hút du khách

Vì thế, kế hoạch phục hồi Du lịch Việt Nam cần được tính toán trên nhiều phương diện. Tại tọa đàm, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đề nghị các đại biểu tham dự tọa đàm sẽ thảo luận trao đổi về định hướng phục hồi du lịch, trong đó tập trung vào công tác phối hợp để vừa đảm bảo mục tiêu phục hồi, phát triển, vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch, có phương án phản ứng nhanh với mọi tình huống khi dịch có nguy cơ bùng phát. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.

Một trong những thảo luận trọng tâm khác là phát triển sản phẩm mới, cần làm mới sản phẩm, gia tăng trải nghiệm cho du khách đối với những sản phẩm hiện có, phù hợp với nhu cầu thị trường thay đổi do dịch bệnh. Đẩy mạnh liên kết giữa các điểm đến, các doanh nghiệp và cơ quan truyền thông, hình thành và triển khai hiệu quả các liên minh kích cầu, thu hút, trao đổi khách.

Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh cho rằng du lịch Việt Nam chưa níu giữ được du khách quốc tế do dịch vụ ẩm thực chưa thực sự hấp dẫn hoặc mang tính đặc trưng vùng, miền

Đối với thị trường quốc tế, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng cần những bước chuẩn bị tích cực về sản phẩm, năng lực phục vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh khi các hoạt động du lịch quốc tế quay trở lại. Về thị trường mục tiêu, các thị trường gần trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ là các thị trường mà du lịch Việt Nam cần chú trọng trong giai đoạn phục hồi 2021 - 2023. Có thể chuẩn bị từng bước thí điểm lựa chọn một số sản phẩm, thị trường để áp dụng hộ chiếu vắcxin, tạo điều kiện đón khách đồng thời đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.

Tọa đàm chia 2 phiên thảo luận: Phiên 1: Sức bật thị trường nội địa; Phiên 2: Mở cửa du lịch quốc tế - Sẵn sàng nguồn lực. Sự kiện hướng đến nhận định xu hướng, nhu cầu chính của thị trường du lịch nội địa trong năm 2021. Những kinh nghiệm, bài học rút ra trong 2 đợt kích cầu năm 2020 để đề xuất cơ chế, chính sách từ cơ quan quản lý, giúp doanh nghiệp điều chỉnh kịp thời kế hoạch trong đợt kích cầu năm 2021, khi yếu tố giảm giá không còn là "chìa khóa vàng" để thu hút du khách.

Các đại biểu đã thảo luận về việc sớm mở cửa lại thị trường quốc tế

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng sẽ thảo luận về tính thiết yếu của việc sớm mở cửa thị trường quốc tế. Các bên sẽ đưa ra kiến nghị, thảo luận về kịch bản, giải pháp cần làm ngay để tái mở cửa biên giới một cách an toàn và bền vững, từ những lợi thế của ngành Du lịch Việt Nam; so sánh với quá trình chuẩn bị của các quốc gia trong khu vực và thế giới.

Tọa đàm là cơ hội để cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương, các doanh nghiệp du lịch cùng nhau thảo luận với góc nhìn riêng, đề xuất các giải pháp góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam phục hồi và phát triển trong tình hình mới.

ANH VŨ; ảnh: GIANG HUY

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top