Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Cần đặt nền móng cho giai đoạn phát triển mới

Thứ Sáu 26/02/2021 | 10:57 GMT+7

VHO- “Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nên ngành Du lịch cũng cần phải có những cách tiếp cận mới, mục tiêu mới và cách định hình khác, đặt nền móng cho phát triển du lịch cả 5 năm của giai đoạn 2021- 2025”, đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tại buổi làm việc với Tổng cục Du lịch, ngày 24.2 .

 Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại buổi làm việc

 Thứ trưởng yêu cầu ngành Du lịch phải khẩn trương tham mưu xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII của Bộ VHTTDL liên quan đến lĩnh vực du lịch, phù hợp với triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong 5 năm tới.

Hỗ trợ du lịch là hỗ trợ chung cho nền kinh tế

Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương, năm 2021 sẽ là một năm tiếp tục khó khăn đối với ngành Du lịch và ngành cần đề xuất các chính sách, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp. Thời gian qua, ngành Du lịch đã đề xuất nhiều chính sách và doanh nghiệp, người lao động trong ngành Du lịch đã thực hưởng những hỗ trợ như: Miễn, giảm tiền điện, thuế đất, phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế… Tuy nhiên, những hỗ trợ này không nhiều, chưa thiết thực, nhiều chính sách chưa thực sự đến được doanh nghiệp, người lao động ngành Du lịch. “Trong khi đó, nếu không có sự chuẩn bị tốt, đến khi dịch được khống chế, thị trường mở cửa trở lại Du lịch Việt Nam rất dễ phải đối mặt những lỗ hổng lớn về nguồn nhân lực, sản phẩm, cơ sở vật chất và định hướng thị trường…”, bà Nguyễn Thị Thanh Hương cho hay.

Với những tổn thương như hiện nay, để “đoàn tàu” du lịch tiếp tục “lăn bánh trên đường ray” không hề đơn giản. Tới giờ đã có hơn 500 doanh nghiệp lữ hành không thể tiếp tục hoạt động, xin thu hồi giấy phép”. 90- 95% doanh nghiệp lữ hành tạm dừng hoạt động, công suất buồng phòng khách sạn chỉ còn 10-20%. “Lực lượng lao động trong ngành đang có sự dịch chuyển lớn sang ngành khác mà phải mất 5-7 năm mới có thể hồi phục như năm 2019. Thị trường thay đổi, nhu cầu, thị hiếu của khách, xu hướng du lịch cũng thay đổi nên cách làm du lịch cũng phải thay đổi để phù hợp với tình hình mới. Trong đó, vai trò “nhạc trưởng” của Tổng cục Du lịch trong việc liên kết các địa phương, các ngành, các doanh nghiệp; cơ cấu lại sản phẩm; định hướng thị trường, xúc tiến quảng bá; đào tạo nguồn nhân lực; chuyển đổi số là vô cùng quan trọng”, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung nhấn mạnh.

Ông Chung cũng đề nghị Bộ VHTTDL kiến nghị Chính phủ có những chính sách hỗ trợ cho ngành Du lịch. Hỗ trợ du lịch hồi phục cũng là hỗ trợ cho các ngành khác vì du lịch là ngành tiêu thụ sản phẩm cho các ngành, đồng thời tránh sự đổ vỡ hàng loạt, tổn thương nặng nề hơn cho ngành.

 Ngành Du lịch cần phải có những thay đổi về sản phẩm, thị trường để thích ứng với tình hình mới và phù hợp với nhu cầu, xu hướng của khách du lịch

Phải có tầm nhìn dài hạn

Gợi mở nhiều vấn đề có tính chất mấu chốt, quyết định của ngành, thẳng thắn đối mặt với những khó khăn trước mắt, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng cần tiếp cận một cách toàn diện, dưới nhiều giác độ, tìm ra những giải pháp hiệu quả, thích ứng với tình hình mới. Trước tiên cần nhận thức rõ vai trò, nhiệm vụ của ngành. Trong công tác quản lý nhà nước phải cái nhìn tổng thể, tầm nhìn xa, thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững của ngành.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu ngành Du lịch sớm xây dựng Chương trình hành động quốc gia về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021- 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về lĩnh vực du lịch. Đây là định hướng khung, trong giai đoạn 5 năm tới phải liên tục bám sát. Từ đó, nhấn vào các nội hàm lớn là: Hoàn thiện thể chế (xây dựng các Nghị định, thông tư, văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch…), các chương trình, dự án trọng tâm, trọng điểm của ngành (chỉ rõ dự án nào xã hội hóa, dự án nào đầu tư từ nguồn ngân sách), công tác chỉ đạo, công tác dự báo… Chương trình hành động này phải bắt đầu từ thực tiễn, bám sát thực tiễn và tập trung trí tuệ toàn ngành.

Tổng cục Du lịch nghiên cứu, tham mưu việc tổ chức Hội nghị toàn quốc về quy hoạch du lịch để định hướng lại, phát triển du lịch theo hướng bền vững, có trách nhiệm, gìn giữ tài nguyên. “Hiện nay, có những nơi các khu vực bãi biển bị “băm nát”, tài nguyên mất đi, để lại những hiểm họa về môi trường mà “cây gậy” quản lý nhà nước không điều tiết được. Sau này ai chịu trách nhiệm, phải phân cấp như thế nào? Quy hoạch du lịch kết nối trong tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế xã hội là gì?”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng đặt vấn đề.

Tại cuộc họp, Tổng cục Du lịch đã báo cáo, đề xuất với lãnh đạo Bộ VHTTDL 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1.1.2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; nhiệm vụ được Bộ VHTTDL giao; các nhiệm vụ trọng tâm chuyên môn khác.

Tổng cục Du lịch sẽ thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an toàn cho du khách, người lao động ngành Du lịch; tiếp tục tập trung vào thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đưa Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch vào hoạt động; tiếp tục đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch trong tình hình mới; hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; đa dạng hóa thị trường khách du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch; triển khai chuyển đổi số trong ngành du lịch, phát triển du lịch thông minh; tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về du lịch.

Ngoài các nhiệm vụ cần ưu tiên thực hiện như việc đưa Quỹ hỗ trợ phát triển đi vào hoạt động, cơ cấu lại ngành Du lịch trong bối cảnh bình thường mới, cơ cấu lại sản phẩm du lịch, định hướng lại thị trường, xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, chuyển đổi số trong phát triển du lịch theo hướng kinh tế số, xây dựng Nghị định mô hình quản lý Khu du lịch quốc gia… Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Du lịch tham mưu cho lãnh đạo Bộ về kế hoạch làm việc với các địa phương về phát triển du lịch. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với tỉnh Ninh Bình và các địa phương liên quan tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2021 trong bối cảnh bình thường mới; phối hợp với Tổng cục Thể dục thể thao xây dựng kế hoạch quảng bá du lịch, phát triển sản phẩm du lịch nhân dịp Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games vào cuối năm 2021... 

 THÚY HÀ; ảnh: LÊ TIẾN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top